Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

CHIẾC ÁO QUAN 0 ĐỒNG VÀ PHẬN NGƯỜI

 

Wed, 12/10/2022 - Lm Anmai, CSsR

CHIẾC  ÁO  QUAN  0  ĐỒNG  VÀ  PHẬN  NGƯỜI


               Ngày nào cũng có người sinh ra và ngày nào cũng có người tử. Âu cũng là định mệnh của kiếp người.

               Trẻ sinh ra thì có đứa ở trạm xá hay tại nhà như cái làng quê tôi đang ở. Và rồi cũng có những đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa như video vừa rồi tôi vừa xem của đứa trẻ con của đại gia.

               Già, bệnh chết đi cũng thế! Có người sang và cũng có người hèn.

               Vô tình tôi cũng vừa được xem qua tang lễ của một người giàu có vừa qua đời. Thánh Lễ an táng hoành tráng với Đức Tổng Giám Mục và thêm 1 đức cha cùng nhiều Cha khác nữa. Người quá cố được khoác lên trên mình với cỗ quan tài thật đắt giá. Chưa kể là trước ngày tang Lễ có bao nhiêu đoàn khách và dòng người đến viếng cùng với biết bao nhiêu lẵng hoa có giá trị. Nhìn những lẵng hoa ấy lại nghĩ đến cái phận nghèo nơi tôi đang ở.

               Sau Lễ một lát, tiếng xe kéo xình xịch vào Nhà Thờ là tôi nghi là có chuyện. Đơn giản là mấy ngày nay Nhà Thờ chả có sự kiện gì để xe cải tiến đến. Xuống dưới nhà, nhìn vào khu vực áo quan thì thấy vài anh thanh niên đang khiêng ra chiếc áo quan ở trong khu đó.

               Hỏi thăm thì người quá cố ở không xa đây lắm. Nhà họ ở làng sau Nhà Thờ một chút thôi.

               Chiếc áo quan vừa yên vị trên xe thì Cha Sở đến. Cha hỏi thăm là tôi có đặt thánh giá để gắn ở đầu chiếc áo quan chưa thì tôi thưa là thánh giá chưa về. Trong đầu nhớ ra chiếc thánh giá không chân đế còn nguyên ở bên nhà bên kia nên chạy qua lấy. Cùng với cặp nến nhỏ trao cho con của người quá cố cầm về. Họ hỏi bao nhiêu tiền vậy ma ? Nghĩ cũng buồn cười. Cả cái áo quan có giá 0 đồng chả lẽ đi lấy tiền thánh giá và cặp nến sao?

               Đùa cho vui sau khi nghe hỏi: “Có trả thì trả cho ma 10 triệu!”.

Vui vậy thôi! Nghe đâu người ta vẫn đi mua với cái giá 16 triệu 1 cỗ áo quan như chiếc áo quan 0 đồng.

               Với người Kinh thì có lẽ 16 triệu hay hơn nữa cũng chả thành vấn đề hay cũng không là điều lo ngại. Với người thiểu số thì con số đó có lẽ là con số khá lớn so với thu nhập hay đời sống kinh tế của họ.

        Chiếc áo quan khuất khỏi Nhà Thờ, chung chia niềm vui mới sáng sớm đã “bán” được chiếc áo quan với giá 0 đồng cho người thân thì đâu đó nhận được những tâm tình vui như: “Cha nhớ để dành cho con 1 cái nha Cha”, “Cha có phần cho con không Cha?” ... “Cha nhớ tặng cho con 1 cái đó!” ... Còn cái ông cha em thì cũng chả vừa: “Cho em 1 cái nhé!”. Đùa lại với em: “Em thích thì anh cho cả cặp!”. Em đùa lại: “Em chỉ lấy 1 cái thôi!”.

               Vui tí cho đời bớt khổ!

               Vậy đó, cái phận người rủi may trong cuộc đời này không ai nói trước được.

               Nghĩ tới phận người, khi còn sống thì này nọ cao sang quý phái. Thế nhưng rồi khi đã nhắm mắt xuôi tay thì người ta làm gì thì nào ai có biết. Khi đã chết rồi thì người ta có cuốn chiếu hay cho vào hòm vàng hay bạc cũng chả hay. Chỉ khi còn sống thì mới cảm và mới thấy được cuộc đời cũng như đám tang của người khác. Khi chết rồi thì người ta làm gì mình cũng chẳng hay. Chính vì thế, có người nói rằng đám tang có khi là để phô diễn thanh danh của người sống. Có lẽ đúng vì khi ai đó đã chết rồi thì dù có ca tụng họ cũng chẳng hay.

               Nghĩ dến chiếc áo quan 0 đồng tôi lại thấy hay. Trộm nghĩ rằng nếu như một ngày nào đó mình qua đi mình cũng được đặt để như vậy cũng là vui. Vì thật sự khi đó mình còn biết gì nữa đâu để mà vinh với chả quan.

               Hôm qua, nói chuyện với người quen, người quen nói: “Mai mốt lễ ngân khánh, Bố làm lớn cái nha Bố!”.

               Nghe nói mà lòng chả vui. Dĩ nhiên mỗi người có quyền tự do để mừng Lễ. Với tôi dường như chả bao giờ nghĩ tới. Đơn giản là mình sống như thế nào và hành xử như thế nào trong thiên chức mà Chúa trao ban. Tất cả bên ngoài cuối cùng cũng chỉ là hình thức và cũng chỉ là phù vân. Và nói cho bằng cùng chuyện kiên quyết và cần thiết nhất của đời một Kitô hữu đó là được ơn cứu độ hay phải hư đi.

         Chính vì thế, ở trong cái hòm vài chục triệu hay vài trăm triệu hay cái hòm 0 đồng ở cái giáo xứ nghèo này xem chừng ra cũng không quan trọng. Hay như là tang lễ có nhiều Đức Cha và nhiều Cha hay 1 cha xứ dâng Lễ như người nghèo trong làng mới mất đây cũng chả có gì là quan trọng. Chả qua là hình thức bên ngoài mà thôi. Nội dung chính vẫn là chuyện linh hồn người quá cố có được mau hưởng Nhan Thánh Chúa hay không mà thôi.

           Nghĩ như thế để ta thấy rằng giàu hay nghèo, sang hay hèn, vinh quang phú quý hay bần cùng cũng chả là quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là chuyện được ơn cứu độ hay là bị hư đi.

         Đã hơn một lần tham dự tang lễ của người giàu có và cũng đã hơn 1 lần tham dự tang lễ của những người thậm chí mất đi mà không có mái nhà để để quan tài chứ đừng nói điều gì hơn nữa để thấy cũng một kiếp người. Vừa rồi, cử hành nghi thức nhập quan cho người quá cố mà họ nghèo đến độ không có cái giường để nằm mà phải nằn đất không khỏi chạnh lòng. Nhìn như vậy rồi nghĩ cũng xong một kiếp người.

        Phận người là thế thôi. Ai ai rồi cũng qua đi chứ cũng chả mang theo được chút gì đó đến mộ phần. Nghĩ như thế để lòng mình thanh thản và bình an với những gì mình đang có.

               Vừa rồi, tự hát và tự ngẫm cũng hay:

Cũng một kiếp người, có người đi tìm chân lý. Cũng một kiếp người có người hoang phí thời gian. Cũng một kiếp người có người nghèo khó gian nan. Cũng một kiếp người có người quyền thế cao sang.

Cũng một kiếp người có người sa lầy tội lỗi. Cũng một kiếp người có người ngay chính bình an. Cũng một kiếp người có người hạnh phúc vui tươi. Cũng một kiếp người có người buồn chán than van.

Cũng một kiếp người có người công bình bác ái. Cũng một kiếp người có người gian dối đảo điên. Cũng một kiếp người có người gặp gỡ anh em. Cũng một kiếp người có người đời sống cô đơn.

Xin cho con, sống trọn kiếp người giữa cuộc đời nổi trôi và yếu đuối. Xin cho con yêu thương mọi người biết quên mình phục vụ anh em

       Vâng! Suy gẫm và xin Chúa thêm ơn để ngày mỗi ngày tôi biết sống yêu thương cũng như quên mình phục vụ những người đang sống cùng, sống chung và sống với mình. Cứ như thế cho nhẹ lòng và thanh thản.

Lm. Anmai, CSsR

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét