Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Các khuyết tật của con trai tôi đang dậy tôi bước đi trong đức tin

 

Các  khuyết  tật  của  con  trai  tôi  đang  dậy  tôi  bước  đi  trong  đức  tin

Chad Judice – Lại Thế Lãng dịch- Sat, 12/06/2021

“Thưa huấn luyện viên, nỗi sợ hãi lớn nhất của thầy là gì?”

Câu hỏi đến từ một học sinh của tôi, một học sinh lớp tám tại trường tiểu học Công giáo, nơi tôi dậy môn xã hội và huấn luyện bóng rổ. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này trước đây, nhưng câu trả lời đã nhanh chóng đến với tôi: “Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là có một đứa con bị khuyết tật về tinh thần hay thể xác”.

Tôi tiếp tục giải thích rằng tôi là một người cầu toàn. Tôi thích những việc đều đều, trật tự và những tình huống tôi có thể kiểm soát. Có một đứa trẻ với những nhu cầu đặc biệt sẽ đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và trách nhiệm không theo quy trình, tôi nói với lớp học. “Tôi không nghĩ rằng tôi có thể xử lý rất tốt”.

Bốn năm sau đó, tôi không bao giờ nghĩ khác. Rồi vào ngày 30 tháng Chín, 2008 nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã trở thành sự thật.

Có một lý do. Vợ tôi, Ashley, trông đợi đứa con thứ hai và tôi đã cùng cô ấy đi siêu âm định kỳ. Chúng tôi không có lý do gì để lo ngại. Chúng tôi đã đặt cái thai này vào tay Cha, và đứa con bốn tuổi của chúng tôi, Ephraim đã đến thế giới này không có vấn đề gì. Nhưng thứ Ba hôm đó chúng tôi nhận được tin đau lòng rằng đứa con chưa chào đời của chúng tôi bị dị tật bâm sinh nghiêm trọng nhất gọi là nứt đốt sống. Điều này xẩy ra khi ống thần kinh của đứa trẻ, cấu trúc cuối cùng phát triển thành tủy sống và não của đứa trẻ không phát triển hay đóng lại sớm trong thai kỳ. Kết qủa là ngay cả với cuộc đại giải phầu sau khi sinh, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng là suốt đời.

Trong phút chốc ảo tưởng kiểm soát cuộc sống của tôi đã tan tành. Tôi đã dành phần còn lại của ngày hôm đó cho bàng hoàng và sợ hãi. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân của chúng tôi? Đến đứa con trai lớn của chúng tôi? Đến tài chánh của chúng tôi?

Ngày hôm sau người bác sĩ hỏi chúng tôi “Ông bà có muốn bỏ cái thai đi không?”. Vợ tôi đã đã cương quyết trả lời Không. Cả hai chúng tôi đều tin vào giá tri cuộc sống của mỗi con người ngay từ lúc được thụ thai.

Nhưng buổi tối hôm đó Ashley đã khóc khi đọc cho tôi nghe cuốn sách chúng tôi đã được tặng. Nó nói rằng 80 phần trăm những cha mẹ nhận được chẩn đoán nứt đốt sống đều chọn phá thai. Nó nói rằng con trai chúng tôi có thể bị khuyết tật trong học tập và bị liệt từ thắt lưng trở xuống không thể đi lại hoặc kiểm soát ruột ruột của mình. Mặc dầu Ashley là một y tá chăm sóc trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, thông tin này đã khiến cô ấy lạnh sống lưng vì sợ hãi trước những đau khổ mà con chúng tôi sẽ phải đối mặt. Nước mắt đầm đìa trên khóe mắt, vợ tôi nhìn lên tôi nói “Em sẽ xuống địa ngục mất. Em thực sự đang nghĩ đến việc phá bỏ đứa bé này.

 “Thiên Chúa gửi đứa trẻ này đến cho chúng ta với một lý do” tôi trả lời, bất chợt được đánh động bởi một niềm tin chắc chắn đến từ Chúa Thánh Thần “Chúng ta cần phải tin tưởng vào Chúa như cách mà Ephraim tin tưởng vào chúng ta”, Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18: 3 -5). Và vì thế trong tinh thần tin tưởng vào Thiên Chúa như trẻ nhỏ, tin vào Cha chúng ta, chúng tôi chọn đón nhận Elijah Paul vào cuộc sống của chúng tôi.

Và vâng, chúng tôi đã cầu nguyện để xin một phép lạ.

Cả một chuỗi phép lạ. Điều đầu tiên tôi coi là một loạt những phép lạ xẩy ra ngày hôm sau, trong thánh lề Chúa nhật tại trường Trung học Công giáo, nơi tôi dậy học: Bài Tin Mừng là của thánh Mát-thêu đoạn 13 câu 3- 5! Khi tôi nghe, tôi cảm thấy như Chúa đang nói trực tiếp với tôi, khẳng định điều mà Ashley và tôi đã quyết định.

Trong phần thông báo sau thánh lễ, một người bạn thân và là thành viên trong ban giảng huấn  xin phép tôi được chia sẻ tình trạng của con trai tôi với 1,200 học sinh, ban giảng huấn và phụ huynh tham dự. Anh ấy mời họ “cầu nguyện với tôi xin một phép lạ” và hướng dẫn một buổi cầu nguyện ngắn gọn cho Eli được chữa lành.  Hơn sáu tháng còn lại của thai kỳ của Ashley, cộng đồng đức tin của trường học này - cùng với cha mẹ chúng tôi và những thân nhân khác, bạn bè và ngay cả những người xa lạ - trở thành Si-mong thành Cyrene, nâng đỡ chúng tôi trong lời cầu nguyện khi chúng tôi vác thập giá tới núi Ca-vê.

Tôi cũng chia sẻ hành trình đức tin của riêng tôi với các lớp học, đôi khi đẫm nước mắt, tôi mời gọi học sinh của tôi cùng tôi cầu nguyện cho Eli. Sự đáp trả thật tuyệt vời. Một số người chưa bao giờ tham gia cầu nguyện trong lớp đã bắt đầu cầu nguyện. Một số trở nên cam kết hơn với Chúa Giêsu và cảm nghiệm Ngài theo cách cá nhân hơn. “Tôi có thể cảm nhận được Chúa trong khi chúng tôi cầu nguyện”, một học sinh đã viết cho tôi “Tôi đã cảm thấy như vậy chỉ hai lần trước đây trong đời”. Eli đã thực sự ghi dấu ấn của mình. Tôi cũng coi đây là một phép lạ.

Trong lúc đó, đời sống cầu nguyện của gia đình chúng tôi ngày càng sâu sắc hơn. Ashley và tôi đã gặp gỡ cha Manny Fernandez, một linh mục với tác vụ chữa lành. Cả hai chúng tôi đều cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và cảm nhận được bình an của Ngài khi cha cầu nguyện trên chúng tôi. Theo gợi ý của cha, Ashley và tôi bắt đầu đưa Ephraim vào những buổi tối cầu nguyện đặc biệt hàng đêm xin chữa lành cho Eli.

Chúng tôi đi trong đức tin. Elijah Paul Judice được sinh ra ngày 17 tháng Hai, 2009. Bé bị nứt đốt sống, nhưng khe hở ở cốt sống không to như các bác sĩ đã nói với chúng tôi mà chỉ có kích cỡ nhỏ hơn. Đã có trải nghiêm về sự hiện diện của Chúa và lòng tin trong nhiều cách, Ashley và tôi đều bình an. Những cuộc giải phẫu của Eli tiến triển tốt và mặc dầu nhưng thử thách về mặt y tế, bé đã được về nhà trong vòng chưa tới một tháng.

Cuôc sống với Eli đã là một cuộc phiêu lưu. Bé bị co giật và phải giải phẫu, và khi chúng tôi tiếp tục hành trình, Ashkey và tôi đã qua những trải nghiệm đã làm chúng tôi sợ hãi. Nhưng chúng tôi cũng tiếp tục nhìn thấy phép lạ nữa.

Trong suốt Tuần Thánh năm 2011, Eli trải qua hai cuộc phầu thuật để loại bỏ khối u nang não không thành công. Nghĩ rằng sẽ cần một cuộc giải phẫu thứ ba, tôi đã nhân đôi những lời cầu nguyện của mình bằng cách đưa tới đấng cầu thay tôi ưa thích là Đấng Đáng kính Phanxicô Xaviê Seelos, một linh mục Dòng Chúa Cứu thế có Đền thánh ở New Orleans mà tôi đã viếng thăm sau ngày Eli sinh ra. Tối hôm đó, bên giường bệnh của Eli tôi cầu xin Chúa Giêsu thu nhỏ cái u nang đang đặt ra một thử thách.

Sáng hôm sau, bác sĩ giải phẫu thông báo cho chúng tôi rằng cái u nang đã thu nhỏ khoảng 75 đến 80 phần trăm kích cỡ trong một đêm. Ông nói trong bốn chục năm làm bác sĩ ông chưa từng thấy xẩy ra như vậy.

Tầm với của Eli. Ngày nay Eli đang sống tốt hơn những gì các bác sĩ đã từng mong đợi. Với đôi nạng và một thiết bị đặc biệt, Eli đang tập đi. Cháu đang đi học và trí thông minh của cháu ở mức trung bình hay trên trung bình. Điều tốt hơn cả, cháu là một đứa bé vui vẻ với nụ cười tươi nói lên sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của nó.

Eli là món quà rất đặc biệt của Chúa cho Ephraim, Ashley và tôi. Và khi chúng tôi chia sẻ về cháu, câu chuyện của Eli làm mềm lòng và đưa mọi người tới một sự đánh giá cao hơn về vẻ đẹp và sự thiêng liêng của cuộc sống. Nghe câu chuyện này một số bà mẹ mang thai đã cảm động từ chối phá thai. Những người khác đã quay trở lại với Chúa. Tôi nghĩ những nhận xét này, từ một trong số những học sinh cũ của tôi nói đúng.

Mọi người thường hỏi tôi anh hùng của tôi là ai. Tôi thực sự không bao giờ có thể đưa ra một câu trả lời tốt. Hôm nay tôi nhận ra anh hùng của tôi là Eli . . . Câu chuyện của Eli đem đến cho mọi người niềm hy vọng, truyền cảm hứng và là một bằng chứng rằng có một Thiên Chúa và rằng Ngài chăm sóc chúng ta . . . Những phép lạ mà tôi đã chứng kiến đã tiếp sức cho đức tin của tôi và cho tôi thấy rằng Thiên Chúa thực sự vẫn còn nói chuyện với mọi người.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét