Người quân tử giữ mình nghiêm cẩn ngay cả khi tối vắng
An Hòa • Thứ Tư, 24/11/2021
Trong cuộc sống thường nhật, trước ánh mắt của người khác, chúng ta thường có thể kiểm soát được hành vi và lời nói của bản thân. Nhưng bậc chính nhân quân tử, người có phẩm đức cao, giữ được tâm địa trong sáng, thì dù ở những nơi không có người cũng không làm ra những việc ám muội.
Người xưa nói: “Bất khi
ám thất”, nghĩa là giữ mình nghiêm cẩn ngay cả khi ở nơi tối vắng. “Ám thất”
(phòng tối) bao hàm hai ý nghĩa, một là chỉ nơi vắng vẻ một mình không ai nhìn
thấy, hai là chỉ nội tâm của một người. Khi một người ở nơi tối vắng thì người
khác sẽ không nhìn thấy được ngôn hành cử chỉ của họ. Những suy nghĩ trong nội
tâm của một người thì chỉ có bản thân người đó mới biết. Khi không có ai nhìn
thấy, không có ai biết thì người ta dễ phóng túng bản thân, làm ra những sự tình
sai trái. Do đó, “Bất khi ám thất” là phẩm đức mà bậc thánh hiền xưa xem trọng.
Cừ Bá Ngọc là đại thần của
nước Vệ thời Xuân Thu, được hậu thế tôn là chính nhân quân tử, không bởi vì người
khác không nhìn thấy mình mà buông thả hành vi của bản thân. Cũng bởi vì đức hạnh
này mà ông được người đời sau đặt cho biệt xưng là “Quân tử bất khi ám thất”.
Trong sách “Liệt nữ truyện” của tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán có ghi lại câu
chuyện về ông như sau:
Một đêm nọ, quốc quân của
nước Vệ là Vệ Linh Công đang ở cùng phu nhân trong nội cung thì nghe thấy tiếng
xe ngựa từ xa chạy đến, khoảng chừng đến gần cổng cung thì im bặt. Qua một lúc
sau tiếng xe ngựa lại vang lên, nghe từ gần rồi xa dần, xa dần và cuối cùng thì
không còn nghe thấy nữa.
Vua Vệ Linh Công dò hỏi
phu nhân: “Nàng có biết đó là ai không?”
Phu nhân tự tin đáp rằng:
“Đó chẳng thể là ai khác, nhất định là Đại phu Cừ Bá Ngọc”.
Vua Vệ Linh Công lại hỏi:
“Làm sao nàng biết được đó là ông ta?”
Phu nhân giải thích rằng:
“Thần thiếp nghe nói, theo quy định của lễ, phàm thần tử đi qua trước cổng cung
thì đều phải xuống xe cung kính. Trung thần, hiếu tử sẽ không phải chỉ ở trước
mặt mọi người mới cố ý làm như thế để thể hiện tấm lòng của mình, mà ngay cả những
nơi không người họ cũng không có hành vi cẩu thả. Cừ Bá Ngọc là người hiền nổi
tiếng của nước Vệ, có nhân có trí, rất tuân thủ lễ tiết, kính trọng tôn trưởng.
Lúc nãy nhất định là ông ta đã đi qua cổng cung, dừng xe lại tỏ ý cung kính.
Tuy trong đêm vắng không ai nhìn thấy, ông ta vẫn tuân thủ lễ tiết.”
Vua Vệ Linh Công sau đó
đã phái người đi hỏi cho rõ sự tình. Kết quả, người đi xe trong đêm hôm ấy đúng
là Cừ Bá Ngọc. Nhưng vua Vệ Linh Công lại cố ý nói với phu nhân: “Phu nhân đoán
sai rồi, người đó không phải là Cừ Bá Ngọc!”
Phu nhân rót một chén rượu
rồi cung kính dâng lên vua và nói rằng: “Thần thiếp chúc mừng quân vương!
Hoá ra thần thiếp chỉ biết nước Vệ có một đại hiền nhân là Cừ Bá Ngọc, xem ra
hiện nay còn có một đại phu giống như ông ta. Nước có nhiều hiền thần, đây là
phúc khí của quốc gia, cho nên thần thiếp mới chúc mừng quân vương”.
Vua Vệ Linh Công nghe
xong, không khỏi trầm trồ khen ngợi phu nhân: “Hoá ra là thế, nàng quả thật là
bậc nữ nhân tài trí!” Đồng thời, Vua Vệ Linh Công cũng nói cho phu nhân
nghe sự thật: “Phu nhân xác thực đoán không sai, người đó đúng là Cừ Bá Ngọc!”
Trong cuộc sống, đối với
những chuyện dù lớn hay nhỏ, khi không có ai nhìn thấy, liệu có bao nhiêu người
có thể ước thúc bản thân mà làm cho đúng? Kỳ thực, người có thể thời khắc ghi
nhớ, làm những việc không trái đạo đức, thiên lý, ngay cả khi không có người
nhìn thấy, phải là người coi trọng tu tâm dưỡng tính. Những người như vậy,
không chỉ đối với hành vi của bản thân mà ngay cả từng ý từng niệm, từng suy
nghĩ trong đầu họ cũng thời thời khắc khắc quy chính, không vì người khác không
biết mà phóng túng, buông thả bản thân mình.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét