Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Bệnh cúm


Thứ năm, 11/1/2024, 14:03 (GMT+7)



Bệnh  cúm

Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, triệu chứng rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, lây lan nhanh và có thể thành dịch.

Thông tin được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng.

Biểu hiện

- Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài.

- Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em.

Diễn biến bệnh

- Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

- Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây bệnh

- Virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae, chia thành 3 type A, B và C.

- Vỏ của virus bản chất là glycoprotein bao gồm hai kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemaglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase).

* Có 15 loại kháng nguyên H (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9).

* Những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân type khác nhau của virus cúm A.

* Trong quá trình lưu hành của virus cúm A, 2 kháng nguyên này, nhất là kháng nguyên H, luôn luôn biến đổi.

- Bản chất của virus cúm là lipoprotein, có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C và các chất hòa tan lipit như ether, beta-propiolacton, formol, chloramine, cresyl, cồn... Tuy nhiên, virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp. Ở nhiệt độ 0-4 độ C, virus sống được vài tuần. Ở -20 độ C và đông khô, virus sống được hàng năm.

Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa:

* Virus cúm A có khả năng gây nhiễm các loài động vật có vú (như lợn và ngựa), các loài chim và gia cầm. Virus cúm B và C chỉ gây bệnh ở người.

* Tất cả type virus cúm A tồn tại trong quần thể chim nước hoang dại. Nhìn chung, các virus cúm động vật không có khả năng gây bệnh cho người trừ khi nó đã thích ứng với người hoặc tái tổ hợp với virus cúm người.

* Đối với bệnh cúm theo mùa, người bệnh thể điển hình, hoặc thể nhẹ là ổ chứa virus.

- Thời gian ủ bệnh: Ngắn, thường 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày.

- Thời kỳ lây bệnh: Người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng.

Phương thức lây truyền

- Cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch.

- Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng.

- Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

- Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Xét nghiệm chẩn đoán

- Loại bệnh phẩm: Các bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, mũi họng, dịch tiết hay rửa mũi họng.

- Phương pháp xét nghiệm:

* Nuôi cấy virus.

* Chẩn đoán huyết thanh học (phản ứng kết hợp bổ thể và ức chế ngưng kết hồng cầu) tìm động lực kháng thể giữa hai thời kỳ khởi phát và lui bệnh.

* Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên.

* Phản ứng chuỗi men RT-PCR.

* Miễn dịch huỳnh quang.

- Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm chẩn đoán thay đổi tùy thuộc vào phòng xét nghiệm, cán bộ xét nghiệm, loại xét nghiệm sử dụng, loại bệnh phẩm, chất lượng bệnh phẩm, thời gian từ khi thu thập bệnh phẩm so với thời gian khởi phát bệnh...

- Giống như đối với bất kỳ một loại xét nghiệm nào, việc chẩn đoán xác định bệnh phải kết hợp với các triệu chứng lâm sàng và đặc điểm dịch tễ học.

Điều trị

- Hầu hết bệnh nhân cúm chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày.

- Đối với trường hợp cúm nặng, cần phải nhập viện, chăm sóc tăng cường và điều trị kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát và hỗ trợ hô hấp.

Tính cảm nhiễm và miễn dịch

Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh.

- Tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em.

- Sau khi bị bệnh, sẽ có miễn dịch đặc hiệu với virus gây nhiễm nhưng thời gian miễn dịch thường không bền, phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây, không có tác dụng bảo vệ đối với những type virus mới.

- Miễn dịch có được sau khi khỏi bệnh không bảo vệ được khỏi mắc các biến chủng của virus cúm.

- Trẻ em, người già, người đang mắc các bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch thường dễ cảm nhiễm hơn những người khác.

Phòng ngừa

- Tiêm phòng vaccine là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm.

- Cần phải tiêm phòng vaccine cho cộng đồng hàng năm trước mùa cúm. Những người nên tiêm vaccine cúm hằng năm là người có nguy cơ mắc bệnh và có biến chứng cao của bệnh cúm:

* Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng và những người từ 65 tuổi trở lên.

* Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mạn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mạn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.

* Phụ nữ sẽ có thai trong mùa bệnh cúm.

* Những người sống trong các nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn.

* Những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người cùng nhà với bệnh nhân.

- Chống chỉ định dùng vaccine đối với người có dị ứng protein trứng hoặc dị ứng các thành phần khác của vaccine.


                                                                                    Mỹ Ý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét