Dec 12, 2021 - Chúa nhật III Mùa Vọng năm C - Hãy vui lên!
https://canhdongtruyengiao.net/loi-chua/thanh-vinh-dap-ca/thanh-vinh-dap-ca-chua-nhat-iii-mua-vong-nam-c.html
Các Bạn thân mến,
Các Bạn thân mến,
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, thời gian chuẩn bị tâm hồn mừng kỷ niệm Ngôi Hai giáng sinh xuống trần gian làm người phàm. Đồng thời ngưỡng vọng về ngày Chúa đến lần thứ hai để phán xét nhân loại.
Khi xưa, Thánh Gioan Tẩy Gỉa kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối để đón Đấng Cứu Thế, Giáo Hội cũng dành thời gian Mùa Vọng để nhắc nhở các tín hữu nhìn lại con người mình, mà chấn chỉnh, hoán cải, đổi mới, chuẩn bị mừng lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh cũng như tạo thói quen sám hối, sẵn sàng, hân hoan đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào.
Đa số dân Do Thái thời đó đã mau mắn đáp lại lời kêu gọi của ông Gioan để chịu Phép Rửa sám hối, ngày nay Giáo hội cũng vẫn tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy để hằng năm mời gọi chúng ta đến với Bí Tích Giải Tội, lãnh nhận ơn thứ tha và bình an của Chúa nhân dịp kỷ niệm ngày Chúa đến với thế gian lần thứ nhất, đồng thời cố gắng thực hiện hối cải cách tích cực.
Và tuần lễ thứ III Mùa Vọng này được gọi là tuần lễ vui mừng. Hồi đó dân chúng đang trông chờ đợi Đấng Cứu Thế, họ vui mừng khi Gioan xuất hiện và tự hỏi: biết đâu Gioan lại chẳng phải là Đấng Messia? Nhưng Gioan đã khiêm tốn thẳng thắn trả lời rằng Ông chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Dù vậy, Gioan cũng đã gây được tiếng vang rất lớn, rất xa, tác động mạnh đến dân chúng, khiến thâm tâm họ nhận ra điều sai quấy đã làm, biết mình là tội nhân, sốt sắng nghe lời Gioan, ăn năn chờ được đón Đấng Cứu Thế.
Chúng ta hãy nghe lời kêu gọi của Gioan và đáp lại lời Ông, như dân Do Thái khi xưa đã làm.
Dù với hoàn cảnh, điều kiện nào, dù công khai hay âm thầm nhận ra mình sai trái trong tư tưởng, lời nói, hành động với mình hay với những người chung quanh thì cũng được coi là người có thiện chí, người muốn phục thiện, người muốn thăng tiến, và hơn thế nữa là một người can đảm! Nhận ra, biết sửa sai, ăn năn thì còn đáng qúi hơn. Làm việc ấy với Thiên Chúa thì còn được phúc làm con cái Ngài nữa.
1. Con người là một tội nhân:
- Hiển nhiên không phải hết mọi người đều đáp lại lời ông Gioan Tẩy Gỉa kêu gọi, mà cũng có kẻ nhạo báng, khó chịu, tức giận, hoảng sợ như tội lỗi họ bị phơi bầy ra cho mọi người thấy.
- Số người ấy có thể không tin ông Gioan, có thể không khâm phục, có thể họ nghĩ họ không có tội lỗi sai phạm gì!
- Còn đa số khác nhận biết từ thâm sâu cõi lòng mình sự sai quấy của họ: các người thu thuế nhận ra mình đã có lỗi trong việc thu thuế quá mức; quân lính nhận thấy mình thường hay bắt nạt dân chúng; còn tất cả dân chúng đều nhận ra tội không biết giúp đỡ, chia sẻ phần của cải dư thừa cho người túng thiếu.
- Chung quanh chúng ta chắc cũng có nhiều người không chấp nhận rằng mình đã làm những điều sái quấy. Họ luôn cho mình là người tốt lành, nghĩa là họ nghĩ rằng họ không có tội. Đây là điều ái ngại nhất, bởi nó không chỉ nói lên họ là con người ảo tưởng, chai lì, kiêu căng, tự lừa dối, mà họ còn xúc phạm đến Thiên Chúa Ngôi Ba nữa.
- Vì thế, dù con người chấp nhận hay không, thực tại chúng ta vẫn là một con người tội lỗi, một tội nhân trước mặt Thiên Chúa và mọi người.
- Không chỉ mang tội Tổ Tông khi vừa chào đời, con người còn nhiều sai trái, vi phạm nhiều tội lỗi khác với bản thân, với gia đình, anh em, người chung quanh và xã hội.
- Có rất nhiều lý do khiến chúng ta vô tình hay cố ý lầm lẫn, sai trái. Như chúng ta phạm lỗi do chính những yếu đuối của mình, do tính cách của người chung quanh, do hoàn cảnh, do bị khiêu khích, do bị cám dỗ của đối phương, của sự vật, và mưu mô của ma qủi satan…
- Không chỉ những tội nằm trong Mười Điều Răn của Thiên Chúa, mà còn những tội vi phạm luật pháp, qui chế của trần gian như chính quyền, xã hội, cơ quan, đòan thể, hoặc những giao ước riêng với nhau…
- Nói chung mọi người đều có thể phạm tội lỗi nặng, nhẹ, nhiều, ít, công khai hay kín đáo… phát sinh do vi phạm trực tiếp hay gián tiếp vào hai điều chính Chúa đã truyền là Kính Chúa yêu người.
- Thế nên không ai có thể nói mình vô tội, mình trong sạch! Nếu có thì ngay lời nói đó cũng là một lời nói dối, cũng là một tội rồi.
- Vì nếu chúng ta nói rằng: chúng ta không có tội là chúng ta đã tự lừa dối mình, lừa dối mọi người và lừa dối cả Thiên Chúa nữa.
- Nhưng thực tế vẫn có người tự cho, tự nhận là mình không có tội lỗi gì! Có thể vẻ bề ngoài họ đứng đắn nghiêm trang, không có tật bệnh xấu nào lộ ra, họ giữ luật lệ Chúa theo như họ hiểu, còn với người chung quanh thì họ quan niệm:”Tôi không làm phiền gì đến bạn thì xin bạn cũng đừng làm phiền đến tôi.” Thế là họ cố gắng hết sức không làm phiền ai. Và họ an tâm như vậy là mình trong sạch!
- Nhưng chính cái vế thứ hai: không muốn ai làm phiền mình đã đủ lỗi luật yêu người rồi vì đó là ích kỷ, hẹp hòi, không muốn bị quấy rầy, không tự giác chia sẻ vui buồn, không muốn nhường cơm xẻ áo cho anh em…
- Có lẽ họ chưa hiểu thấu suốt, thực tế luật thương yêu của Chúa, lại cố thủ với ý nghĩ nông cạn, với nghĩa đen của lề luật, và cứng ngắc tự chủ sao?
Tin Mừng Thánh Luca tuần này ghi lại câu trả lời của Gioan Tẩy Gỉa cho thắc mắc của dân chúng chỉ xoay quanh vấn đề bác ái, và công bằng.
- Nghĩa là những vấn đề quan trọng nhưng bị người ta coi thường, xem nhẹ, nên dễ sa ngã, dễ sai phạm nhất.
- Thật vậy ai có thể hy sinh chia sẻ tất cả, đối với mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh, mọi tình huống mình chạm đến, và yêu thương đến chết cho anh em như Chúa dạy? Thế thì ai là người có thể vô tội?
- Nếu an phận, bằng lòng với tất cả những gì mình có, thì chúng ta sẽ tránh được nhiều cám dỗ, nhiều tội lỗi do vi phạm công bằng, bác ái… nhưng làm sao có thể kiên nhẫn an phận, chia xẻ đến cùng, vui lòng với những thiếu thốn, bất công, bất hạnh, để tự hào mình vô tội?
- Mình đã nghe một nhân viên quan thuế của nhà nước XHCNVN nói:”tiền lương bất hợp lý lắm!”
- Nghĩa là họ muốn thanh minh để tự cho mình cái quyền được nhận quà cáp, được hưởng lợi lộc, được đòi hỏi thêm. Và tin rằng Chúa và xã hội cũng thông cảm cho họ!
- Nếu thế, xã hội sẽ ra sao? Bởi thực tế lương của các ngành hành chánh sự nghiệp, y tế, giáo dục, quân đội, công an… thời nào, xã hội nào cũng thấp nhất trong các ngành nghề. Mà đối tượng ấy không phải là ít!
- Cuộc sống xã hội ngày nay đã quá phức tạp, nhiêu khê rồi, nên đã rất khó tránh những cám dỗ, những cạm bẫy, thế mà còn tự cho mình quyền nhận quà cáp, quyền ăn gian hối lộ mà tự hào mình không vướng mắc sai phạm?!
- Gioan Tẩy Gỉa khi loan báo cho dân chúng Đấng Cứu Thế sẽ đến, thì đồng thời cũng kêu gọi mọi người sám hối ăn năn thật tình, cụ thể, không sám hối chung chung, hô hào dân chúng biết nhìn nhận, hối hận tội lỗi đã phạm, quyết tâm chừa cải, đổi mới đời sống bằng những hành động cụ thể: nếu dùng quyền lực cưỡng đọat, áp bức người khác, thì đổi lại thực thi bác ái, công bằng…
2. “ Chúng tôi phải làm gì đây?”
- Gioan Tẩy giả đã gây được tác động mạnh mẽ trước đám dân chúng khi ngài xuất hiện ở bờ sông Giođan.
- Khiến họ lo lắng thắc mắc vậy phải làm thế nào áp dụng thực tế những lời Gioan rao giảng vào cuộc sống? Vì tất cả chúng ta đều đã từng làm điều sai quấy.
- Không chỉ đám đông dân chúng, mà nhiều nhóm, nhiều ngành nghề khác nhau cũng đưa ra câu hỏi ấy với ông Gioan. Chắc chắn họ đã có sự suy lý tốt để ăn năn thống hối.
- Cho thấy tác động mà ông Gioan gây ra nơi dân chúng Do Thai bấy giờ thật là kỳ diệu, thu hút dân chúng đủ mọi thành phần, mọi giới, sốt sắng chạy đến xin Ông làm phép rửa và ban lời dạy.
- Qua các câu hỏi, chúng ta thấy sám hối có tính cách cộng đòan, đổi mới bằng hành động cụ thể bởi sám hối là nhìn về quá khứ, sau đó hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
- Sám hối cũng không chỉ có tính cách cá nhân, mà còn mang tính cách liên đới với anh em, với cộng đòan, với xã hội.
- Sám hối không chỉ là cảm xúc, mà còn là quyết tâm hành động chừa cải.
- Sám hối cả bên trong và bên ngoài để thực sự hướng tâm lòng lên Chúa.
- Tránh tất cả những gì có cơ nguy khiến chúng ta làm nô lệ cho thế gian, để không bận tâm mà chia vui xẻ buồn, nhường cơm xẻ áo cho nhau.
- Và Gioan đã chỉ cho họ những việc cụ thể phù hợp với công việc, với cuộc sống của họ:
. Người có thì chia xẻ cho người không có: ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy;
. Người đang sống bằng thu nhập bất công thì hãy cố gắng sống công bằng, đừng sa ngã;
. An phận, đừng đòi hỏi quá mức ấn định: như người thu thuế, binh lính, đừng đòi hỏi gì quá mức cho phép;
. Binh lính thì chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta;
- Cho thấy tuần này Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người đối xử bác ái, công bằng với nhau, và cả với xã hội.
- Bởi Kito Giáo là đạo thực hành, có tính xã hội, nên các tín hữu không chỉ cần có sự tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, mà còn cần sự tương quan tốt đẹp với nhau nữa.
- Câu trả lời rõ ràng cụ thể của Gioan cho thấy Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta điều gì cao xa, phức tạp, khó khăn; không yêu cầu chúng ta phải là người siêu phàm, hoàn hảo, mà chỉ yêu cầu một điều duy nhất là bác ái và công bằng. Cư xử với người khác như chúng ta muốn người khác cư xử vói chúng ta vậy.
- Những lời cảnh cáo nghiêm khắc và cương quyết đó của Gioan vẫn đang khẩn thiết kêu gọi mọi người chúng ta ngày nay.
- Làm những gì có thể được chấp nhận và đẹp lòng Thiên Chúa, bao gồm cả những giao dịch kinh doanh, việc làm của công nhân viên chức, quan hệ gia đình, bằng hữu, và sự nhận thức của chúng ta trước nhu cầu của người khác.
- Để bảo đảm rằng sự độc ác, bạo lực, tham lam, chiếm đoạt, vô cảm trước những đau khổ của người khác phải giảm dần đến khi không còn chỗ đứng trong tâm lòng chúng ta nữa.
3. Tái sinh:
- Gioan Tẩy Giả đã chạm tới vùng thâm sâu dễ thương tổn nhất của dân chúng. Ông đòi buộc họ xét lại tâm hồn mình và nhận biết lỗi lầm của mình. Và còn đòi họ phải từ bỏ tội lỗi để quay về cùng Thiên Chúa.
- Còn việc tha tội thì Ông không làm được, nhưng Ông chỉ cho người ta Đấng quyền năng hơn Ông sẽ đến và sẽ tha tội bằng cách rửa họ trong Chúa Thánh Thần và Lửa.
- Rửa trong Thánh Thần là cách nói khác của sự tái sinh, là lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi do công ơn cứu chuộc của Đức Giesu trên thập gía.
- Đó chính là lý do mà tuần thứ III Mùa Vọng có chủ đề là Vui Mừng, với lời kêu gọi “hãy vui lên” được lập đi lập lại trong các bài đọc của thánh lễ.
- Không chỉ báo hiệu đã gần đến lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, mà còn báo hiệu Chúa đã ở ngay cửa, để chờ chúng ta mở rộng lòng đón Ngài; hơn thế nữa, còn cho chúng ta biết rõ ràng Chúa đang ở ngay trong những người bên cạnh chúng ta, ngay trong những người mà chúng ta chạm đến, tiếp cận, gặp gỡ họ; Chúa còn ở ngay trong công việc chúng ta làm hằng ngày, ngay trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, đúng lúc chúng ta đang vui, mừng, buồn, giận…
- Được tái sinh là luôn được sống có Chúa trong mình và nhận ra Ngài trong mọi nơi mọi lúc, mọi người, mọi vật...
- Mùa Vọng còn là mùa Hy Vọng bởi Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, Ngài luôn yêu thương và tin tưởng ban ơn để chúng ta quay trở lại với Ngài.
- Dù chúng ta có sa ngã nặng nề, có phản bội Ngài trắng trợn, Ngài vẫn muốn cứu chúng ta, vẫn muốn bỏ qua mọi lỗi lầm mà đến với chúng ta.
- Vậy hãy can đảm, quyết tâm sám hối ăn năn và tin tưởng trong vui mừng hy vọng rằng Ngài sẽ cứu rỗi chúng ta, là chính hình ảnh của Ngài.
Lạy Chúa, liên tục trong suốt Mùa Vọng chúng con được kêu mời sám hối ăn năn mọi tội lỗi mình đã làm trong quá khứ và hiện tại, hầu tin tưởng vào tương lai, là cơ hội Chúa ban cho chúng con để biến đổi thành con người mới, xứng đáng đón nhận Ngài bất cứ khi nào Ngài đến.
Xin lòng thương xót của Chúa soi sáng cho chúng con biết dùng thời gian Chúa ban cách khôn ngoan; đừng phí phạm vào những điều thế gian, vào những việc sai lầm, vào sự nhàn rỗi… để chúng con làm việc với tất cả khả năng, làm việc vì Chúa, vì anh em, hầu chúng con xứng đáng hưởng niềm vui chu toàn nhiệm vụ và vui được hưởng cuộc sống, hưởng ơn Cứu Độ của Ngài. Bởi sự hiện diện của Chúa là nguồn phát sinh hạnh phúc cho chúng con. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con Amen
Than men,
M.Goretti duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét