Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Kinh Dịch: Hậu quả tất yếu của một xã hội đánh mất thành tín

 

Kinh  Dịch:

 Hậu  quả  tất  yếu  của  một  xã  hội  đánh  mất  thành  tín

An Hòa • Thứ Hai, 16/11/2020

(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Thành tín không chỉ là thước đo của tu dưỡng mà còn là tiêu chuẩn của chính nhân quân tử, là nguyên tắc xử thế cần phải có của người cổ đại. Người có thể thủ tín thì mới được coi là thủ giữ được đạo làm người và được người khác kính trọng. Không những vậy, thành tín còn là một nhân tố chống đỡ sự vận hành của xã hội. Vấn đề này được diễn giải trong Kinh Dịch, cuốn sách đứng đầu Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho gia.

Thời cổ đại, để điều chỉnh hành vi trong xã hội, người ta dùng “thành tín” làm gốc. Đây không chỉ là luân lý đạo đức của người xưa mà còn được con người hiện đại công nhận. Trong các kinh sách cổ đại đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thành tín và hậu quả tất yếu của một xã hội khi đánh mất thành tín. Kinh Dịch cũng đề cập đến điều này một cách thâm sâu.

Nhiều người cho rằng Kinh Dịch chỉ đơn thuần là cuốn sách nói về bói toán và xem vận mệnh. Nhưng thực ra, Kinh Dịch hàm chứa và phân tích rất nhiều phương diện của tu tâm dưỡng tính, như luân lý đạo đức, văn sử, đạo pháp… của người cổ đại. Bởi vì Kinh Dịch ra đời từ rất lâu, từ ngữ trong cuốn sách và các vấn đề về văn sử, triết học lại càng có nội hàm thâm thúy.

Trong Kinh Dịch, cổ nhân dùng chữ “Phu” để giảng giải về “thành tín” (thành thật, trung thực, giữ chữ tín). Chữ “Phu” này bao gồm hai ý nghĩa, thứ nhất là biểu đạt danh dự, thứ hai là sự tín phục, tin tưởng, nghe theo.

Cổ ngữ có câu: “Thâm phu chúng vọng”, ý tứ là bởi vì có lòng tín nghĩa và danh dự tốt đẹp nên được người khác tín phục. Trong Kinh Dịch cũng dùng chữ “Phu” để diễn đạt lý niệm của “thành tín”. Tổng cộng trong Kinh Dịch có 29 đoạn viết về vấn đề này.

Trong 64 quẻ của Kinh Dịch, quẻ xếp ở vị trí thứ 6 chính là “Quẻ tụng”. Tụng ở đây là tố tụng, kiện tụng lên tòa án, nghĩa rộng hơn là bất hòa, tranh cãi, phiền toái, tai họa và rắc rối. Đó là kết quả của quan hệ bất đồng về lợi ích giữa người với người và cũng là kết quả tất yếu của mâu thuẫn gay gắt. Nhưng điều gì làm nảy sinh ra kết quả ấy?

Trong “Quẻ tụng” có nói rằng: “Tụng, hữu phu trất dịch”. Theo nghĩa bề mặt nhất thì ý tứ của câu này là: bởi vì “thành tín” bị tắc nghẽn, không được thông suốt, bởi vì không thể kiên trì giữ vững thành tín, cho nên mới xảy ra những điều phiền toái là tố tụng, tranh cãi, kiện cáo…

Trong thứ tự của 64 quẻ Kinh Dịch thì “Quẻ tụng” đứng ở giữa “Quẻ nhu” và “Quẻ sư”. “Quẻ nhu” đứng trước “Quẻ tụng”. Nhu ở đây chính là nói đến nhu cầu, là lợi ích đạt được, là những điều kiện vật chất căn bản trong cuộc sống của con người. “Quẻ sư” đứng sau “Quẻ tụng”. Bản ý của “sư” chính là đám đông, là lập phe, quân đội, có ý là mang binh đánh giặc. Trong thứ tự “Quẻ nhu”, “Quẻ tụng”, “Quẻ sư” đều có một sợi dây “thành tín” xuyên suốt.

Toàn bộ chuỗi thứ tự các quẻ liên tiếp này có nghĩa là, bởi vì trong quá trình phân phối lợi ích vật chất không có sự đồng đều, công bằng, thành tín bị nghi ngờ, làm xảy ra tranh đoạt lợi ích, từ đó khiến mâu thuẫn gay gắt lên, thành tín cuối cùng bị vứt bỏ nên chỉ có thể dùng kiện tụng để giải quyết. Kiện tụng là tranh nhau, tranh nhau thì sẽ có lập phe, có đám đông nổi lên như chiến tranh. Khi xảy ra chiến tranh, các phe phái tranh giành thì xã hội đại loạn. Khi xã hội đại loạn thì tất yếu sẽ không thể bền vững được.

“Quẻ tụng” khái quát căn nguyên của các nguy cơ. Ở phạm vi rộng lớn như một đất nước hay toàn quốc tế, ở trong phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, quê hương đều là bởi vì mất thành tín cho nên giữa mọi người không còn sự tôn trọng và hiểu nhau, cuối cùng dẫn đến phải giải quyết bằng kiện tụng, chiến tranh. Vì vậy, để gia đình, xã hội, quốc tế hài hòa, không có chiến tranh thì chỉ có một đáp án, đó là khôi phục “thành tín”.

Trong hành vi xã hội hiện đại, cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Con người luôn vì lợi ích mà vĩnh viễn ở trong sự tranh giành. Kinh Dịch đã nói rõ kết quả phát triển của loại trạng thái này chính là “tụng” (kiện tụng) và “sư” (chiến tranh). Đây đương nhiên không nên là mục đích của hành vi xã hội.

Muốn tránh được kết cục này thì phải loại bỏ sự tranh đoạt lợi ích, tránh làm tổn hại luân lý đạo đức xã hội, tránh làm tổn hại “thành tín”. Con người chỉ có đề cao sự “thành tín”, tuân thủ “thành tín”, đặt “thành tín” làm nền tảng mới có thể đạt được lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội một cách lâu dài nhất, bền vững nhất.

Thành tín là cái gốc để lập thân, lập nước. Người thất tín thì không làm nổi việc gì, dân chúng thất tín vào người cai trị thì đất nước suy vong. Nhìn vào các quẻ trong Kinh Dịch có thể thấy rõ được hậu quả tất yếu của một xã hội đánh mất “thành tín”.

An Hòa

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét