Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Dấu chân mục tử nơi tuyến đầu chống dịch

 Chủ Nhật, 30 Tháng Giêng, 2022 

Dấu  chân  mục  tử  nơi  tuyến  đầu  chống  dịch

 

“Bên bờ sinh tử, tôi thấy có những cánh tay giơ lên tìm kiếm Thiên Chúa. Có rất nhiều phép lạ Chúa làm trong tâm hồn các bệnh nhân Covid. Tất cả những điều đó chỉ có linh mục mới biết”. Ðây là chia sẻ ấn tượng của cha Giuse Nguyễn Anh Tuấn, dòng Phanxicô, khi kể về những ngày dấn thân vào tâm dịch, phục vụ bệnh nhân F0 tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Ðức).

 

 

Là một trong 8 linh mục đầu tiên tham gia tuyến đầu vào ngày 20.8.2021, cha Giuse Nguyễn Anh Tuấn, dòng Phanxicô cho biết đã đăng ký trước đó cả tháng rồi mới được gọi lên đường đi phục vụ. Thời gian đầu, bệnh viện sắp xếp cho cha làm việc ở khoa 2A, nơi các bệnh nhân chạy ECMO. Vài tuần sau thì cha chuyển lên khoa 4A. Sau đó cha lại tiếp tục chuyển qua khoa 8A. Khi phục vụ bệnh nhân, cha Tuấn mang trong mình hai tâm tình: vừa là tu sĩ, vừa là linh mục. “Trong vai trò tu sĩ thì tôi làm việc như các tình nguyện viên (TNV) khác như giúp bệnh nhân ăn uống, thay tã, thay ga giường, dọp dẹp… Còn trong tư cách là linh mục, tôi cử hành các bí tích. Khi có linh mục thì bệnh nhân được xưng tội. Lúc này, họ vừa là bệnh nhân vừa là hối nhân. Trong giây phút thánh thiêng đó, tôi thấy những tâm hồn con chiên lạc trở về với Chúa. Bên bờ sinh tử, tôi thấy có những cánh tay đưa lên tìm kiếm Thiên Chúa. Có rất nhiều phép lạ Chúa làm trong tâm hồn các bệnh nhân. Tất cả những điều đó chỉ có linh mục biết thôi”, vị mục tử trẻ hồi tưởng.


Vị mục tử cảm thấy may mắn khi được cử hành các bí tích cho anh chị em tín hữu trong hoàn cảnh đặc biệt

 

Bình thường, các vị linh mục là chủ tế, dâng lễ cầu nguyện cho tha nhân. Nay có các vị đã tạm rời bàn thánh ở nhà thờ, lên đường làm thiện nguyện viên chăm sóc cho bệnh nhân Covid. Nhiều công việc, các cha chưa từng trải qua nên ban đầu không tránh khỏi sự lúng túng, ngượng ngùng. Cha Tuấn hài hước kể: “Ban đầu có những bệnh nhân rất khó tiếp cận, vì những việc chăm sóc vệ sinh thì thường người thân của họ làm sẽ thích hợp hơn. Họ cũng bớt ngượng mà mình cũng đỡ ngại. Nhưng trong hoàn cảnh này, người thân của họ không được vào, mình cùng các TNV cố gắng làm quen, tạo sự gần gũi và thân tình, để họ cảm nhận được chúng mình cũng như là con cháu anh em của họ. Dần dần bệnh nhân tiếp nhận sự phục vụ của TNV và sau đó là cảm kích”.    

Làm việc trong bệnh viện, vị mục tử 38 tuổi cảm thấy rất may mắn khi được cử hành Bí tích Giải tội, Xức dầu cho anh chị em tín hữu trong hoàn cảnh đặc biệt của dịch bệnh. Khi bệnh nhân xưng tội xong, họ đón nhận được sự bình an sâu lắng trong lòng. Chính điều đó làm cho cha Tuấn cảm thấy sự cần thiết của việc chăm sóc về mặt tinh thần cho người bệnh. Và chính sự thanh thản của bệnh nhân sau khi được lãnh nhận bí tích làm cho sự hiện diện của người linh mục trở nên ý nghĩa. Nhiều bệnh nhân đã được đánh động bởi sự phục vụ tận tụy của các cha, các thầy và các sơ. Họ cảm thấy được mời gọi tìm hiểu về đạo, được mời gọi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhờ đó, cha Tuấn đã Rửa tội cho khoảng hơn 10 bệnh nhân.


Cùng các TNV mừng Chúa Giáng Sinh trong bệnh viện

 

Sau hai tuần, khi đang làm việc ở khoa 4A, vị linh mục dòng Phanxicô đã bị lây nhiễm virus. Nhận kết quả, ngài cảm thấy hơi buồn, hơi hụt hẫng: “Mình đến để phục vụ mọi người, mà nay lại trở thành bệnh nhân, cách ly một chỗ để anh em phục vụ lại nên cảm thấy không thoải mái lắm. Tuy nhiên, mình cũng khiêm tốn, vui vẻ đón nhận. Khi bị nhiễm bệnh, mình lại càng ý thức thân phận mỏng giòn của con người. Và càng đồng cảm hơn với các bệnh nhân. Mình cũng rất cảm động khi được anh em chăm sóc tận tình. Mọi người còn tìm cách làm cho tinh thần mình lạc quan và lan truyền tinh thần lạc quan này đến với các bệnh nhân cùng dãy nhà. Mình cũng kể cho họ nghe cuộc đời này còn rất nhiều người tốt. Ðang khi mình nằm ở đây, thì ngoài kia có biết bao người đi tiếp tế thực phẩm, đồ ăn, giao hàng miễn phí cho bà con khốn khó. Họ làm việc tích cực và hoàn toàn xuất phát từ cái tâm. Vì thế mà chúng ta phải luôn biết ơn đời, biết ơn người trong mọi hoàn cảnh”, cha Tuấn tâm sự.  

Trải qua 5 ngày phát hiện bệnh, sức khỏe của vị mục tử bình thường trở lại, nhưng chỉ số virus trong người vẫn còn nên phải cách ly 14 ngày. Cha cho biết, khi đã bị nhiễm rồi, đi làm cảm thấy tự tin hơn. Và cha ở lại bệnh viện, phục vụ bệnh nhân tới ngày 19.11, tức sau 3 tháng tham gia tình nguyện, mới trở về cộng đoàn. Cha xác tín: “Thời gian phục vụ trong bệnh viện, tôi thấy đời tu của mình vô cùng ý nghĩa. Việc chăm sóc cho bệnh nhân Covid có những điều khá gần gũi với linh đạo Phan Sinh, với vị thánh sáng lập dòng. Xưa thánh Phanxicô cũng phục vụ người cùi. Tôi nhận thấy người cùi và người nhiễm Covid có điểm tương đồng, là họ bị cách ly, bị xa tránh, cảm thấy bị bỏ rơi. Khi đến với bệnh nhân Covid, tôi như được sống lại kinh nghiệm của đấng sáng lập dòng mình”.


Khi phục vụ bệnh nhân, cha Tuấn mang trong mình hai tâm tình vừa là tu sĩ, vừa là linh mục

 

Ðối với vị linh mục trẻ, đây là những kinh nghiệm ban đầu nhưng có lẽ không phải là cuối cùng, mà phải tập quen và luôn sẵn sàng cho những dịp khác. Hơn 90 ngày phục vụ bệnh nhân trôi qua, cha Tuấn về lại nhà dòng nhưng trong lòng vẫn còn cảm thấy nặng trĩu vì vẫn còn có những bệnh nhân đang cần được chăm sóc. Vừa hoàn thành thời gian cách ly, thì lại có thư kêu mời tham gia hỗ trợ tuyến đầu của văn phòng Tu sĩ, vị mục tử mang trái tim người cha đã không thể ngồi yên khi anh em xung quanh mình đang chịu đau đớn, đối diện với sinh ly tử biệt, và ngày 13.12.2021, ngài tiếp tục lên đường, đến với các bệnh nhân đang chờ ngài tại bệnh viện Hồi sức Covid-19. 

 

NGỌC LAN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét