Biệt khúc - Chuyện tháng Mười Một
Tue,
25/10/2022 - Trầm Thiên Thu
Mở đầu ca khúc “Biệt Ly,”
NS Dzoãn Mẫn tâm sự: “Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người
về có hay?” Đó là ông nói chuyện đời thường, về cuộc biệt ly bình thường của cuộc
chia tay sầu não giữa hai người yêu nhau, có thể hai người sẽ có dịp tái ngộ hoặc
không bao giờ gặp lại.
Cuộc chia tay đó gợi nhớ
tới sự chết – cuộc biệt ly vĩnh viễn, không hẹn và không thể có dịp tái ngộ.
Theo nghĩa bình thường, chết là chấm hết; nhưng theo nghĩa tâm linh, chết không
là chấm hết, mà chỉ là chấm phẩy hoặc phẩy để “chuyển ý.” Người ta nói: “Cọp chết
để da, người ta chết để tiếng.” Cái “tiếng” ở đây là tiếng tăm – có thể là tiếng
tốt hoặc tiếng xấu. Ai cũng chỉ một lần Sinh, một lần Sống, và một lần Chết. Chắc
chắn không có kiếp luân hồi, vì bế tắc nên nghĩ ra kiếp luân hồi mà thôi. Kiếp
sau không thể thay đổi được gì, không thể rút kinh nghiệm hoặc sám hối. Điều đó
được minh định trong dụ ngôn Phú Hộ và Ladarô Nghèo Khó. (x. Lc 16:19-31)
Kinh Thánh nói: “Bởi ngẫu
nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt. Hơi thở của ta là làn khói, tư
tưởng lóe lên từ nhịp đập trái tim. Khi nó tắt đi, thân xác sẽ trở thành tro bụi,
sinh khí biến tan như làn gió thoảng. Theo dòng thời gian, tên tuổi ta cũng
chìm vào quên lãng, chẳng còn ai nhớ đến việc ta làm. Đời ta sẽ qua như một
thoáng mây trôi, sẽ biến đi như màn sương sớm bị ánh nắng đẩy lùi và sức nóng mặt
trời áp đảo. Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu, đã qua rồi là không còn trở lại,
ấn đã niêm, ai quay về được nữa!” (Kn 2:2-5)
Năm 2021, khi đại dịch Covid-19
lên tới đỉnh điểm, có rất nhiều cái chết, nỗi đau buồn trĩu nặng hơn những cái
chết khi cuộc sống bình thường, bởi vì mọi thứ đều phải làm mau chóng, ngay cả
người thân cũng không được thấy mặt hoặc đưa tiễn. Sự vắng lặng và lạnh lẽo
khôn tả. Muốn gì cũng không thể!
Rõ ràng cái chết rất bất
ngờ và người ta trở tay không kịp. Chết rồi thì có gì mà hãnh diện, khoe
khoang, kiêu căng để “khoe” quan tài đắt tiền, ngôi mộ đẹp, lăng tẩm lớn? Đời
người dài hay ngắn, sang hay hèn, trăm năm chỉ gom đủ một lần đưa tang mà thôi!
1. NHỮNG
NGƯỜI THÂN THIẾT
Một người nọ có ba người
bạn. Người bạn thứ nhất và thứ hai rất thân, còn người bạn thứ ba không thân lắm.
Ngày kia, bị tòa xử án, anh liền xin ba người bạn đi theo để biện hộ cho mình.
Người bạn thân thứ nhất từ
chối, viện cớ mắc việc không đi được. Người bạn thân thứ hai bằng lòng đi đến cửa
quan nhưng lại sợ, không dám vào tòa án để biện hộ cho anh, nên rút lui. Chỉ có
người bạn thứ ba, tuy không được anh ta yêu thích, nhưng lại tỏ ra hết sức
trung thành, vào tận tòa án biện hộ cho anh, làm cho anh không những được trắng
án mà còn được thưởng nữa.
Ba người bạn đó là Tiền Bạc,
Thân Nhân và Thiện Cử (tức là việc lành, nói “Thiện Cử” để dễ nhớ với 3 chữ T).
Người bạn thân thứ nhất trong
đời chúng ta là Tiền Bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta ngay để vào tay người
khác, họa may nó chỉ để lại cho chúng ta một bộ quần áo và một chiếc quan tài.
Người bạn thân thứ hai trong đời chúng ta là Thân Nhân – ông bà, cha mẹ, vợ chồng,
con cái, bạn bè, hàng xóm,... Khi ta chết, họ tỏ ra thương tiếc, nhưng cũng chỉ
đưa ta đến huyệt mộ rồi về, may ra còn nhớ đôi chút vài năm sau.
Cuối cùng, người bạn thứ
ba trong đời chúng ta là Thiện Cử. Tuy chúng ta ít để ý nhưng việc lành vẫn
theo đến tận Tòa Phán Xét của Thiên Chúa để biện hộ và làm cho chúng ta được
Chúa trao phần thưởng Thiên Đàng.
Cuộc đời phàm nhân theo
quy trình tự nhiên: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Đó là quy luật muôn thuở và bất biến.
Có thể có người “ngoại lệ” chỉ qua ba “chặng” là Sinh – Bệnh – Tử, hoặc chỉ hai
“chặng” là Sinh – Tử. Bất cứ ai cũng đi qua hai “chặng” Sinh và Tử, nhưng có những
trường hợp “đặc biệt” không có Sinh mà chỉ có Tử – các thai nhi bị sát hại.
Sợi dây có hai đầu, mọi
việc có Khởi Đầu và Kết Thúc, nói ngắn gọn là Mở và Kết. Đời người cũng vậy,
không thể khác được. Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai là ba “thời” của con người.
Ba “thời” này đan quyện với quy trình Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Và bất cứ thứ gì
cũng chỉ có một thời, nay có, rồi mai hư hoặc mất. Người ta mừng khi một người
được sinh ra, và người ta buồn khi một người từ giã cõi trần. Tiếng Cười biến
thành tiếng Khóc.
Chết là cuộc xuất hành đặc
biệt, là về nguồn – sinh ra từ cái gì thì lại trở về cái đó. Và đó cũng là quy
luật muôn thuở: “Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều
trở về bụi đất.” (Gv 3:20) Phàm nhân chỉ là cát bụi, (Tv 103:14) chẳng đáng gì!
Thật vậy, Kinh Thánh xác định: “Con tim của bạn là tro bụi, hy vọng của bạn hèn
hơn đất, cuộc đời của bạn tệ hơn bùn.” (Kn 15:10) Chẳng có gì oai phong mà dám
vênh vang tự đắc!
Người ta thường nói:
“Quan nhất thời, dân vạn đại.” Ý nói là đừng hống hách khi có chức, có quyền,
phải sống sao cho phải đạo làm người mà để đức cho con cháu. Còn dân đen thì
mãi mãi là dân thường thôi. Có “thời” thì rồi cũng đến lúc “thôi” – tức là “hết.”
Thời vần với Thôi, Tài vần với Tai. Chuyện đời là thế!
Sách Giảng Viên cho biết
rõ về cái mà chúng ta gọi là “một thời” nay. Biết không phải để biết cho vui,
cũng không phải để bi quan hoặc yếm thế, mà biết để khả dĩ chân nhận mình là
ai, là gì, và tất nhiên không thể bất tử: “Phận con người là phải CHẾT một lần,
rồi sau đó chịu PHÁN XÉT.” (Dt 9:27) Ông Côhelét là con của vua Đavít, tức là
Salômôn, làm vua cai trị Israel và ngự tại Giêrusalem. Ông nhận xét:
“Phù vân, quả là phù vân.
Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải
chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia
đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã
ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió
xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều
xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại
tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu
cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.” (Gv 1:2-8)
Lời ông nói về những điều
rất ư là bình thường, thế nhưng lại có gì đó rất khác thường. Nhận xét có vẻ
bình thường mà lại rất tinh tế: “Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại
sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Gv 1:9) Bình thường mà khác
thường, nhưng lạ mà không lạ: “Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: ‘Coi đây,
cái mới đây này!’ thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. Chẳng ai
còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ
mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.” (Gv 1:10-11)
Người ta có thêm kinh
nghiệm khi có thêm tuổi, và nghĩ nhiều đến lúc “một đi không trở lại.” Không ai
thoát “lưỡi hái” của Tử Thần, nhưng càng lo sợ thì càng đau khổ, càng đau khổ
thì càng lúng túng, càng lúng túng thì càng hoảng hốt, càng hoảng hốt thì càng
nguy hiểm. Bình tĩnh nhận thức rằng “cái gì cũng chỉ một thời” thì sẽ thảnh
nhiên, bởi vì có lo sợ cũng chẳng làm gì được.
Trình thuật Gv 3:1-8 nói
về nhưng cái “một thời” ấy có liên quan sự chết: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều
có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời
để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa
lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời
để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá,
một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm
tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để
xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một
thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để
làm hòa.”
2. ĐIỂM HẸN
DUY NHẤT
Là con người, ai cũng phải
chết, cũng phải trình diện Thiên Chúa, thậm chí kể cả Satan, để “báo cáo” về cuộc
sống và hoạt động của mình: “Một ngày kia, con cái Thiên Chúa đến TRÌNH DIỆN Đức
Chúa; Satan cũng đến trong đám họ để TRÌNH DIỆN Đức Chúa.” (G 2:1) Vấn đề đáng
quan ngại là không chỉ chết một lần. Cái chết thứ nhất là cái chết theo sinh học,
cái chết thứ hai quan trọng hơn và đáng sợ hơn, đó là cái chết về tinh thần:
“Những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép,
thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm
sinh cháy ngùn ngụt: đó là CÁI CHẾT THỨ HAI.” (Kh 21:8) Thế nên Thánh Phaolô đã
khuyến cáo: “Anh em hãy biết RUN SỢ mà GẮNG SỨC lo sao cho mình ĐƯỢC CỨU ĐỘ.”
(Pl 2:12)
Khi đề cập sự chết, người
ta cho là “xui xẻo” và cảm thấy lo sợ. Nhưng có ai trường sinh bất tử chưa? Chắc
chắn là không. Có chăng chỉ là trong truyện cổ tích thần thoại, tự lý tưởng hóa
mà an ủi nhau thôi. Cũng có người cho là bi quan hoặc yếm thế khi đề cập sự chết.
Thật ra không phải vậy, mà nó có chiều kích tích cực giúp chúng ta sống tốt
hơn, như Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn
thiện.” (Mt 5:48)
Theo lẽ thường, khi con
người biết suy tư nhiều về cuộc đời là lúc người ta không còn trẻ, nghĩa là đã
bắt đầu bước sang bên kia con dốc cuộc đời. Chắc chắn không ai biết mình “ra
đi” cách nào và lúc nào: Có người 5 giờ sáng, có người 10 giờ sáng, có người 1
giờ chiều, có người 3 giờ chiều, có người 5 giờ chiều, có người lúc nửa đêm…
Tuy nhiên, có những người lại biết nghĩ đến cái chết từ rất sớm, khi tuổi đời
còn thanh xuân. Đó là một đặc ân, biết nhận thức sự chết để hướng thiện, sống
tích cực, dễ buông bỏ mọi thứ cản lối tiến tới Nước Trời.
Hầu như người ta làm được
mọi thứ với khoa học tiến bộ, nhưng người ta vẫn không thể nào tạo được sự sống
và ngăn chặn được lưỡi hái tử thần. Người ta không muốn “bó tay” mà phải chịu
“bó tay,” vì cứ phát hiện thuốc chữa bệnh này thì lại phát sinh bệnh khác, có
chữa được bệnh nan y cũng chỉ là kéo dài sự sống thêm một thời gian, rồi cũng…
chết. Các khoa học gia mới khám phá được vệ tinh này thì lại chợt phát hiện còn
những “lỗ đen” xa trái đất hàng triệu năm ánh sáng. Chắc chắn con người phải
“bó tay.” Các câu hỏi cứ chồng chất lên nhau… Dự báo có bão sắp tới mà không
làm gì được, chạy trước cũng không kịp. Vậy mà người ta vẫn khoe mẽ, muốn làm
ngơ Thượng Đế, muốn loại bỏ Tạo Hóa, thậm chí là không muốn tin có Thiên Chúa!
Mỗi người có một nhãn
quan riêng, một lối suy tư riêng, với cách cảm nhận riêng. Muôn người muôn vẻ,
nhưng tất cả vẫn là suy tư về thân phận con người, nhất là cái chết, tại sao
không ai tránh khỏi? Người ta muốn “cải lão hoàn đồng” mà không thể thì đừng mơ
chuyện “cải tử hoàn sinh” hoặc “trường sinh bất tử.”
Tính tới tính lui, suy đi
nghĩ lại, phân tích đủ kiểu, áp dụng mọi thứ, nhưng vẫn không thể có đáp án thỏa
mãn. Thật kỳ lạ, có điều tưởng đơn giản mà nhiêu khê, và có điều tưởng phức tạp
mà đơn giản. Chuyện kể thế này:
Có một chiếc xe chở hàng,
tài xế không để ý nên bị kẹt dưới gầm cầu. Xe chạy tới không được mà lùi cũng
không xong. Rất nhiều người đứng chung quanh trố mắt nhìn, bàn tán, chỉ trỏ,
các xe phía sau phải dừng lại vì kẹt. Kỹ sư, cảnh sát và chủ hãng xe đến. Người
này bảo đào đường cho thấp xuống, người kia nói cắt bớt mui xe,… Cách nào cũng
không được, mà tình trạng kẹt xe càng lúc càng tăng, xe nối đuôi nhau như rồng
rắn vậy.
Bất ngờ có một cậu bé
chen vào và nói với tài xế: “Bác tài, cháu có cách. Bác xì bớt hơi mấy bánh xe
thì xe sẽ thấp xuống và có thể qua được.” Ðám đông cười ồ lên. Còn những chuyên
viên thì khó chịu, vì trẻ con mà tài lanh, dám dạy khôn người lớn. Bác tài cũng
thế, nhưng cũng đành phải thử xem sao. Và kết quả hơn cả tuyệt vời!
Trong cuộc sống đời thường
cũng tương tự. Đừng để sự đời chi phối mình thái quá. Hãy tìm cách “xì” bớt hơi
bon chen, đua đòi, kiêu ngạo, ghen ghét, đố kỵ, thù hận, tranh giành, ích kỷ,
tham lam, phe cánh, xét đoán, bất mãn, chống đối, chua ngoa, nóng giận,… để có
thể thoát ra khỏi “đường hầm cuộc đời.” Cậu bé kia có cách giải quyết đơn giản,
hợp lý và hiệu quả vì em đơn sơ và thật thà, không nghĩ cong queo hoặc cao xa
như người lớn. Biết “xì hơi” cuộc sống là cách hoàn thiện từng ngày, biết “chết”
dần mỗi ngày để hướng thẳng về Thiên Chúa.
Thi hào Nguyễn Du nói:
“Trăm năm một nấm cỏ khâu xanh rì.” (Truyện Kiều) Nhắm mắt xuôi tay rồi thì ai
cũng như ai: Trắng tay. Vậy mà người ta vẫn kèn cựa, tranh giành nhau chi li đủ
thứ. Có làm đám tang lớn, dùng áo quan đắt tiền, vòng hoa đẹp chật nhà, dàn kèn
hoành tráng,… chẳng qua người sống muốn khoe mình, muốn làm đẹp mặt, chứ người
chết chẳng được lợi chút nào: Sống thì chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi!
Cả cuộc đời chỉ còn “nấm
cỏ khâu xanh rì,” ngày nay hỏa thiêu thì chỉ còn chút tro tàn, gom lại một “bia
đá” với vài chi tiết: Tên thánh, họ tên, ngày sinh, ngày mất. Chỉ thế thôi! Với
ai cũng chỉ bấy nhiêu, dù giàu – nghèo, sang – hèn, dù cao – thấp, dù giỏi – dốt.
Rồi theo thời gian, tất cả sẽ đi vào quên lãng!
Kẻ Chết Sang Hèn Đều Mau
Tẫn Liệm
Quan Tài Đắt Rẻ Cũng Sớm
Đem Thiêu
Chó chết thì hết chuyện,
nhưng người chết vẫn còn nhiều chuyện. Đối với người có niềm tin vào Đức Kitô,
Con Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết và đã phục sinh khải hoàn, “cửa tử” là ngưỡng
bước vào cõi sống đời đời. Tử thần đã phải tâm phục khẩu phục và chịu thua cuộc
khi Đức Kitô phục sinh khải hoàn. Đức tin của chúng ta hoàn toàn chính xác,
không mơ hồ, không viển vông.
Tháng Mười Một là dịp tốt
để cầu cho các linh hồn nơi Luyện Hình, và cũng tự nhắc nhở “Memento Mori – Hãy
Nhớ Mình Sẽ Chết” để tự chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình, chẳng ai “giúp” được
gì đâu. Ý thức về sự chết để nhận thức đúng đắn và sống tốt, lợi cho mình và
ích cho người.
Lạy Thiên
Chúa là Đầu và Cuối, xin Ngài đại xá cho các linh hồn nơi Luyện Hình được hưởng
Tôn Nhan Ngài muôn đời. Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm
trí được khôn ngoan. (Tv 90:12) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu
Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
===============
CHUYỆN
THÁNG MƯỜI MỘT
Requiescat In Pace – Xin
Cho Các Linh Hồn Nghỉ Yên!
Thánh TS Tôma Aquinô cho
biết: “Trong tất cả lời cầu nguyện, lời cầu nguyện xứng đáng nhất được Thiên
Chúa chấp nhận là lời cầu nguyện cho người đã qua đời, bởi vì lời cầu nguyện đó
hàm chứa tất cả đức ái, cả thể lý và tinh thần.” Cầu nguyện là sức mạnh của con
người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa – vì Ngài không thể không đáp lại lời cầu
của người tín thành. Lời cầu nguyện vô cùng kỳ diệu!
Lời cầu nguyện của người
công chính dành cho người khác càng có giá trị gấp bội. Thánh Margaret Maria
Alacoque: “Một linh hồn công chính có thể xin được ơn tha thứ cho cả ngàn tội
nhân.” Cầu nguyện cho người khác cũng là cầu nguyện cho chính mình.
Cố NS Trầm Tử Thiêng viết
ca khúc “Tưởng Niệm” năm 1972 – Mùa Hè Đỏ Lửa kinh hoàng ở Quảng Trị, để tưởng
nhớ những người ngã xuống. Ông tâm sự: “Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì
hãi hùng hoàng hôn chợt tới. Ta nghiêng vai soi lại tình người, thì bóng chiều
chìm xuống đôi môi. Đang đam mê cho đời nở hoa, chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối.
Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng ngỡ ngàng hụt mất trên tay.”
Vì thế, con người khắc
khoải khôn nguôi: “Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ; ta tìm nhau một
thời, để mất nhau vài giờ. Bàn tay làm sao giữ, một đời vừa đi qua? Bàn tay làm
sao giữ, một thời yêu thiết tha?” Cuối cùng, “trong cơn đau một vùng hương khói,
kéo ta về, về cõi hư vô…”
Cái chết là nỗi buồn sâu
thẳm nhất, to lớn nhất. Nhưng đời tín nhân vẫn tràn trề hy vọng. Tục lệ dòng
Carthusian rất hay: Khi một đan sĩ qua đời, đan sĩ đó được chôn nơi huyệt do
mình tự đào lúc còn sống và không để bảng tên. Điều đó không có nghĩa là đan sĩ
chờ chết mà là tin tưởng vào sự sống đời đời. Thi hài đan sĩ được chôn cất
trong bộ áo dòng trắng, mặt che bằng tấm vải trắng, đặc biệt là không có quan
tài. Thật ý nghĩa biết bao!
1. MỘT GIẢ THUYẾT
THẬT
Có nhiều cách giả sử – hoặc
ví dụ. Người ta chỉ giả sử điều tốt chứ chẳng ai ví dụ điều xui xẻo. Giả sử là
dạng “nếu,” một kiểu ước mơ – dĩ nhiên có thể hoặc không thể hiện thực. Đặc biệt
có cách giả sử rất thực tế, chắc chắn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào: Chết. Chắc hẳn
có người cho là xui xẻo, bởi như vậy là dại dột và ngu xuẩn. Thật ra không phải
vậy, cách giả sử khôn ngoan đấy!
Khi đang vui sống, không
ai muốn đề cập sự chết, thế nhưng chẳng ai thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần.
Chắc chắn chết là điều thực tế, là vấn đề rất thật – thật hơn cả sự thật. Dù đó
là “chuyện xui xẻo” thì cũng cứ bình tĩnh đạt vấn đề: “Nếu chỉ còn một ngày để
sống.” Có bao giờ bạn nghĩ như vậy? Và tính thế nào?
Ai cũng biết một điều chắc
chắn rằng lá xanh hay lá vàng vẫn có thể “rụng” bất kỳ lúc nào, dù gió to hay
gió thoảng, thậm chí là không có gió; trái xanh hay trái chín thì người ta cũng
có thể “hái” bất cứ lúc nào – sáng, trưa, chiều, tối, hoặc đêm khuya. Phản ứng
thế nào và làm gì? Chết lúc nào tốt, lúc nào xấu? Giờ nào chết thì “hên” và lúc
nào chết thì “xui”? Ai có thể cưỡng lại tử thần? Biết 9 giờ sáng hên mà không
chết, lại chết vào 6 giờ tối? Tương tự, biết thời điểm nào đó “hên” và thuận tiện
mà sao không sinh? Muốn có được không? Xui hay hên là do mình. Chẳng ai biết
mình chết lúc nào và cách nào. Khi sắp chết mới biết mình… sắp chết. Có thể muộn
mất rồi!
Mệnh đề “Nếu chỉ còn một
ngày để sống” là một giả-thuyết-thực-tế, một cái “nếu” rất thật, thật đến nỗi
điều đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thậm chí là ngay bây giờ – mặc dù ai đó mới
vài tuổi, ngoài đôi mươi, tứ tuần, trung niên, thất tuần, bát tuần, hoặc xấp xỉ…
trăm tuổi. Con người hoàn toàn có “điểm mù” về vấn đề này.
Tuy nhiên, cái “nếu” đó rất
ý nghĩa và quan trọng – dù bạn là ai, ở cương vị nào, có hay không có niềm tin
tôn giáo. Chuyện kể rằng một lần nọ, khi đang giờ chơi tại Khánh Lễ Viện, Thánh
Don Bosco hỏi cậu Saviô: “Nếu chỉ còn một giờ nữa con chết, con sẽ làm gì?”
Cậu đáp ngay: “Con vẫn tiếp tục chơi.”
Câu trả lời Thánh “nhí”
Saviô thật tuyệt vời, vì đó là thi hành Ý Chúa trong hiện tại. Giờ nào việc nấy.
Dù là việc đọc sách thiêng liêng hay đọc kinh, cầu nguyện, làm từ thiện,... nếu
không “đúng lúc” thì cũng vô nghĩa. Điều đó cho thấy “nhiệm vụ hiện tại” rất
quan trọng qua cách thể hiện đức tin. Dù là ai thì trước tiên vẫn phải là con
người, không chỉ phải giữ luật sống của một người bình thường mà còn phải lưu ý
rằng mình cũng sẽ chết, dù bệnh tật hay khỏe mạnh. Đó là một thực tế vừa minh
nhiên vừa mặc nhiên, có sợ cũng chẳng thoát, vậy thì đừng sợ, cứ thản nhiên chờ
đợi!
Người danh giá hay vô
danh, người giàu hay nghèo, người lớn hay nhỏ, người giỏi hay dốt, người tài
năng hay bình thường, người có tín ngưỡng hay vô thần, người xấu hay đẹp, người
cao hay thấp, nam hay nữ,… cuối cùng ai cũng hoàn toàn giống nhau: “Tay trắng vẫn
hoàn trắng tay.” Nhắm mắt xuôi tay là… “chấm hết” đời này! Ai cũng biết vậy, thế
mà người ta vẫn cứ tranh giành nhau, chi li từng chút. Quả thật, “cái tôi” rất
lớn, như Pascal xác định: “Cái TÔI là đáng ghét.” Nhưng mấy ai dám ghét mình?
Chúa Giêsu nói “từ bỏ mình” theo nghĩa đen chứ chẳng cần bóng gió chi cả. (x.
Mt 10:37-39; Lc 14:26-27) Khó lắm, thế nên phải cố gắng “tập chết” mỗi ngày.
Hơi thở cũng như sợi dây
có hai đầu. Và ai cũng một lần trút hơi thở cuối cùng, giã biệt trần gian để
hóa thành cát bụi. Giống nhau cái chết, nhưng hình thức khác nhau theo “thói đời.”
Người giàu chết, tiền của và vàng bạc không thể cứu họ. Nhưng người giàu chết
trên đống vàng, họ chết “sướng” chứ không chết “khổ” như người nghèo, quan tài
là loại mắc tiền nhất, đám tang thật lớn, những vòng hoa tươi đủ sắc màu, không
đủ chỗ đặt vòng hoa, cờ giăng rợp trời, cáo phó khắp nơi, người vào kẻ ra nườm
nượp, khách toàn những “ông kia, bà nọ,” khói nghi ngút tỏa ra từ những nén
nhang thơm loại mắc tiền, khoản phúng điếu tính hàng trăm triệu, kèn trống rộn
ràng, thậm chí còn có cả chương trình ca múa nhạc cho thiên hạ thưởng thức; nếu
người giàu là người có đạo thì gia đình tổ chức lễ đồng tế, tiệc tùng linh
đình, không ai khóc, ai cũng hớn hở bắt tay nhau,...
Người giàu chết vừa “sướng”
vừa “công khai.” Ngược lại, người nghèo chết âm thầm, chết trong đau khổ, chết
vì không có tiền chạy chữa, chết hèn hạ, chết tủi nhục, chết đau đớn, chết thê
thảm, chẳng ai thèm chú ý, không ai phúng điếu, vắng hơn Chùa Bà Đanh, bát
nhang lạnh tanh, quan tài như chiếc thùng gỗ, thật đúng là đám ma!
Người giàu được nhiều người
tới phúng viếng, nghĩa là được nhiều người cầu nguyện cho, họ còn có nhiều tiền
để xin lễ – tiền riêng và tiền phúng điếu. Còn người nghèo không ai phúng viếng
thì có ai thương mà cầu nguyện? Lấy tiền đâu mà xin lễ? Nếu xét theo “tầm nhìn”
của phàm nhân, chắc chắn người giàu vào Thiên Đàng mau hơn người nghèo. Nhưng
thật hạnh phúc và an ủi, vì Thiên Chúa không xét theo kiểu của loài người mà chỉ
xét theo “công” và “tội.” Trong dụ ngôn “Người Giàu và Ladarô Nghèo Khổ,” Tổ phụ
Ápraham nói với người giàu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần
phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ,
Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng
ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con
cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc
16:25-26)
Thiên Chúa là Đấng chí
thánh, chí minh, chí công, chắc chắn Ngài sẽ đòi công lý cho người nghèo!
2. CHỈ MỘT
CHUYẾN ĐỜI
Đời phàm nhân là chuyến lữ
hành miệt mài. Chuyến đời có thể dài hoặc ngắn, nhưng ai cũng có hai điểm: Sinh
và Tử – khởi hành từ lúc sinh ra và kết thúc vào lúc giã biệt trần thế. Sinh ra
thì không đáng lo, nhưng chết rất đáng lo. Chết là chuyến định mệnh, không ai
tránh khỏi!
Thánh Phaolô đã xác định:
“Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Tiền
bạc, danh vọng, sự nghiệp,… mọi thứ đều không thể đem theo. Của thế gian trả lại
thế gian, chỉ có một thứ duy nhất có thể đem theo: Nhân Đức. Có truyện ngụ ngôn
“Hành Trang Cuộc Đời” thế này..
Một người hấp hối thấy
Chúa vừa ưu ái trao cho chiếc vali vừa nói: “Đến giờ con ra đi rồi!” Người này
ngạc nhiên: “Bây giờ sao Chúa? Sớm quá, con còn nhiều việc chưa làm!” Cuộc đối
thoại tiếp tục
– Rất tiếc vì tới giờ con
phải ra đi thôi!
– Có gì trong vali vậy,
thưa Chúa?
– Hành trang của con đó.
– Sở hữu của con, y phục,
tiền bạc, phải không Ngài?
– Các vật đó không phải của
con, chúng thuộc về trái đất!
– Vậy có phải ký ức của
con?
– Không phải của con, của
thời gian!
– Phải chăng tài năng của
con?
– Không phải của con, của
hoàn cảnh!
– Có phải bạn bè hay gia
đình con?
– Rất tiếc cũng không phải
của con, đó chỉ là tiến trình cuộc đời.
– Phải chăng vợ và con của
con?
– Không phải của con, mà
là tâm tư con!
– Có phải là thân xác của
con?
– Cũng không phải của
con, nó là cát bụi!
– Phải chăng tâm linh
con?
– Không, đó là của Ta!
Người chết nhận chiếc
vali Chúa trao và hồi hộp mở ra xem. Bên trong KHÔNG CÓ GÌ CẢ. Hoàn toàn trống
rỗng! Trong nỗi bàng hoàng, người này nói: “Không có cái gì là của con cả!”
Chúa nói: “Đúng thế, tất cả THỜI GIAN CON SỐNG mới thực sự là của riêng con.”
Hằng ngày, lúc nào cũng
có người chết. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải luôn nghĩ tới sự chết của mình,
không chỉ nghĩ dịp Mùa Chay, tháng Cầu Hồn, hoặc một dịp đặc biệt nào đó. Cái
chết có thể xảy đến với bất cứ ai vào bất cứ giây phút nào, đừng tưởng mình còn
trẻ hoặc khỏe mạnh mà khinh suất. Mỗi người chỉ có một chuyến đời mà thôi, có
điều quan trọng chắc chắn: KHÔNG CÓ KIẾP LUÂN HỒI. Đừng ảo vọng, chớ hoang tưởng!
Cuộc đời có nhiều chuyến
xe, đặc biệt nhất là Xe Tang. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một chuyến đời duy nhất,
không thể rút kinh nghiệm cho chuyến khác. Vấn đề không phải là hành trình dài
hay ngắn, đi trên đường đất bụi mù hay đường nhựa trơn láng, đường hẹp hay đường
rộng. Vấn đề quan trọng là “chuyên chở” những thứ gì trong chuyến đời của chúng
ta.
Có mở thì có đóng. Cuộc sống
có nhiều “cái cuối.” Cuối giờ. Cuối ngày. Cuối tháng. Cuối năm. Đặc biệt nhất
là cuối đời. Định luật muôn thuở và bất biến. Thời gian không nhanh, không chậm,
muôn thuở vẫn vậy. Cảm giác nhanh hay chậm là do cảm giác của con người tùy thuộc
cảm xúc vui hay buồn. Người ta vui thì thấy thời gian trôi qua mau, người ta buồn
thì thấy thời gian trôi qua chậm. Người trẻ thấy thời gian “dài” với sắc màu
tươi sáng, người già thấy thời gian “ngắn” với sắc màu u ám. Chuyện đời rất ư
bình thường!
Cuộc đời hay cuộc sống,
được gọi là “dòng đời” vì nó cũng trôi đi như dòng sông. Sông hoặc biển đều có
sóng. Cuộc sống cũng có một loại sóng đặc trưng là “sóng đời.” Sóng cứ vỗ miên
man, trăm năm dài mà ngắn. Đời người qua nhanh tựa bóng câu qua song cửa sổ.
Nguyễn Gia Thiều diễn tả: “Đời người như bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi.”
(Cung Oán Ngâm Khúc) Đó là sự thật minh nhiên, như Thánh Vịnh gia nhận định:
“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, Một cơn gió
thoảng là xong, Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103:15-16)
Kiếp người não nề quá!
Nhưng đó là sự thật mặc nhiên và minh nhiên. Không thể làm gì, không còn cách
khác. Xem chừng đành thúc thủ, nhưng người ta vẫn có thể “quản lý” những “vật dụng”
trong “chuyến đời” của mình. Chẳng còn cách nào khác hơn là “sống tốt.” Có nhiều
cách sống tốt, nhưng có thể tạm tóm lược qua mấy điểm chính: Nghiêm túc, tử tế,
nhân bản, yêu thương, hòa nhã, và luôn sống tích cực trong mọi hoàn cảnh. Chỉ
những ai biết yêu thương mới xứng đáng nhận danh hiệu con người.
Tâm sự về chuyến đời,
Thánh Faustina cho biết: “Tôi luôn hiện diện trước mặt Thiên Chúa trong linh hồn
tôi, và tôi kết hiệp mật thiết với Ngài. Tôi làm việc với Ngài, tôi giải trí với
Ngài, tôi chịu đau khổ với Ngài, tôi vui mừng với Ngài; tôi sống trong Ngài và
Ngài sống trong tôi. TÔI KHÔNG BAO GIỜ CÔ ĐƠN, vì Ngài luôn đồng hành với tôi.”
(Nhật Ký, số 318) Ước gì chúng ta cũng cảm nghiệm như vậy!
3. HÀNH LÝ
YÊU THƯƠNG
Tháng Cầu Hồn nhắc người
sống nhớ tới người đã khuất, tức là nhắc về tình yêu thương đối với cả người đã
chết và người còn sống với chúng ta. Nhìn thấy nhau hằng ngày mà không thương
nhau thì chẳng mong gì khi đã khuất bóng tịch liêu!
Người ta có câu: “Lúc sống
thì chẳng cho ăn, đến khi đã chết làm văn tế ruồi.” Sống thì coi nhau như kẻ
thù, chết thì khóc thét. Để làm gì? Vô ích! Có chăng chỉ là “che mắt” thế gian.
Giả hình chính hiệu! Được thương thì xương không còn. Phũ phàng quá! Vì thế, một
danh nhân đã nói: “Hãy sống như mình sắp chết, và hãy hành động như mình bất tử.”
Nhà sinh tử học Elisabeth
Kübler-Ross nói: “Nếu bạn có thể coi cái chết là người bạn vô hình thân thiết
trên lộ trình sự sống của bạn, nó sẽ nhắc nhở bạn một cách ôn hòa, không nên chờ
đến ngày mai mới bắt tay làm những việc mà bạn phải làm thì bạn sẽ học được
cách sống đúng với ý nghĩa cuộc sống mà bạn đang có, chứ không sống dật dờ cho
qua ngày đoạn tháng.” Còn triết gia Heidegger nói: “Chính sự giao thiệp với cái
chết của chính mình như là giới hạn tuyệt đối nên con người càng thấy rõ ý
nghĩa và tính cấp thiết đích thực của việc làm người.”
Doanh nhân Steve Jobs
luôn cảnh giác: “Hãy nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách tốt nhất để có thể tránh
được cạm bẫy của ý tưởng cho rằng bạn có cái gì đó để mất. Cái chết là phát
minh vĩ đại nhất của sự sống. Nó là tác nhân làm thay đổi cuộc sống, xóa cái cũ
để mở đường cho cái mới.” Triết lý sống thật cao siêu!
Tắt thở. Nhắm mắt. Xuôi
tay. Chẳng ai hơn ai. Cũng vẫn con người đó, sống thì gọi là “người,” chết thì
gọi là “ma.” Nghe lạ mà chẳng lạ, bởi vì người ta vẫn gọi là “đám ma” chứ có ai
nói là “đám người” đâu? Kiếp này có liên quan kiếp sau, không phải là “kiếp
sau” theo “vòng luân hồi” hoặc “luật nhân quả,” mà là theo ý nghĩa của Kitô
giáo.
Trong Truyện Kiều, câu
2997-2998, cụ thi hào Nguyễn Du nhận định: “Rõ ràng hoa rụng hương bay – Kiếp
sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.” Cuộc Chung Thẩm (Mt 25:31-46) cho thấy “mối
liên quan” giữa kiếp này và kiếp sau, đúng là “kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn
thôi.” Tư tưởng của cụ Nguyễn Du vẫn phù hợp.
Con người luôn trăn trở về
thân phận của mình. Không chỉ là băn khoăn về sự chết, mà ngay cả những lúc đêm
đen buông xuống, không gian tĩnh mịch, người ta không thể không trầm tư suy
nghĩ. Càng trăn trở, càng băn khoăn, càng thắc mắc, càng tìm hiểu, nhưng con
người vẫn chẳng có ai thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời này.
Chính tình yêu thương là
chìa khóa vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa, kể cả Cửa Thiên Đàng. Yêu
thương đòi hỏi phải từ bỏ mình và vác thập giá. Đó là điều không dễ, thế nên
Chúa Giêsu đã khuyến cáo. Quả thật, yêu người khó lắm! Tại sao khó? Thánh LM
Gioan Maria Vianney cho biết: “Lý do chúng ta không có cách giải quyết tốt vì
chúng ta coi trọng mình quá nhiều.” Chính “cái tôi” cản trở mọi thứ.
Tuy nhiên, không thể
không yêu thương nếu thực sự muốn vào Nước Trời. Điều quan trọng và cần thiết
là yêu thương nhau ngay kiếp này, ngay lúc này, chứ không lần lữa hoặc hẹn mai
hẹn mốt. Bởi vì chết rồi làm sao yêu thương? Đừng tiếp tục giả hình, dừng lại
ngay kẻo muộn!
Một lần sinh, một lần sống,
và một lần chết. Chết là ngưỡng sinh – tử, là hóa thân cát bụi thành bất tử:
“Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi
dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống
là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.” (1 Cr 15:42-44)
Lạy Thiên
Chúa, xin thương xót và tha thứ cho các linh hồn, xin cứu độ chúng con và toàn
thế giới. Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con bây
giờ và trong giờ lâm tử. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ
duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Mùa Cầu Hồn – 2022