CON NGƯỜI ĐỨNG GIỮA TRỜI ĐẤT
“Lạy Chúa từ nhân
Xin cho con biết mến yêu
và phụng sự Chúa
trong mọi người!”
Dịch Kinh Hoà Bình của
thánh Phanxicô Assisi, Đức cố Giám Mục Nguyễn Kim Điền thêm câu mở đầu trên đây
diễn được toát yếu của bài kinh và do đó đã tóm gọn Lời Chúa truyền dạy giới
răn của Người, nói lên được ý nghĩa thần học trong Việt Triết. Ấy là trong Tam
Tài Thiên Địa Nhân có sẵn mối tương quan giữa Thiên Chúa từ nhân với mỗi cá
nhân nói riêng và mọi con người trong nhân loại nói chung.
1- NHÌN TỔNG
QUAN TRONG VĂN HOÁ BÁCH VIỆT:
Khi xâm chiếm Việt tộc,
người Hán đã thâu nhận Việt triết âm dương, mang về và qua các thời đại, biến đổi
cho thích nghi với chế độ. Văn hoá của các bậc tiên hiền Bách Việt mà Khổng,
Lão kế thừa, từng đề cập Tri Thức và đức Nhân (1).
* NHÂN 人 là người, NHÂN 仁
cũng còn là khoan dung, từ ái, thiện lương, độ lượng. Sách Luận Ngữ nói về người
có đức nhân: “Phiếm ái chúng nhi thân nhân”, yêu khắp mọi người mà gần gũi người
nhân đức. Tử Trương hỏi Khổng Tử về đức nhân, Khổng Tử đáp: Làm được năm đức
trong thiên hạ thì gọi là nhân. Tử Trương hỏi là những đức gì, Khổng Tử đáp:
cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái. Đấy là những điều tốt đẹp mà
ta gọi là điều THIỆN. Nhân chi sơ tính bản thiện, con người sinh ra bản tính vốn
Thiện, bởi vì ngay khi còn trong bụng mẹ, thai nhi hấp thụ tiên thiên khí, nội
tại vốn đã tốt lành, khi chào đời, hấp thụ hậu thiên khí bên ngoài, mới thay đổi,
tốt hay xấu là do hoàn cảnh ngoại lai biến đổi, duy trì và bồi đắp.
* Nhân sinh quan là thế.
Với vũ trụ quan thì con người đầu đội trời, chân đạp đất, là gạch nối giữa đất
với trời. Người nông dân cần lao ca dao:
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấyruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm!
Trong cách xử thế họ bảo
nhau:
Ở hiền thì lại gặp lành
Áo rách tan tành có Trời
vá cho
Thiên cao có sẵn thành
trì,
Người nhân nghĩa chẳng
hàn vi bao giờ.
Trong một nước họ kêu gọi
nhau:
Nhiễu điều phủ lấy giá
gương
Người trong một nước phải
thương nhau cùng.
Rộng ra ngoài thế giới họ
hô hào:
Bầu ơi thuơng lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng
chung một giàn”
* Đấy là cách cư xử sao
cho ra cái “giống người”. Xác định được
chỗ đứng của mình, tức là xác định nhân vị của con người trong tam tài giữa trời
đất, đấy là cái gốc của con người. Bản 本
là gốc rễ , cội nguồn. Cái nhân bản 人本 ấy
làm nên căn tính của con người khác với loài vật vô tri vô thức. Không có nhân
bản, không thể có dân chủ, độc lập, tự do hạnh phúc. Lấy con người làm gốc, lấy
dân làm nền, “dân vi quý, xã tắc thứ chi” và “quan có cần nhưng dân chưa vội,
quan có cần quan lội quan đi”. Cho nên có văn hoá nhân bản, giáo dục nhân bản,
chủ nghĩa nhân bản. Thuật trị quốc an dân là thuật chính trị phục vụ nhân sinh
coi hạnh phúc con người là đối tượng phục vụ, con người là chủ thể mà kinh tế
chỉ là phương tiện để phục vụ con người, để con người được độc lập sống trong
môi trường tự do và hạnh phúc đích thực. Nếu không, thì sẽ có sự lạm dụng bằng
những xảo ngôn uyển ngữ như tự do tư tưởng lái sang “tự do tín ngưỡng và không
tín ngưỡng”, hoặc là “dân chủ tập trung”, là kinh tế tư bản hay “kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, là “học tập cải tạo” thay cho “tập
trung tù đày” là “kế hoạch hoá gia đình bảo vệ sức khoẻ các bà mẹ” đối nghịch với
“phò sự sống” mà cổ võ giết thai
nhi, v.v.. cốt để lèo lái theo
chiều hướng bắt con người nai lưng như súc vật mà phát triển vật chất, thoả mãn
cho tư lợi, thực hiện ý đồ ích kỷ vị lợi bất công chứ không phải vị tha công bằng
xã hội. Vì công-bằng xã-hội gắn liền với nhân-sinh mà cách giải-quyết vấn-đề
như đã nói là phải đặt con người làm đối-tượng để phục-vụ. Ðức Chân Phước
Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận khi sinh thời từng tuyên bố: “Phải thay đổi
toàn bộ kế-hoạch bằng cách làm sao cho con người trở thành chủ-thể của kinh-tế
và của cần-lao (il faut "changer complètement de schéma et faire de la
personne le sujet de l'économie et du travail".) (2)
2- TRONG TƯƠNG
QUAN VỚI KITÔ-GIÁO
Đạo Thiên Chúa dễ dàng
xâm nhập và mau chóng thích nghi với dân tộc Việt Nam là vì giữa văn hoá Bách
Việt và Kitô giáo có những nét tương đồng.
Đức tiết độ với dịch lý trung dung (3), đạo hiếu với giới răn thảo kính cha mẹ
là những nét đặc thù của văn hoá Bách Việt và Kitô-giáo (4). Đạo Thiên Chúa là
Đạo Tình yêu, yêu tha nhân như yêu chính mình.
Cấu trúc và cách viết chữ
Nhân 人 Hán tự cũng hàm ý tương
quan trời đất, nét phẩy bên trái từ trên đi xuống viết trước, ấy là nghĩ đến Tạo
Hoá, nét mác bên phải viết sau núp dưới nét bên trái, ấy là bảo rằng con người
được tạo dựng và phục tùng Thượng Đế, ấy là tri thiên mệnh: “bất tri thiên mệnh
vô dĩ vi quân tử dã ". Chữ Nhân 仁
gồm chữ nhị 二 bên phải, là hai,
ghép với nhân 亻là người ở bên
trái, là tượng hình hỗ tương giữa hai người trong cách xử thế phải yêu thương,
nhường nhịn nhau, ấy là văn hoá tình thương, nơi gặp gỡ với đạo tình yêu của
Thiên Chúa mà cốt lõi nằm trong hai giới răn quan trong nhất: “Mến Chúa hết
lòng hết sức và yêu tha nhân như yêu chính mình” (Luca 10: 27-Mat. 22: 36-40)
Sau khi Thiên Chúa dựng
nên trời, rồi dựng nên trái đất, ngắm công trình vĩ đại của mình, Người bổ sung
bằng dựng thêm trong vườn địa đàng, hai con người chung sống, mang hình ảnh của
Người. Người trân quý, yêu thương biết mấy, nhưng nguyên tổ Eva nghe theo Satan
hiện hình thành rắn độc cám dỗ, xúi giục Adam cùng phạm thượng, bị phạt trục ra
khỏi địa đàng: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với
đất, vì ngươi từ đất mà tạo hình, Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”
(Sáng Thế 3: 19). Dẫu sao, Người vẫn tiếc thương thụ tạo yêu dấu của Người, nên
đã cho xuất hiện một Eva mới, là đức Maria cưu mang Ngôi Lời vâng phục Thiên Phụ, hạ sinh làm người trần
gian chịu khổ nạn chết thay, chuộc tội loài người. Tình yêu là thế, “Không có
tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”
(Ga. 15: 13)
Ngày nay con người, tác
phẩm yêu quý của Thiên Chúa lại tái phạm thượng, kiêu căng chống Người, tàn hại
lẫn nhau để bao lần Đấng Eva mới xót thương trào tuôn nước mắt vì con người
đang tái diễn cảnh hoả hào So-đô-ma, không nhìn thấy đại hồng thuỷ thời No-e
đang đe doạ. Thiên Chúa cho họ Tri Thức, miệng lưỡi để phát ngôn lời Chúa, truyền
thông Sự Thật, nhưng họ lại bất tri vô thức, không tìm kiếm Khôn Ngoan đích thực
của Thiên Chúa, lại tìm Gian Ngoan của ma quỷ để đố kỵ ghen tuông tìm sự chia rẽ
bất hoà để hại nhau (5). Họ đã quên lời
Chúa dạy: “Từ cùng cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa, như vậy
thì không được” (Ga. 3: 2; 3: 9-10). Thiên Chúa trân trọng họ, ban cho họ tự
do, nhưng họ lạm dụng tự do, dân chủ để tàn sát nhau, thậm chí dã man giết cả
thai nhi còn trong bụng mẹ cho dẫu thai nhi sắp mở mắt chào đời. Họ đã lộng
hành đạp đổ nguyên tắc kết hợp nam nữ từ thời Adam Eva, để thiết lập và cổ võ
hôn nhân đồng tính. Họ đã kiêu căng muốn cướp quyền của Thiên Chúa để chuyển giống
con người và không phân biệt giới tính. Họ đã giơ chân đạp mũi nhọn, thay vì “đầu
đội trời, chân đạp đất”, họ đã “giơ chân đạp trời, gục đầu đội đất”, một việc
trái khoáy làm sao đội được đất lên, trừ khi quỳ gối cúi đầu mà thờ lay Satan
nơi địa ngục.
Lạy Chúa,
Xin cho
loài người chúng con biết trỗi dậy đứng thẳng lên ngước mắt nhìn Đấng Tối Cao
mà tuyên xưng Đức Tin tuyệt đối: một niềm tin quả-quyết, một niềm tin
chân-thành sâu xa tự đáy lòng, một đức tin sống động thể-hiện cụ-thể trong
hành-động, lời nói và việc làm.
Xin cho
chúng con biết trỗi dậy vững chân đứng trên trái đất, không lộn cổ xuống vực
sâu nhưng đạp đất nhìn Mẹ chúng con đang giơ chân đạp mãng xà phán quyết:
"Ta sẽ đặt đố-kỵ giữa ngươi và Người Nữ, giữa dòng-dõi ngươi và dòng-dõi
Người." (STK: 3.15)
Chú thích:
(1) Tiếng Việt với triết
lý âm dương và đạo sống thái hoà:
http://doquangvinhvenguon.com/saacutech-ti7871ng-vi7879t-tuy7879t-v7901i.html
(2) đức công bằng:
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=12379
(3) đức tiết độ:
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=12389
(4) đạo hiếu:
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=12434
(5) khôn ngoan và tri thức:
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=117&ia=21653
Gs..Ben. Đỗ Quang Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét