Fri, 26/01/2024 - Huệ Minh
QUYỀN
NĂNG CỦA CHÚA VÀ NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA
Sau một loạt bài nói về mầu
nhiệm Nước Thiên Chúa, hôm nay thánh Marcô kể lại cho chúng ta phép lạ Chúa dẹp
yên sóng gió trên biển cả. Chúa Giêsu ngồi trên thuyền giảng dạy dân chúng. Giảng
xong, Người bảo các môn đệ chèo thuyền qua biển hồ Tibêriat mà sang miền
Ghêrasa... Bỗng cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt nước vào thuyền sắp chìm. Các môn
đệ sợ hãi, còn Chúa thì nằm ngủ ở sau lái. Các ông vội vã đánh thức Người và
nói: “Thầy ơi! Chúng ta chết mất”. Người trỗi dậy truyền khiến sóng gió yên lặng,
rồi bảo các ông: “Sao anh em nhát đảm quá! Anh em chưa tin Thầy sao?” Còn các
ông thì khiếp vía hỏi nhau: Người là ai mà sóng gió phải vâng phục Người?
Biển hồ Tibêriat này cũng
có tên gọi là Galilê. Biển có chiều dài 21km và chỗ rộng nhất là 13 km. Thung
lũng Jordan là một vết nứt sâu trên mặt đất và biển Tibêriat là một phần của vết
nứt đó. Nó thấp hơn mặt biển 200 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng đem
lại nhiều nguy hiểm. Bên phía tây có núi non, thung lũng, khe suối, nên khi gió
lạnh từ phía tây thổi đến thì thung lũng, khe suối này có tác dụng như những
cái phễu lớn. Gió bị nén trong đó và thổi ào ào xuống hồ bất thình lình với sức
gió dữ dội đến nỗi mặt hồ phẳng lặng biến thành sóng gió gào thét. Vì thế, biển
Tibêriat hay nổi lên những cơn sóng gió bão táp vào ban chiều hay ban đêm.
Các môn đệ chưa hiểu rõ
con người Đức Giêsu, các ông coi Ngài cũng chỉ là một Đấng tiên tri có quyền
phép, làm được nhiều phép lạ để cho nhiều người tin theo, nên các ông mới thắc
mắc với câu hỏi “Người này là ai?” Khi bão tố yên lặng, các ông chứng kiến một
việc mà chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn thành. Điều đó có ý nghĩa là Đức Giêsu
có quyền năng của Thiên Chúa. Thực ra, họ mới biết Đức Giêsu theo quan niệm của
người đương thời. Đồng thời, nhờ phép lạ này cho thấy Đức Giêsu chăm sóc các
môn đệ của Ngài.
Khi đọc lại câu chuyện
Chúa đi qua biển và dẹp yên sóng gió như vậy, Marcô cố gắng đáp ứng những nhu cầu
hiện thực của Giáo hội thời Ngài. Những tín hữu Rôma đang phải điêu đứng vì những
cuộc bách hại. Họ đang sống trong nỗi lo sợ, giống như các môn đệ trong con
thuyền vượt biển xưa. Đối với họ, Đức Kitô hình như đang ngủ. Việc Ngài ‘vắng mặt’
rõ ràng trong những biến cố bi thảm họ đang sống, tạo cho họ thêm e dè sợ sệt!
Chúa phải làm gì để giải thoát họ khỏi cảnh chết chóc đang rình rập”
Đường lối sư phạm của
Chúa rất huyền diệu, ta không hiểu nổi, nhưng dầu sao nó cũng nhắm giúp chúng
ta tin tưởng rằng: trong mọi nơi mọi lúc “Con thuyền Giáo hội lúc nào cũng bị
sóng gió dập dồn,” nhưng không sao, không bị chìm được vì luôn có Ngài ở đó,
Ngài có vẻ ngủ nhưng thực ra Ngài vẫn thức, để theo dõi chúng ta chèo chống và
chờ đợi chúng ta kêu cầu Ngài giúp đỡ. Theo nhận xét của chúng ta, dù có Đức
Giêsu ở trong thuyền với các môn đệ thì bão tố vẫn xảy ra.
Vì thế, dù bão tố có chụp
xuống chúng ta, điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Nếu
chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ không nghi ngờ Ngài ở với chúng ta, và chúng
ta sẽ hướng về Ngài để cầu xin và tin chắc rằng Ngài sẽ đến giúp đỡ.
Mỗi người chúng ta không
khác gì chiếc thuyền nan chông chênh giữa biển trần gian đầy sóng gió bão táp,
khó khăn nối tiếp khó khăn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức mình hay dựa vào một
quyền năng nào đó thì chúng ta sẽ thất bại. Ai có thể cứu chúng ta thoát khỏi
sóng gió ba đào khi chiếc thuyền của chúng ta sắp chìm ? Chỉ còn có Thiên Chúa.
Ngài như người Cha lái con tàu vững chắc trên biển cả, chúng ta là con chỉ biết
tin tưởng vào quyền năng của Người Cha trên trời. Có Chúa trong đời, Ngài sẽ hướng
dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta.
Lúc đó, những cô đơn như
bị xoá nhoà, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được sức mạnh.
Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng
chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.
Các môn đệ Chúa Giêsu đa
số là những người sống nghề chài lưới, quanh năm lênh đênh trên biển cả, nhưng
không phải vì thế mà họ không sợ sóng gió vì họ ý thức được chuyện: “Sinh nghề
tử nghiệp”. Hơn thế nữa, con thuyền của Chúa Giêsu và các môn đệ trong đoạn Tin
Mừng hôm nay còn gặp trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền
đầy nước khiến các môn đệ hoang mang như “chết đến nơi rồi”. Giữa lúc đó, Chúa
Giêsu thì đang ở đằng lái, tựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Điều này khiến các môn
đệ phải đánh thức Chúa với một giọng điệu có vẻ trách móc: “Chúng ta chết đến
nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?”. Đức tin của các môn đệ quả còn non yếu, nên
gặp chút trắc trở là quên mất người mà các ông bước theo là ai. Chúa Giêsu đã
thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển lặng đi để giúp củng cố đức tin trong
các môn đệ Người.
Trong cuộc sống, chúng ta
cũng có nhiều lần phải đối diện với sóng gió trắc trở cuộc đời, và nhiều khi
mình quên mất quyền năng của Chúa, quên rằng Chúa vẫn đang bên cạnh mình, quên
rằng Chúa đang ở đằng lái. Chính Chúa mới là Đấng hướng dẫn con thuyền đời
chúng ta về nẻo bình an khi chúng ta biết đặt tin tưởng nơi Người.
Thiên Chúa không chờ
chúng ta có đủ lòng tin mới ra tay cứu giúp. Ngài chỉ cần chúng ta thành tâm hướng
về Ngài và xin Ngài trợ giúp. Chút thiện chí và khiêm tốn cầu xin cũng đủ để
Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy
kiểm điểm xem mình có thái độ nào, đã phản ứng ra sao trước những trận bão thử
thách của cuộc đời? Chúng ta có khiêm tốn đến với Chúa hay là than trách hoặc từ
bỏ đức tin?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét