Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Ðời sống Kitô hữu tại thế và cánh chung


Thứ Tư, 03 Tháng Tám, năm 2022

Ðời  sống  Kitô  hữu  tại  thế  và  cánh  chung

Đời Kitô hữu là cuộc sống do đức tin định hướng và tác động. Tin vào Thiên Chúa đang hiện diện trong thế giới và đời sống con người. Người Kitô hữu sống trong thế gian “đầu đội trời, chân đạp đất” nhưng vẫn luôn hướng về những thực tại vô hình của “Trời mới Đất mới” trong tương lai ta còn đang trông đợi. “Tại thế và cánh chung” là hai chiều kích không thể tách rời của đời Kitô hữu. Hai chủ đề bài Tin Mừng Lc 12,32-48 nhấn mạnh là “siêu thoát” và “cánh chung” bổ túc cho nhau: Ai trông chờ Chúa đến thì tự nhiên thấy cần phải sống siêu thoát. Và sống siêu thoát là một cách chuẩn bị đón Chúa.

1. Một cuộc đời định hướng. Đời sống con người không phải là vô tận. Dầu dài hay ngắn, đời ta sẽ kết thúc bằng một cuộc viếng thăm bất ngờ cuối cùng của Chúa. Tính bất ngờ của cuộc viếng thăm này làm cho cuộc sống trở thành bấp bênh. Nhưng thật ra, chính sự bấp bênh này lại làm nên giá trị của cuộc sống, vì nó góp phần nâng cao phẩm chất của cuộc sống. Nó không cho phép ta dừng chân trên đường, ngưng cuộc hành trình, hay tệ hại hơn nữa, sa lầy trong cuộc sống không còn định hướng. Trái lại, tính bấp bênh của cuộc đời buộc ta phải luôn tỉnh thức như lời Chúa Giêsu căn dặn, thôi thúc ta luôn phải nhìn về phía trước để tiến xa hơn, hành trang nhẹ nhàng, lòng siêu thoát, nhanh chân trên đường đi. Chúa đợi ta ở cuối đường, ta không thể lỡ hẹn.

2. Cầm đèn sáng trong tay. Ta sống ở trần gian trong thao thức đợi chờ đến ngày được vào Nước Trời. Thao thức được diễn tả bằng việc chờ đợi trong đêm. Thái độ chờ đợi được Chúa diễn tả bằng ba việc: tỉnh thức, thắt lưng, cầm đèn.

Lc 12,32-48: Tỉnh Thức Để Sẵn Sàng Đón Chúa | Học viện Đa Minh

Đèn sáng đây là lòng tin rực cháy, lòng cậy vững vàng và lòng mến tha thiết. Đèn cháy sáng chính là lòng sốt mến khôn vơi của người trông chờ Chúa. Thực tế cho thấy, khi nào quên đích đến thì ta dễ lạc đường, lúng túng về mục tiêu thì không thể tìm ra lộ trình. Triết gia Platon nói rất chí lý: “Ai không bao giờ nghĩ đến sự chết thì không thể biết cách sống”. Điều này càng đúng với đời Kitô hữu. Làm sao một Kitô hữu lại có thể sống trong lòng sốt mến nếu những chân lý vĩnh cửu, sự sống đời sau, ngày Chúa trở lại… chỉ là những điều xa xôi, mờ ảo, phi thực trước những cơn sốt của cuộc sống thực tiễn mỗi ngày. Ánh sáng đức tin chỉ cho ta thấy mình phải đi tới đâu và không cho phép ta hy sinh vận mệnh vĩnh cửu vì những lợi ích ngắn hạn. Người Kitô hữu phải thấy được tất cả chiều dài con đường mà mình phải đi để đến cửa thiên đàng.

Tỉnh thức và cầu nguyện: Maranatha - Xin Ngài ngự đến, là điều kiện để sống một cuộc đời Kitô hữu nghiêm túc. Đây đã là lời cầu thật khẩn thiết và niềm tin mạnh mẽ của các tín hữu buổi sơ khai Hội Thánh. Ta có còn là lòng khao khát lời cầu khẩn Maranatha nữa không!

3. Niềm hy vọng hồng phúc ngày trở lại của Chúa Giêsu. Lòng chờ đợi “Trời mới Đất mới” không làm giảm giá trị cuộc đời trần thế hiện tại. “Nhập thế và Tận thế” là hai mặt của cùng một cuộc đời Kitô hữu do đức tin hướng dẫn. Mỗi chiều kích này có những đòi hỏi riêng của nó, người Kitô hữu phải đáp ứng cả hai. Không được chọn bên này bỏ bên kia, vì cả hai đều nhằm thực hiện ơn gọi cuối cùng và toàn diện của con người.

Hy vọng cánh chung chẳng những không miễn trừ các trách nhiệm trần thế, mà còn là một động lực thúc đẩy chúng ta chu toàn các trách nhiệm đó một cách tận tụy, chu đáo hơn. Chu toàn như vậy chính là phong cách của một người tôi tớ trung tín đầy tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hôm nay. Hãy vui mừng và hy vọng, tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa, vì mọi công trình tốt đẹp thực hiện trong cuộc sống hiện tại sẽ được giữ lại làm chất liệu kiến tạo Nước Trời mai sau.

Lm Micae Hy LÊ NGỌC BỬU - ISPCJ. Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét