Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Hàng nghìn người đột quỵ thoát tàn phế nhờ trí tuệ nhân tạo

 

Hàng  nghìn  người  đột  quỵ  thoát  tàn  phế  nhờ  trí  tuệ  nhân  tạo

TP HCMSau ba năm ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị thành công hơn 1.000 bệnh nhân đột quỵ quá thời gian vàng 6 giờ.

"Trước đây, bệnh nhân đột quỵ tắc mạch não nhập viện trong 6 giờ đầu thì can thiệp điều trị khả quan, sau 6 giờ bác sĩ không thể làm gì để cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ tàn phế, tử vong", TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nói khi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM về đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, sáng 27/10.

Phầm mềm RAPID được đưa vào sử dụng đầu tiên Việt Nam tại Bệnh viện Nhân dân 115, từ giữa năm 2019. Trước đó, ứng dụng này của Trung tâm đột quỵ, Đại học Standford (Mỹ), được cấp phép trên thế giới. Phần mềm giúp mở rộng cửa sổ điều trị lên 24 giờ so với 6 giờ như trước đây, thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân.

Ứng dụng RAPID, kết quả hình ảnh chụp MRI não bệnh nhân được đưa vào phần mềm giúp bác sĩ xác định những vùng não bị tổn thương. Bác sĩ nhìn thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Từ đó, bác sĩ quyết định có nên sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân xuất huyết não, phần mềm đo thể tích khối máu tụ, bác sĩ tiên lượng được chính xác khối máu tụ, nâng cao hiệu quả điều trị.

Hiện nay, 50% bệnh nhân đột quỵ đến Bệnh viện Nhân dân 115 sau giờ vàng (trong khoảng thời gian 6-24 giờ) được can thiệp nội mạch nhờ ứng dụng này. Kết quả khảo sát ghi nhận 48% người bệnh được can thiệp thành công có thể vận động bình thường, giảm tỷ lệ di chứng hoặc tử vong. Trung bình mỗi ngày, hai bệnh nhân đến viện được ứng dụng RAPID, trong đó một ca có đủ điều kiện can thiệp.

Theo bác sĩ Báu, con số này có ý nghĩa rất lớn bởi trung tâm điều trị đột quỵ của Bệnh viện Nhân dân 115 lớn nhất cả nước, mỗi năm tiếp nhận khoảng 14.000 bệnh nhân, chiếm khoảng 8-10% số ca tại các bệnh viện Việt Nam. Nơi đây triển khai các kỹ thuật điều trị đột quỵ do tắc mạch máu não từ năm 2006 đến nay, đã chuyển giao cho nhiều đơn vị đột quỵ cả nước. Bệnh viện cũng là đơn vị đầu tiên cả nước được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận Vàng, Bạch kim và cao nhất là chứng nhận Kim cương, sau đó các trung tâm khác vượt qua tiêu chí gắt gao để đạt được những chứng nhận này.

"Có thể thấy đầu tư cho y tế thông minh, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất quan trọng và khẩn thiết, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, đem lại hạnh phúc cho rất nhiều gia đình", bác sĩ Báu nói.

Triển khai đề án y tế thông minh là một trong những trọng tâm cải cách chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện 115. Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện, cho biết viện đã số hóa 100% hóa đơn điện tử, 16,5% bệnh nhân thanh toán điện tử bằng cách sử dụng mã QR, POS, chuyển khoản trực tuyến. Người bệnh có thể truy cập hóa đơn điện tử, thông tin về thanh toán sau khi khám chữa bệnh thông qua mã số do bệnh viện cung cấp trên hồ sơ khám chữa bệnh.

Bệnh viện triển khai hệ thống đầu đọc để quét thẻ bảo hiểm y tế và căn cước công dân trích lục các dữ liệu thông tin cần thiết phục vụ khám chữa bệnh; phần mềm hỗ trợ khai báo thông tin, quản lý người bệnh hoặc người nuôi bệnh, quản lý các vấn đề sai sót và báo cáo sự cố, giường bệnh, kê đơn, máy thở... Một số phần mềm trang bị cho khối khám ngoại trú để nhập liệu thông tin, tiếp nhận hồ sơ khám, trích lục dữ liệu cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, truy cập lịch sử khám chữa bệnh, bác sĩ chẩn đoán và toa thuốc...

Tuy nhiên, giống như nhiều bệnh viện khác, quá trình tiến tới y tế thông minh của Bệnh viện Nhân dân 115 còn gặp nhiều khăn. Trong đó, nổi bật là nguồn nhân lực công nghệ thông từ tin y tế còn thiếu, rất khó tuyển dụng và giữ chân lao động do lương thấp. Ngoài ra, hạ tầng, thiết bị thiếu đồng bộ, khó tích hợp và tương thích theo xu hướng phát triển phần mềm. Chi phí về công nghệ thông tin chưa được cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, khiến bệnh viện gặp khó khi phát triển mảng này.

Bác sĩ Sóng đề xuất cơ quan quản lý hỗ trợ bệnh viện xây dựng và áp dụng các phân hệ phần mềm, có ngân sách chi cho đầu tư hạ tầng, ban hành hướng dẫn đấu thầu, chi cho các hạng mục đầu tư, nâng cấp hệ thống. Đặc biệt, cần triển khai các chính sách đãi ngộ đối với nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin.

Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng một tuyến cuối thuộc Sở Y tế TP HCM, quy mô 1.600 giường, 43 khoa phòng, khoảng 2.000 nhân sự, là bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến cuối lớn nhất thuộc Sở Y tế TP HCM. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 3.700-4.000 lượt khám ngoại trú, 2.000 bệnh nhân nội trú, với 9 chuyên khoa mũi nhọn.

Bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, do UBND TP HCM ban hành, mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh...

Thời gian qua, nhiều bệnh viện TP HCM đã triển khai y tế thông minh nhưng gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí, đội ngũ nhân lực để vận hành. Hai ngày trước, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1 về nội dung này.

Hồi tháng 5, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đặt hàng nhà khoa học, viện trường, doanh nghiệp các giải pháp ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân như khám từ xa (telehealth); ứng dụng AI đọc kết quả X-quang phổi...

Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét