Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Jun 6, 2021 - Chúa nhật Lễ Mình và Máu Thánh Đức Giesu năm B

 

Jun 6, 2021 - Chúa nhật  Lễ  Mình  và Máu  Thánh  Đức  Giesu  năm  B

Lương  thực  trường  sinh

                                                                 


  https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/thanh-vinh-dap-ca/thanh-vinh-dap-ca-chua-nhat-le-minh-mau-chua kito.html                                                            

Các Bạn thân mến,

Trước khi tiến vào Đất Hứa, ông Mose kêu gọi dân chúng nhớ lại sự dẫn dắt của Thiên Chúa suốt 40 năm trời trong sa mạc.

Ở đó, khi dân chúng không còn phương tiện nào kiếm sống quen thuộc. Họ lại không phải là dân sa mạc nên cuộc sống rất khó khăn, xem chừng chỉ muốn lấy mạng sống của họ. Nhưng thật ra đây là lúc thử nghiệm đức tin của họ nơi Thiên Chúa. 

Đúng vậy, sự đói khát cho thấy họ không thể sống sót nếu Thiên Chúa không cung cấp lương thực. Và phép lạ Manna cùng những phép lạ bất thường khác chứng tỏ Thiên Chúa có thể thỏa mãn nhu cầu của họ, không chỉ đủ dùng, mà còn dư thừa hoa quả, nước ăn uống, và xử dụng; ngay cả những món xa xỉ như dầu ô liu và mặt ong nữa. Nên ông Mose luôn nhấn mạnh rằng:“đừng quên!"  vì trước đây họ đã nhiều lần quên Thiên Chúa và càng ngày khuynh hướng này càng mạnh hơn. Lúc ở sa mạc, khi mọi sự hết sức khó khăn, cái đói khát chết chóc luôn gần kề thì tự nhiên họ trông cậy nơi Thiên Chúa. Nhưng khi đầy đủ mọi thứ thì họ lại thấy như an toàn, không cần cậy nhờ ai, cả Thiên Chúa. Đây là một vấn đề thực tế của tâm lý con người mọi thời đại. Sự giàu có dư dật có thể dẫn đến ảo tưởng rằng chúng ta có thể tự lo liệu được cho mình. Chính vì vậy mà Thiên Chúa cho họ kinh nghiệm sống khó khăn trong sa mạc, để khi vào Đất Hứa, họ không quên những điều tốt đẹp Ngài đã ban cho.

Ngày nay chúng ta cũng thấy không biết bao nhiêu người giàu có, đến mức tỉ tỉ phú…nhưng khi bất hạnh xảy ra, thì họ nhanh chóng trắng tay!

Hiển nhiên những người được Thiên Chúa nuôi bằng Manna và nước uống từ tảng đã chảy ra trong sa mạc cũng đã chết. Còn Đức Giesu hứa ban một lương thực cao cả hơn, dùng lương thực này chúng ta không bao giờ còn bị đói khát và bị chết nữa. Vì lương thực ấy chính là Mình và Máu Thành của Ngôi Hai Thiên Chúa.

1. Các loại bánh:

Ðức Giêsu là một thứ Bánh có thể thoả mãn mọi cơn đói của loài người:

Với những người theo Ngài trong sa mạc đã ba ngày và đang đói, Ngài ban bánh tự nhiên thỏa mãn cơn đói thể xác của họ.

Với người cùi bị mọi người ghê tởm lánh xa, Ngài cho anh bánh chữa lành cơn bệnh.

Với người phụ nữ nhiều chồng bên bờ giếng Giacóp, Ngài cho chị thứ bánh nhân ái làm thỏa mãn cơn đói muốn được chấp nhận.

Với những người tội lỗi, Ngài ban bánh thứ tha.

Với những người bị xã hội ruồng bỏ, Ngài cùng ăn với họ và ban cho họ bánh cảm thông để thỏa mãn cơn đói muốn được người ta nhìn nhận phẩm giá của mình.

Với người mẹ Naim đang đi chôn đứa con độc nhất của mình, và với Matta, Maria đang khóc vì Ladarô vừa mới chết, Ngài ban bánh sự sống cho người thân của họ sống lại.

Với người thu thuế Giakêu quen ăn cắp bánh của người nghèo, Ngài đến nhà và ăn cùng bàn với ông, ban cho ông bánh một đời sống mới tốt đẹp.

Với tên trộm bên phải thập giá Ngài, Ngài ban cho bánh hòa giải và một chỗ trên bàn tiệc thiên quốc.

   

Thế nhưng vẫn có những người không đón nhận bánh của Ngài mà chỉ lo tìm lương thực thế gian:

  .  Họ mải mê làm ăn, đầu tư tích trữ của cải vật chất như chẳng bao giờ họ phải chết.

  .  Họ vui thỏa với cá tính, với những thú vui xác thịt trần gian như chẳng bao giờ chúng qua đi!

 .  Với những thứ chiếm được, họ tưởng đời sống họ sẽ viên mãn!

  . Cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng không đoàn kết yêu thương nhau.

Được nuôi dưỡng bằng bánh bởi Trời, nhưng họ lại quá lo lắng trước những khó khăn trần gian.

-   Khi nơi nào xảy ra nạn đói thì hầu như cả thế giới xúc động gởi thực phẩm cứu đói. Nhưng có mấy ai quan tâm đến những cái đói tinh thần: đói yêu thương, đói công bình, đói chân lý, đói tha thứ, đói cảm thông...? là những thứ giặc đáng sợ mà mọi người cần phải hợp sức tận diệt. Và loại đói này chỉ một mình Ðức Giêsu có thể cứu.

-   Tuy nhiên không phải hễ cứ rước lễ là sẽ no. Muốn Ðức Giêsu thực sự trở thành của ăn bổ dưỡng, chúng ta cần phải kết hợp với Ngài.

-   Bởi thế câu "Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày", mà chúng ta xin ấy không phải chỉ là cơm nước vật chất, mà còn là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống linh hồn chúng ta.

-  Theo Giáo Hội, người đang mang tội trọng trong mình thì không được rước lễ. Vì như thế là xúc phạm Mình Thánh Chúa.

-  Nhưng từ ý thức tôn trọng Mình Thánh Chúa trên đây, nhiều người lại vô tình xa cách lương thực Chúa ban: không dám rước lễ khi thấy mình yếu đuối, tội lỗi, nguội lạnh. Nghĩ vậy chẳng khác gì cho rằng khi đói thì không được ăn!

-  Ngày xưa trong sa mạc, dù dân Do Thái luôn làm Chúa buồn lòng, nhưng Ngài vẫn ban cho họ Manna mỗi ngày; trong Thánh lễ đầu tiên ở nhà Tiệc ly, Ðức Giêsu đã cho tất cả các tông đồ rước Mình Máu Ngài, mặc dù trước đó họ còn tranh cãi với nhau, và sau đó còn chối bỏ Chúa.

-  Ðúng là chúng ta bất xứng trước Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng đừng để ý thức bất xứng ấy làm chúng ta xa cách thứ lương thực duy nhất cứu chữa và nuôi sống chúng ta.

2. Việc cần thiết phải ăn Thịt và uống Máu Đức Giesu:

-    Thịt và Máu Đức Giesu là nhân tính trọn vẹn và đầy đủ của Ngài. Vì Ngài vốn có xương thịt như chúng ta.

-   Thế nên thần linh hay ai phủ nhận Đức Giesu lấy xác thịt mà đến là phần Kito giáo trối bỏ sự thật, trối bỏ lịch sử.

-   Thánh Gioan nhấn mạnh rằng Kito Hữu phải tin thật, phải bám chặt, không được lơ là phần nhân tính trọn vẹn của Đức Giesu.

-    Vì Đức Giesu là tâm trí của Thiên Chúa trở thành con người.

-    Nơi Ngài, chúng ta thấy Thiên Chúa mặc lấy sự sống y như con người, đối diện với hoàn cảnh của con người, phấn đấu với các vấn đề của con người, tranh chiến với những cám dỗ của con người, giải quyết các mối liên hệ giữa con người chúng ta…

-    Đức Giesu đã thần hoá xác thịt của chúng ta bằng cách mặc lấy nó lên chính Ngài.

-    Ăn thịt Chúa Cứu Thế là nuôi dưỡng tư tưởng bằng nhân tính của Ngài, cho đến chừng nào nhân tính của chúng ta được tăng cường, được tẩy sạch để trở thành thuần khiết và được Ngài chiếu sáng cho.

-    Chúa cũng dạy chúng ta phải uống máu Ngài.

-   Người Do Thái cho rằng máu là tiêu biểu cho sự sống, và thuộc về Thiên Chúa.

-   Một vết thương làm máu chảy ra, nếu không cầm được, sự sống sẽ bị giảm dần đến chết.

-   Bây giờ chúng ta hiểu điều Đức Giesu noí: “Các người phải uống Máu Ta, phải nhận lấy sự sống của Ta là sự sống thuộc về Thiên Chúa.”

-    Phải uống Máu Ta là phải lấy sự sống của Ngài vào tâm khảm mình.

-    Phải ăn Thịt và uống Máu của Ngài là phải tiếp thu sự sống của Ngài, đưa vào bên trong chúng ta, khi ấy nhân tính của Ngài sẽ nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn chúng ta, bồi bổ đời sống chúng ta bằng đời sống của Ngài cho đến khi chúng ta được thấm nhuần, tràn ngập, đầy dẫy sự sống của Thiên Chúa. Lúc ấy Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa, chúng ta sẽ có sự sống và đó mới là sự sống thật.

3.  Thánh Thể là bí tích thông hiệp:

Tấm bánh mà hằng ngày chúng ta dâng trên bàn thờ và sau đó rước vào lòng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa:

-         Là thành quả do biết bao công lao của: đất, nước, ánh mặt trời, những giọt mưa, sức lao động và trí óc con người.

Trước khi đến chúng ta, nó cũng qua tay người thợ gặt, người thợ xay và người thợ làm bánh…

Và đương nhiên chúng ta không thể quên vai trò của Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng.

Là một tấm bánh, nhưng nó kết hợp rất nhiều hạt bột từ rất nhiều hạt lúa rải rác trên các cánh đồng.

-   Bởi thế, khi chủ tế dâng bánh lên, ngài đọc: "Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và lao công của con người."

-   Còn Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay thì coi tấm bánh ấy là biểu tượng của sự hợp nhất các tín hữu: "Chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh."

-   Đức Kito vừa là bánh, vừa là Đấng ban bánh, thì cái bánh Ngài ban hẳn là chính mình Ngài, Thịt Ngài và Máu Ngài. 

-    Bánh ấy đồng hoá với xác thịt Đức Kito, thì chính Ngài sẽ ban, theo nghĩa Ngài tự hiến mạng sống mình cho chúng ta.

-    Cha ban Con rồi Con ban thịt mình cho thế gian.

-    Sau khi Ngài hy sinh hiến tế mình trên thập giá, rồi Phục Sinh, lúc ấy thịt Ngài trở nên của ăn ban sự sống đời đời, vì lúc ấy Thịt Máu Ngài mới được Thần Khí phục sinh làm cho hoá thành thần linh. Vì Thần Khí mới tác sinh chứ xác thịt nào có ích gì!

-   Thịt đây chỉ con người toàn diện, như vậy mới ban sự sống được, vì ban sự sống là việc của một con người.

-    Ngôi Lời trở thành xác phàm nghĩa là Thịt Đức Kito ban cho thế gian được sống là sự cụ thể hóa, vật chất hoá (dưới dạng Bí Tích) bản thân Ngôi Lời thành xác phàm để cứu sống thế gian.

-    Thánh Gioan dùng từ thịt vừa để chỉ Thánh Thể, vừa để chỉ cái chết thập giá của Đức Giesu.

-    Và người ta múc lấy sự sống thần linh từ thức ăn ấy.

-    Trong hiến tế của Đức Kito cũng vậy, không thể thiếu sự thông hiệp này.

-    Bởi công cuộc cứu chuộc được thực hiện bằng một việc hiến tế.

-    Chỉ mình Đức Kito thực hiện công việc này, và hiệu quả không đạt tới nếu chúng ta không hiệp thông với lễ vật bị treo trên thập giá và đạt tới thành toàn trong vinh quang phục sinh.

-    Mà đã là hiệp thông thì việc người ta thông phần của lễ là mục đích mà hiến tế nhằm tới: “hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta, thí ban vì anh em.”

-    Chúng ta đã biết lương thực cần của loài người là cơm bánh.

-    Ăn uống không ngon, là dấu hiệu có cái gì đó trục trặc trong tỳ vị.

-    Ngay cả khi có đầy đủ thức ăn ngon lành, bổ dưỡng, nhưng không ăn được, không muốn ăn, không chịu ăn, thì người ta vẫn có nguy cơ bệnh tật và chết đói.

-   Phép Thánh Thể là lương thực bằng chính Mình Máu Chúa Kito cũng vậy, có thể nuôi sống con người, nhưng cũng có thể chẳng ích lợi gì cho kẻ không muốn.

-    Bữa ăn còn là dấu chỉ thông hiệp yêu thương. Tín hữu cùng tham dự một bữa ăn thì lẽ nào lại chia rẽ? Huống chi trong bữa tiệc Thánh Thể, cùng ăn một thức ăn là Mình Máu Thánh Ðức Giêsu! Vì thế mỗi khi tham dự Thánh Lễ, phải lưu ý đến việc thông hiệp: chẳng những thông hiệp với Ðức Giêsu mà còn thông hiệp với nhau.

-    Những ý nghĩa căn bản này không được chúng ta lưu ý lắm: mỗi khi dự lễ và rước lễ, nhiều người chỉ coi đó là một việc đạo đức mình phải làm. Họ không chú ý kết hiệp với Ðức Giêsu, và càng không lưu ý thông hiệp với nhau.

-   Tuy nhiên Phép Thánh Thể vẫn còn dó và những phép lạ cần thiết vẫn được thực hiện.

-   Khách hành hương vẫn được chiêm ngắm phép lạ Thánh Thể đầu tiên được Giáo Hội công nhận đã xảy ra từ nhiều thế kỷ trước đang được lưu giữ tại một nhà thờ ở Bồ Đào Nha.

-    Và còn nhiều phép lạ Thánh Thể khác đã xảy ra ở khắp nơi trên thế giới để cảnh cáo loài người mà có thể chúng ta chưa biết tới.

 

Lạy Đức Giesu Thánh Thể, Ngài đã gánh tất cả tội lỗi nhân loại trên vai, Ngài đã trả giá để chúng con nên một với Ngài trong phép Thánh Thể ngay nơi chúng con đang sống, ngay tại thời gian này, ngay tại chỗ này và ngay bây giờ.

Xin cho chúng còn biết đặt trọng tâm đời sống mình là Thánh Thể, để biết lãnh Mình Máu Chúa cách xứng đáng, thường xuyên, vì chính giờ phút đó Ngài đến với chúng còn một cách thể lý, thật sự, để nuôi dưỡng và giải cứu chúng còn khỏi mọi sự chết, vì Ngài là Đấng đang sống và hằng sống. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét