Sat, 20/01/2024 Huệ Minh
Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm
SÁM HỐI
Sám hối là điều kiện cần
thiết để được tha thứ tội lỗi và để được vào Nước Trời. Vì thế, sám hối là chủ
đề xuyên suốt Kinh Thánh và cũng là chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay đề cập tới.
Hẳn ta còn nhớ Thiên Chúa mời gọi tiên tri Giona rao giảng về
sự sám hối cho thành Ninivê: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn,
và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi.”(Gn 3,2). Giona đã làm theo lời
Chúa dạy, tới Ninivê và rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị
phá huỷ.”(Gn 3,4). Nghe lời Giona rao giảng, dân thành Ninivê đã tin tưởng vào
Thiên Chúa và quyết tâm sám hối bằng cách: “Công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm,
từ người lớn đến trẻ nhỏ.” (Gn 3,5). Thấy được sự sám hối chân thành của họ, vì
họ bỏ đời sống xấu xa, nên Thiên Chúa đã bỏ ý định phạt họ (x. Gn 3,10).
Và rồi chính Thánh Phaolô
mời gọi các tín hữu Conrintô phải có thái độ sống siêu thoát, không dính líu với
những của cải vật chất và những thực tại trần gian. Ngài nói:“những ai có vợ,
hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ
hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không
có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng” (1Cr 7,29-31). Lời
mời gọi này xem ra nghịch lý với cuộc sống thông thường nhưng đó lại là sự thật.
Bởi vì, mọi sự thuộc thế gian này rồi sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa và những gì
thuộc về Ngài mới tồn tại.
Trang Tin mừng được Thánh
Marcô ghi lại về những hoạt động của Đức Giêsu trong thời gian khởi đầu sứ vụ
công khai của Ngài. Đề tài rao giảng của Ngài là mời gọi mọi người sám hối.
Ngài nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; Hãy sám hối và tin
vào Tin mừng” (Mc 1,15). Đề tài này được Ngài lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt
thời gian hoạt động công khai. Tiếp nối sứ mạng của Ngài, suốt hai ngàn năm
qua, Giáo Hội vẫn luôn sám hối.
Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ
công khai bằng lời rao giảng: “Thời giờ đã đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Hành vi sám hối đi liền với hành vi nhận ra sự thật “không đẹp” của chính con
người mình. Không thể có hành vi sám hối mà không có sự nhận thức đúng đắn về
con người mình. Lời mời gọi sám hối, hàm chứa lời mời gọi xét lại chính con người
của mình: tôi có thực sự là người tốt chưa, thành toàn chưa?
Tôi là người như thế nào
đối với người ta, đối với tôi, và đối với Thiên Chúa. Có những người đi tìm và
cố gắng trở thành “người tốt” theo đánh giá của người khác; những người này
đang nô lệ mà không biết. Cũng có người đặt ra cho mình một giá trị, và cố gắng
để thành người “thành toàn” theo ý họ; và khi họ không đạt được hoặc không làm
chủ được họ hoàn toàn, họ thất vọng và buồn chán. Điều đúng đắn nhất là làm sao
để mình đánh giá mình và mọi sự trong nhãn quan của Thiên Chúa Yêu Thương.
“Đây là lúc thuận tiện,
đây là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Mỗi người hãy nhìn lên Thiên Chúa là Đấng Yêu
Thương, là Đấng chỉ biết yêu thương và làm tất cả vì yêu thương. Mỗi người cũng
chỉ bị phán xét về duy một điều là mình có làm mọi sự vì yêu thương không thôi
(Mt 25, 31tt). Những lầm lỗi trong quá khứ tuy quan trọng nhưng không quan trọng
lắm. Điều rất quan trọng là tin vào Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương. Ngài mời gọi
mỗi người hãy sống yêu thương như Ngài.
Chính hành vi yêu thương
làm mình triển nở, hạnh phúc, và cũng làm cho người khác triển nở và hạnh phúc.
Những hành vi không làm cho người khác triển nở và hạnh phúc, e rằng đó không
phải là hành vi yêu thương thật sự. Nếu tôi sống tốt lúc này, những người quanh
tôi sống bình an; nếu tôi không sống tốt, làm hại người khác, thì làm những người
đó khổ, và cả tôi cũng khổ, và những người thân yêu của tôi cũng không được thoải
mái và hạnh phúc vì tôi. Yêu thương, là hành vi làm con người thành tuyệt vời.
Tin mừng không phải là
câu chuyện xa xưa nhưng là những gì chúng ta đang cần áp dụng, thực hành trong
cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Lời Chúa khác lời của những hiền triết đã quá
cố vì Chúa Giêsu đang sống và đang giảng lại những lời của mình qua Hội thánh.
Với tinh thần bác ái, chúng ta không chỉ sống và hoán cải mà còn phải biết giúp
người chưa có đạo biết Tin mừng sự sống mà chúng ta đang thực hành để họ cũng
được làm con cái Chúa và Hội thánh như chúng ta.
Nếu chúng ta nhận ra được
rằng, chúng ta đang là những người có phúc nhất trên trần đời vì được làm con
Chúa nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phấn khởi loan Tin mừng cho bất
cứ những ai chúng ta gặp gỡ vì đó là điều đem lại niềm vui và sự sống cho mình.
Sám hối là khởi đầu của sự
nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những
tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của
mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm
nhận được tình yêu của Chúa. Đó là cảm nhận của vua Đavít, của thánh Phêrô, của
thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu
dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là
tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không
chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại
ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là
vui mừng, hoan lạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét