Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Ngại điều trị tâm lý

 

Thứ tư, 26/10/2022, VnExpress.net

Ngại  điều  trị  tâm  lý

HÀN QUỐCLo sợ bị gắn mác "người điên" nếu đi khám những rối loạn tâm lý khiến nhiều người phải giấu bệnh

Theo dữ liệu của cảnh sát Hàn Quốc năm 2021, trong khoảng 13.000 trường hợp tử vong do tự tử, hơn 5.000 người có tiền sử điều trị sức khỏe tâm thần. Đáng chú ý, 256 người trong độ tuổi 10-20 làm điều dại dột do sức khỏe tâm thần không ổn định. Số liệu này cho thấy ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh và khiến các vụ việc thương tâm tăng cao.

Khi các phương tiện truyền thông nhắc nhiều hơn đến chứng rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, đặc biệt là sau các vụ tự tử của người nổi tiếng, nhận thức của người dân về vấn đề này đã tăng lên. Nhưng trên thực tế, xã hội Hàn Quốc vẫn tồn tại sự kỳ thị với những người gặp phải vấn đề tâm lý.

Rất nhiều người nổi tiếng đã tiết lộ việc phải đối mặt với bệnh tâm lý. Nam diễn viên Lee Byung-hun cho biết bản thân từng mắc chứng rối loạn hoảng sợ khi từng trải qua một cuộc tấn công trên chuyến bay đến Mỹ. Nam thần tượng K-pop Kang Daniel cũng phải tạm ngưng công việc khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp vì trầm cảm cách đây vài năm. Anh nói từng phải trải qua cảm giác mất hết động lực sống.

Vài năm trở lại đây, tỉ lệ mắc bệnh rối loạn hoảng sợ và trầm cảm liên tục tăng ở xứ sở kim chi. Số người đi điều trị trầm cảm tăng hơn 35% từ năm 2017 đến năm 2021. Cùng thời điểm đó, số trường hợp đến khám chứng rối loạn hoảng sợ cũng tăng từ 650.000 lên 870.000 người.

Đáng chú ý, vấn đề lớn lớn nhất của bệnh tâm lý là kéo theo các loại bệnh khác. Sự kết hợp của nhiều triệu chứng càng làm cho tình trạng của người bệnh càng trở nên trầm trọng.

Nhiều người Hàn Quốc bị mặc cảm, sợ hãi khi mắc các chứng bệnh tâm lý mà không dám đi khám. Ảnh minh họa: Korea Herald

Nghiên cứu năm 2020 của trợ lý giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Konkuk Jeon Hong-jun chỉ ra, những bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ có khả năng cao mắc thêm chứng sợ hãi. Đây là tác nhân khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, mệt mỏi và khó hồi phục hơn.

Hiện có nhiều nơi cung cấp các dịch vụ điều trị sức khỏe tâm thần tại Hàn Quốc, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy do dự, ngại tìm kiếm sự giúp đỡ vì sợ bị kỳ thị.

Park Jee-eun, giáo sư tâm lý học tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul gần đây đã công bố kết quả nghiên cứu về lý do nhiều người e ngại chữa trị bệnh.

Qua phân tích 6 triệu tin nhắn được chia sẻ qua mạng xã hội từ năm 2016 đến 2019, gần 26% thanh thiếu niên không muốn đến gặp bác sĩ tâm thần vì sợ bị ảnh hưởng đến việc vào đại học; hơn 14% nói lo lắng vì sợ bị người khác xem như "một kẻ điên"; khoảng 22% người ở tuổi 20 lo lắng về cơ hội việc làm khi các nhà tuyển dụng thấy lịch sử khám bệnh; trong khi số còn lại sợ việc điều trị ảnh hưởng tiêu cực đến hợp đồng bảo hiểm.

Nhưng đây không phải nỗi lo thái quá mà hoàn toàn có căn cứ. Tháng 8 năm nay, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc vừa đưa ra khuyến nghị cho hai công ty bảo hiểm địa phương cho phép những người đang điều trị chứng trầm cảm được mua bảo hiểm. Một công ty đã chấp nhận điều khoản này, kèm yêu cầu thời điểm mua bảo hiểm phải sau một năm dừng thuốc, công ty còn lại đã từ chối.

"Bạn tôi khuyên nên đi chữa bệnh mà không cần bảo hiểm y tế để không bị lưu lại trong hồ sơ, gây ảnh hưởng nếu đi xin việc. Tôi không làm điều đó, nhưng cũng không nói với người quản lý hiện tại của mình", một nhân viên khoảng 30 tuổi ở Seoul đang điều trị chứng trầm cảm và rối loạn hoảng sợ, nói.

Giáo sư Park nói rằng việc thiếu thông tin truyền thông tích cực nhằm thay đổi nhận thức cũng như cách điều trị hợp lý là một trong những lý do khiến công chúng do dự. "Các chuyên gia nên nỗ lực truyền bá thông tin liên quan và nhấn mạnh việc không cần phải giữ bí mật về liệu pháp chữa bệnh", bà nói.

Trước đó, một nghiên cứu của Hiệp hội tâm thần nước này cũng cho thấy không ít người lao động ở nước này đang có nhận thức tiêu cực về việc điều trị tâm thần, khi có tới 34% người được khảo sát không dám nói với sếp hay đồng nghiệp bản thân đang mắc bệnh, vì cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét