Lý do khiến mắt dễ bị khô
Thứ sáu, 29/10/2021,
VnExpress.net
Bệnh khô mắt có thể xuất
phát do không đủ lượng nước mắt hoặc chất lượng nước mắt kém, thiếu thành phần
mỡ và chất nhầy, ảnh hưởng đến thị giác.
Khô mắt là sự rối loạn của
màng phim nước mắt được cấu tạo bởi ba lớp: lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy. Lớp mỡ
giúp hạn chế sự bốc hơi nước mắt. Lớp nước cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc,
có tính sát trùng nhẹ giúp rửa trôi bụi bẩn cho giác mạc trơn nhẵn. Lớp nhầy
dàn đều nước mắt trên giác mạc. Ba lớp này cùng bảo vệ nhãn cầu khỏi những tác
động xấu bên ngoài. Tuy nhiên, khi bị mất cân bằng, khả năng bảo vệ mắt sẽ suy
giảm, dẫn đến tình trạng nước mắt bay hơi nhanh, từ đó không còn đủ để bôi
trơn, bảo vệ bề mặt nhãn cầu và nuôi dưỡng giác mạc, gây ra cảm giác khó chịu
cho mắt.
Nguyên nhân gây khô mắt
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm
Huy Vũ Tùng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh khô mắt có thể xuất phát từ
hai lý do gồm: không đủ lượng nước mắt hoặc chất lượng nước mắt kém. Khô mắt
cũng có thể xảy ra với những người mắc phải hội chứng Sjögren, viêm khớp dạng
thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống; người mắc các bệnh gây sẹo xơ tuyến lệ như
pemphigoid, mắt hột, hội chứng Stevens-Johnson. Ngoài ra, tình trạng mắt bị khô
cũng có thể xuất phát từ các yếu tố nguy cơ sau:
- Phụ nữ tuổi mãn kinh.
- Hậu quả tổn thương tuyến
lệ, xạ trị tại chỗ.
- Thiếu lớp mỡ trên bề mặt
phim nước mắt dẫn tới tăng tốc độ bốc hơi và thiếu lượng nước mắt trên bề mặt.
- Do hở mi (liệt mặt ngoại
biên) hoặc giảm tần số chớp mắt (bệnh Parkinson).
- Thời gian sử dụng mắt
kéo dài (ví dụ như đọc sách, làm việc trên máy tính, lái xe, xem tivi).
- Môi trường sống khô,
nhiều gió hoặc khói bụi.
- Người sử dụng những loại
thuốc toàn thân bao gồm isotretinoin, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu, thuốc chống
tăng huyết áp, thuốc ngừa thai uống, các thuốc kháng cholinergic (bao gồm thuốc
kháng histamine và thuốc đường tiêu hóa).
- Mất nước.
Triệu chứng khi bị khô mắt
Bác sĩ Tùng cho biết người
khô mắt thường xuyên bị chảy nước mắt sống. Khi mắt rơi vào tình trạng bị khô sẽ
lập tức gửi tín hiệu cho hệ thần kinh để "cầu cứu" việc bổ sung nước
mắt. Tuy nhiên, sự đáp lại diễn ra "quá mức" cần thiết nhưng không đảm
bảo được chất lượng nước mắt, chỉ đơn thuần là nước mà không có thành phần mỡ
và chất nhầy, khiến cho tình trạng mắt khô lại càng thêm khô.
Theo đó, những biểu hiện
của người mắc bệnh khô mắt bao gồm:
- Cảm giác ngứa, bỏng
rát, cộm, co kéo, như có dị vật trong mắt và sợ ánh sáng.
- Cảm thấy đau nhói,
căng; mỏi mắt; nhìn mờ.
- Nước mắt chảy giàn giụa
khi bị kích ứng.
Các triệu chứng giảm nhẹ
trong môi trường mát mẻ, mưa, độ ẩm cao... Tình trạng nhìn mờ thường xuyên tái
phát, kéo dài, kèm theo kích thích gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày. Tuy
nhiên, hiếm khi có tổn hại thị lực vĩnh viễn.
- Tình trạng khô mắt giảm
tiết, kết mạc có thể khô và mất bóng với nhiều nếp gấp.
- Tình trạng khô mắt bay
hơi sẽ khiến nước mắt dư, tạo thành kết cấu dạng bọt, bám ở bờ mi.
- Tình trạng khô mắt nặng,
tiến triển mạn tính (hiếm gặp) có thể gây mất thị lực trầm trọng do biểu mô hóa
bề mặt nhãn cầu hay mất biểu mô giác mạc. Các hậu quả khác có thể xảy ra như sẹo,
tân mạch, nhiễm trùng, loét và thủng giác mạc.
Chẩn đoán bệnh khô mắt
Chẩn đoán dựa trên các biểu
hiện lâm sàng đặc trưng thông qua các kỹ thuật như: xác định mức độ chế tiết nước
mắt có ở trạng thái bình thường (test Schirmer), thời gian vỡ phim nước mắt (TBUT)...
nhằm phân biệt các hình thái khô mắt, từ đó có phương án điều trị phù hợp.
- Test Schirmer: dùng giấy
lọc chuyên biệt được đặt (không gây tê tại chỗ) ở chỗ giao giữa điểm giữa và phần
ba ngoài của mi dưới để xác định mức độ chế tiết nước mắt có bình thường không.
Nếu trong hai lần liên tiếp, dải giấy thấm ướt < 5,5mm sau thời gian 5 phút,
chứng tỏ bệnh nhân bị khô mắt chế tiết.
- Test TBUT: nhỏ
fluorescein vào mắt người bệnh, thực hiện nháy mắt nhiều lần để dàn đều lớp
phim nước mắt. Người bệnh nhìn thẳng, canh thời gian cho đến khi TBUT được xác
định. Màng nước mắt được quan sát dưới ánh sáng màu xanh cobalt ở đèn khe. Nếu
thời gian vỡ ngắn (< 10 giây) nghĩa là mắt bị khô.
- Chẩn đoán khô mắt còn cần
phải xem xét khả năng người bệnh mắc hội chứng Sjögren, nếu kèm theo khô miệng.
Cách phòng ngừa, điều trị
bệnh khô mắt
- Sử dụng nước mắt nhân tạo.
Nước mắt nhân tạo có độ nhớt cao hơn bề mặt mắt, chứa lipid làm giảm bốc hơi.
Nước mắt nhân tạo dạng mỡ được sử dụng trước khi ngủ hữu ích cho người bị hở mi
ban đêm hoặc kích thích khi đang tỉnh.
- Giữ độ ẩm, sử dụng máy
làm ẩm, tránh ở trong môi trường quá khô.
- Trường hợp không đáp ứng
điều trị có thể cân nhắc nút điểm lệ.
- Trường hợp nặng, khâu
cò mi một phần có thể giúp hạn chế khô mắt do bay hơi.
Bác sĩ Tùng nhận định, bệnh
khô mắt không gây hậu quả nghiêm trọng như mất thị lực nhưng cũng ảnh hưởng đến
sinh hoạt hàng ngày, lâu dài có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về mắt. Do
đó, để phòng ngừa mắt "khô hạn", bạn nên lưu ý những vấn đề sau:
- Nếu mắt bị khô do các yếu
tố môi trường nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và bảo vệ mắt bằng kính mắt
khi hoạt động bên ngoài lúc trời gió.
- Thêm máy tạo độ ẩm
trong nhà có thể tạo độ ẩm trong không khí, giúp giảm khô mắt.
- Hạn chế đeo kính áp
tròng.
- Giảm thời gian sử dụng
các thiết bị màn hình phẳng.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng
hợp lý bao gồm các dưỡng chất cần thiết cho mắt như: vitamin A, omega-3, kẽm,
lutin... giúp duy trì chức năng giác mạc.
- Uống nhiều nước giúp
duy trì độ ẩm cho cơ thể và mắt.
- Đảm bảo giấc ngủ đủ 6-8
tiếng mỗi ngày để mắt kịp hồi phục, duy trì độ ẩm ở màng mắt, thư giãn cơ mắt.
Khám mắt định kỳ cũng là
cách phòng bệnh và bảo vệ đôi mắt của bạn trước các tác nhân từ môi trường, lối
sống... Thông qua thăm khám, bạn sẽ hiểu hơn về sức khỏe đôi mắt và có các biện
pháp khắc phục kịp thời, duy trì tầm nhìn sáng.
Châu Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét