Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Vì sao người xưa coi trọng chữ Hòa?

 

Vì  sao  người  xưa  coi  trọng  chữ  Hòa?

Thiên Cầm•Chủ Nhật, 25/10/2020

(Tranh minh họa qua Kknews.cc)


Nghĩa gốc của “Hòa” là sự điều tiết, nhưng nội hàm của chữ Hòa trong văn hoá truyền thống vô cùng phong phú. Giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia đều phải coi trọng chữ Hòa, giữa con người và tự nhiên cũng cần coi trọng chữ Hòa. Hòa đối với một người mà nói, chính là lòng dạ khoáng đạt, nhu cương thích hợp; đối với một quần thể mà nóichính là chung sống an ổn lẫn nhau.

Khổng Tử nói: “Lễ chi dụng, hòa vi quý” (Luận Ngữ) nghĩa là trong việc thực hành Lễ, thì “Hòa” được đặt lên hàng đầu. Thật vậy, mọi chế định trong quy phạm xã hội cần phải hướng tới sự hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên.

Trong sách “Thượng Thư” có ghi lại rằng: Hồng dương đạo đức, dùng điều này bày tỏ sự thân thiện với những người trong các tộc khác nhau; Các tộc chung sống hòa thuận sẽ có thể giáo hóa dân chúng; Dân chúng hiểu rõ tốt xấu rồi thì có thể khiến vạn nước hòa hợp.

Ở đây Thượng Thư miêu tả cảnh tượng thiên hạ thái bình mà Nho gia hướng tới. Lúc đó trên dưới hòa thuận, bách tính an cư lạc nghiệp, “mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi”. Gia tộc hòa thuận, bách quan hòa hợp, vạn bang hòa hảo, thiên hạ thái bình. Xã hội lý tưởng ấy đều dựa trên một chữ Hoà. Mà muốn có được điều ấy thì việc cơ bản nhất là người người ai nấy đều phải tự giác tuân thủ những chuẩn tắc, đạo đức chung trong xã hội. Vì thế cần “khắc minh tuấn đức”, dùng đạo đức để thu phục lòng người.

Về đạo trị quốc quý trọng chữ Hòa, Mạnh Tử còn nhắc tới tư tưởng “Dữ dân đồng lạc” (Cùng vui với dân). Ông nói: “Vui với niềm vui của dân thì dân vui với niềm vui của mình; Lo lắng với nỗi lo của dân thì dân lo lắng về nỗi lo của mình.” Những bậc quân vương thánh minh thường đồng cam cộng khổ với dân, trong tâm chứa đựng thiên hạ bách tính. Như vậy họ mới được nhân dân che chở, yêu mến.

Trong việc đối xử giữa người với người, sức mạnh của chữ Hòa cũng rất quan trọng. Cổ nhân có câu: “Đứng đơn độc thì dễ bị bẻ gãy”. Câu này xuất phát từ cuốn “Tây Tần Lục – Tam Thập Quốc Xuân Thu”:

Các vương tử con trai của vua Hung Nô muốn phân tách. Thiền Vu bèn triệu tập họ đến, đưa cho mỗi người một mũi tên và bảo họ bẻ gãy, các vương tử đều dễ dàng làm được. Thiền Vu lại đưa cho mỗi người con một bó tên và bảo họ bẻ gãy. Kết quả là không một ai làm được. Thiền Vu nói với các con rằng, hiện giờ anh em các con bất hòa, ai nấy đều như một mũi tên, rất dễ bị kẻ địch đột kích từng người một. Nếu anh em các con đoàn kết lại, sẽ như một bó tên, không ai có thể chiến thắng các con.

Trong “Chu Dịch” cũng nói: “Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim”, nghĩa là hai người đồng tâm hiệp lực, sức mạnh lớn hơn cả dao sắc chặt đứt vàng kim. Vế sau của câu này là: “Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan”, tiếng nói đồng lòng, thơm như hương hoa Lan. Câu “Kết nghĩa kim lan” cũng bắt nguồn từ ý này.

Giữa người với người, để giữ được chữ Hòa này thì cần đối đãi với nhau khoan dung, tuy nhiên phải giữ vững nguyên tắc của bản thân. Luận Ngữ viết: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác.” Người cao thượng chỉ thành toàn cho điều tốt đẹp, không hỗ trợ cho chuyện ác của người khác. Đối với hảo sự của người khác, cần ủng hộ và tán dương. Đối với việc xấu của người khác, không nên mừng thầm hay thậm chí “dậu đổ bìm leo”, đãi người phải khoan dung, nhân hậu, thiện lương.

“Quân tử chi giao đạm nhược thuỷ, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ”, mối quan hệ chân thành giữa người quân tử thường nhạt nhẽo như nước, giao tình giữa kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngon. “Quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”, quân tử kết giao đạm nhạt lại thân thiết, tiểu nhân giao tình dẫu ngọt ngào, nhưng lại rất dễ đoạn tuyệt. Có thể thấy rằng, giữa người với người nếu không mang theo chút màu sắc công danh, lợi lộc nào, thì chữ Hòa ấy sẽ trong trẻo, mát lành như nước vậy.

Nhưng Hòa không phải là ba phải, vô nguyên tắc. Luận Ngữ viết: “Quân tử hòa mà không đồng, tiểu nhân đồng mà không hòa”. Quân tử có chủ trương của mình, đồng thời có thể khoan hậu đãi người, có thể chung sống hoà thuận với mọi người, đây gọi là “Hòa mà không đồng”. Tiểu nhân lại dễ bị người khác gây ảnh hưởng, tát nước theo mưa, a dua, nịnh hót, nhưng hễ có xung đột về lợi ích, thì không thể chung sống hài hoà với mọi người, đây chính là “Đồng mà không hòa”.

Người quân tử đối đãi khoan dung, hòa thuận với người khác, nhưng không hùa theo một cách mù quáng. Phẩm hạnh của người quân tử lương thiện, nhưng nội tâm lại cương nghị, có niềm tin của bản thân, không nước chảy theo dòng, góp sóng thành bão vậy.

Thiên Cầm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét