Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

LỜI CÁM ƠN GIÁ BAO NHIÊU?

 

Sat, 06/01/2024 -  Lm Anmai, CSsR

LỜI  CÁM  ƠN  GIÁ  BAO  NHIÊU? 

            Sống ở đời, nhân bản tối thiểu của con người đó chính là lòng biết ơn. Thế nhưng bày tỏ lòng biết ơn không phải là chuyện dễ làm đối với một số người. Họ vô ơn hay họ cứ nghĩ rằng họ đáng được hưởng những thứ mà họ có.

            Câu chuyện là có người kia trao tặng cho người thân của mình chiếc xe không mới nhưng cũng không cũ lắm. Trị giá chiếc xe cũng còn cao cao.

            Sau khi nhận xe, người nhận dường như chả quan tâm đến người tặng là gì và cũng chả can đảm nói một lời cảm ơn.

            Tôi trộm nghĩ lời cảm ơn với người này đắt giá lắm để rồi họ không thể trao cho người tặng của họ hay sao ? Và rồi nếu ai đó đọc những dòng này sau đó mới ngỏ lời cảm ơn đến người tặng xem chừng ra vô nghĩa vì lẽ tận sâu lòng họ họ không nghĩ đến món quà để họ không bao giờ biết nói cảm ơn. Dẫu cuộc đời họ nhận thật nhiều nhưng dường như đối với họ, không quan tâm chuyện cảm ơn.

            Mà cũng chả phải một người này. Đâu đó tôi gặp và gặp rất nhiều những người không hề biết ơn. Với những người đó, tôi trộm nghĩ chắc lời cảm ơn đối với họ đắt quá để rồi họ không mua nổi để trao gửi người khác khi họ nhận được ơn.

            Tôi thì khác. Mở mắt dậy là tôi lại thấy hồng ân của Chúa trao ban cho tôi qua nhiều biến cố, nhiều sự việc, nhiều con người. Kể cả những người vô ơn, tôi cũng biết ơn họ vì họ đã dạy tôi bài học biết ơn.

            Nhắc đến lòng biết ơn lại nhớ đến bọn trẻ. Cứ chiều cuối tuần không phải đến lớp là bọn chúng lại kéo vào. Dĩ nhiên chả cao sang hay cao lương mỹ vị. Có gì ăn đó thôi. Thế nhưng hay một chỗ là chúng luôn nói lời cảm ơn. Sau lời kinh, trước khi nhận bánh hay kẹo là chúng ngỏ lời cảm ơn rồi. Trước khi về chúng lại cảm ơn một lần nữa.

            Nhìn bọn trẻ thấy cũng hay hay.

            Cứ chiều chiều không thấy bọn nhóc đến là thấy có cái gì thiếu thiếu. Muốn bù đắp cho các bạn nhỏ vì lẽ ngày xưa mình còn nhỏ mình thiếu thốn không được như các bạn ấy. Lấm lem mặt mũi, có khi lấy cái vạt áo chùi lên mặt vậy mà vui.

            Chả nghĩ gì cao xa. Cứ nghĩ rằng cứ chung chia với bọn nhóc chút gì đó để gieo vào lòng của bọn nhóc lòng nhân hậu. Lớn lên, khi không còn thấy “ông Cha bụng bự” (bọn nhóc hỏi khó trả lời: sao bụng Cha to thế!) nữa thì ít ra chúng nhớ rằng khi chúng đến với Nhà Dòng, chúng đến với ông Cha mập là chúng có chút quà.

            Sở dĩ tôi thương bọn trẻ này vì cái “băng” này không chơi điện thoại. Có khi gia đình cấm hay gia đình không có khả năng mua điện thoại. Thế nhưng rồi nghĩ không có điện thoại ở cái tuổi cấp I này cũng là hay.

            Đến với bọn nhỏ, đâu cần nhận lời cảm ơn hay nghe lời cảm ơn ấy vì lẽ lời cảm ơn không phải là mục tiêu khi chơi với chúng. Thế nhưng, khi nghe những lời ấy tự an ủi rằng ít ra là bọn nhóc có cái nhân bản tối thiểu khi làm người đó là lòng biết ơn.

            Mỗi ngày, từ miếng thịt, con cá đến cọng rau ... Tôi luôn mang ơn những người trồng trọt và chăn nuôi. Nếu như họ không lao nhọc làm sao tôi có những thứ đó để hưởng dùng. Rồi cạnh đó những tấm lòng quan tâm chia sẻ lẽ nào tôi lại vô ơn với họ sao?

            Lòng biết ơn đối với con người thật cần thiết bởi nó nói lên nhân cách của họ.

            Dâng Lễ, nếu không trùng vào Lễ đặc biệt, tôi vẫn thích dùng lời Kinh Tiền Tụng IV: Lời Kinh Tiền Tụng tạ ơn.

            Lời này hay lắm!: “Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”

            Vâng! Ca tụng Chúa không mang gì cho Chúa nhưng mang lại ơn cứu độ cho chúng con.

            Là người, là con Chúa mà không biết ơn! Không tạ ơn Chúa không cảm ơn nhau thì buồn lắm nhỉ?

Lm. Anmai, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét