Dec 5, 2021 - Chúa nhật II mùa Vọng năm C
Sứ điệp của Gioan Tiền Hô
Các Bạn thân mến,
Lịch sử cứu chuộc loài người cho thấy Thiên Chúa thường dùng ngôn sứ để truyền dạy những gì Ngài muốn nhân loại tuân theo và mời gọi con người sửa đổi, vâng nghe, sống theo Lời Thiên Chúa dạy, hầu được hạnh phúc đời đời.
Và chúng ta đã biết nhiều vị sứ giả nổi tiềng như Elia, Isaia, Danien, Amos, Edekien, Gieremia, Ose, Zacaria, Samuen, Elise… Thời Đức Giesu có Gioan Tẩy Gỉa, người đã tìm nơi hoang địa thanh vắng để có cơ hội tiếp cận Thiên Chúa, mong được nghe những Lời của Ngài. Và ông đã được toại nguyện với những Lời đã làm Ông sống và thúc dạy Ông trở thành ngôn sứ cho Thiên Chúa. Ông đã khơi gợi một ý thức về sự sám hối trở về với Thiên Chúa cùng truyền lại cảm nhận sự đến gần của Ngài để dân chúng chuẩn bị đón tiếp Ngài.
Gioan là tiên tri được linh ứng đầu tiên đến đập tan sự yên lặng của nhiều thế kỷ. Sự quan trọng của chức vụ Ông được Thánh Luca nêu ra bằng cách liệt kê những chi tiết xác thực định vị thời kỳ của Ông. Khi nói rõ từng tên người cầm quyền chính trị và tôn giáo, Luca còn cho biết trong thời ấy có sáu cuộc bổ nhiệm, để đưa dần tới tính cách phổ thông của Tin Mừng.
Trước hết Luca nêu tên vị hoàng đế đang trị vì đế quốc Lama là Xeda Tiberio, rồi Philato tổng đốc xứ Giude, người đã lên án tử cho Đức Giesu. Herode Antipa, con người quyến dụ và sát nhân, con của Herode đại vương, được bổ nhiệm cai trị xứ Galile; Philiphe và Lyxania làm tổng trấn các xứ lân cận.
Về giáo quyền, Luca nhắc tới Anna và Caipha, nghĩa là hai thượng tế cùng một lúc. Thực ra Anna đã mãn nhiệm, nhưng kế vị ông lại là con rể Caipha. Do đó tuy Caipha là thượng phẩm đương chức nhưng thực quyền vẫn ở trong tay Anna. Bởi thế khi Đức Giesu bị nộp đã phải điệu đến cho ông trước tiên dù lúc đó ông không còn chức vụ gì. Luca nêu tên ông vào với Caipha để nói lên tình trạng bất thường về tôn giáo thời ấy. Là trường hợp có hai người đứng đầu dân Do Thái cả về phương diện tôn giáo và chính quyền. Ngày xưa chức này do cha truyền con nối, nhưng khi người Lama đến, thì chức vị đó đã làm đầu mối cho đủ mọi thứ gian lận.
1. Vai trò lịch sử:
Một bảng danh sách cụ thể của những lãnh tụ đời đạo như thế cho thấy:
* Đức Giesu là một nhân vật có thật trong lịch sử.
. Về chính trị, Ngài đã sống thời hoàng đế nào, tổng trấn nào, tiểu vương nào, đều được ghi rõ.
. Về tôn giáo, dưới thời thượng tế nào cũng được ghi rõ ràng.
. Lãnh địa họ đang hành quyền vừa là đất dân tộc Do Thái (Giude, Galile) vừa là đất lương dân (Iture, Abilen, Trakhonit)
* Như thế Đức Giesu là Đấng Cứu Độ phổ quát, không chỉ cho người Do Thái, mà còn cho mọi dân tộc.
* Những nhân vật lịch sử đang nắm chính quyền này là lúc Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng, Ông chính là người tiền hồ dọn đường cho Đức Giesu.
* Gioan cũng đã sớm nhận ra rằng từ hoàng đế Tiberio đến quan tổng trấn Philato, từ vua Herode, Philipe, Lyxaria đến các vị thượng tế Anna, Caipha và dân chúng, tất cả đều lòng đầy những đồi núi, quanh co, lồi lõm...
Nghĩa là Gioan cho thấy sự thoái hóa tột bậc về cả đạo đức lẫn tôn giáo lúc bấy giờ, nên cần thiết phải có sự kêu gọi Israel trở lại thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa. Đặc biệt chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế giáng trần.
2 . Vị sứ gỉa:
- Và vị sứ gỉa cần thiết ấy đã xuất hiện, chính là Gioan Tây Giả con ông Giacaria.
- Sau một thời gian tự tôi luyện bằng kỷ luật nghiêm ngặt, khắc khổ trong sa mạc hoang vu, Ông đã xuất hiện với một sứ điệp quả quyết từ Thiên Chúa.
- Ông lôi cuốn được đông đảo quần chúng đến thung lũng Giodan để nghe giảng đạo và tiếp nhận lễ rửa như một dấu hiệu và ấn chứng cho lòng ăn năn.
- Bản chất của chức vụ Ông là làm ứng nghiệm lời báo trước của tiên tri Isaia:"Tiếng kêu trong hoang địa", người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
- Sự chuẩn bị này có tính cách Đông Phương, dễ hiểu, là khi một vị vua định đi tuần tra nơi nào trong vương quốc của mình thì thường sai một vị quan đi trước hô hào dân chúng sửa sang đường sá cho ngay phẳng, trơn tru, sạch sẽ...
- Gioan cũng thế, được coi như sứ gỉa của Vua Thiên Quốc, nên Ông nhấn mạnh về sự sửa soạn tâm hồn và đời sống để dân chúng sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế.
- Ông kêu gọi phải ăn năn sám hối, từ bỏ tội lỗi, là những trở ngại đạo đức cần phải dẹp sạch:
. lấp cho đầy những hố sâu tham lam, ích kỷ, hẹp hòi…
. uốn cho thẳng những lối suy nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc, thiên vị…
. vạc những núi đồi kiêu ngạo, tự hào tự mãn…
. san bằng phẳng nơi gồ ghề, lồi lõm, bất công, bất chính...
- Cần ý thức rằng từng giây phút chúng ta đang sống trước mặt Thiên Chúa, và chịu trách nhiệm về tất cả những gì thuộc sở hữu bản thân chúng ta.
- Ý thức Thiên Chúa luôn tha thứ hết mọi tội lỗi nặng nhẹ cho chúng ta và luôn chờ đợi chúng ta quay trở về với Ngài.
- Ăn năn hối cải kiên trì mỗi ngày, như con đường xuyên suốt đời người, bằng tư tưởng, tình cảm và hành động.
- Ăn năn hối cải chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, ngay trong con người mình và cả bên ngoài nữa, nên phương thế ăn năn trở lại hiệu quả nhất là cầu nguyện thường xuyên.
- Ngày nay nhiều người đã mất gần hết ý thức về tội lỗi, họ theo chủ nghĩa kinh tế thị trường, cá nhân, hưởng thụ, coi mọi chuyện là bình thường, không còn khái niệm tội lỗi, hy sinh, chịu đựng, mà chỉ quan tâm đến cảm xúc, thỏa mãn, chiếm đọat…
- Vì vậy thế giới càng ngày càng tràn đầy khắp nơi mọi thứ tội lỗi và mọi kiểu tội phạm…
- Nên hơn bao giờ hết, càng ngày càng xuất hiện nhiều loại bạo lực, nhiều kiểu kinh doanh, bất công, hận thù, chia rẽ...
- Bởi thế mỗi năm Mùa Vọng về, Giáo Hội lại gợi nhắc cho chúng ta hình ảnh một Gioan Tẩy Gỉa khắc khổ, đã hết mình kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối để được cứu chuộc.
- Và trải qua hơn hai ngàn năm nay, Goan Tẩy Giả không còn tại thế, và thế giới ngày nay còn thoái hóa hơn thời đó gấp bội. Vậy ai là người sẽ đóng vai trò sứ giả tiếp nối Gioan Tiền Hô để kêu mời mọi người chung quanh mình sám hối ăn năn dọn đường cho Chúa?
- Đó hẳn là một thách đố lớn lao làm đau tim nhức óc cho Giáo Hội và cho những Kito hữu nhiệt huyết chúng ta phải không?
- Nhưng dù sao, chúng ta cũng vẫn phải làm, phải cộng tác vào công việc của sứ giả bằng cách nào đó là tùy khả năng, cơ hội và hoàn cảnh của mỗi chúng ta.
- Vì với ơn gọi Kitô hữu, chúng ta cũng đã được trao sứ mệnh rao giảng sự công chính của Thiên Chúa. Xây dựng con đường chân lý hòa bình cho thế giới. Giữa một thế hệ muốn chối bỏ Thiên Chúa. Một thế hệ vong thân và đảo điên trong vô luân mất an bình.
- Nên dù khó khăn, bất toàn, Kitô hữu chúng ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả thực thi và hoàn thành sứ mệnh của chúng ta như Gioan đã chu toàn nhiệm vụ tiền hô cho Ðấng Cứu Thế khi xưa.
- Bởi Thiên Chúa không bao giờ để một mình chúng ta làm việc cho Ngài; vậy hãy tin tưởng, Chúa luôn sát cánh trong mọi hành động cùng chúng ta.
3. "Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa":
- Để người ta sẵn sàng đón tiếp Đức Giesu, Đấng Messia, Con Thiên Chúa, ông Gioan đã vạch cho mọi người thấy cần phải dẹp sạch sẽ những trở ngại đạo đức bằng cách thật tâm ăn năn sám hối, và quyết tâm từ bỏ tội lỗi.
- Chúng ta lại biết, theo thói đời người ta thường tìm đến vị thần này, thánh nhân kia để được xin ơn này ơn khác, hay để chiêm ngưỡng, học hỏi, hoặc thỏa mãn tính hiếu kỳ.
- Lẽ ra con người cũng phải tìm đến Thần linh của mình là Thiên Chúa, thế mà chính Thiên Chúa lại tìm đến với chúng ta. Đó chẳng phải là một vinh dự và là một ơn lành trọng đại cho con người sao?
- Thế nhưng vì thiếu ý thức, vì hiện tượng"thức lâu chầu mỏi" hay vì mắc mưu kế của Sa tan, mà chúng ta thiếu sốt sắng, thiếu hứng khởi, thiếu quan tâm, thiếu tha thiết, nên thờ ơ, coi thường việc đón chờ Chúa Cứu Thế đến.
- Ngày hôm nay, với nền văn hóa văn minh tột độ, dù Đức Giesu có đến bằng cách nào thì chúng ta cũng cần chuẩn bị chu đáo theo cách nói đầy hình tượng, đơn sơ dễ hiểu mà Thánh Kinh đã dùng, là san bằng đồi núi, thung lũng quanh co...để chấn chỉnh đời sống, điều chỉnh tư tưởng, tình cảm, lời nói hành động của mình giúp chúng ta hoán cải, thay đổi, không chỉ trong hành động vi phạm luân lý đạo đức, mà cả trong não trạng, trong lòng của chúng ta nữa để xứng đáng đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa, vị Cứu Tinh của chúng ta.
- Đừng để bị lôi cuốn qúa nhiều bởi những cách chuẩn bị bề ngoài, mang nặng hình thức phô trương, phung phí, thỏa mãn cá tính con người trần tục, chỉ làm lợi cho thương mại, và ma quỉ.
- Mà nên giành thời gian tịnh tâm suy nghĩ, kiểm điểm xem chúng ta còn gồ ghề, quanh co, lồi lõm chỗ nào để sửa chữa, bù đắp, dọn dẹp cho trơn tru, bằng phẳng cách nhanh chóng tốt nhất hầu kịp đón Chúa đến. Cụ thể chúng ta có thể đặt cho mình những câu hỏi:
. chúng ta ý thức về Thiên Chúa tình yêu, về sự giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa tới mức độ nào?
. dựa trên nền tảng nào để chúng ta đánh gía sự việc của mình, và của mọi người?
. sinh hoạt của trí khôn, tình cảm, tâm lòng, và hành động trong cuộc sống của chúng ta có đẹp lòng Thiên Chúa và sinh lợi lộc cho mình cùng mọi người không?
- Mặt khác, lời Chúa hôm nay còn cho chúng ta một sự tin tưởng lạc quan rằng Thiên Chúa cho muôn dân khắp cả địa cầu thấy hào quang rực rỡ của Ngài, mà không một chút phân biệt: người Do Thái hay kẻ ngoại; thánh thiện hay tội lỗi; lành mạnh hay ốm đau; giàu sang hay nghèo hèn; hàng tư tế hay giáo dân ... Tất cả đều được đón nhận ơn cứu chuộc của Ngài.
- Đó là sứ điệp của Gioan Tiền Hô với lời mời gọi sám hối ăn năn và loan báo hạnh phúc vinh quang Nước Trời đã gần kề.
Lạy Chúa, thật khó khăn khi chúng con phải bỏ hưởng thụ, nhận mình lầm lẫn sai trái, cũng không dễ chút nào khi phải chừa tội lỗi! Nhưng đấy lại là những cản trở bước đi của Ngài đến cứu chuộc chúng con.
Xin ban ơn sám hối để chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối suy nghĩ, lối sống, lối hành động; tỉnh táo để không rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình, can đảm uốn nắn quanh co, san bằng phẳng gồ ghề lồi lõm, quét dọn sạch sẽ con đường Chúa đi, để Chúa nhanh chóng đến với chúng con. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
Than men,
M.Goretti duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét