8 TÁC PHẨM PHÁ VỠ MỌI QUY CHUẨN TRUYỀN THỐNG CỦA CARAVAGGIO
30/05/21-canhdongtruyengiao
Caravaggio là tên gọi khác của hoạ sĩ bậc thầy người Ý Michelangelo Merisi. Đại diện đầu tiên cho phong cách Baroque này đã phá vỡ mọi ranh giới, rào cản cả trong nghệ thuật lẫn cuộc sống cá nhân. Nhưng cũng chính bởi tính cách quá mạnh mẽ và khác biệt ấy khiến các tác phẩm của Caravaggio không được đón nhận sau khi ông qua đời vào năm 1610. Phải đến thế kỷ XX, người ta mới nhận ra tầm quan trọng của ông đối với sự phát triển của nghệ thuật phương Tây.
Caravaggio sinh ra ở Milan, ông chuyển đến Rome vào năm 20 tuổi và bắt đầu kết giao với những người bảo trợ nghệ thuật giàu có - những người có khả năng giúp ông phát triển sự nghiệp. Khi những những họa sỹ đương thời tập trung tạo nên các tác phẩm với những hình tượng được lý tưởng hoá, thì Caravaggio đã có tư duy trước thời đại khi lựa chọn miêu tả những hình ảnh chân thực, sống động. Các tác phẩm của ông có tính hiện thực cao, kết hợp cùng cách phối sáng tiêu biểu/ấn tượng diễn tả nội tâm, cảm xúc của nhân vật một cách xuất sắc. Các nhân vật như từ đời thực bước vào trong tranh ông. Caravaggio lấy cảm hứng từ tất cả những người xung quanh mình. Bất kì ai từng đi qua cuộc đời người nghệ sĩ cũng có thể trở thành nhân vật chính cho các tác phẩm. Ví dụ như học trò – người tình Mario Minitti của ông đã xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm, nổi bật là bức tranh nổi tiếng Bacchus đang được trưng bày tại phòng tranh Uffizi ở thành phố Florence.
Nếu việc vượt qua ranh giới, phá vỡ các quy luật truyền thống khiến người khác e ngại không dám làm thì Caravaggio vẫn luôn kiên định trong quan điểm nghệ thuật của mình. Trên thực tế, nhiều bức tranh của ông được đặt cho các nhà thờ Công giáo đã bị từ chối, vì chúng không phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ thời bấy giờ. Nhưng may mắn thay, luôn có những nhà sưu tầm hội hoạ đương thời sẵn sàng tìm kiếm bất kỳ bức tranh nào của Caravaggio.
Các nhà viết tiểu sử có xu hướng tập trung nhiều vào hành vi, cách hành xử thất thường của Caravaggio vì ông đã vướng vào các cuộc xung đột, hay thâm chí là tàn sát khiến bản thân bị trục xuất khỏi Rome. Thế nhưng, xét riêng về mặt nghệ thuật, không ai có thể phủ nhận tài năng của Caravaggio, đặc biệt là việc sử dụng kỹ thuật phối sáng. Sự tương phản cao giữa sáng và tối trong các bức tranh của ông đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ sau này như Rembrandt và Peter Paul Rubens. Cả một thế hệ họa sĩ (đặc biệt là ở Bắc Âu), được biết đến với tên gọi là Caravaggisti đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ kĩ thuật sử dụng bóng tối trong tranh của Caravaggio.
Hãy cùng xem điều gì khiến Caravaggio và nghệ thuật của ông trở nên đột phá bằng cách chiêm ngưỡng 8 tác phẩm tiêu biểu của đại danh hoạ người Ý này.
Sick Bacchus
Bacchus là tên gọi khác của vị thần rượu Dionysos trong thần thoại Hy Lạp. Bacchus là một chủ đề phổ biến của các hoạ sĩ, nhưng chưa có ai có thể khắc hoạ nên hình tượng vị Thần này ấn tượng như cách mà Caravaggio đã làm. Bức tranh được vẽ khi người hoạ sĩ đặt chân đến Rome lần đầu, và thực chất tác phẩm này là một bức chân dung tự hoạ của ông, ông đã mô hình hoá bản thân thành nhân vật chính của tác phẩm. Bức tranh phản ánh những suy nghĩ của người nghệ sĩ về sự yếu đuối của con người. Tính bi kịch trong tranh của Caravaggio, đặc trưng cho các tác phẩm sau này của ông, lần đầu tiên được thể hiện qua “Sick Bacchus”.
Bacchus theo truyền thuyết mang nước da rám nắng như mọi cư dân trên đỉnh Olympus thần thánh, thế nhưng Bacchus của Caravaggio lại hiện lên với dáng vẻ vô hồn, da mặt tái xám, những ngón tay yếu ớt giữ lấy một chum nho đã thối rữa. Người nghệ sĩ như đang chế nhạo sự chán ghét và bất lực nhất thời của bản thân, những bản chất tự nhiên luôn tồn tại của con người, và cả những tư tưởng lý tưởng hoá của thời kỳ Phục hưng.
Giỏ trái cây
Bức tranh tĩnh vật “Giỏ trái cây” của Caravaggio được xem là một bước đột phá lớn trong nền nghệ thuật đương đại đương thời. Vậy có gì là đột phá với một giỏ trái cây? Lúc bấy giờ, trong khi thể loại tranh tĩnh vật đã phát triển mạnh mẽ ở Bắc Âu thì mọi thứ lại khác một chút ở Ý. Những giỏ trái cây hay các lẵng hoa dù đã được đưa vào tranh ảnh, nhưng chúng chưa bao giờ được trở thành chủ đề chính cho một tác phẩm nghệ thuật. Và Caravaggio đã thay đổi điều này.
“Giỏ trái cây” là món quà từ Đức Hồng y Francesco Del Monte, người bảo trợ nghệ thuật của Caravaggio dành tặng Đức Hồng y Federico Borromeo, một người rất hâm mộ các tác phẩm của những hoạ sĩ Flemish (những hoạ sĩ theo trường phái hiện thực, tiêu biểu với các tác phẩm đi sâu vào từng chi tiết, các hình ảnh, nhân vật luôn được khắc hoạ sống động). Sau khi chứng kiến tác phẩm tĩnh vật xuất sắc của Caravaggio, các hoạ sĩ đương thời đã có cái nhìn khác về chủ đề của thể loại tranh này: những sự vật tưởng chừng như luôn chỉ đóng vai phụ, trang trí cho chủ thể thì nay cũng có thể trở thành chủ đề chính cho một tác phẩm nghệ thuật.
Lời kêu gọi của Thánh Matthew
Qua một vài năm tạo dựng được các mối quan hệ ở Rome, Caravaggio bắt đầu nhận được những đơn hang tranh cho các nhà thờ trong thành phố. Không bao giờ để những quy chuẩn truyền thống gây áp lực cho mình, người nghệ sĩ nổi loạn đã sử dụng những dự án này làm nơi thử nghiệm và thể hiện quan điểm độc đáo của bản thân. Bức tranh “Lời kêu gọi của Thánh Matthew” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Caravaggio. Các nhân vật trong tranh được kết hợp một cách phóng khoáng và tự nhiên như lời phản kích lại chủ nghĩa lí tưởng của trường phái kiểu cách (Mannerism).
Điểm đặc sắc nhất của bức tranh là cách Caravaggio phối sang cho tác phẩm – kỹ thuật tạo nên thương hiệu của ông. Trong nhà nguyện, ánh sáng mặt trời chiếu vào dọc theo bàn tay Chúa Kitô, hướng về phía Matthew. Ánh sáng ấy không chỉ tạo nên sự kịch tính cho bức tranh mà còn ẩn dụ cho bàn tay Chúa, mời gọi Matthew đi theo Ngài.
Thánh Peter bị đóng đinh
Đơn hàng lớn tiếp theo của Caravaggio là hai bức tranh cho cùng một nhà nguyện: “Thánh Peter bị đóng đinh” và “Thánh Phaolô trên đường Damascus”. Dù hai bức tranh hiện vẫn được đặt trong nhà thờ Santa Maria del Popolo ở Rome, song lại không có bức nào là bản đầu tiên tác giả vẽ. Trên thực tế, cả hai phiên bản đầu tiên này đều bị người bảo trợ từ chối, yêu cầu Caravaggio phải làm lại.
Tác phẩm “Thánh Peter bị đóng đinh” thể hiện rõ những sự lựa chọn táo bạo của người hoạ sĩ. Caravaggio được biết đến với việc sử dụng hình ảnh thường dân với đầy đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố của người trần tục để biểu đạt hình tượng thánh nhân hay chúa trời. Đây là một điều chưa từng có vào thời điểm đó. Trong tranh, Peter hiện lên không phải là một vị thánh được tôn vinh mà chỉ như một người bình thường. Thay vì nâng những nhân vật trong Kinh thánh này lên một vị trí cao hơn thì Caravaggio đặt họ ngang hàng với những người dân thường. Đây là một bước đi táo bạo vào lúc bấy giờ.
Thánh Phaolô trên đường Damascus
Đối diện với bức “Thánh Peter bị đóng đinh” trong nhà thờ Santa Maria del Popolo là một bức tranh ấn tượng khác của Caravaggio “Thánh Phaolô trên đường đến Damascus”. Người hoạ sĩ lại một lần nữa phá vỡ các quy tắc truyền thống. Trong khi các hoạ sĩ Phục hưng và Baroque thường đưa hình ảnh con ngựa làm nền thì ở đây Caravaggio đã đưa con vật này làm tâm điểm của bức vẽ. Điều này đã gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa người nghệ sĩ và phía nhà thờ: “Tại sao lại đặt con ngựa ở giữa, còn Thánh Phaolô dưới mặt đất?” “Vì tôi muốn như thế!” “Nhưng con ngựa không phải là Chúa” “Đúng, nhưng nó đứng trong ánh sáng Chúa Kitô!”.
Cái chết của Đức mẹ Đồng trinh
Đây lại là một tác phẩm bị từ chối khác của Caravaggio. Lần này, người hoạ sĩ nổi loạn được uỷ nhiệm vẽ cảnh cái chết của Đức mẹ Maria. Đáng lẽ bức tranh sẽ được treo ở nhà nguyện trong một nhà thờ ở Rome, nhưng tác phẩm của Caravaggio lại một lần nữa bị từ chối vì bị cho là không phù hợp. Nguyên nhân là vì người ta cho rằng, ông đã sử dụng một cô gái điếm (có thể là tình nhân của ông) để làm mẫu cho Đức mẹ Đồng trinh, và điều này đã gây nên tranh cãi rất lớn. Ngoài ra, với tư cách là một hoạ sĩ theo trường phái hiện thực, Caravaggio vẽ người đã khuất trong trạng thái nhợt nhạt, với thân hình bị trương phình lên. Hình ảnh được cho là không tôn trọng Đức mẹ Maria này đương nhiên không được sự chấp nhận từ nhà thờ và Caravaggio đã bị thay thế bởi một hoạ sĩ khác. May mắn thay, bức tranh đã được Công tước xứ Mantua mua qua sự giới thiệu của bậc thầy Peter Paul Reubens. Trải qua một vài chủ sở hữu, bao gồm cả Vua Charles I của Anh, “Cái chết của Đức mẹ Đồng trinh” được đưa vào bộ sưu tập tại Bảo tàng Lourve sau cuộc Cách mạng Pháp.
David và chiếc đầu của Goliath
“David và chiếc đầu của Goliath” là một kiệt tác tâm lí được vẽ trong khoảng thời gian Caravaggio bị trục xuất khỏi Rome sau khi sát hại một người đàn ông. Caravaggio đã sử dụng kĩ thuật tạo nên bi kịch và bí mật trong tranh (tenebrism) cho thấy hình ảnh David trẻ trung đang chăm chú nhìn chiếc đầu bị cắt rời của Goliath với nét mặt pha trộn giữa nỗi buồn và lòng trắc ẩn.
Caravaggio đã tự mô hình hoá bản thân thành Goliath. Sau vụ giết người, Caravaggio bị trục xuất khỏi Rome từ năm 1606, sống ở Naples, Sicily và Malta. Một số người tin rằng bức tranh là món quà cho Đức Hồng y Scipione Borghese, nhà sưu tập nghệ thuật cuồng nhiệt và là người có quyền năng tha tội cho Caravaggio. Những người khác lại tin rằng đó chỉ đơn giản là lời cầu xin lòng thương xót qua ánh mắt buồn bã của David phản ánh sự thương hại mà Caravaggio mong muốn nhận được. Dù thế nào đi nữa, Caravaggio đã được ân xá, nhưng ông không bao giờ có thể trở lại Rome bởi trong chuyến đi trở về quê hương thân yêu của mình, ông đã đổ bệnh và qua đời trước khi đặt chân trở lại thành phố.
Theo Mymodernmet
Minh Thư dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét