Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Người Công Giáo với việc tôn kính ảnh tượng

 

Người  Công  Giáo  với  việc  tôn  kính  ảnh  tượng

10/7/2022



Một trong những luận điệu người Tin Lành đả kích Đạo Công giáo là việc tôn kính ảnh tượng:“ Loraine Boettner, một nhà văn chuyên đả kích Công giáo trong quyển Roman Catholicisme ( Công giáo La mã ). Ông cho rằng có ảnh tượng đã là một tội bởi vì Thiên Chúa cấm dùng hình ảnh trong việc thờ phượng. Nhiều người nắm lấy luận điệu này để kết án người Công giáo. Tuy nhiên nếu họ tìm kiếm trong Phúc Âm họ sẽ thấy sự thật trái ngược. Thiên Chúa không những không kết án việc xử dụng ảnh tượng trong sự thờ phượng mà thực sự Ngài còn ra lệnh xử dụng” (Nguồn Conggiao.Info 29/6/2013 – James Akim – Người Công giáo thờ tượng ảnh?).

Ở đây có hai điều cần lưu ý. Một, người ta không phải do căn cứ vào nhà văn nọ để kết án người Công giáo trong việc thờ ảnh tượng nhưng chính là   Kinh Thánh. Hai, các tượng được tạc ấy không phải là Thiên Chúa mà là các thiên  thần Cherubin  dùng để  trang trí nơi đền thờ chứ không phải Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ cấm không được…tạc hình ảnh Ngài để thờ lạy: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này hoặc trong nước, dưới lòng đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó. Vì Ta là Giehova ĐCT ngươi, tức là ĐCT kỵ tà. Hễ ai ghét Ta, Ta sẽ nhơn tội tổ phụ các ngươi phạt lại con cháu đến ba, bốn đời và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ta và giữ các điều răn Ta” (Xh 20, 4 -5). (Theo bản dịch của Tin Lành – United Bible Societies).

Chẳng những người Tin Lành mà cả Hồi giáo cũng không có việc tạo tượng vì cho đó là lệnh cấm của Thiên Chúa. Thế nhưng họ hoàn toàn không biết  lệnh cấm ấy chỉ  cấm tạo hình tượng Thiên Chúa mà thôi. Tại sao lại cấm? Bởi vì Thiên Chúa là đấng vô hình, vô tướng. Thánh Phao Lô khi đến giảng đạo tại thành Athen (Hy Lạp), ngài đã trích thơ của họ và nói về thần tính Thiên Chúa: “ Vì trong Ngài chúng ta sống động và tồn tại như một vài thi nhân của các ông đã vịnh rằng:

…Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy chúng ta đã là dòng dõi của ĐCT thì chớ nên tưởng rằng thần tánh ĐCT giống như vàng bạc hay là đá. Bởi nghệ thuật  và tưởng tượng  của người ta chạm trổ nên” (Cv 17, 28 -29).

Tính chất vô hình vô tướng  của Thiên Chúa đã được thể hiện cách sinh động  qua việc tiên tri đến gặp Thiên Chúa trên núi Si Nai: “ Đức Chúa Giehova phán: Ngươi sẽ chẳng thấy được  Mặt Ta vì không ai thấy Mặt Ta mà còn sống. Đức Chúa Giehova lại phán: Đây có một chỗ gần Ta, ngươi hãy đứng trên mỏm đá. Khi sự vinh hiển Ta đi ngang qua sẽ để ngươi trong bộng đá, lấy tay Ta che ngươi cho đến chừng nào Ta đã đi qua rồi, Ta sẽ rút tay lại và ngươi thấy phía sau Ta nhưng không thấy được Mặt Ta” (Xh 33, 20 -23).

Chính Moise, người lãnh đạo  Cuộc Vượt Qua đưa dân Do Thái ra khỏi đất nô lệ Ai Cập mà cũng chẳng thể thấy…Mặt Thiên Chúa thế nên đối với Dân Chúa thời ấy người ta tỏ ra sợ hãi không dám…nghe cả Tiếng Chúa: “ Moise nói với dân chúng: Vả trong khi quả núi phát lửa, các ngươi vừa nghe tiếng  từ giữa nơi tối tăm  phát ra thì quan trưởng  của các chi phái và những trưởng lão các ngươi  đến gần ta mà nói rằng: Kìa Giehova ĐCT chúng tôi  đã tỏ ra sự vinh hiển  và sự oai nghiêm Ngài cho chúng ta  và chúng ta có nghe Tiếng Ngài từ giữa lửa phán ra. Ngày nay chúng tôi thấy rằng ĐCT có phán cùng loài người và loài người vẫn còn sống. Nhưng bây giờ cớ sao chúng tôi lại phải chết ? Vì đám lửa lớn này  sẽ tiêu diệt chúng tôi hết. Vì trong loài người có ai  đã nghe tiếng của ĐCT sanh hoạt từ giữa lửa phát ra như chúng tôi mà vẫn còn sống ? ( Đnl 5, 23 -26 ).

Đối với dân Do Thái trong thời Cựu Ước xa xăm ấy, Thiên Chúa đối với họ là một vị Thần vô cùng đáng sợ, chẳng những không thể đến gần mà còn không dám…nghe cả Tiếng Ngài. Thế nhưng con người bất kể ở nơi đâu, thời nào  cũng cần có những…vị thần để họ có thể cầu cứu, nương tựa. Bởi lẽ đó khi Moise lên núi Si Nai để nhận lãnh Bia Mười Điều Răn đã khá lâu vẫn chưa về, họ rất nóng lòng nói với Aron: “Hãy làm các thần để đi trước chúng tôi. Về phần Moise này là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ai Cập chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi…

…Aron bèn ra lệnh gom góp vàng bạc để đúc nên một con bò vàng rồi cùng nhau xì xụp lạy và tuyên bố: Hỡi Itsraen, này là thần của các ngươi đã đem chúng ta ra khỏi xứ Ai Cập” (Xh 32, 1-4).

Giống như dân Do Thái trong Cuộc Vượt Qua, đời sống con người là một cuộc hành trình đầy dẫy gian nguy, hiểm nạn, bởi vậy con người dù ở bất cứ nơi đâu, thời nào cũng cần phải có những thần tượng. Trong lãnh vực hữu thần (Tín ngưỡng) thì các thần ấy dĩ nhiên phải có hình  tượng hoặc gỗ, đá, xi măng v.v… để người ta có thể đến để cầu khấn, van lơn này nọ. Chẳng hạn khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều có các thần gọi là Mẫu Hậu. Miền Bắc có bà chúa Liễu Hạnh gọi là Bà Chúa Kho. Miền Trung có Thiên Y Ana của người Chàm. Miền Nam có Linh Sơn Thánh Mẫu ( Núi Bà Đen ) v.v…Hàng năm vào các kỳ lễ hội, hoặc Tết người ta ùn ùn kéo đến để xin xỏ khấn vái một cách tin tưởng nồng nhiệt nhưng rồi tất cả chỉ chuốc thêm  mê mờ phiền não !!!

Trong lãnh vực duy vật vô thần người ta cũng rất cần đến thần tượng để có thể giúp quy tụ những người đồng chí hướng hoặc để lôi kéo quần chúng đặt lòng tin nơi lãnh tụ tối cao…Chính bởi cái nhu cầu ấy, Tập Cận Bình, nhà độc tài của chế độ CS Bắc Kinh hiện nay đã bắt các nhà thờ Công giáo phải treo ảnh của hắn ta trên gian cung thánh hòng thay cho ảnh tượng Chúa !!!

Nhu cầu của con người rất cần có những thần tượng đủ loại như thế, tuy nhiên với người Tin Lành do không hiểu được ý nghĩa cũng như mục đích của ảnh tượng thế nên trong các nhà thờ hay tư gia, họ không treo hay đặt bất cứ một tượng Chúa nào mà chỉ thay vào đó là  hình  cuốn Kinh Thánh hoặc các câu Lời Chúa  dán trên tường.

Cũng bởi người Tin Lành không tôn thờ ảnh tượng, thế nên họ không sao thấy được giá trị đó như là  đối tượng của sự quy hướng tâm linh và vì không có nơi  để quy hướng là Hình Tượng Chúa Giê Su, Đức Mẹ Maria, các Thánh thế nên đời sống tâm linh của họ rất chi  nghèo nàn chỉ quanh quẩn, nhai đi nhai lại những đoạn những câu Kinh Thánh mà thực chất chỉ là những khái niệm vô bổ, chết khô vì đã không đi vào thực hành.

Tôn kính ảnh tượng tôn giáo là hết sức cần thiết  bởi vì nó giúp cho con người dễ dàng trong việc quy hướng và trong việc quy hướng ấy cũng chính là việc…Nhớ. Nhớ cái gì sẽ có cái ấy, năng nhớ đến Chúa thì có Chúa mà có…nhớ đến Chúa thì Chúa mới nhớ và ban ơn cho ta. Trong việc…nhớ này con người thể hiện qua hai giác quan là mắt  thấy và tai nghe.

Việc Thấy, Nghe đó có  ảnh hưởng quyết định ở nơi Tâm. Nghe một câu chửi rủa, nhiếc mắng, Tâm sẽ bất an, khó chịu. Trái lại nghe một lời kinh, lời kệ đem đến cho Tâm ta  được hoan hỉ, hướng thượng …Cũng vậy, thấy một hình tượng  dữ dằn chẳng hạn như con  beo, con cọp  dù chỉ là con thú nhồi bông nhe nanh nhe vuốt  cũng khiến ta có cảm giác sờ sợ, bất an…Ngược lại thấy ảnh tượng Đức Mẹ hay Quan Âm Bồ Tát…như thấy mình được vỗ về, an ủi…

Mặt khác, các hình tượng trong tôn giáo, đặc biệt là Công giáo và Phật giáo đó là một thứ “ Đức dụng tưởng”  tức những nhân đức cao cả để nhờ đó con người có thể noi gương bắt chước  thực hành. Nhìn lên ảnh tượng Chúa Giê Su chịu đóng đinh trên Thánh Giá, người Công giáo nhớ đến công ơn lớn lao của Ngài  đã chịu nạn chịu chết  để cứu độ nhân loại. Có tưởng nhớ đến công ơn của Ngài chúng ta mới cố  gắng thực thi lời  dạy của Ngài. Nhìn thấy tượng ảnh Đức Mẹ Maria chúng ta thêm lòng yêu mến Ngài như một người Mẹ Tâm Linh, nhờ Ngài mà Chúa Giê Su ở trong ta mới được dưỡng nuôi và lớn lên từng ngày…

Với ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ, các Thánh  được tôn kính nơi Thánh Đường cũng như trong gia đình. Người Công giáo như được sống dưới sự bảo bọc che chở một cách hữu hình. Mặc dầu vậy việc tôn kính ảnh tượng của người Công giáo hiện nay đang sa sút và…có vấn đề?

Nói đang sa sút bởi vì nhiều nơi trên thế giới nhất là tại Âu châu nơi mà nạn Tục Hóa đang hoành hành dữ dội thì không những người ta không còn sống đạo mà còn muốn bãi bỏ Lễ Giáng Sinh, có nơi còn có sắc lệnh cấm không được trưng bày  Thánh Giá nơi các lớp học như trước đây vẫn làm. Như thế còn nói chi đến việc tôn thờ ảnh tượng???

Lại nữa tại Việt Nam, trong các gia đình của những cặp vợ chồng trẻ, nhất là trong giới trí thức họ  cũng không lập bàn thờ và nếu có thì cũng chỉ là những ảnh trang trí ở phòng khách mà thôi?

Một vấn đề khác cũng cần nêu lên đó là việc tôn kính Ảnh Chúa Cha. Cách đây khá lâu tại bàn thờ của nhiều gia đình Công giáo có đặt bức hình Chúa Cha, có râu dài trắng xóa, mặc phẩm phục màu đỏ, tay cầm quyền trượng. Ảnh…Chúa Cha này còn được tôn kính cách đặc biệt tại Nhà Chúa Cha  nơi sinh hoạt của nhóm  Nhân Điện và Trừ Quỷ  Bảo Lộc.

Việc cấm tạo hình tượng Thiên Chúa thời Cựu Ước ( Sách Xuất Hành 20, 4 -5 ) đó phải chăng là dành cho những trường hợp này ? Không được vẽ, tạo hình tượng Chúa Cha bởi vì đó là Đấng Vô hình vô tướng. Tuy không được vẽ, tạo tượng Chúa Cha nhưng luật Chúa lại đòi hỏi con người phải hết lòng yêu mến Ngài. Yêu mến Thiên Chúa thì được Ngài ban ơn, trái lại sẽ bị nguyền rủa.

Đấng Cha cần được yêu mến ấy chính là Đấng Cha…nội tại  đã được Đức Ki Tô mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Đức Ki Tô nói Ngài…biết Cha thì cái biết ấy không phải bằng tri thức phân biệt  nhưng là bằng Tình Yêu vô phân biệt. Sự sai lầm  của thần học đưa đến khủng hoảng sâu sắc trong giáo hội trong bao thế kỷ nay  chính vì  cho rằng  người ta có thể….biết Thiên Chúa nhờ vào lý trí.

Một khi lý trí đã không thể…biết được Thiên Chúa như là Đấng Cha thì làm sao có thể…vẽ, tạo hình ảnh Chúa Cha như vậy được ? Có thể nói chính cái việc…vẽ, tạo  hình tượng Chúa Cha ấy đã làm cho cơn khủng khoảng mãi thêm trầm trọng và điều này càng khiến  con người không thể yêu mến và trở về với Ngài!

Con người chỉ có thể yêu mến và trở về với Đấng Cha qua trung gian của Đức Giê Su Ki Tô bởi vì Ngài đã...thấy biết về Cha: “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài. Song Ta biết Ngài, nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài cũng giữ Đạo Ngài” (Ga 8, 55).

Cũng chính vì Đức Ki Tô đã…biết Cha nên Ngài khẳng định: “ Ta với Cha là một” ( Ga 10, 30 ). Chúa Giê Su với Đấng Cha là một nhưng cũng là…hai bởi vì Đấng Cha thì vô hình vô tướng còn Đức Giê Su Ki Tô thì có hình có tướng ( trạng ): “ Đạo  đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta, đầy ơn sủng và lẽ thật” ( Ga 1, 14 ).

Bởi Chúa Giê Su có hình có tướng như thế nên người Công giáo có thể vẽ, tạo tượng để phụng thờ Ngài. Sự thờ phụng ấy dĩ nhiên không phải là…thờ cái hình vẽ hay tượng nhưng qua hình vẽ hoặc tượng ấy chúng ta tưởng nhớ đến Ngài. Việc tưởng nhớ cả trong đời sống thường nhật cũng như đời tâm linh là vô cùng quan trọng. Người đời chỉ…tưởng nhớ đến những chuyện thế gian nên đã bị thế gian lôi kéo vào những sự phiền não trói buộc. Trái lại người sống đời tâm linh thì luôn…tưởng nhớ đến Chúa và nhớ đến Chúa sẽ được Ngài dẫn đưa trên con đường giải thoát.

Việc tưởng nhớ đến Chúa Đấng là nguồn ơn sủng và giải thoát  quan hệ như thế nhưng như M. Heidegger, triết gia đương đại của thế kỷ 20 nói: Thời này là thời nhân loại đã…quên mất Thiên Chúa ( Oublie’ de L’ Être ). Cũng vì đã…Quên Chúa thế nên con người đã xô đẩy nhau vào con đường diệt vong là điều khó tránh khỏi cùng với những hậu quả thảm khốc của nó, thế chiến thứ ba với chiến tranh hạt nhân mà bạo chúa Pu Tin đã và đang đe dọa là điều không phải là… không  thể ???

Chính trong tình thế cực kỳ nguy cấp ấy, Chúa Giê Su đã truyền cho Thánh Faustina vẽ Bức Hình Chúa Thương Xót cùng với lời ghi “ Lạy Chúa Giê Su, con tín thác vào Chúa”. Sau nhiều trở ngại và chống đối ngay tại nhà dòng và các bề trên. Bức Ảnh cùng với Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót  đã được phổ biến trên toàn thế giới. Nếu Thánh Faustina vì nghe theo lệnh truyền của Chúa đặt vẽ Bức Ảnh mà đã chịu đau khổ và sỉ nhục thì ngày nay chúng con  mỗi khi nhìn lên Bức Ảnh và thầm thĩ đọc câu “ Lạy Chúa Giê Su, con tín thác vào Chúa” thì cũng được Chúa nói lời an ủi: “ Đừng sợ, Cha ở với con” ( NK 129 )./.

Phùng  văn  Hóa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét