Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

Nỗi đau là linh mục của tôi


Nỗi  đau  là  linh  mục  của  tôi

10/13/2021

noi-dau-la-linh-muc-cua-toi.jpg

Nhận ra sức nặng của những tội tàn ác gây ra trong Giáo hội là nỗi đau tận cùng cho một linh mục, linh mục Vivarès, cha xứ của giáo xứ Thánh Phaolô ở Paris. Chấp nhận vác thập giá này cũng là nghĩ rằng Giáo hội không tự nó tồn tại.

Ngày thứ ba 5 tháng 10 hôm nay, tôi bỏ thì giờ ra để xem bản báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp trên kênh KTO. Sau đó, tôi đọc kỹ bản báo cáo, như người bệnh chuẩn bị một ca phẫu thuật đau đớn nhưng cần thiết, như khi đến nha sĩ nhổ chiếc răng hư, biết rằng cơn đau đang chờ mình. Nỗi đau này, tôi đã từng đau khi tôi sống ở Ai-len trong thời gian tôi theo học thần học năm 1996 và giống như những trận tuyết lở liên tiếp, hàng tuần, những câu chuyện tàn khốc hơn các câu chuyện trước tiếp nối nhau trên các phương tiện truyền thông mà không ai có thể ngoảnh mặt đi được.

Nỗi đau này tôi đã trải qua năm 2000 với vụ cố giám mục Pierre Pican, vừa thuyên chuyển một linh mục tự nhận tội ấu dâm trong nhiều năm trước khi bị kết án mười tám năm cấm cố. Nỗi đau này, tôi đã sống với các nguyên đơn của vụ án Preynat từ năm 2016 đến năm 2020 khi chúng tôi biết ba hồng y tổng giám mục của giáo phận Lyon, ngoại trừ giám mục Barbarin, đã không làm gì trong mười lăm năm. Và rồi các vấn đề quốc tế ở Chi-Lê, với các tu sĩ dòng Binh đoàn Chúa Kitô và nhiều người khác.

 Cương vị đơn thuần của một người đàn ông

Một số có thể sẽ thấy không thoải mái khi tôi chia sẻ nỗi đau là linh mục của tôi, người trung tín với Chúa Kitô, đáng lẽ tôi chỉ được nói đến nỗi đau của các nạn nhân, nỗi đau của những cuộc đời tan vỡ, những vụ tự tử của những trẻ em này khi các em thành người lớn đã mang một gánh nặng không ai có thể gỡ bỏ. Tuy nhiên, tôi không muốn mình đúng về mặt chính trị hay trung gian, tôi không muốn đoán già đoán non về những gì nên nói hay không nên nói và chiều nay tôi muốn nhường chỗ là người phụ trách chuyên mục thường xuyên trên trang Aleteia của tôi để nói trong cương vị đơn thuần của một người đàn ông.

Trước khi được tôn vinh, ngưỡng mộ, noi gương hay khen thưởng, chúng ta chỉ mong mình được tôn trọng. Dù chúng ta làm nghề gì, vị trí chúng ta trong xã hội, chức năng gia đình hoặc xã hội, trên hết, chúng ta mong muốn được tôn trọng mà thân phận con người giản dị của chúng ta khao khát, sự tôn trọng mà đạo đức giản dị trong hành vi hàng ngày phải áp đặt lên chúng ta. Điều tôi đã sợ trong hai mươi lăm năm và bây giờ tôi còn sợ hơn, đó là không còn được tôn trọng như một người đàn ông đơn thuần chỉ vì tôi là linh mục. Tôi sợ rằng cương vị linh mục của tôi sẽ lấy đi phẩm giá của tôi, phẩm giá của một người đàn ông, chỉ nợ những gì tôi đã làm. “Đức Giêsu đáp: ‘Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?’” (Ga 18:23). Vậy môn đệ làm sao cao hơn thầy và nếu sự tôn trọng phải có với Đức Kitô trong cương vị là con người đã bị xúc phạm, dù Ngài là Thiên Chúa, thì tôi là gì để đòi hỏi tôn trọng, tôi, tôi chỉ là một kẻ có tội?

Chấp nhận tất cả

Tuy nhiên, cái nhìn ngoài đường phố vào cổ áo la-mã của tôi, cái nhìn trong thánh lễ khi tôi làm chức vụ linh mục của tôi, những suy nghĩ khi đọc chữ ký ở cuối e-mail của tôi: “Cha Pierre Vivarès, linh mục chánh xứ Thánh Phaolô – Paris IV” làm tôi sợ sự thiếu tôn trọng. Thật vậy, tôi sợ cương vị linh mục của tôi, được chấp nhận và tự nguyện sống lẫn vào sự lên án chính đáng của những người, cùng chung cương vị linh mục với tôi đã phạm tội.

Không một thể chế nào của con người, dù đó là nước dân chủ hay quân chủ, không một trường phái triết lý nào như các trường phái tư tưởng hay khoa học, dù là gia đình hay các cơ quan, không một thể chế nhân văn nào chứa đựng trong mình sức nặng tội lỗi của những người vi phạm và đồng thời là sự giải thoát khỏi điều đè nặng trên chúng ta.

Về mặt trí tuệ, tôi sẽ dễ dàng tự nhủ: “Đó là họ, không phải mình”, nhưng khi tôi thuộc về một chi thể, người trí thức không thể gạt đi xúc động của hàng chục năm liên đới. Tôi sẽ dễ dàng nói rằng hệ thống phân cấp của chúng tôi đã thất bại và ủng hộ những cải cách mà tôi không có sứ mệnh cũng không có khả năng để thực hiện. Sẽ là hèn nhát nếu bắn một phát vào gáy để giết Giáo hội, cũng là một thể chế nhân bản, cũng là mẹ tôi, và là người mà đời sống của tôi, sự trưởng thành của tôi, con người của tôi lớn lên như ngày hôm nay, tôi phải mang ơn. Tôi phải chấp nhận tất cả.

 Trong tình trạng bị đóng đinh này

Có lẽ đây là mầu nhiệm của Giáo hội, không một thể chế nào của con người, dù đó là nước dân chủ hay quân chủ, không một trường phái triết lý nào như các trường phái tư tưởng hay khoa học, dù là gia đình hay các cơ quan, không một thể chế nhân văn nào chứa đựng trong mình sức nặng tội lỗi của những người vi phạm và đồng thời là sự giải thoát khỏi điều đè nặng trên chúng ta.

Thật dễ dàng để rời bỏ một thể chế của con người chỉ có nguyên tắc tồn tại cho chính mình. Đây không phải là trường hợp của Giáo hội, một Giáo hội đến từ Chúa và dẫn đến Chúa. “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6: 68). Bị đóng đinh và chính vì bị đóng đinh, tôi thấy ở đây là cử chỉ đời đời của Đấng đã cứu chúng ta, Đấng Kitô bị loài người phản bội, được Thiên Chúa cứu và chính  trong tình trạng bị đóng đinh mà tôi xin phó thác tất cả những điều này. Nhưng chính trong Hy vọng mà tôi muốn sống và chết khi mang trên mình sức nặng của thập giá này và nếu thập giá này có thể làm giảm bớt sự đau khổ của các nạn nhân, tôi xin dâng cho họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 13.10.2021/ fr.aleteia.org, linh mục Pierre Vivarès, 2021-10-10)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét