Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Những người thường mắc bệnh nghe kém

 

Chủ nhật, 31/10/2021, VnExpress.net

Những  người  thường  mắc  bệnh  nghe  kém

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 360 triệu người trên toàn thế giới bị nghe kém, trong đó có 32 triệu trẻ em dưới 15 tuổi.

Nghe kém còn được gọi là khiếm thính hay mất thính lực, là tình trạng bệnh nhân có thể nghe âm thanh nhưng rất kém hoặc có thể không nghe thấy ai đó nói ngay cả khi họ đang sử dụng giọng nói bình thường hoặc có thể chỉ nghe thấy những âm thanh rất lớn. Trên biểu đồ đo thính lực đơn âm chủ quan, nghe kém xảy ra khi cường độ sức nghe của tai ≥ 25 dB (decibel).

Đối tượng thường mắc bệnh nghe kém

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nghe kém có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Khoảng 80% nghe kém xảy ra ở người lớn tuổi. Đối với người từ tuổi 60 trở đi hiếm ai không bị nghe kém hoặc sức nghe không suy giảm so với thời còn trẻ. Ngoài ra, nghe kém còn xuất hiện ở trẻ em, người làm việc trong môi trường có tiếng ồn...

 

Trẻ sơ sinh cần được sàng lọc thính lực ngay khi chào đời. Ảnh: Shutterstock

- Người cao tuổi: nghe kém ảnh hưởng nhiều hơn ở độ tuổi trên 55-60 tuổi. Tuy nhiên, nghe kém có thể xuất hiện từ độ tuổi sau 30, sau đó cứ 10 năm, mức nghe kém lại tăng dần. Nguyên nhân là con người càng có tuổi thì các cơ quan sẽ bị lão hóa, trong đó dây thần kinh thính giác cũng bị lão hóa hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Điều này dẫn đến giảm khả năng tiếp nhận, dẫn truyền thông tin của tai, từ đó xảy ra tình trạng nghe kém.

- Người làm việc trong môi trường tiếng ồn: theo nghiên cứu, cường độ âm thanh nguy hiểm cho tai là từ 85 decibel. Do đó, mọi âm thanh to với cường độ lớn và kéo dài đều có thể gây tổn thương cấu trúc trong tai dẫn tới suy giảm thính lực. Những người làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn thường sẽ bị nghe kém, điển hình như thợ mỏ, thợ mộc, thợ khai thác đá, thợ hàn xì, thợ xây, lái tàu hỏa, người làm việc trong công xưởng sản xuất.

- Người bị bệnh

Nghe kém một phần do mắc bệnh tác động đến tai, đặc biệt liên quan đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc các bệnh lý viêm nhiễm ở tai, viêm mũi họng biến chứng lên tai, điển hình là bệnh viêm tai giữa, viêm tai trong, viêm màng não. Ngoài ra, người mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp và tiểu đường cũng bị nghe kém do các bệnh lý này đều có thể gây cản trở lượng máu lưu thông đến tai.

- Người phải dùng thuốc

Một số thuốc điều trị bệnh có tác dụng phụ gây ù tai, từ đó dẫn đến nghe kém. Ngoài ra, thuốc điều trị lao, tim mạch, ung thư cũng có tác động gây nghe kém cho người sử dụng lâu dài.

- Người bị chấn thương

Người bị các chấn thương vùng đầu và tai có thể gây ra nghe kém tạm thời hoặc nghe kém vĩnh viễn. Chấn thương vùng đầu sẽ tác động khiến thủng màng nhĩ, vỡ xương thái dương và ảnh hưởng đến cấu trúc của tai trong, do đó có thể dẫn đến nghe kém. Tuy nhiên, nghe kém do chấn thương đầu thường được phát hiện trễ.

Nguyên nhân gây nghe kém

- Nghe kém do di truyền: di truyền hiện là nguyên nhân hàng đầu của nghe kém bẩm sinh ở trẻ em. Thống kê có khoảng 50% tất cả các trường hợp nghe kém bẩm sinh là do di truyền. Có một số nghiên cứu khẳng định những gia đình có bố hoặc mẹ bị nghe kém thì con của họ có khả năng bị nghe kém cao hơn so với những đứa trẻ khác.

- Biến chứng khi mẹ mang thai: mẹ bị một số bệnh nhiễm trùng như rubella, giang mai trong quá trình mang thai có thể là nguyên nhân gây nghe kém hoặc điếc ở những đứa trẻ do họ sinh ra. Ngoài ra, mẹ có dùng thuốc trong quá trình mang thai như nhóm aminoglycosides, cytotoxic, thuốc điều trị sốt rét và thuốc lợi tiểu có nguy cơ gây nghe kém bẩm sinh. Ngoài ra, trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp cũng nằm trong nhóm trẻ bị nghe kém do biến chứng thai kỳ. Nếu bị nhiễm trùng tai, có khối u bất thường ở tai ngoài hoặc tai giữa hoặc bất kỳ biến chứng nào phát triển xương bất thường cũng gây mất thính lực.

- Thủng màng nhĩ: tiếng nổ lớn, áp lực thay đổi đột ngột, chọc vào màng nhĩ bằng một vật nhọn. Viêm tai nhiễm trùng gây thủng màng nhĩ.

- Tích tụ ráy tai: ráy tai có thể chặn ống tai và ngăn sự truyền sóng âm thanh, từ đó gây nghe kém.

- Thuốc: riêng các loại thuốc kháng sinh dùng điều trị nhiễm khuẩn có thể gây ảnh hưởng đến bộ phận ốc tai và tiền đình như gentamicin, streptomycin, tobramycin. Những thuốc này có thể diệt vi khuẩn nhưng cũng gây chết tế bào lông, từ đó gây nghe kém.

Phân loại bệnh nghe kém

- Giảm thính lực dẫn truyền: thường là hậu quả của tổn thương tai ngoài và tai giữa. Khi đó hệ thống dẫn truyền âm thanh gồm vành tai, ống tai, màng nhĩ và các xương con bị tổn thương nên không còn chức năng dẫn truyền âm thanh từ ngoài vào trong.

- Giảm thính lực tiếp nhận: là hiện tượng các bộ phận dẫn truyền hoạt động bình thường nhưng tai trong lại bị tổn thương nghiêm trọng. Từ đó, âm thanh truyền đến tai không được tiếp nhận và không đưa thông tin lên bộ não. Bệnh này thường do tổn thương ốc tai, thường gặp ở người cao tuổi, người làm việc trong môi trường có tiếng ồn, điếc bẩm sinh.

- Giảm thính lực hỗn hợp: là hỗn hợp của giảm thính lực dẫn truyền và giảm thính lực tiếp nhận. Bệnh nhân sẽ bị tổn thương nhiều vị trí như tai ngoài, tai giữa, tai trong.

Anh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét