Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Jun 20, 2021 - Chúa nhật 12 thường niên năm B

 

Jun  20,  2021 - Chúa  nhật  12  thường  niên  năm  B

Thiên  Chúa  làm  chủ  mọi  biến  cố  cuộc  đời

https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/thanh-vinh-dap-ca-chua-nhat-12-thuong-nien-b.html

Các Bạn thân mến,

Nói đến sóng gió biển khơi thì người Việt Nam chúng ta nghĩ ngay đến những chuyến vượt biên gian khổ để đi tìm tự do sau biến có 30 tháng 4 năm 1975 phải không? Đúng vậy, bởi biết bao người đã nhờ những chiếc thuyền nhỏ loại đánh cá ven biển để chèo lái ra hải phận quốc tế rồi xin các tầu lớn cứu vớt đưa lên bờ, lên đảo của các nước tự do. Nhưng cũng không biết bao nhiêu người đã bỏ xác trên biển cả vì đắm tầu, vì hải tặc, vì tai nạn, vì đói khát…Người may mắn thì một lần đi là tới nơi, người lận đận thì vài lần mới được cứu vớt, có người còn phải trên mười lần mới tới được bến bờ tự do! Mình có ông anh rể đi mười ba lần mới lọt! Quá sức kiên nhẫn và quá sức can đảm v à cũng đầy tốn kém phải không? Thật vậy, nếu các Bạn ngắm nhìn cảnh biển khơi vào những lúc sóng gió gào thét hay vào chiều tối, ban đêm mới thấy thật hãi hùng kinh khiếp!

Thế nên thời thượng cổ, gió và biển là tượng trưng cho sự náo loạn và sự dữ, luôn chiến đấu với Thiên Chúa. Vì thế Giáo hội tiên khởi được coi như là một con thuyền lênh đênh trên biển cả với bao gian truân vt vả khó khăn.

Câu chuyện thánh Macco ghi lại mà Giáo Hội cho chúng ta nghe tuần này, tường thuật về một lần Đức Giêsu cùng với các môn đệ vượt biển Hồ vào một buổi chiều, cũng bị sóng gió tấn công. Nhưng Thánh Máccô đã chứng minh cho thấy quyền năng của Đức Giêsu trên sóng to gió lớn của biển. Chỉ cần Ngài ra lệnh: “Im đi! Câm đi!” là sóng to gió lớn dữ dằn không còn nữa. Các môn đệ hết sức kinh ngạc nói với nhau:"Vậy Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Đó là câu chuyện Đức Giesu và các môn đệ dùng thuyền để sang bờ bên kia hồ Galile cách đây hơn hai ngàn năm. Đây là một hồ nhỏ, nhưng lại nhiều nguy hiểm. Với những cơn bão trên biển hồ vừa bất ngờ, vừa mãnh liệt độc đáo. Vì nó thấp hơn mặt biển, chung quanh có núi non, thung lũng, nhiều khe núi, nên khi gío lạnh thổi tới thì bị nén, rồi ào ào đổ xuống hồ bất thình lình với sức mạnh dữ dội, làm mặt hồ đang phẳng lặng trong giây lát biến thành sóng gío gầm thét. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể lại, là cảnh thường xẩy ra trên biển hồ Galile ấy.

Khi đó Đức Giesu đang ngủ trên thuyền, có lẽ Ngài mệt vì sau khi dùng thuyền giảng dạy cho dân chúng.

Các môn đệ đều là ngư phủ chuyên nghiệp, vùng biển này lại là địa bàn hoạt động của các ông, thế mà gặp bão táp các ông cũng hoảng lên kêu cầu Chúa:

 1.  "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo sao?”:

 -    Vì khi cuồng phong nổi lên, sóng áp vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước, thế mà Đức Giesu vẫn dựa đầu vào chiếc gối ở đằng lái tầu mà ngủ ngon lành!

 -    Một thái độ lạ lùng khiến các môn đệ nghĩ rằng Ngài không hay biết hoặc không quan tâm đến mối nguy hiểm của họ.

-    Ngày nay, có lẽ cảm tưởng này vẫn còn ít, nhiều nơi thành phần các tông đồ, và tín hữu chúng ta.

-    Khi gặp khó khăn hoạn nạn dồn dập, bất hạnh tột độ, chúng ta thường có ý nghĩ Chúa lãnh đạm với nhu cầu của chúng ta, thậm chí phiền trách Ngài không quan tâm lo lắng nữa.

-    Vì chúng ta thường có cảm tưởng như Chúa có nhiệm vụ che chở, cứu giúp con người tránh mọi bất hạnh.

-    Khi không ổn thì nghi ngờ sự quan phòng của Ngài, đôi khi còn liên kết với những đòi hỏi qúa đáng, xấc xược.

-    Xem tình thương của Thiên Chúa qua sự giúp đỡ và giải thoát của Ngài như món nợ Ngài phải trả chứ không là ân huệ nhưng không Ngài ban.

-    Bởi ai cũng biết rằng theo Chúa không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gío, lúc nào cũng được thịnh vượng an bình. Lúc nào cũng chỉ xin ơn này ơn nọ, mà quên chuyện quan trọng là phải chúc tụng ngợi khen và thờ lạy Ngài.

-    Ngay cả những lúc chúng ta không lỗi phạm gì, tâm lòng trong sạch sốt sáng, được gần Chúa nhất, thì giông tố cũng vẫn có thể nổi lên.

-    Vì Chúa không hứa cho chúng ta một đời an nhàn yên ổn, nhưng ban ơn để chúng ta có thể chiến đấu, từ bỏ, đến độ có thể chết để trung thành với Ngài.

-    Vậy hãy nhớ rằng chúng ta chỉ được xin Chúa ban ơn, đừng bao giờ phiền trách, ca thán, giận hờn, xúc phạm đến Ngài.

-    Hơn nữa, đôi khi chính những giông tố đưa chúng ta tới gần Chúa, để thêm tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài, dễ phó thác hoàn toàn. Cũng chính giông tố cho chúng ta biết rõ về mình và giúp biểu lộ đức tin.

-   Cần ý thức rằng Đức Giêsu không chỉ là Đấng làm chủ cả biển rộng nước sâu và phong ba bão táp theo nghĩa đen và nghĩa bóng mà Ngài còn là Đấng đã tự nguyện chết cho nhân loại.

-   Đức Giêsu làm chủ biển sâu theo nghĩa đen là Ngài làm chủ thiên nhiên và các qui luật của nó. Đức Giêsu làm chủ biển rộng theo nghĩa bóng là Ngài làm chủ mọi biến cố, mọi sự kiện xẩy ra, mọi tâm hồn con người.

-    Thế nên đây là điều chúng ta phải ý thức và là bài học qúi gía cho tất cả mọi người.

2.   "Làm sao anh em vẫn chưa có lòng tin?":

 -    Đúng ra các môn đệ phải tin rằng khi đi với Thầy mình thì họ được yên ổn, không phải băn khoăn lo lắng gì.

-    Vì các ông không chỉ đã được chứng kiến các phép lạ và lời dạy của Ngài, mà còn được nghe cả những lời Thiên Chúa Cha đã phán về Ngài.

-    Vậy mà các môn đệ cũng như chúng ta lại luôn có nhiều lý do để biến mình cho sự thiếu niềm tin của mình. Mặc dù Đức Giesu đã thực sự ngăn cản sóng gío trên biển và nó đã phải yên lặng vâng theo và chúng ta còn được Ngài làm phép lạ phi thường bằng chính sự sống lại của Ngài nữa.

-    Đúng là một việc lạ lùng, là một phép nhiệm mầu, thế mà chúng ta cũng quên đi, chẳng quan tâm, còn coi thường ý nghĩa của nó.

-     Nhiều khi còn thắc mắc tại sao ngày nay Chúa vẫn để nhiều người yêu mến Chúa, nhiều người hiền lành, nhiều kẻ vô tội phải chết chìm trong biển sâu?

-    Nhưng ý nghĩa của câu chuyện này không phải chỉ là vấn đề Đức Giesu quở trách sóng gío trên biên khơi, mà còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều.

-    Đó là trong sự hiện diện của Đức Giesu, chúng ta luôn có được sự bình an, ngay cả trong bão tố khủng khiếp nhất của cuộc sống.

-    Vì Ngài luôn ban bình an trong các cơn bão tố của:

        a)  buồn phiền:

          .  Khi sầu muộn đến, Ngài nói với chúng ta vinh quang của cuộc đời vĩnh cửu.

          .  Ngài biến đổi bóng tối của sự chết thành ánh sáng của tư tưởng về sự sống viên mãn.

        . Ngài nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa.

          .  Ngài bảo đảm rồi đây chúng ta sẽ gặp lại những người thân mà chúng ta đã thiếu vắng họ bấy lâu…

      b)  nghi ngờ:

          .  Ngài ban bình an khi những vấn đề của cuộc sống cuốn hút chúng ta vào sự căng thẳng, bấp bênh, ngờ vực.

        .   Khi chúng ta chẳng biết làm gì trước ngã ba đường, chẳng biết xoay sở làm sao trước những phức tạp, khó khăn.

          .   Lúc ấy chúng ta cầu xin Chúa, xin ý kiến Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ được soi sáng, con đường sẽ được khai thông, sẽ biết rẽ hướng nào, biết giải quyết ra sao.

          .  Tuy nhiên thảm kịch thật không phải là chúng ta không biết phải làm gì, nhưng chính là không khiêm nhu thuần phục sự hướng dẫn của Chúa.

          .  Vậy trong tất cả, cần hỏi rồi vâng theo ý muốn của Chúa, đó là con đường dẫn đến bình an trong những lúc bối rối xao xuyến.

       c)  lo âu:

          .  Kẻ thù hàng đầu của bình an là sự lo lắng, cho chính mình, gia đình, những người mình quan tâm, về tương lai ngoài sự hiểu biết.

          .  Nhưng Đức Giesu đã nói với chúng ta về một người Cha không bao giờ làm đổ những giọt lệ nơi con cái mình.

        .  Và về một tình yêu vượt trội giữa chúng ta và những người thân yêu của chúng ta khỏi trôi giạt lang thang.

        .  Thật vậy, trong bão tố của lo âu, Ngài luôn đem đến cho chúng ta sự bình an của tình yêu Thiên Chúa.

-   Sống với Thiên Chúa là Chủ Tể vạn vật và mọi sự xẩy ra trong cuộc đời con người; là Đấng đã chết cho con người được sống. Thái độ xứng hợp là tin tưởng, phó thác và biết ơn. Hành động đúng đắn là trả, là đền ơn Thiên Chúa bằng đời sống hy sinh phục vụ.

3.    Tin vào Thiên Chúa:

-   Các môn đệ đã từng thấy Đức Giêsu chữa nhiều bệnh tật, trừ được nhiều quỷ. Thế mà khi họ phải lao đao giữa cơn bão biển, trong lúc Đức Giêsu đang ngủ. Họ kết luận ngay rằng Ngài chẳng lo gì cho họ!

-   Sách Cách Ngôn dùng giấc ngủ an bình để tả lòng tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Việc Đức Giêsu có thể ngủ ngay lúc bão táp là dấu chỉ lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của Ngài.

-   Những lời Đức Giêsu dùng để nói với bão biển,"Im đi! Câm đi!", cũng là lời Chúa đã dùng để trừ qủy. Như thế, quyền năng của Đức Giêsu trên sóng gió ngụ ý nói về quyền năng của Ngài trên thần dữ.

-   Chữ "lòng tin" khi dùng trong xã hội Hy Lạp hay Do Thái thời đó có nghĩa là "lòng trung thành". Đức Giêsu trách các môn đệ đã để sự nhát gan làm lung lay lòng trung thành của họ đối với Ngài.

-   Quyền năng trên biển, trên bão tố là dấu hiệu một quyền năng đến từ Thiên Chúa.

 -   Qua sự việc này, Đức Giesu còn muốn chứng tỏ Ngài chính là Chúa tể của thiên nhiên, và mời gọi chúng ta vững tin nơi Ngài.

-   Đừng tự hào, chớ kiêu căng, dù ngày nay khoa học tiến bộ tột đỉnh, cũng không thể tạo ra, hoặc sửa đổi được qui luật nào của thiên nhiên vũ trụ; mà mọi thời, mọi loài đều phải tuân chỉ mà thôi.

-    Dù thực tế khoa học đã phát minh được nhiều thành công đáng kể, hữu ích như máy bay, xe hơi, tầu thủy, bóng đèn điện các loại, internet toàn cầu, lên cung trăng, sao Hỏa…vấn đề nhân bản, lai giống động thực vật, giải mã bộ gien của người và sinh vật…

-    Những thành công to lớn ấy đã khiến một số người ảo tưởng rằng con người có thể làm được mọi sự, không cần Thiên Chúa, có kẻ còn cho rằng không có Thiên Chúa, Tạo hóa nữa!

-    Nhưng sự thật khoa học chỉ khám phá những bí mật của thiên nhiên, rồi bắt chước thiên nhiên, dùng thiên nhiên để lập lại thiên nhiên, dùng vật chất làm cái này, cái kia, dùng cái có sẵn để chế tạo nên những vật thể khác...

-    Chưa có nhà khoa học nào cũng như chưa có ai tự nói, tự phán một lời mà có điều gì, hoặc không dùng vật chất có sẵn trong vũ trụ mà tạo nên một vật, cũng chưa có ai phán truyền mà thiên nhiên phải nghe theo.

-    Do đó, nếu biết nhìn xa trông rộng vào thiên nhiên, thì càng đi sâu vào khoa học chừng nào lại càng phải ngưỡng mộ Thiên Chúa chừng ấy.

-    Vậy chúng ta hãy trao đổi kiến thức cách toàn diện, đặc biệt kiến thức cơ bản của khoa học cùng của giáo lý đạo Kito để tránh mê tín dị đoan, những điều nhảm nhí, gây hoang mang lo sợ.

-   Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là tin tưởng, cậy trông, phó thác cách tuyệt đối vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

-    Tin vào Thiên Chúa tạo dựng muôn loài và quan phòng tất cả để phó thác, an tâm vui sống, cho dù cuộc đời có ba chìm bẩy nổi và nhiều lần lênh đênh!

-   Sự hiện diện của Ngài mang bình an đến cho tâm hồn. Đi với Đức Giêsu là đi trong bình an, dù là đi giữa bão tố của đời. Hãy tin tưởng vào Chúa luôn luôn và trong mọi biến cố.

-   Cụ thể mỗi người, mỗi cộng đoàn cần nhìn lại thái độ và cách hành xử của mình, xem mình có thật sự và tuyệt đối tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa, vào Đức Kitô chưa?

-   Cách kiểm chứng dễ nhất là xem trước những khó khăn, trở ngại, khổ đau… mình nghĩ tới ai đầu tiên và chạy tới đâu trước hết? Có phải là Thiên Chúa không? Hay là ông thày tướng, bà thày bói hoặc là những người có chức, có quyền, có tiền có thể giúp mình thoát khỏi tình trạng bế tắc?!

 Lạy Chúa, chỉ có Ngài mới là chủ vũ trụ thiên nhiên đích thật và đúng nghĩa. Xin hiện diện luôn mãi với chúng con, vì chúng con:

      . cần đến Chúa để chúng con không quên, không bỏ Ngài,

      . yếu đuối, cần Ngài nâng đỡ, để chúng con hăng say nồng nhiệt,

     . đang ở lúc xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần kề, chúng con cần được thêm sức mạnh để không dừng lại dọc đường,

      . đang ở giữa đêm tối cuộc đời, loay hoay không biết cách nào vượt qua,

      . chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa mỗi ngày một hơn. Amen. (mượn ý của cha Pio)

Thân mến,

duyenky

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét