TỘI ÁC XÃ HỘI VÀ ẢNH HƯỞNG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
Thu, 09/06/2022 -Trần
Mỹ Duyệt
Ngày 24 tháng Năm 2022,
khoảng 11 giờ 32 phút sáng, Salvador Ramos một thanh niên 18 tuổi vào trường tiểu
học Robb ở Uvalde tiểu bang Texas với khẩu súng trường AR-15, xả súng giết chết
19 học sinh, 2 giáo viên, và gây thương tích cho nhiều người khác. Như được lấy
cảm hứng từ hành động này, liên tiếp gần đây đã xảy ra những vụ bắn giết bừa
bãi tương tự trên một số tiểu bang.
Những cuộc bắn giết hoặc
đe dọa các trường học như vậy đang dấy lên sự giận dữ, kết án, và bất mãn với
chính quyền. Đạo luật cho phép dùng súng, hoặc cấm dùng súng lại trở nên ồn ào
trên chính trường Hoa Kỳ. Bên ủng hộ, bên chống đối. Tiếp theo là hàng loạt những
biện pháp được đưa ra bàn thảo. Nhưng một điều mà xem như mọi người đều cố tình
tránh né, hoặc không muốn phân tích và nhìn nhận sự thật, đó là ảnh hưởng giáo
dục gia đình, ảnh hưởng giáo dục luân lý và đạo đức đối với giới trẻ.
SÚNG ĐẠN VÀ GIỚI TRẺ
Trong trường hợp người mù
từ lúc mới sinh, người ta muốn vặn hỏi Chúa Giêsu, đại khái, sự mù lòa ấy gây
ra bởi ai: Tội hắn, hay tội cha mẹ hắn? (x.Gioan 9:2). Trước tình trạng trẻ em
mang súng vào trường và gây nên những thảm họa, nhiều câu hỏi cũng đã được nêu
lên: “Tại thị thường buôn bán súng đạn, tại luật lệ lỏng lẻo về súng đạn, hay tại
thiếu giáo dục gia đình, thiếu giáo dục đạo đức xã hội?”
Nhưng dù là tại bất cứ lý
do gì, thống kê năm 2019 cho biết mức độ tội ác nghiêm trọng liên quan đến súng
đạn ở lứa tuổi từ 12 - 17 là 6 trên 1.000 em. Tổng cộng có tới 146.000 vụ theo
con số thống kê. Con số này không khác nhau nhiều so với năm 2018. [1]
Những hành động bạo lực
và khủng bố như vậy đang gia tăng nhanh chóng ở Hoa Kỳ. Đặc biệt là ở những người
trẻ tuổi, khiến tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên gia tăng căn cứ vào những tường
trình của FBI. Và khi những xu hướng này tiếp tục, bạo lực có khả năng bùng
phát và sẽ tiếp tục tăng trên cùng một quỹ đạo. Cũng theo The National Runaway
Safeline tường trình, có khoảng 1,6 và 2,8 triệu thanh thiếu niên bỏ nhà đi
hoang mỗi năm riêng tại Hoa Kỳ.[2]
QỦY NHẬP
HAY KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ
Đối với những hành động
man rợ và thiếu nhân tính như những trường hợp xảy ra tại trường tiểu học Robb,
nhiều người cho rằng thủ phạm ít nhiều phải có những triệu chứng tâm thần hoặc
qủy nhập. Nhận xét này không phải là không có cơ sở. Trong bài viết “Exorcist
Diary #192: Was the Uvalde Shooter Possessed?” (Nhật ký trừ tà số 192: Sát thủ ở
Uvalde có bị qủy ám hay không?), Đức Ông Stephen Rossetti, linh mục thuộc giáo
phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, và cũng là
người đã tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua đã có những nhận
xét theo mô hình do FBI thiết lập cho “Những Sát Thủ”, theo đó Ramos có những dấu
hiệu của tâm lý bất ổn như cô độc, thiếu tự tin, khủng hoảng nội tâm, và những
bất hạnh về tuổi trẻ.
Là một thanh niên sống cô
độc, không bạn bè, tránh né những giao tiếp xã hội. Ramos còn là người thiếu tự
tin vì bị ngọng và nói lắp, bị dồn nén do bạn bè ức hiếp và quay trở lại bắt nạt
những bạn bè khác, mặc cảm về khả năng học vấn. Tuổi trẻ của Ramos còn là một
thời gian bất ổn và bất hạnh, cha mẹ bỏ nhau, và ít khi trực tiếp gặp gỡ với
cha mình.
Do những ảnh hưởng tâm lý
ấy, theo Đức Ông Rossetti, đã dẫn tới những nung nấu trong tâm hồn, và thúc đẩy
Ramos có những hành động bạo lực, giết người. Mặc dù không thể đổ lỗi mọi hành
động xấu xa cho ma quỷ, người ta cũng cảm nhận được dấu chân của chúng trong vụ
việc này và nơi hung thủ. Đây là sự giải tỏa có màu sắc tâm bệnh và mang hình ảnh
của qủy ám do động lực “não quỷ.”
Rất có thể Ramos đã bị ma
quỷ “ám ảnh”. Satan đã có tác dụng mạnh mẽ trong tâm trí của thanh niên này, và
lấp đầy với những ý nghĩ xấu xa. Do đó, khi Ramos thực hiện hành vi giết người,
anh ta có thể đã bị qủy nhập. [3]
ẢNH HƯỞNG
GIA ĐÌNH
“Bé không vin cả gẫy
cành”. Câu tục ngữ này của người Việt Nam đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa mang tính
giáo dục.
Nhiều cha mẹ, phụ huynh
đã tỏ ra lo lắng, than thở, và bất mãn với những hiện tượng xã hội như hiện
nay. Họ cho rằng những điều xấu xa ấy đã ảnh hưởng, thu hút, và làm hư con cái
họ. Nhưng khi nói đến giáo dục, dành thời giờ cho con, và nhất là tình trạng sống
trong gia đình, họ thường tỏ ra ít quan tâm.
Đối với việc giáo dục, họ
cho rằng gửi con đến trường lo, đến các trung tâm dạy kèm là đủ. Về thời gian
thì họ viện dẫn quá bận bịu và không có nhiều giờ với con. Còn về không khí gia
đình, theo họ quan niệm con cái sống với cha hay với mẹ miễn được ăn học, lớn
lên không thua kém bạn bè là đủ. Nhưng đó không phải là giáo dục, không phải là
tình thương, là khung trời tuổi trẻ mà các em tìm kiếm.
Mặc dù ảnh hưởng ly dị
không phải là một tình cảm nghiêm trọng, nhưng ly dị cũng có thể ảnh hưởng đến
thể lý, tâm lý và cả việc học vấn của con cái. Bỏ nhà đi hoang, trở thành nạn
nhân của những tội phạm xã hội là điều khó tránh nếu đứa trẻ lớn lên trong một
gia đình hôn nhân đổ vỡ, thiếu thốn tình thương, cũng như không được giáo dục đầy
đủ về đạo đức. Kinh nghiệm khải dẫn các em vị thành niên càng làm tôi thâm tín
hơn rằng tội ác xã hội có liên quan trực tiếp đến ảnh hưởng giáo dục của gia
đình.
“Trồng ớt thì ăn ớt. Trồng
cam thì ăn cam”. Đây là lời than thở và cũng là lời hối hận của một phụ huynh
khi nói về con bà!
____________
Tài liệu tham khảo:
1.https://www.childstats.gov
› americaschildren › beh5
Youth Perpetrators of
Serious Violent Crimes - Childstats.gov
2.https://www.ojp.gov ›
archives › ojp-blogs › invisible-fac..
The Invisible Faces of
Runaway and Homeless Youth
3. Catholic
ExorcismExorcist Diary #192: Was the Uvalde Shooter Possessed?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét