HÌNH ẢNH CỦA BỐ NHÂN NGÀY TỪ PHỤ
Trần Mỹ Duyệt
Chúa nhật, 8 tháng 5 hằng
năm là ngày tôn vinh, tưởng nhớ mẹ. Ngày “Hiền Mẫu”. Chúa nhật, 19 tháng 6 hằng
năm là ngày tôn vinh, tưởng nhớ cha. Ngày “Từ Phụ”. Sao không gom hai ngày này
thành một ngày nào đó trong năm để tôn vinh, tưởng nhớ cả cha và mẹ, gọi là
ngày “Song Thân Kính Yêu.”
Nhưng suy nghĩ một cách
sâu xa hơn, tình cảm hơn, thì những nụ cười, giọt nước mắt con dành cho mẹ rất
khác với những nụ cười, giọt nước mắt dành cho cha. Cả hai vòng tay đều mở ra
ôm ấp, che chở con, nhưng khi áp vào lòng cha người con nghe tiếng đập của nhịp
tim cha khác với tiếng đập nhịp tim mẹ.
“Cha như hoa phấn giữa trời.
Thiên thu tình mẹ rạng ngời
tim con.”
Tình yêu của mẹ được biết
từ ngày con sinh ra chào đời. Tình yêu người cha chỉ được biết đến khi người
con đã làm cha.
CHA VÀ CON
Một cách tổng quát, các
con thường nhìn cha mình như một người khô khan, khó chịu, và nghiêm nghị.
Nhưng tất cả những người con khi nhớ về cha mình, lại cảm thấy hạnh phúc với những
kỷ niệm đáng yêu:
1. Ông là người yêu
thương con: Dĩ nhiên tình yêu mà ông dành cho các con
không giống như cách thức diễn tả của người mẹ. Mẹ nói nhiều, nhưng cha làm nhiều.
Điều này chỉ khi con cái đã khôn lớn mới hiểu và phân biệt được. Thật ra, ông
không bao giờ tỏ ra khó chịu, bẳn gắt trừ khi con cái bướng bỉnh, hoặc không
vâng lời.
2. Ông yêu mẹ của các con:
Điều này dễ hiểu, vì mẹ của các con ông chính là người yêu của ông. Một người
cha tốt cũng luôn luôn là người chồng tốt. Ông yêu thương các con và mẹ của
chúng.
3. Ông là người trung
thành: Chung tình với vợ mình. Giữ những điều hứa hẹn với
các con. Ông không bao giờ phải nói dối vì sợ rằng con mình sẽ trở thành những
kẻ nói dối. Một lời nói của cha giá trị hơn 5 lần lời nói của mẹ. Chính vì vậy,
ông không cần phải nhiều lời.
4. Ông sống bằng lý trí
hơn cảm xúc: Và đây là điều khác nhau giữa mẹ và cha.
Nó cũng là lý do tại sao con cái ít thấy ông khóc, nhưng thật ra ông khóc nhiều
trong lòng.
5. Ông là người vất vả:
Cả cha và mẹ đều vất vả. Nhưng chữ “cực nhọc” có lẽ thuộc về cha. Nhiều khi ông
lao tâm, lao lực để lo cho gia đình, và cho từng đứa con.
6. Ông luôn có mặt mỗi
khi con cần: Là một người cha tốt. Đây là tư cách của
một người cha. Ông luôn có mặt ở đây, ở kia, và ở bất cứ nơi nào mỗi khi con
ông cần đến ông. Ông theo dõi những bước chân đầu tiên của con, và khi con ngã,
ông là người đã nâng con dậy, ngay cả sau này khi con không cần đến ông.
7. Ông
là niềm tự hào của các con: Không phải chỉ có mẹ, cha cũng là người lo lắng
về tương lai, sự thành đạt, và hạnh phúc con cái. Bạn phải hãnh diện về người cha
của mình, cũng như ông hãnh diện về bạn. “Người cha khi chết, nhưng thật ra ông
vẫn chưa chết: vì còn để lại sau ông người con như ông.” (Sirach 30:40
NHỮNG KINH NGHIỆM VỀ NGƯỜI
CHA
Thông thường, người con,
đặc biệt là con trai, chỉ hiểu và biết thương cha mình sau khi chính mình đã trở
thành một người cha. Sau đây là thước đo nhận thức của bạn và của tôi về cha
mình theo thời gian từng lứa tuổi:
4 tuổi:
Bố có thể làm được mọi thứ.
5
tuổi: Bố biết hết mọi sự.
6
tuổi: Bố thông minh hơn bố của bạn.
8 tuổi:
Bố không biết chuyện này.
10 tuổi:
Bố lúc này sao sao ấy.
12 tuổi:
Bố già rồi. Bố không còn biết sự gì cả.
14
tuổi: Bố cổ lỗ sỹ. Chán không quan tâm đến ông ấy nữa.
21
tuổi: Bố quá cổ lỗ sỹ!
25 tuổi:
Bố già rồi và không biết chuyện này sao.
30
tuổi: Bố có nhiều kinh nghiệm. Mình cần hỏi bố.
35 tuổi:
Phải hỏi bố điều này trước.
40 tuổi:
Đây là vấn đề phức tạp. Không biết ở tuổi này, ngày xưa bố giải quyết như thế
nào?
50 tuổi:
Bố nay không còn nữa trên cõi đời. Thật là buồn. Phải chi bố còn sống, mình sẽ
học hỏi được nhiều kinh nghiệm khôn ngoan từ bố.
MỘT GIỜ CỦA BỐ GIÁ BAO NHIÊU?
Điều đáng tiếc ở đây
không những về phía các con, khi bố không còn nữa mới thấy thương, thấy nhớ, thấy
tiếc! Phần những người làm cha, nhiều khi vì vất vả hoặc bận rộn lo lắng nhiều
thứ mà lơ là, thiếu quan tâm, và không dành thời giờ cho con. Trong những thành
công và thất bại, rất ít cha mẹ biết tự hỏi mình: Tôi vất vả, cực khổ vì ai? Cho
tôi?
Cho vợ con tôi? Hay cho
người khác? Sau đây là một câu truyện về tình cảm cha con mang nhiều ý
nghĩa:
Một hôm đứa con nhỏ đến gần
và rụt rè hỏi bố:
-Một giờ làm việc của bố
được trả bao nhiêu?
Người cha hơi ngạc nhiên
trước thái độ và câu hỏi của cậu con, ông hỏi lại cậu:
-Sao con hỏi câu này? Tại
sao con muốn biết tiền lương của bố?
-Dạ! Con chỉ tò mò thôi.
Bố không cần trả lời nếu như bố không vui.
- Có chứ. Bố được trả
lương 50 dollars một giờ, con bằng lòng chưa?
-Con cám ơn bố.
Nói xong cậu chạy về
phòng và đóng cửa lại. Thấy thái độ hơi lạ của con, ông bố cũng muốn tò mò tìm
hiểu. Ông đã đến gõ cửa phòng con ông. Và vừa mở cửa phòng, ông hết sức ngạc
nhiên khi thấy con ông đang cẩn thận đếm từng đồng bạc cắc từ con heo đất đổ
văng vãi trên giường. Ông hỏi cậu:
-Con đang làm gì vậy? Con
làm gì với những đồng tiền này
Và cậu nhỏ run run, đầy
xúc động trả lời ông:
-Con đang đếm những đồng
tiền con đã để dành. Hy vọng có đủ tiền để con mua bố một giờ.
Nghe vậy ông cảm động, nước
mắt chảy ra, và ông đã tiến lại ôm quàng đứa con vào lòng…
NHỮNG NGƯỜI
CHA TINH THẦN
Ngoài những người cha đã
sinh ra chúng ta phần xác, còn những người cha tinh thần: cha quan thầy, cha đỡ
đầu, cha nuôi, những người đã mở rộng vòng tay và trái tim đón nhận chúng ta
như những người con. Các ngài cũng cần được chúng ta tôn trọng, yêu mến, và biết
ơn. Đặc biệt nhất là người Cha trên trời.
Riêng về người Cha trên
trời, chúng ta chỉ cần suy niệm một lời này cũng đủ để hiểu rằng mình thật là hạnh
phúc biết bao, đồng thời phải tự nhủ mình sống sao với hạnh phúc ấy: “Vậy nếu
các ngươi, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha
các ngươi, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!”
(Mt 7:11). Chúa Giêsu đã nói với chúng ta về Chúa Cha trên trời. Và đó cũng là
lý do khiến chúng ta hằng ngày phải tin tưởng, cầu xin: “Lạy Cha chúng con ở
trên trời”.
Tác giả: Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét