Fri, 07/10/2022
Lm Nguyễn Văn Nghĩa
LỜI TẠ ƠN HIẾM HOI
(Chúa Nhật XXVIII TN C)
Chuyện xảy ra tại một lớp
bậc tiểu học như sau: Tiếng kẻng báo giờ ra chơi, cô giáo vừa ra hiệu nghỉ, thì
cả lớp chen nhau ùa chạy ra sân. Trong lớp còn vỏn vẹn một em học sinh nữ và một
nhóc tì nam có vẻ không mấy vội như các bạn. Em bé gái rụt rè lên bàn cô giáo,
lấy từ chiếc cặp ra hai trái ổi và lí nhí: “em biếu cô”. Chưa nhận đủ đầy cái
xoa đầu và lời cám ơn của cô giáo, cô bé chạy vụt ra sân chơi. Chuyện xảy ra
không qua được mắt cậu nhóc. Tiến gần cô giáo, cậu ta tỉnh bơ: “Thưa cô, cho em
xin một trái”. Mắt tròn xoe, cô giáo chia cho cậu nhóc lém lỉnh một trái và kèm
thêm cái xoa đầu. Chuyện có vẻ lạ thường nhưng rất thật đó là cái tên của cậu
nhóc ghi đậm trong ký ức của cô giáo hơn là tên của bé gái tặng hai trái ổi.
Chuyện bình thường của kiếp
nhân sinh: người ta thường nhớ hoặc nói huỵch toẹt là khó quên người mà mình đã
thi ân cho hơn là người đã thi ân cho mình. Quả thật chúng ta khó quên những
người đang mắc nợ chúng ta, nhưng lại ít nhớ nhưng người mà chúng ta đang mắc nợ
họ. Xem ra cái được gọi là lòng biết ơn không phải dễ mà có được nếu không ý thức
và chuyên cần luyện tập. Cùng với phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII
TN C, đặc biệt bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng chúng ta cùng xét xem đôi điều
về chủ đề lòng biết ơn.
Một Naaman người Syria được
nói đến trong sách Các Vua và một người anh em Samaria trong câu chuyện Tin Mừng
Luca kể đã sống có lòng biết ơn khiến chúng ta giật mình tự hỏi: Phải chăng anh
em lương dân (có thể kể đến bà con khác đạo nữa) lại nhạy bén với sự biết ơn
hơn là con cái Chúa? Thật khó trả lời cho câu hỏi đầy sự tế nhị này, tuy nhiên
chúng ta có thể nhận ra một vài nguyên nhân gây nên tình trạng vong ân đáng buồn
đang hiện hữu đó đây để rồi tìm cách khắc phục.
1. Ảo tưởng
về công lao hay công trạng của mình: Một
khi nghĩ rằng những ơn mình lãnh nhận là do công sức mình đã bỏ ra thì người ta
khó mà nhận ra cội nguồn của ơn lành. Phải chăng chín người Israel phung hủi được
chữa lành hôm ấy nghĩ rằng chính nhờ việc giữ luật “đi trình diện các Tư tế” mà
họ được lành sạch? Cũng có thể lắm. Vì đây là điều mà viên tướng Naaman và người
anh em lương dân phung hủi trong câu chuyện Tin Mừng kể hầu chắc là không biết.
2. Nhận được
ơn lành nhiều lần: Sự
gì mà lặp đi lặp nhiều lần quá cũng dễ bị xem là chuyện bình thường. Ở vùng nhiệt
đới, có thể nói rằng ngày nào mặt trời cũng mọc lên và lặn xuống thì ít có người
cảm thấy quý và từ đó nảy sinh tâm tình biết ơn “trời đất”. Trái lại, ở những
vùng ôn đới, sau một quảng thời gian giá lạnh, tuyết rơi, bỗng một ngày mặt trời
xuất hiện thì người người ùa ra hưởng ánh nắng cách hồ hởi sung sướng và thế
nào cũng có nhiều người biết tạ ơn “đất trời” cách nào đó. Ngày 25 tháng 12 có
nguồn gốc từ đây và giáo hội đã chọn ngày ấy để kính Sinh Nhật Đấng Cứu Thế vì
Người được tôn xưng là Mặt Trời Công Chính. Từ dữ kiện này chúng ta suy xét về
tâm tình của các tín hữu trong Giáo Hội Công giáo. Tại những nơi có sinh hoạt
tôn giáo bình thường, kiểu sáng lễ, chiều kinh thì hình như người ta ít tỏ lòng
biết ơn các thừa tác viên. Trái lại, ở những nơi xa xôi hẻo lánh, dăm bảy tháng
mới có một Thánh Lễ thì người ta không chỉ tạ ơn Chúa mà còn tỏ lòng biết ơn
linh mục dâng Lễ cách rất nồng hậu.
3. Nhận được
những ơn lành mà nhiều người khác cũng được hưởng như mình:
Nếu giả như chỉ riêng mình tôi được hít thở khí trời thì chắc chắn tôi sẽ ý thức
đó là một ơn lành và rồi biết tỏ lòng tri ân. Thử nhẩm xem có được bao nhiêu
người biết tạ ơn Chúa vì được sống qua một ngày? Ngược lại khi chúng ta được chữa
lành một bệnh nan y nào đó cách tỏ tường và lạ thường thì dường như không thể
không tạ ơn cách này hay cách khác.
Đã xét các nguyên nhân về
phía người thụ ân, giờ xin mạo muội nhìn đến phía Đấng ban phát ơn lành. Phải
chăng cái thói xấu “vô ơn” của chúng ta cũng có nguyên cớ từ nơi Chúa? Thiên
Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và ơn lành Người tuôn đổ xuống trên nhân loại
chúng ta quá vô biên và hầu như không ngơi nghỉ. Không dám to gan xin Chúa thỉnh
thoảng cho trời tối ba ngày ba đêm hay cho bầu khí quyển cô lại vài ba tiếng đồng
hồ. Chỉ mong sao chúng ta nhận ra ân tình vô giá trong những biến chuyển bình
thường của vũ trụ thiên nhiên và ngay trong những chuyện của đời thường kiếp
người.
Một lẽ nữa cần xét đến đó
là Thiên Chúa thường giáng phúc thi ân qua các trung gian. Ngoài tấm linh hồn mỗi
người là do Thiên Chúa tạo dựng và phú ban trực tiếp cho từng người, thì có thể
nói rằng hầu hết mọi sự Thiên Chúa ban cho chúng ta đều qua những trung gian.
Đó là những con người, là những loài vật, là các điều kiện thiên nhiên hay xã hội…
Những người trung gian gần đó là mẹ cha, ông bà, thầy cô…Và còn có biết bao
trung gian xa mà lắm khi chúng ta chưa hề nghĩ tới. Các trung gian đóng vai trò
làm cầu nối chuyển thông ơn lành nhưng chính những trung gian ấy nhiều khi lại
làm cản trở cho lòng tri ân của chúng ta đến với nguồn của ơn lành.
Đã là người thì chẳng có
ai muốn mang tiếng vong ân bạc nghĩa. Xưa lẫn nay và bất cứ xã hội nào, người
ta đều lên án kẻ vong ân,“ăn cháo đái bát”. Một vài phân tích để nhận diện rõ
các nguyên cớ của sự vong ân quả là cần thiết để chúng ta phần nào tránh được sự
bạc nghĩa vong ân đáng trách. Hơn nữa thực tế minh chứng rằng người vong ân thường
sử dụng ân ban ít hiệu quả mà nhiều khi lại còn rất lãng phí. Như thế càng
tránh sự vong ân thì chúng ta càng biết sử dụng ân ban hữu hiệu, và càng đúng với
ý của người thi ân. Và chắc chắn khi đã sử dụng ân ban đúng với ý người thi ân
thì đó là một cách thể tỏ lòng biết ơn tuyệt vời hơn cả.
Cử hành Bí tích Thánh Thể
là hiện tại Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô. Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là Hy
Tế tạ ơn, vì chính trên thập giá là lúc Chúa Kitô sử dụng ơn Chúa Cha ban là
thân xác, là sự sống của Người cách đẹp lòng Chúa Cha nhất: đó là dùng chính tấm
thân Chúa Cha trao ban để sống đức vâng phục, để mạc khải cho nhân loại thấy
chân dung Thiên Chúa Tình Yêu và để cứu sống nhân loại, đưa nhân loại về với phận
làm con, được giao hoà với Cha trên trời.
Chúng ta cần phải biết ơn
những ai và về những điều gì? Cũng nên tự hỏi xem tôi đã và đang nhận lãnh những
ơn lành cao quý nào đây? Ai đã ban ơn ấy cho tôi và người ban ơn muốn tôi sử dụng
các ơn lành ấy như thế nào và vào mục đích gì? Thiết nghĩ rằng khi trả lời được
những câu hỏi trên thì chúng ta sẽ tránh được phần nào sự vong ân dù hữu ý hay
vô tình nhưng vẫn đáng trách và đáng ghét.
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
– Ban Mê Thuột
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét