KHẢ NĂNG NÀO "ĐIỀU KHIỂN" THIÊN CHÚA?
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM C
Sun,
16/10/2022 - Lm Nguyễn Minh Hùng
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay
dạy ta hãy cầu nguyện qua hai câu chuyện: Ông Môisen và dụ ngôn bà góa kêu nài
thẩm phán bất lương.
Bài đọc I kể lại cuộc
giao tranh kịch liệt giữa người Israen và quân Amaléc. Khi ông Môisen giang tay
cầu nguyện, người Israen chiến thắng; nếu ông hạ tay xuống, người Israen thua
trận. Người ta phải kê tảng đá dưới tay ông, để ông đỡ mỏi mà tiếp tục giang
tay cầu nguyện với Chúa. Nhờ sự hy sinh đi liền với việc cầu nguyện mà ông
Môisen dâng lên Thiên Chúa, người Israen chiến thắng vẻ vang (x.Xh 17, 8-13).
Còn trong bài Tin Mừng,
Chúa đưa ra hai tình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên là bà goá nghèo,
thân phận bé nhỏ, thấp cổ bé miệng, không có tiếng nói trong xã hội. Bên kia là
ông thẩm phán bất lương, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Đã bao nhiêu lần
bà góa khiếu nại trước tòa, ông đều không thèm đếm xỉa. Khiếu nại của bà xem ra
bế tắt...
Nhưng người đàn bà không
tuyệt vọng, không nản lòng. Bà tiếp tục khiếu nại, van xin. Cuối cùng, sự kiên
nhẫn bền bỉ của bà được đáp ứng. Vị thẩm phán bất lương kia cũng giải quyết khiếu
nại ấy để bà toại nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích dạy các môn đệ hãy
noi gương bà goá, cầu nguyện luôn, cầu nguyện thật bền bỉ không được nản chí.
Thánh Anphôngsô, thánh Tổ
phụ của dòng Chúa Cứu Thế nói: “Ai biết cầu nguyện sẽ được cứu rỗi, còn ai
không cầu nguyện sẽ hư mất”.
Thánh Gioan Kim Khẩu còn
nói mạnh hơn: “Thiên Chúa điều khiển thế giới, nhưng cầu nguyện điều khiển
Thiên Chúa”.
Thánh Gioan Vianney, quan
thầy các linh mục chánh xứ cũng khẳng định không kém: “Tôi biết có một quyền lực
nào đó còn mạnh hơn cả Thiên Chúa. Một người cầu nguyện làm cho Thiên Chúa phải
nói ‘ừ’ khi Ngài đã nói ‘không’”.
Những lời khẳng định trên
nhắc ta nhớ lại câu chuyện phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới ở làng Cana (Ga 2,
1-12). Lúc đó tiệc cưới không còn rượu, Đức Maria ngỏ lời với Chúa Giêsu: “Họ hết
rượu rồi”. Sau lời cầu xin này của Đức Mẹ, Chúa đã trả lời “không” với hai lý
do: Việc họ hết rượu “đâu có can hệ gì giữa bà và con” và “Giờ của con chưa đến”.
Nhưng với đức tin và niềm
tín thác trọn vẹn của Đức Maria trong lời cầu nguyện, “buộc” Chúa phải “đầu
hàng”.
Đức Mẹ nói với những người
giúp việc: “Người bảo gì, các anh phải làm theo”. Ngay lập tức phép lạ đã xảy
ra sau khi họ đã vâng theo lệnh của Chúa: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi” và
“Bây giờ các anh hãy múc mà đem cho quản tiệc”.
Lạ lùng quá đỗi, và gây
ngỡ ngàng cho mọi người chứng kiến, nhất là người quản tiệc, bởi “nước đã hóa
thành rượu”. Không chỉ thành rượu, người quản tiệc còn bị khách mời trách cứ:
“Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng
hơn. Còn anh, anh đã giữ rượu ngon cho tới mãi bây giờ”.
Với lời cầu nguyện đầy hiệu
lực của Đức Mẹ, Chúa đã làm cho “không” thành “có”. Người biến lời nói “không”
thành hành động “có”.
Như vậy, chúng ta có thể
nói quá lời mà không sợ sai lầm rằng: Nếu ta cầu nguyện với tất cả lòng chân
thành, khiêm nhường, tin tưởng, tín thác, thì với ơn Chúa, cầu nguyện làm nên
phép lạ. Cầu nguyện lôi kéo ơn Chúa đến cho những ai hướng về Chúa với lòng
thành. Cầu nguyện là toàn năng bởi sự toàn năng của Thiên Chúa. Đó cũng là điều
mà chính Chúa khẳng định: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ
cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7, 7).
Nhiều lúc, trong đời và
trong ngày, ta bồn chồn, đắn đo, không biết phải làm gì cho đẹp, cho đầy. Ngay
giây phút này, ta không biết phải làm gì cho hữu ích. Hoặc ngay trong khi làm
việc, trong khi đang suy nghĩ, bất chợt nhớ tới Chúa, bất chợt nhận thức mình
là Kitô hữu, hãy cầu nguyện ngay.
Có thể chỉ là một lời
nguyệt tắt (chẳng hạn: Xin cho con yêu Chúa. Xin cho con ý thức con thuộc về
Chúa. Xin Chúa chúc lành và thánh hóa con. Con xin dâng lên Chúa giờ này, công
việc này, và mọi người thân yêu, mọi người con đang gặp gỡ… Có rất nhiều những
lời nguyệt tắt đại loại như thế).
Hoặc ta cầm trí đọc kinh
Lạy Cha, lời cầu nguyện do chính Chúa Giêsu soạn thảo.
Nếu ta thánh hóa chính
mình bằng đời sống cầu nguyện như thế, thì ngay công việc này, thời khắc này, sự
sống này là đẹp nhất, đầy nhất, sung sướng nhất.
Nếu cả một đời ta trung
thành làm như thế, thì đời ta là đời đẹp nhất.
Bởi chính nhờ sống cầu
nguyện, ta kết hợp hoàn toàn với Chúa. Đời sống cầu nguyện ấy là vũ khí giúp ta
“điều khiển” Thiên Chúa nại vào tình yêu, nại vào quyền năng vô cùng của Chúa
và nhờ Chúa cho phép.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét