Các việc đạo đức
Thu,
16/06/2022 - Huệ Minh
2
V 2:1,6-14; Tv 31:20,21,24; Mt 6:1-6,16-18
Các việc đạo đức
Kết thúc một mùa bóng, những
đội tuyển không chỉ giành được huy chương vàng, bạc, đồng còn được những món tiền
thưởng hậu hĩnh. Ngoài ra, các cầu thủ xuất sắc còn nhận được những lời khen tặng
từ báo chí và người hâm mộ. Đây cũng là một phần thưởng không kém quan trọng đối
với họ. Người con cái Chúa cũng vậy, trong “90 phút thi đấu của cuộc đời,” họ
cũng phải tỏ ra là những vận động viên xuất sắc, qua “ba môn điền kinh phối hợp”
truyền thống là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.
Nếu có ý làm để khoe
khoang, nhằm cho “thiên hạ thấy,” thì phần thưởng của họ là lời khen tiếng phục
và rồi chấm hết! Còn nếu thực hiện cách âm thầm, chỉ qui hướng về Chúa, được Đức
Giê-su diễn tả qua kiểu nói “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” hay “vào
phòng, đóng cửa lại”, thì chính Thiên Chúa sẽ là Đấng trả công bội hậu cho họ.
Cám dỗ mà con người dễ
dàng mắc phải có lẽ là sự phô trương. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc
nhở chúng ta: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người
ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là
Ðấng ở trên trời” (Mt 6, 1). Tính phô trương có thể len lỏi vào cả những việc đạo
đức, thánh thiện như: làm phúc bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Làm phúc bố thí là hành động
biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện tình thương, sự quan tâm, nâng
đỡ của chúng ta đối với những anh chị em kém may mắn, và qua đó giúp họ nhận ra
sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng khi chúng ta làm việc thiện
để phô trương và để nhận được tiếng khen từ người khác thì chúng ta làm để nâng
giá trị bản thân, tôn vinh chính mình chứ không phải để tôn vinh Chúa. Những
hành động và việc tốt chúng ta thi hành không xuất phát từ lòng mến Chúa-yêu
người mà chỉ vì mục đích phô trương và vì lợi ích bản thân thì không còn ý
nghĩa và giá trị đích thực trước mặt Chúa.
Tin Mừng ghi lại những lời
dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng
làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu
nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc
đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản
đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới,
đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi.
Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường
hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng
rãi để dễ lừa gạt người khác.
Chúa Giêsu cảnh giác
chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi
cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện
chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với
ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh
phục vụ của chúng ta.
Một việc đạo đức ta
cần quan tâm trong đời sống Kitô hữu là sự bố thí, là chia sẻ cơm bánh
vật chất cho những người nghèo đói. Việc bố thí này tuy khó thực
hiện, nhưng sẽ mang lại ích lợi lớn lao cho tâm hồn ta và còn là phương
thế giúp ta đền tội hữu hiệu nhất: khó thực hiện vì “Đồng tiền
liền khúc ruột”. Nhưng Ích lợi lớn lao, vì bố thí giúp ta ý thức
về giá trị tương đối của đồng tiền, như Đức Giê-su đã khuyên chàng
thanh niên giàu có muốn nên trọn lành “hãy về bán gia sản đem phân
phát cho người nghèo để đổi lấy kho báu trên trời rồi đến theo làm
môn đệ của Người” (Mc 10, 21).
Chúa dạy: “Rồi khi các
con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện
giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy” (Mt 6, 5). Cầu nguyện
là tâm tình của người con đối với Chúa là Cha, là cách mà con người đáp trả lại
tình yêu với Đấng tạo dựng và quan phòng, là mối tương quan cá vị của mỗi người
với Thiên Chúa.
Nhiều khi chúng ta chỉ
chú trọng đến hình thức bên ngoài, thích tỏ ra cho người khác thấy mình đạo đức,
thánh thiện nhưng bên trong lại hời hợt, trống rỗng. Hôm nay Chúa mời gọi chúng
ta hãy cầu nguyện trong âm thầm, khiêm tốn, hãy kết hiệp với Chúa bằng tình yêu
chân thành chứ không phải để phô trương và để “thiên hạ thấy”. Cầu nguyện với
tâm tình yêu mến và chân thành sẽ giúp chúng ta trở nên giống Chúa hơn trong lời
nói, tư tưởng và hành động.
Hơn nữa, đây còn là
một cách đền tội hữu hiệu, như lời sứ thần Ra-pha-en khuyên bảo hai
cha con Tô-bi-a như sau: “Bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì
tốt hơn có của cải mà ăn ở bất công. Làm phúc bố thí thì tốt hơn
là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí làm cho chúng ta khỏi chết và
tẩy sạch mọi tội lỗi. Ngòai ra người làm phúc bố thí cũng còn
được sống lâu nữa” (Tb 12, 8-9).
Trong một xã hội thực dụng
‘hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’ hoặc ‘thả con tép, bắt con tôm’ thì việc bố
thí, chia cơm sẻ áo cho tha nhân lại càng hiếm hoi. Hoặc người ta bố thí theo
hình thức ‘khua chiêng đánh trống’ để tìm danh lợi, lấy tiếng khen. Cũng có khi
người ta bố thí chỉ là để thải ra những đồ thừa, hết hạn sử dụng, không thể sử
dụng hoặc đem lại lợi nhuận cho họ – những việc bố thí như thế thường hạ thấp
hơn là nâng cao nhân phẩm con người. Lại có những hình thức làm việc từ thiện để
che lấp tội ác của mình như buôn thuốc phiện, buôn lậu, buôn người…. Chúa
Giê-su dạy “khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm để việc bố thí
được kín đáo” (c. 3) cho thấy Thiên Chúa muốn việc từ thiện, tương thân tương
ái phải phát xuất từ trái tim chân thành biết yêu thương, rung cảm trước sự bất
hạnh, nỗi đau của tha nhân.
Vì vậy việc bố thí là để
phục vụ, nâng cao nhân phẩm con người, giúp con người sống tốt hơn, hạnh phúc
hơn chứ không thể trở thành hình thức khỏa lấp lương tâm hay mưu tìm danh lợi
cho mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét