Wed, 03/01/2024 - Lm Phan
Văn Lợi
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH NĂM B: MT 2,1-12
Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem,
miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến
Giê-ru-sa-lem, và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã
thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy
Người”. Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn
xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi
hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu? Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền
Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất
Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ
chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.
Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các
nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái
các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi,
và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Nghe
nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn
đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.
Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô
cùng. Họ vào nhà, thấy Hài nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy
Người. Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. Sau đó, họ
được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ
mình.
CHO MỌI DÂN
NƯỚC TRẦN GIAN
Rabindranath Tagore (1861-1941) là
một đại thi hào không những của Ấn-độ mà còn cả thế giới. Nhờ đã sáng tác nhiều
bài thơ có sắc thái thần bí (tôn giáo) hay ái quốc cũng như nhiều tiểu thuyết
và bi kịch giá trị, ông đã được giải Nobel Văn chương năm 1913. Dù là người
theo Ấn giáo, Tagore vẫn để lộ trong các tác phẩm mình (đặc biệt thi phẩm “Lời
dâng”) niềm tin vào một vị Thượng Đế độc nhất và nhân hậu. Sau đây là một lời cầu
nguyện trích từ thi phẩm đó: “Lạy Chúa, đây là lời cầu nguyện con dâng lên
Chúa. Xin hãy đánh bật gốc bệnh hủi này trong trái tim con. Xin ban cho con sức
mạnh đảm nhận cách nhẹ nhàng các nỗi buồn và niềm vui của con. Xin ban cho con
sức mạnh làm cho tình yêu của con đầy những hoa trái phục vụ. Xin ban cho con sức
mạnh là chẳng bao giờ hất hủi người nghèo khổ cũng như quỵ lụy trước cường quyền.
Xin ban cho con sức mạnh nâng tâm trí mình lên khỏi những phù phiếm thường nhật.
Và xin ban cho con sức mạnh đem dũng lực con tùng phục thánh ý Chúa với tình
yêu”. Tagore quả đứng trong hàng ngũ lương dân đi tìm Thiên Chúa theo sau ba
nhà đạo sĩ mà bài Tin Mừng nhắc nhớ hôm nay.
1. Ai là Vua đích thật?
“Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem,
miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì…”. Đó là những tiếng duy nhất, vắn gọn Mt
dùng để nói về việc Giáng sinh. Quả là ít ỏi ! Khác với Lu-ca, Mát-thêu xem ra
ít quan tâm đến biến cố xét như biến cố. Ngược lại, rõ ràng ông cố ý cho các độc
giả biết “ý nghĩa” của việc sinh hạ này. Và ông trình bày ý nghĩa đó trong
trình thuật các nhà chiêm tinh, một trình thuật được khai triển dài dòng, mà nếu
chú ý, thì ta sẽ thấy như một thứ nhập đề cho toàn bộ Tin Mừng theo thánh
Mátthêô.
Mới bắt đầu, Mt đã đặt cạnh nhau
hai tước hiệu đối nghịch : vua Hê-rô-đê… vua dân Do-thái… Đây như hai thành phần
hóa học gặp nhau thì nổ. Quả thế, câu hỏi được mấy ông ngoại quốc vừa đi vừa lặp
lại trong các đường phố nhỏ hẹp của Giê-ru-sa-lem hẳn đã vang bên tai người
Do-thái như một lời mỉa mai cay độc. Nên ta hiểu tại sao nó khiến Hê-rô-đê đa
nghi phải bối rối. Nhờ lịch sử, ta biết ông đã trải qua suốt đời trong nỗi ám ảnh
bị mất quyền lực, nhìn thấy âm mưu khắp mọi nơi, luôn ru rú trong các “pháo
đài”, và đã ra lệnh giết ba con trai, mẹ vợ, thậm chí cả bà vợ Ma-ri-am-me yêu
quý.
Nhưng ý nghĩa mà Mt gán cho tước hiệu
“Vua dân Do-thái” thì sâu xa hơn nhiều, vì “Nước Trời” sẽ là một trong những chủ
đề ưa thích của ông. Ngay từ khởi điểm, Mt đã loan báo vị Vua của Vương quốc ấy.
Ngay trang đầu tiên của Tin Mừng ông, có một vương miện bị giành giật: ai thật
sự là “vua” dân Do-thái? Hê-rô-đê, chúa tể quyền lực, sát nhân và độc dữ? Hay
Giê-su nhỏ bé, yếu hèn, tay không, và sẽ chết như nạn nhân vô tội? Chính vào
trang cuối cùng của Phúc Âm ông, theo một phương pháp đóng khung rất thông dụng
trong văn chương sê-mít, Mt sẽ gán cho Đức Giê-su tước hiệu “vua dân Do-thái
này” : “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!”, binh lính sẽ nói vậy (Mt 27,29) ; “Người
này là vua dân Do-thái”, Phi-la-tô sẽ cho viết thế trên đầu Đức Giê-su bị đóng
đinh, để nêu rõ “lý do kết án Người” (Mt 27,37); “Nếu hắn là vua Ít-ra-en, hắn
hãy xuống khỏi thập giá”, mọi ký lục và thượng tế sẽ cười ồ như vậy (Mt 27,42).
Ngay từ khi mới sinh, Mt gợi ý cho
ta, Đức Giê-su chỉ là một ông vua khiêm tốn, hình ảnh của “Người Tôi trung Đau
khổ” trong I-sai-a, “ông vua ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5) trong cuộc khải hoàn
thoáng qua ngày Lễ lá, ông vua không đến để “được hầu hạ nhưng để hầu hạ” (Mt
20,28) và sẽ yêu cầu môn đệ “chớ thống trị nhưng hãy làm đầy tớ” (Mt 20,25.26).
Vương quyền ông vua này không thuộc thế gian, chẳng có gì giống vương quyền
Hê-rô-đê cả : nó sẽ chỉ tỏ lộ cách ngược đời trong cuộc Khổ nạn.
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người”.
Hôm nay, Giáo Hội liên kết với trình thuật Hiển linh này một bản văn của
I-sai-a, được chọn trong vô vàn bản văn Thánh Kinh loan báo việc Đấng Thiên sai
(Mê-si-a) đến như một “ánh sáng” (Bài đọc 1) : “Đứng lên, bừng sáng lên,
Giê-ru-sa-lem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như
bình minh chiếu tỏa trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp
chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất
hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về
ánh bình minh của ngươi mà tiến bước…” (Is 60,1-6). Ánh sáng Thiên sai ấy, chắc
bạn còn nhớ, đã được hát mừng trong mùa Vọng và trong thánh lễ “đêm” Giáng
sinh: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng… vì một trẻ
thơ đã chào đời để cứu ta” (Is 9,1.5).
Trong chủ đề “ngôi sao” có cả một ý
nghĩa mà thánh Phê-rô sẽ khai triển khi nói đến đức tin như “sao mai mọc lên
soi chiếu tâm hồn anh em” (2Pr 1,19). Ngôi sao thành thử tượng trưng cho ánh
sáng, ân sủng, hành động của Thiên Chúa đã âu yếm nhìn các đạo sĩ lương dân
đang đi tìm Đấng Cứu Thế. Đừng băn khoăn tìm xem đó phải chăng là một sao chổi!
Trong đời tôi, cũng có một ân sủng hướng dẫn tôi đến chỗ khám phá Đức Giê-su.
Phải chăng tôi có can đảm theo nó bất cứ nó đưa đi đến chỗ nào, thậm chí đến
trước máng cỏ và thập giá, đến trước Hài nhi yếu đuối và Giê-su tử tội?
2. Thái độ trước vị
Vua này.
“Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối,
và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng
tế và kinh sư trong dân lại”. Chính giữa trình thuật Hiển linh, Mt đưa ra hai
“thái độ” mà chúng ta thường gặp thấy lại suốt Tin Mừng của ông:
* Một đàng là thái độ từ
chối của các thủ lãnh chính trị và tôn giáo Do-thái. Lẽ ra họ phải là những kẻ
đầu tiên thừa nhận Đấng Mê-si-a. Thế nhưng họ đã làm gì? “Lo sợ”, “băn khoăn”,
chẳng động đậy! Ngay từ đầu, họ đã tìm cách giết Đức Giê-su. Ta tưởng như đã
nghe tiếng la buồn thảm Người thốt ra trên thành thánh: “Khốn cho các ngươi, hỡi
các kinh sư và người Pha-ri-sêu… Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các
ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp
con cái ngươi lại, mà các ngươi không chịu” (Mt 23,27.37).
* Đàng khác, là thái độ
“đón tiếp” của các nhà chiêm tinh ngoại đạo này. Tuy ít được chuẩn bị để nhận
ra Đấng Mê-si-a, chính họ đã động đậy, đã đi tìm Người, và cũng chính họ, thay
vì “lo lắng”, đã cảm thấy “một niềm vui lớn lao”. Người ta tưởng đã nghe được
chính kết luận của Tm Mt: “Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ” (Mt 28,19).
Trên thực tế, trang Tin Mừng này nhắm
mục đích giải thích cho độc giả Ki-tô hữu gốc Do-thái trong các thế kỷ đầu tiên
biết tại sao Giáo Hội phần lớn gồm Ki-tô hữu gốc dân ngoại, đang khi Thiên Chúa
đã mạnh mẽ cam kết với Ít-ra-en. Mt cho thấy Đức Giê-su, Cứu tinh mong đợi, là
Đấng đến cho mọi người, và “Ít-ra-en mới” gồm hết thảy những ai, Do-thái hay
dân ngoại, “bái lạy” tôn thờ Đức Giê-su. Điều đó đã được loan báo bởi mọi lời sấm
theo chiều hướng “cứu độ phổ quát” rồi : Giê-ru-sa-lem phải trở thành thủ đô của
mọi dân tộc ; ơn cứu độ xuất phát từ đó nhưng không phải chỉ dành cho con cháu
Áp-ra-ham : “Lạc đà từng che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha : tất cả những
người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời
ca tụng Đức Chúa” (Is 60,6). Thánh vịnh 71, được hát lễ Hiển linh, lấy lại cùng
chủ đề của lúc mở đầu: “Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về
(Giê-ru-sa-lem) triều cống”. Và cũng chính Mt sẽ nói lại rằng chư dân “sẽ từ
Đông Tây mà đến dự tiệc với Áp-ra-ham” (Mt 8,11). Một lần nữa, ta lại thấy cuốn
Tin Mừng này được biên soạn ra sao.
Vâng, các “chiêm tinh gia” tượng
trưng cho hết thảy dân ngoại mọi thời. Đừng hiểu từ “dân ngoại” này theo nghĩa
xấu ! Trong số bạn hữu chúng ta, có lắm người hoàn toàn chân thành trong các
xác tín của họ, sống một đời chính trực, có ý thức công bằng và phục vụ rất
cao, có một gia đình gương mẫu, và chu toàn phận sự nghề nghiệp của họ cách
hoàn hảo. Tuy nhiên, họ không biết Đức Giê-su Ki-tô theo nghĩa mạnh. Hiển linh
là lễ của tất cả những ai không biết Đấng Cứu Thế, của mọi ai có đức tin khác với
chúng ta, mọi ai mà Thiên Chúa yêu thương, soi sáng, lôi kéo với ân sủng vô
hình của Người, mà Tagore hay Gandhi là một ví dụ.
Nhưng vì cớ nào sao ngôi sao đã
không trực tiếp dẫn các đạo sĩ trực tiếp tới Bê-lem, đến bên Đức Giê-su? Vì cớ
nào phải vòng qua Giê-ru-sa-lem, qua các “tư tế và ký lục”? Vì Thiên Chúa trung
tín với các lời hứa của Người, vì ơn cứu độ phải đi qua dân Do-thái (x. Rm
9,10-11) trước khi đến với toàn thể nhân loại. Việc vòng qua Giê-ru-sa-lem cũng
còn một ý nghĩa nữa. Đó là vì không thể bỏ qua “Lời Chúa”, “Kinh Thánh” nếu muốn
minh nhiên gặp gỡ Đức Ki-tô. Phần chúng ta thì sao? Phải chăng chúng ta suy niệm
Lời Chúa không mệt mỏi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét