Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Tôi phải làm gì đối với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày

 

Tôi  phải  làm  gì  đối  với  Chúa  Thánh  Thần  trong  đời  sống  hằng  ngày

(Suy niệm lễ Chúa Thánh Thần)

 Fri, 03/06/2022 - Lm Phạm Trọng Phương





Hằng ngày, là người có đức tin, chúng ta phải chân nhận rằng đời sống chúng ta được thánh hoá, được bảo trợ và gìn giữ cũng như được khôn ngoan trong mọi biến cố là do bởi Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trong tâm hồn chúng ta, Thần Khí của Con Ngài (x. Gl 4,6), Đấng ấy thật sự là Thiên Chúa. Là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài không thể bị tách biệt bởi Chúa Cha và Chúa Con, trong đời sống thâm sâu của Ba Ngôi cũng như trong hồng ân tình yêu của Ba Ngôi dành cho trần gian. (x. GLHTCG, số689). Như vậy, đức tin chúng ta dạy chúng ta phải tin nhận rằng Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là một ngôi vị trong Ba ngôi.

Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giê-su đã hứa ban khi Ngài lìa khỏi thế gian. “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (x. Ga 14,16) Và chính hôm nay, ngang qua bài Tin Mừng Ga 20, 19-23, Chúa Giê-su Phục Sinh cũng đã hiện đến chúc bình an và đặc biệt đã thổi hơi vào các Tông đồ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (c.22). Quả thật, chúng ta sẽ không thể làm được gì nếu không có ơn Chúa, hay nói khác đi, chúng ta chẳng hiểu biết gì và chẳng làm được gì nếu Chúa Thánh Thần không đến hiện diện với chúng ta trong mọi đường đi nước bước. Trong bài đọc II, Thánh Phao-lô Tông đồ nói với cộng đoàn Co-rin -tô rằng: không ai có thể nói rằng: “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí, (x.1Cr 12,3b) mà Thần Khí đó chính là Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người ki-tô hữu. Theo như Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 733 đã khẳng quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16) và tình yêu là hồng ân đầu tiên, chứa đựng tất cả mọi sự khác. Tình yêu này “Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Như vậy, Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá và là Đấng Bảo Trợ mỗi ki-tô hữu từ khi đón nhận ơn Bí Tích Khai Tâm, cụ thể chính Chúa Thánh Thần đã tha thứ mọi tội lỗi khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và được phục hồi để chúng ta trở nên tinh tuyền, thánh thiện và trở nên giống Thiên Chúa hơn. Nơi bí tích Thêm sức, mỗi ki-tô hữu được lãnh nhận 7 Ơn trọng cả của Chúa Thánh Thần để xác nhận rằng tư cách và vai trò của người ki-tô hữu trong sứ vụ loan báo Tin mừng. Với ơn Bí tích Thêm sức, với sự đón nhận ơn Chúa Thánh Thần một cách tròn đầy, từ nay ki-tô hữu mang trong mình “thẻ căn cước” rõ ràng và xác thực hơn. Quả thật, theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 736: “Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các con cái của Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái. Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ làm cho chúng ta mang lại hoa trái của Thần Khí, là “ bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. (Gl, 5,22-23). Thần Khí là sự sống của chúng ta, chúng ta càng từ bỏ chính mình, Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động”.

Mặt khác, nơi bài đọc I, nhân ngày lễ Ngũ Tuần, chính nhờ Thánh Thần mà dù các Tông đồ là những người ít học, là những người ở Do Thái gốc, thế nhưng mà, các ngài đã giảng dạy và nói chuyện làm cho mọi người từ khắp nơi thiên hạ đều hiểu rõ và nhận biết được nội dung bài giảng của các ngài. Phải chăng các Tông đồ biết nhiều thứ tiếng? Phải chăng các ngài nói tiếng ngoại ngữ? Không phải, nhưng do tác động của Chúa Thánh Thần đã làm nên mọi sự. Đây là do bởi ơn Chúa Thánh Thần chứ không phải do khả năng của các Tông đồ. Thật vậy, trước khi Chúa Giê-su về Trời, Ngài đã hứa ban Đấng Bảo Trợ, là Chúa Thánh Thần để nhờ Ngài, trong Ngài và qua Ngài, mỗi chúng ta sẽ hiểu biết mọi sự một cách trọn vẹn.

Vậy, chúng ta phải làm gì đối với Chúa Thánh Thần trong đời sống thường ngày của chúng ta?

Nơi bài đọc II, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chung ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, nên một cách nào đó chúng ta được kết hợp với nhau và với Thiên Chúa. “ Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. (1Cr 12, 4-7). Vì thế, mỗi người ki-tô hữu hãy năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để xin Ngài tiếp tục ngự đến để ban ơn, thánh hoá và trợ giúp chúng ta sống xứng đáng với danh hiệu ki-tô trong mọi nơi mọi lúc. Hơn nữa, chúng ta chỉ có thể đến được với Chúa Cha và Chúa Giê-su khi có sự lôi kéo hay thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, vì thế, chúng ta không ngừng kêu xin và chuyên chăm gặp gỡ Chúa Thánh Thần để nhờ Ngài, qua Ngài và trong Ngài, chúng ta kín múc nguồn ơn tình yêu từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ đó, mỗi người hãy mau lắng nghe tiếng thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để mau mắn lên đường thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người ở khắp mọi nơi. Cũng vậy, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta có sức mạnh để chống trả mọi tội lỗi và những chước mưu của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Quả thật, Giáo Hội không thể lớn lên trong sự thánh thiện và khôn ngoan, cũng như không thể chu toàn được sứ mệnh mà Chúa Kitô trao phó, nếu không có sự phù giúp hữu hiệu của Chúa Thánh Thần.Vì thế, Giáo Hội luôn cầu xin ơn Thánh Linh trước khi làm bất cứ việc lớn nhỏ nào. Và phong trào, đoàn thể nào có mục đích xin ơn Chúa Thánh Thần để canh tân đời sống thiêng liêng, thêm yêu mến Chúa Kitô và ơn cứu độ của Người thì đều được Giáo Hội khuyến khích, nâng đỡ.

Thật vậy, trong Tin Mừng Thánh Maccô, Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,28-29), như vậy, đâu là những thứ tội đến Chúa Thánh Thần? Xin thưa, đó là chúng ta hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ. Thứ đến là từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.Tiếp theo là phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người. Và cuối cùng là chúng ta không còn nhìn nhận tội lỗi đã phạm để xin được tha thứ.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét