Wed, 17/01/2024 - Lm Phan
Văn Lợi
CHÚA
NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM B: MC 1,14-20
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức
Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ
đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê,
thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì
các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ
làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ
chài lưới mà theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông
Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới
ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở
lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
HẾT THẢY
CHÚNG TA ĐỀU ĐƯỢC GỌI
Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê và bắt
đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Nội dung lời rao giảng đó là TC nay can
thiệp trong lịch sử của nhân loại nhờ Người. Lời rao giảng của Người (tóm kết
nơi c.15) gồm có 3 phần: 1) Thời kỳ đã mãn: các ngôn sứ chia thời gian làm hai
: thời kỳ hiện tại và thời kỳ sẽ đến. Đức Giê-su loan báo thời kỳ hiện tại đã kết
thúc và một thời mới, thời cánh chung đã khai mạc. Đây là thời kỳ TC hoàn tất
các lời Người đã hứa. 2) Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến Vương
quyền của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người (x. Is 6,1-3; 43,15; Tv
47,93,96,99). Nhưng sau thời Lưu đày, tình trạng vương quyền trần gian vắng
bóng làm cho dân Ít-ra-en hy vọng chính TC sẽ bày tỏ Vương quyền của Người tại
Xi-on và trải rộng quyền đó trên địa cầu (x. Is 24,23; 52,7; Gr 3,17; 8,19; Ed
20,33…). Ở đây, Đức Giê-su khẳng định : nơi Người, Triều đại Thiên Chúa đã đến,
Người là “Triều-đại-Thiên-Chúa-bằng-xương-bằng-thịt” (Origène).
3) Hãy sám hối và tin vào
Tin Mừng : sám hối là thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa của
Giao ước và dấn bước vào một cuộc sống mới mẻ.
Để thực hiện đại cuộc này, Đức
Giê-su đã kêu gọi các Tông đồ, ban đầu là bốn ông. Nhưng không chỉ từng ấy. Người
còn muốn kêu gọi những ai tự nguyện làm môn đệ Người cũng hãy tham gia vào đại
cuộc
1. Kêu gọi các Tông
đồ
“Thấy Si-môn và An-rê, Người bảo họ:
Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như
lưới cá”. Lập tức hai ông đi theo Người”. Không thể đọc điều này mà không “tưởng
tượng”. Bờ hồ, cái nhìn của Đức Giê-su, tiếng gọi của Người, và chữ “lập tức”
năng được lập lại nơi Mác-cô, khiến cuốn Tin Mừng của ông thành một lời thôi
thúc, gần như dồn dập. Nhờ Tin Mừng Gio-an, ta biết Đức Giê-su đã quen với bốn
anh em này từ trước, thành thử ở đây họ không đứng lên đi theo một kẻ xa lạ,
nhưng là một Đấng mà họ đã khởi sự đón nhận sứ điệp rồi. Mác-cô nhấn mạnh hai
điểm : một là vai trò chủ động của Đức Giê-su trong ơn gọi, hai là tính chất
triệt để của lời đáp trả. Người mời bốn anh em “theo Người”, có nghĩa là làm
môn đệ, tiếp bước chân Người, dù tới đâu thì tới. Và trong thực tế, họ chỉ thực
sự theo Người khi loan truyền Tin Mừng đến với lương dân và hy sinh mạng sống
vì Người.
“Lưới người như lưới cá” là một lối
chơi chữ rất giàu ý nghĩa. Muốn hiểu nó, phải nhớ rằng đối với dân Do-thái, biển
sâu chính là nơi quy tụ các mãnh lực của sự dữ và sự chết. Đức Giê-su ở đây được
khẳng định như là Đấng đến để lôi kéo loài người anh em thoát khỏi các mãnh lực
nầy. Và nếu Người đã có ý tuyển chọn các ngư phủ làm những môn đệ đầu tiên, là
bởi vì Người thấy được mối liên hệ biểu tượng giữa nghề nghiệp hiện tại của họ
và sứ mạng Người sẽ giao cho họ sau này : “đánh bắt” những con người để đem họ
vào trong Nước Thiên Chúa mà Người đã đến để lập nên, hầu họ đi từ cõi chết
sang cõi sống. Các ông thành thử là hạt nhân nảy sinh Giáo Hội và trở thành một
thứ đội quân tiên phong của một dân tộc mới mẻ.
Những điều đó khiến ta ước muốn cầu
nguyện cho có nhiều người nam nữ đáp lại tiếng Chúa gọi: “Này bạn, hãy đến, bạn
sẽ là linh mục ; này bạn, hãy đến, bạn sẽ là tu sĩ”. Chắc chắn đó là một cách đọc
bản văn thật đúng, nó đã được viết để đánh thức các ơn gọi chuyên biệt và kêu mời
chúng ta suy nghĩ về những lời nói việc làm của chúng ta trong tương quan với
ơn thiên triệu linh mục hay tu sĩ.
2.
Kêu gọi các môn đệ
Nhưng quả là thiệt hại nếu không thấy
đó cũng là tiếng Đức Giê-su gọi môn đệ, nghĩa là mọi Ki-tô hữu. Dấu chỉ thứ nhất
của việc mở rộng nhãn quan là vị trí mà Mác-cô dành cho trình thuật kêu gọi môn
đệ này. Ông đặt nó ngay đầu Tin Mừng của mình để cho thấy rằng hành vi tiên khởi
của Đức Giê-su là quy tụ thiên hạ quanh mình hầu tung ra cái phong trào vĩ đại
sẽ trở thành Giáo Hội, dân mới của Thiên Chúa. Cùng tiếng gọi ấy tiếp tục và thấu
đến chúng ta hôm nay.
Dấu chỉ thứ hai: hình thức lược đồ
của trình thuật ơn gọi này. Đức Giê-su nhìn, gọi, và lập tức người ta đi theo.
Điều này có giá trị cho mọi người không phân biệt. Khi nghe kể lại chi tiết ơn
gọi của thánh Phan-xi-cô A-xi-di-ô, thánh Bê-na-đet-ta, mẹ Tê-rê-xa hay đơn giản
của một linh mục, chúng ta cảm phục từ xa nhưng có thể tự nhủ: đó không phải là
cho mình. Nhưng ở đây là cho chúng ta. Chúng ta đứng trước lược đồ kiểu mẫu về
tiếng gọi của Đức Giê-su và lời đáp mà bất cứ Ki-tô hữu nào cũng phải đưa ra cả.
Hết thảy đều được yêu cầu phải dành ưu tiên tuyệt đối cho Đức Giê-su.
Có lẽ chúng ta còn chưa ý thức rằng
làm Ki-tô hữu, đó không chỉ là đọc kinh Tin kính, đi dự lễ và cố gắng sống đạo
đức, song còn là theo Đức Ki-tô. Nghe thế chắc có người bảo: “Bạn lại nói đến
“ơn gọi” ư? Lắm người đã từ bỏ mọi sự, nghề nghiệp, nhà cửa, gia đình. Tôi thì
không thể làm được vậy”. Đừng lo! “Theo Đức Giê-su” cũng có một ý nghĩa khác nữa.
Ta thấy điều đó khi Đức Giê-su ngỏ với tất cả đám đông để yêu cầu họ tin vào
Người. Theo Người, trước hết là như thế.
Trước khi biết điều Người sắp xin
chúng ta, phải tin vào Đức Giê-su, bằng không chúng ta chẳng bao giờ chấp nhận
các đòi hỏi của Người. Người có quyền nói, Người có quyền bảo chúng ta tại sao
phải nghe và thành thử là theo Người, để cuộc đời chúng ta thành tựu, vì Người
là Con Thiên Chúa. Duy mình Người vừa có thể đơn giản hóa cuộc sống chúng ta, vừa
làm cho nó trở nên vô cùng đòi hỏi bằng cách chỉ cho ta một mệnh lệnh. Khi Người
bảo tôi : “Phần anh, hãy theo Thầy !” tôi biết câu đó có nghĩa : “Phần anh, hãy
yêu thương như Thầy đã yêu thương”.
Lúc đó, đúng thế, nếu tôi muốn thật
sự sống điều ấy, tôi buộc lòng phải “từ bỏ mọi sự”. Bỏ hoàn cảnh của tôi, nghề
nghiệp của tôi, thân nhân của tôi sao? Không, kiểu nói “những kẻ lưới người” muốn
nhắn gởi với chúng ta rằng chúng ta không bị bó buộc phải bỏ nghề nghiệp, khả
năng của mình, song là hãy tỏ ra thành thạo trong sứ mạng loan báo Nước Thiên
Chúa như lúc hành nghề của mình hay qua việc hành nghề của mình. Vấn đề là từ bỏ
các tư tưởng thông thường, các cách hành động thông thường chẳng phù hợp với
Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Không gì, tuyệt đối không gì được ngăn cản tôi nghe
tiếng Đức Ki-tô và mến yêu Người trên hết mọi sự. Rồi làm cho quanh tôi biết Đức
Ki-tô, “lưới người” (bắt các linh hồn) cho Đức Ki-tô. Cuộc mạo hiểm khởi sự từ
đó và thế đó ! Như đối với Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Một cuộc mạo hiểm
mãnh liệt và sáng ngời: “Ta là sự sống. Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ
không phải đi trong bóng tối” (Ga 8,12).
Trong cuốn “Chúa Ki-tô trên nẻo đường của con
người”, cha Bosco đã thuật lại câu chuyện ngài chứng kiến tận mắt tại Lộ Đức
như sau: Hôm ấy, tôi theo sau vị Giám mục kiệu MTC đi qua trước các bệnh nhân nằm
trên cáng và ghế lăn. Quang cảnh thật cảm động. Trong số các bệnh nhân, tôi đặc
biệt để ý đến một thiếu niên mặt nhợt nhạt nhưng thật hiền từ, hai tay em nắm
chặt lại và đôi mắt nhìn về MTC. Sau cuộc rước, tôi đến quán trọ các bệnh nhân
để tìm thăm em. Tôi thấy em đang nằm một mình trên cáng, dưới một tàng cây. Tôi
hỏi: “Tên con là gì và từ đâu đến?” - “Thưa Cha, con là Aelio và ở Rôma” - “Cha
cũng ở Rôma, cha vui mừng được gặp con. Cha làm tuyên úy cho toán trợ giúp người
bệnh.” Nghe thế, cậu bé đáp: “Con cũng muốn giúp các bệnh nhân mà không được,
vì từ ba năm nay con bị liệt giường” - “Chính vì thế mà chúng ta đến đây để xin
Đức Mẹ ban ơn. Cha sẽ cầu nguyện cho con. Vậy con đã cầu xin Chúa Giê-su và Mẹ
Ma-ri-a chữa bệnh cho con chưa?” Nhìn tôi rồi nhìn quanh xem có ai nghe lén
không, cậu chậm rãi đáp : “Thưa cha, con không cầu xin ơn khỏi bệnh. Vì có những
điều quan trọng hơn con phải xin với Đức Mẹ.” Ngạc nhiên, tôi hỏi : “Những điều
đó là gì thế ?” Em bé đáp: “Thưa cha, con đã xin Đức Mẹ ba ơn này: trước hết,
con cầu xin Đức Mẹ chữa lành những ai đang phải đau khổ nhiều hơn con. Thứ hai,
con cầu xin cho các linh mục ngày càng trở nên thánh thiện. Sau cùng, con cầu
xin cho kẻ có tội ăn năn trở lại để Chúa Giê-su khỏi đau lòng nữa.” Nghe những
lời này của cậu thiếu niên, tôi ngỡ ngàng không nói được lời nào. Sau đó, tôi đến
hang đá Đức Mẹ Lộ Đức một mình, và thưa với Mẹ: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, con xin cám
ơn Mẹ đã cho con mục kích được một phép lạ lớn lao, đó là thấy một em bé 13 tuổi,
nhờ sự giúp đỡ và nụ cười của Mẹ, nay đã trở nên một anh hùng và một tông đồ.”
Ai bảo bệnh nhân thiếu niên này
không được Chúa kêu gọi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét