Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

5 nguyên nhân và cách khắc phục ngứa tai

 

Chủ nhật, 16/10/2022, VnExpress.net

5  nguyên  nhân  và  cách  khắc  phục  ngứa  tai

Dùng khăn vỗ nhẹ cho khô tai sau khi tắm, hạn chế dùng tăm bông ngoáy tai, vệ sinh đúng cách giúp giảm ngứa.

Ngứa tai xảy ra do nhiều nguyên nhân, đa số không đáng lo ngại nhưng cảm giác ngứa khiến bạn khó chịu, mất tập trung. Theo Phó giáo sư Philip Chen, Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas (Mỹ), nhiều người có thói quen dùng tăm bông ngoáy tai khi bị ngứa. Việc làm này có thể gây hại. Mọi người cần nhận biết nguyên nhân và có các cách khắc phục phù hợp.

Vệ sinh tai quá mức: Tai quá sạch có thể gây ngứa. Ráy tai có vai trò bảo vệ tai khỏi các tổn thương do nước, vi khuẩn. Tai quá sạch làm mất đi lớp bảo vệ này, khiến vi khuẩn xâm nhập vào bên trong dễ dàng hơn, dẫn đến viêm.

Để khắc phục, bạn nên để ráy tai trôi ra khỏi ống tai tự nhiên, tạm thời không đeo khuyên tai. Bạn cũng nên hạn chế lấy ráy tai, không dùng tăm bông ngoáy vì có thể đẩy ráy tai vào sâu bên trong. Sau khi tắm, bạn nên dùng khăn vỗ nhẹ cho khô tai ngoài.

Quá nhiều ráy tai: Mặc dù ráy tai giúp bảo vệ đôi tai của bạn nhưng quá nhiều có thể gây ngứa. Tích tụ nhiều ráy tai còn dẫn đến các triệu chứng như đau, tắc, tai có mùi hôi. Bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng một số cách như nhỏ vài giọt dung dịch rửa tai để phá vỡ và làm lỏng ráy tai, từ từ để ráy tai tự trôi ra ngoài. Bác sĩ cũng có thể giúp bạn lấy ráy tai bằng dụng cụ chuyên dụng. Lưu ý, hạn chế dùng dùng tăm bông, các vật sắc nhọn, nến vì chúng có thể gây tổn thương.

 

                 Không nên ngoáy tai bằng ngón tay khi ngứa. Ảnh: Freepik

Bệnh da tìm ẩn: Cũng giống như phần còn lại của cơ thể, ống tai được bao phủ bởi da và có thể mắc các bệnh chàm, vảy nến. Các bệnh da liễu phát triển bên trong tai dẫn đến phát ban, ngứa.

Nếu bạn nghi ngờ bệnh da liễu là nguyên nhân gây ngứa thì bạn cần đi khám chuyên khoa da liễu hoặc tai mũi họng. Mỗi nguyên nhân sẽ có những loại thuốc điều trị phù hợp. Nhưng trước tiên bạn nên chú ý không để tai bị ướt trong thời gian này, bịt tai bằng nút hoặc đeo mũ khi bơi, đi tắm.

Nhiễm trùng tai: Tiến sĩ Chen cho biết ngứa có thể là một triệu chứng của nhiễm trùng tai ngoài, thường gặp ở người hay bơi lội. Thói quen dùng tăm bông lau khô tai sau khi bơi làm tăng nguy cơ tổn thương vùng da mỏng trong ống tai, gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng tai ngoài còn có thể gây đau, chảy mủ, thay đổi thính giác.

"Nhiễm trùng tai cần được khắc phục bằng một số loại thuốc, thuốc nhỏ tai, thậm chí người bệnh phải dùng kháng sinh. Bạn không nên tự điều trị tại nhà vì nó có thể gây chấn thương cho ống tai, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Những người có thói quen bơi lội nên đội mũ khi bơi hoặc dùng các mút chặn tai để giảm lượng nước lọt vào tai", Tiến sĩ Chen nói.

Dị ứng da: Tai ngứa, kích ứng có thể xảy ra do dị ứng da. Một số chất gây dị ứng như chất liệu làm tai nghe, xà phòng, dầu gội đầu, đồ trang điểm, hoa tai... Trường hợp này, bạn nên kiểm tra xem gần đây có sử dụng sản phẩm mới hay đeo đồ trang sức lạ không. Khi bạn xác định được nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng, tránh tiếp xúc với nó là lựa chọn tốt nhất để giảm ngứa.

Anh Chi (Theo Livestrong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét