Jun 5, 2022 - Chúa nhật lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống năm C -
Tràn đầy Thánh Thần trên các ông!
Các Bạn thân mến,
Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay cũng là để kết thúc mùa Phục Sinh năm C. Như vậy Phụng vu đã dẫn chúng ta đi qua từng giai đọan: Đức Giesu nhập thể, xuống thế gian làm người, Ngài đi khắp nơi trong vùng để rao giảng Tin Mừng của Ngài, rồi Ngài chịu nạn, chịu chết, và cuối cùng đã sống lại và lên Trời. Hôm nay Ngài sai Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa và bảo trợ cho các môn đệ thời ấy và cho cả loài người sau đó cho đến ngày tận thế.
Như vậy Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hôm nay là dịp để chúng ta xin Chúa tiếp tục đổ tràn đầy Thánh Thần xuống trên chúng ta, cũng như trên mọi người toàn thế gian, để tất cả cùng được hoàn thành sứ mạng cứu độ bản thân mình và anh em chung quanh.
Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại ngắn gọn sự việc xảy ra trong phòng kín vì các môn đệ vẫn đóng của kín mít do sợ người Do Thái, và cũng để giữ lời căn dặn của Đức Giesu:"Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."
Chúng ta thấy từ sau khi Đức Giesu Phục Sinh, mỗi khi xuất hiện với các môn đệ, Ngài đều chúc bình an cho các ông. Lần này cũng vậy, và Ngài còn nói rõ hơn mối tương quan về sự sai đi giữa Chúa Cha, Ngài và các môn đệ, cũng như đặc sủng Ngài ban, đó là:
1. Sự tái tạo con người:
- “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
- Nói xong Ngài thổi hơi vào các ông và bảo:”Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.”
- Những lời đó cho thấy lời chúc bình an, lời sai đi, và việc lãnh nhận Thánh Thần, rồi quyền tha tội hay cầm giữ, đi chung với nhau từng bước, từng bước chặt chẽ.
- Và lưu ý từ“thổi hơi“, đó là hành động đã có từ xa xưa, khi Thiên Chúa thổi hỏi vào hình người được Ngài nặn bằng bùn đất, để tạo nên con người sống đầu tiên trên địa cầu.
- Hơi thở của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần, là Thần Khí, là Sự Sống, là Nguyên lý tạo dựng.
- Nhưng vì phạm tội, con người đã đánh mất hạnh phúc ban đầu, đã chết đi trong kiêu ngạo, và phải vất vả, đau khổ, trầm luân trong thế gian.
- Nên Chúa Phục Sinh hôm nay thổi hơi trên các môn đệ, rõ ràng Ngài muốn tạo dựng, nhưng mà là tái tạo, bởi Thiên Chúa đã tạo dựng con người hiện hữu từ lâu; cũng bằng hơi thở, cũng bằng Chúa Thánh Thần, vì Thánh Thần vốn là nguyên lý của sự tái tạo.
2. Tác động của Chúa Thánh Thần:
- Tin Mừng chỉ nói ngắn gọn như vậy, nhưng các bài đọc hôm nay nói rõ Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các môn đệ cũng như những người nghe lời căn dặn của Chúa Phục sinh, hợp lời cầu nguyện chung với Mẹ Maria nơi phòng kín, để chờ đợi quyền năng từ trời cao ban xuống.
- Trong lúc ấy, Chúa Thánh Thần đã hiện đến với mọi người trong phòng kín dưới dạng lưỡi và lửa:
a) Lưỡi:
- Tượng trưng cho lời nói, là sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống, để nói với nhau, hiểu nhau, trao đổi, tranh luận và cả để chúc tụng, cảm tạ cùng ăn năn sám hối.. .
- Nhưng nói với nhau và hiểu nhau là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
- Bởi người ta có thể nói những lời xây dựng, tốt đẹp cũng như những lời xấu bẩn, phá hoại, chia rẽ… nên mọi người có thể hiểu hay không hiểu nhau; nghe hay không nghe nhau!
- Như ngày xưa ở Babel, con cháu ông Noe đang nói cùng một thứ tiếng, đang hiểu nhau. Nhưng do tính kiêu ngạo, muốn xây một cái tháp cao hơn trời, như thách đố Thiên Chúa. Vì vậy họ bị phạt, gây chia rẽ vì không hiểu được nhau, bởi họ đã bị nói nhiều thứ tiếng khác nhau.
- Nhưng ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đến, Ngài đã làm cho tất cả mọi người, dù ngôn ngữ khác nhau cũng vẫn hiểu nhau. Vì Ngài chính là nguyên lý của sự đòan kết và hợp nhất.
b) Lửa:
- Tượng trưng cho tình yêu, sự nhiệt thành, sinh khí, và biến đổi…
- Trong Kinh Thánh, lửa chỉ chức vụ của Chúa Thánh Thần.
- Trong Giáo Hội sơ khai, Chúa Thánh Thần đã ban nhiều đặc sủng khác nhau cho các tín hữu, nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đòan.
- Hãy nhớ lời Thánh Phaolo căn dặn:
. Mọi người hãy ý thức rằng mỗi đặc sủng của mình là do Chúa Thánh Thần ban ơn, không phải do tài năng mình tạo ra.
. Đừng khó chịu khi thấy người khác, nhóm khác cũng được ban đặc sủng.
. Tận dụng đặc sủng của mình để góp phần vào việc xây dựng bản thân, gia đình, cộng đoàn, giáo hội, cùng ý thức đó chỉ là một phần nhờ mình đóng góp, nên vẫn cần và phải tôn trọng sự đóng góp của người khác.
- Vì thế, một mặt các tín hữu phải tránh sự chia rẽ, một mặt phải tận dụng mọi ơn ban của Chúa Thánh Thần dể xây dựng thân thể Giáo Hội.
- Bởi những đặc sủng thường khác nhau, nhưng chỉ có một Thần khí.
c) Ơn bình an và tha tội:
- Như chúng ta thấy Chúa Thánh Thần được ban cùng với lời chúc bình an, quyền tha tội và lời sai các môn đệ ra đi. Vì vậy có thể thấy được các ý nghĩa:
. Ơn ban cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là bình an.
. Ơn cao trọng thứ hai là tha tội, nhờ vậy mà con người được bình an thật.
. Ơn Chúa Thánh Thần nhằm giúp Giáo Hội ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ.
- Ngoài ra Giáo Hội cũng đã tổng kết có tất cả 7 ơn Chúa Thánh Thần. Tùy trường hợp mà chúng ta cầu xin Ngài ban cho.
d) Hợp nhất trong đa dạng:
- Giáo hội ngày nay là một giáo hội đa dạng, chúng ta thấy có đủ loại dòng tu, đủ cách làm tông đồ, đủ loại hội nhóm, khuynh hướng, ý kiến... Cho thấy một sức sống vô cùng dồi dào phong phú.
- Nhưng điều quan trọng, đa dạng không phải là không đòan kết, không hợp nhất. Nên cần cảnh giác, đừng để dẫn tới sự chia rẽ, phá hoại chống đối nhau.
e) Đấng biến đổi: khi Thánh Thần hiện trên các tổng đồ:
- Có gió thổi mạnh, ào ào, ngọn lửa có hình cái lưỡi.
- Trong Kinh Thánh gió, hơi thở, sinh khí vẫn thường dùng chỉ về Chúa Thánh Thần với chức vụ của Ngài.
- Tất cả đều cần thiết cho sự sống thể xác con người như thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng cần thiết cho đời sống tâm linh như vậy, và hơn thế nữa, còn có khả năng biến đổi, tẩy rửa sạch sẽ mọi nhơ nhớp của tội lỗi.
- Như sau khi nhận Thánh Thần, các tông đồ được ơn nói tiếng lạ.
- Làm dân chúng bỡ ngỡ kinh hoàng rồi hàng ngàn người đã xin chịu phép rửa.
- Khi Ngài hoạt động nơi các tông đồ, đã biến đổi các ông hoàn toàn nhiệt thành, can đảm rao giảng Tin Mừng.
- Nhưng điều quan trọng là sự biến đổi nội tâm các tổng đồ: bấy lâu nay các ông đi theo Chúa vì vụ lợi, phàm tục, tầm thường, nhút nhát, yếu đuối…
- Chúa Thánh Thần đến làm thay đổi toàn diện trong con người các ông: lối suy nghĩ, lối nhìn, lối hiểu, lối tính toán, cách siêu nhiên, không còn trần tục như trước. Rồi các ông quyết định theo Chúa vì tình yêu, hy sinh, xả thân hoàn toàn. Đến độ các ông không sợ đói khổ, đe dọa, tù đầy, tra tấn và sẵn sàng chết vì Đức Kito.
* Hôm nay chúng ta mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cũng hãy xin chính sự biến đổi sâu sa và toàn diện của Ngài, để chúng ta có được những gì cần thiết phù hợp với cuộc sống tích cực, phấn khởi, hiểu nhau, can đảm giữ đạo cùng truyền đạo.
3. Cần lưu ý:
- Mặc dầu Chúa Thánh Thần là Đấng rất kỳ diệu, là Đấng Bảo Trợ, Đấng Thánh Hóa, là Thần Khí là Sức sống, là sự Biến đổi cần thiết nhưng Ngài đã từng bị các Tín Hữu mọi thời lãng quên, đôi khi còn bỏ quên hẳn Ngài nữa!
- Chúng ta hãy lấy lại vị trí cho Ngài, hãy tôn trọng, chúc tụng, vinh danh và cảm tạ Ngài, vì chỉ có Ngài mới có thể tái tạo sự sống cho chúng ta, chỉ có Ngài mới đưa chúng ta về đường ngay nẻo chính, chỉ có Ngài mới ban Thần khi, sức sống cho chúng ta, chỉ có Ngài chúng ta mới đủ sức chống trả lại ma quỉ và những cám dỗ thế gian.
- Chúng ta còn cần cầu nguyện xin Ngài chỉ cho chúng ta biết Chúa đang muốn gì nơi chúng ta, để chúng ta biết ý Chúa và làm theo ý Ngài.
- Khí xưng tội, hãy xin Ngài soi sáng cho chúng ta nhận rõ mình đã phạm những tội gì, những thiếu sót nào, tại sao, và cả những tội mà chúng ta không nhớ, không thấy; rồi xin Ngài giúp chúng ta phải quyết tâm sửa đổi như thế nào để đạt hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét