Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Con trai 6 tuổi mỗi tháng mời mẹ đi ăn một...



Con  trai  6  tuổi  mỗi  tháng  mời  mẹ  đi  ăn  một  lần  bằng  tiền  tự  kiếm
(Thứ năm, 14/1/2016-VnExpress.net)


 Cậu bé Lyle khi ăn tối ở nhà (ảnh phải) và lúc lấy tiền để thanh toán hóa đơn mời mẹ đi ăn tối ngoài hàng (ảnh trái). Ảnh: Facebook.

Mỗi lần mời mẹ đến nhà hàng, con trai của một ngôi sao truyền hình Mỹ sẽ kéo ghế mời, hỏi han một ngày của mẹ... và tự trả tiền hóa đơn. 
Ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Nikkole Paulun quyết tâm dạy con trai trở thành một quý ông lịch thiệp. 
Mỗi tháng một lần, cậu con trai 6 tuổi của chị, Lyle, sẽ đưa mẹ ra ngoài ăn tối. Từ thời khắc Lyle bước vào nhà hàng cùng mẹ, cậu nhóc luôn thể hiện những hành vi tốt nhất có thể: kéo ghế cho mẹ, hỏi han một ngày của mẹ thế nào và trả hóa đơn bằng tiền mà mình đã kiếm được nhờ làm các việc vặt.
Với người mẹ, trong khi tận hưởng cảm giác được chiêu đãi bữa tối và có thời gian quý giá với cậu con trai nhỏ, những buổi ăn tối mỗi tháng này còn nhằm một mục đích lớn hơn: thể hiện cho Lyle cách một người đàn ông nên cư xử thế nào với phụ nữ.
"Bằng cách làm việc này, tôi đang dạy con cách ứng xử với một quý cô, mời cô ấy một buổi hẹn đúng cách, thể hiện rằng con tôn trọng người phụ nữ mình yêu (mà bây giờ đó chính là mẹ)", chị Paulun viết trên Facebook. 
Ngay khi hai mẹ con ngồi xuống, iPad và điện thoại di động được cất đi để Lyle có thể học từ nhỏ rằng ngồi ăn tối với mẹ - hay bất cứ ai, mà kè kè điện thoại bên cạnh là bất lịch sự.
"Đúng là con còn nhỏ nhưng tôi tin rằng đây là điều con nên học từ bây giờ. Không bao giờ là quá sớm để dạy con bạn biết tôn trọng người khác, đặc biệt là phụ nữ", chị Paulun nói thêm.

 Chị Nikkole Paulun và con trai Lyle. Ảnh: Facebook.

Trong mỗi lần đi ăn tối này, Paulun cũng hy vọng rằng Lyle sẽ học được giá trị của đồng tiền và cách sử dụng nó. Trước khi quyết định gọi món, Lyle sẽ cộng tiền từng món để đảm bảo mình đủ trả cho toàn bộ bữa tối và dư ra một chút tiền bo.
Chị Paulun giải thích rằng, với một phụ nữ từng bị cư xử không tử tế lắm như chị, việc dạy con cách thể hiện sự tôn trọng là cực kỳ quan trọng. "Rất nhiều chàng trai ngày nay không biết cư xử với phụ nữ hoặc không biết cách mời họ một bữa tối cho lịch thiệp. Thật vui bởi con trai tôi không phải là một trong số đó", chị Paulun chia sẻ.
Vương Linh (Theo Popsugar)

Tam Giác Chết



Tam  Giác  Chết
(Tue, 16/02/2016 – thanhlinh.net-Trầm Thiên Thu)



Hình học có tam giác cân, tam giác đều, hoặc tam giác vuông, thậm chí còn là “tam giác vàng” khi người ta ám chỉ cái gì đó, chứ làm gì có “tam giác chết” nhỉ? Kỳ ghê đi!

Khoảng 40 năm trước, chữ “ba thù” vẫn thường được nhắc tới, nhất là trong thời gian Mùa Chay. Mà tại sao lại là “ba” chứ không là hai, năm, chín hoặc nhiều hơn? Bộ ba đó là: Ma quỷ à Thế gian à Xác thịt. Đó chính là “tam giác chết”. Quả thật, thứ nào cũng dữ, kẻ tám lạng, người nửa cân, nhưng xét cho cùng thì CHÍNH MÌNH vẫn là cái đáng sợ nhất: Lỗi tại tôi mọi đàng!

Người ta có câu vè về những kẻ có “máu hai ngón” thế này: “Cho không lấy, thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh”. Người có “tật táy máy” thật là bất trị. Còn với mưu ma chước quỷ, có thể ví von thế này: “Đánh đuổi không đi, rủ rê không đến, hò hẹn không chờ, lơ ngơ chết chắc”. Khủng khiếp thật!

Mưu ma chước quỷ rất nhiều, lúc nào chúng ta cũng bị “phục kích”. Kẻ thù chưa đáng sợ bằng bạn thân. Tại sao? Kẻ thù rõ ràng nên chúng ta có thể đề phòng để tránh, nhưng bạn thân thì không biết lúc nào họ phản trắc, chúng ta trở tay không kịp. Chúng ta đừng vội đổ lỗi cho ma quỷ về mọi sự sa ngã phạm tội của mình hoặc người khác, như chúng ta thường nói: Vì, tại, bởi, nếu, nhưng, giá mà,... Đó chỉ là “chiêu bài” tự biện hộ mà thôi!

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, thời còn luật ăn chay nghiêm ngặt, không chỉ kiêng thịt mà phải kiêng cả trứng nữa. Có một tu sĩ khổ hạnh sống theo tu luật hằng ngày buộc ăn uống khem khổ rồi, vào mùa chay càng phải kiêng cữ nhiều hơn. Một hôm, tu sĩ này thấy có ổ trứng gà ở khu chăn nuôi của tu viện, thèm lắm. Đọc kinh tối xong, tu sĩ này ra lấy một quả trứng đem về phòng, cho trứng vào cái ly, rồi đốt nến để luộc. Bất ngờ Bề Trên đi ngang qua, ngửi thấy mùi nến cháy, nên ngó vào phòng xem sao. Tu sĩ nọ bị bắt quả tang. Bề Trên hỏi: “Chuyện gì vậy, thầy?”. Tu sĩ nọ vừa lồm cồm bò ra từ gầm giường vừa thưa: “Dạ, con đốt nến”. “Sao lại đốt nến dưới gầm giường?”. Tu sĩ ấp úng: “Dạ… dạ…”. Bề Trên sốt ruột: “Sao thầy ấp úng vậy?”. “Dạ… con… luộc trứng”. “Mùa chay mà thầy luộc trứng làm gì? Ai cho phép thầy làm vậy?”. Tu sĩ vừa gãi đầu vừa khép nép: “Dạ, tại ma quỷ cám dỗ”. Ngay lúc đó, quỷ hiện ra, vừa chỉ vào mặt tu sĩ vừa nói: “Này, tôi chưa hề cám dỗ mà thầy đã làm rồi, sao lại đổ lỗi tại tôi?”. Bề Trên chỉ biết lắc đầu về chiêu “độc đáo” của tu sĩ kia.

Chuyện là thế. Đùa mà thật. Hài mà bi. Vui mà buồn. Cười ra nước mắt đấy!

Thuở khai thiên lập địa, sau khi Thiên Chúa rút chiếc xương sườn của con người (tức là A-đam) rồi “hô biến” ra một phụ nữ đẹp tuyệt trần (tức là Ê-va), hoa hậu còn thua xa. Thấy thế, A-đam hoa cả mắt, liền sung sướng reo lên: “Chu choa! Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Em sẽ được gọi là đàn bà nghe cưng, vì em được rút ra từ anh đấy!” (St 2:23). Thế là họ trở nên vợ chồng, thành một xương một thịt, “cả hai đều trần truồng nhưng không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25), thế mà sau khi phạm tội, họ chợt nhận biết mình trần truồng, kỳ ghê đi, xấu hổ muốn độn thổ, thế là họ chạy đi kết lá vả làm khố che thân (St 3:7) – chắc là vì mắt họ mở to y như đèn ô-tô, sáng tương tự đèn cao áp. Hai tình huống trước và sau khi phạm tội hoàn toàn trái ngược nhau. Thú vị dữ nghen!

Rồi Thiên Chúa gọi “hắn” ra và truy vấn: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Lạ nghen! Trước cũng vậy, sau cũng thế. Chả khác gì nhau. Thế mà bây giờ lại mắc cở. Sao vậy ta? Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3:9-13).

Ôi dào! Mệt quá đi! Cứ đổ lỗi cho nhau theo dây chuyền mà không ai chịu nhận lỗi. Ông đổ lỗi tại bà, bà đổ lỗi tại con rắn. Con rắn đổ lỗi cho ai đây? Đời là thế [chỗ này nên đặt “dấu chấm than” (!) hay dấu hỏi (?) thì hợp lý nhỉ?]. Chúng ta “thuộc lòng” (có ‘ngoặc kép’) Kinh Thú Nhận (cáo mình) mỗi ngày: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhưng có lẽ chúng ta thích sửa một chút cho “hợp tình, hợp lý và hợp ý” là thay 5 chữ “lỗi tại tôi mọi đàng” thành “lỗi tại bạn một phần”. Chúng ta không nói ra nhưng “thâm ý” của chúng ta là thế đấy. Lạy Chúa tôi!

Gieo thì gặt. Trồng thì hưởng. Ráng thì được. Đó là “luật bù trừ” hoặc “luật cân bằng”, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên. Cái gì cũng có hệ lụy tất yếu. Đó là nói chung, nếu nói riêng và chính xác thì nên nói danh từ “kết quả” dành cho điều tốt, còn danh từ “hậu quả” dành cho điều xấu.

Và đây là hậu quả: Vì phạm tội, phụ nữ “phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, phải cực nhọc lúc sinh con, thèm muốn chồng, và bị chồng thống trị” (St 3:16). Cũng vì phạm tội, con người bị kết án khổ sai chung thân: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:17-19).

Hậu quả tệ hại nhất của tội lỗi là “con người phải trở về cát bụi”, nghĩa là phải chết. Chính cái chết là nỗi thất bại ê chề nhất của con người!

Bộ ba “Ma quỷ – Thế gian – Xác thịt” cũng tương tự bộ ba “Ma quỷ – Đàn bà – Đàn ông”. Cuộc đời có sự-cám-dỗ-dây-chuyền. Đó là những “bộ ba nguy hiểm”, gọi là Tam-Giác-CHẾT. Loại tam giác này nguy hiểm cực độ, dù không ai có thể biết đó là loại tam giác gì – tam giác cân, tam giác đều, hoặc tam giác vuông.

Thật may vì Thiên Chúa luôn hết mực yêu thương chúng ta (Ep 2:4), Ngài vẫn giàu lòng thương xót: “Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được?” (Tv 130:3). Thế nên Ngài bắt Con Một Yêu Dấu của Ngài chết thay chúng ta, để cứu độ chúng ta. Ngài là A-đam mới. Chúng ta phải nhận lỗi chứ không được biện minh hoặc đổ lỗi cho người khác, nhưng lạ thay, Thiên Chúa Cha cho chúng ta được “quyền” đổ tội cho Chúa Giêsu, mệnh danh là Chiên Thiên Chúa.

Đức Kitô Giêsu yêu thương chúng ta vô điều kiện, Ngài yêu thương chúng ta trước (1 Ga 4:19), Ngài yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân bất xứng (Rm 5:8).

Tam-Giác-Chết là cái vòng lẩn quẩn vô cùng nguy hiểm của phàm nhân. Chết chắc. Nhưng với tình yêu thương vô hạn, lòng thương xót khôn nguôi, Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi vòng lẩn quẩn “chết người” đó, và đưa chúng ta vào Tam-Giác-Sống: Trông chờ – Tha thứ – Thừa kế. Gọi tắt là 3T cho dễ nhớ. Điều đó được thấy rõ trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-32), trước đây gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”. Gọi là dụ ngôn nhưng đó là một thực tế hoàn toàn có thật, chứ không là huyền thoại hoặc cổ tích. Bằng chứng minh nhiên vẫn không ngừng xảy ra hằng ngày đới với mỗi chúng ta.

Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, dù tội của chúng ta không thể tưởng tượng được, chỉ cần với điều kiện là chúng ta thành tâm sám hối. Giá rẻ mạt rồi đấy! Tướng cướp Dismas còn vào thiên đàng ngay sau khi xin Chúa Giêsu, vậy thì chúng ta còn có cơ hội lớn lắm.

Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta, tất nhiên Chúa Giêsu cũng đòi buộc chúng ta phải thật lòng tha thứ cho người khác. Tha thứ là tự giải thoát, là tái sinh trong tình yêu Thiên Chúa, tái sinh trong dòng Máu và Nước của Lòng Chúa Thương Xót. Tha thứ còn là nhổ bớt một cây đinh trên Thánh Thể Chúa, đồng thời cũng nhổ bớt một cây đinh trên cuộc đời mình.

Một lần nọ, Chúa Giêsu nói với người đàn bà bị băng huyết ròng rã 12 năm: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:34). Lần khác, Ngài nói với người phụ nữ tội lỗi đã xức dầu thơm chân Chúa tại nhà ông Si-môn: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7:48).

Và Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi chúng ta như vậy trong Mùa Chay Thánh này đấy. Chúng ta có nghe thấy?

TRẦM THIÊN THU

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Bí mật của các ông bố bà mẹ Hà Lan không bao giờ quát con




Bí  mật  của  các  ông  bố  bà  mẹ
  Hà  Lan  không  bao  giờ  quát  con
(Thứ hai, 18/1/2016 –VnExprss.net)


"Sau 7 năm sống cùng người dân ở đây, tôi nhận ra họ là những bà mẹ thảnh thơi, thư giãn nhất hành tinh".
Mihal Greener là một cây viết về nuôi dạy trẻ người Australia, hiện sống tại Hà Lan. Bài viết dưới đây, chị phân tích những lý do giúp các bà mẹ Hà Lan không bao giờ căng thẳng hay nổi nóng với con cái.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em Hà Lan là những em bé hạnh phúc nhất trên thế giới và mẹ của trẻ cũng rất vui vẻ. Sau 7 năm sống cùng người dân ở đây, tôi nghĩ họ cũng là những bà mẹ thảnh thơi, thư giãn nhất hành tinh.
Tôi chuyển tới Hà Lan với hai con, 3 tuổi và một tuổi, rồi nhanh chóng có thêm một bé nữa. Tôi không chỉ kém nổi bật về thể chất so với các bà mẹ Hà Lan cao, mảnh dẻ, tóc xoăn vàng mà còn trông bơ phờ, kiệt sức trong khi họ thì vui tươi, tràn đầy năng lượng.
Cho dù là để các con tự chơi trò cân bằng trên xe đạp hay mặc cho trẻ 3 tuổi tự nín cơn ăn vạ, các bà mẹ Hà Lan luôn kiểm soát để giữ tâm trạng bình tĩnh, hiền hòa. Tôi chưa từng thấy bà mẹ nào lớn tiếng quát con. Thoải mái không có nghĩa là họ không quan tâm, chăm lo cho con hay mặc kệ con. Các bà mẹ Hà Lan tận hưởng niềm vui khi ở bên con, lắng nghe ý kiến của trẻ, dành cho con những hướng dẫn và ưu tiên cho thời gian sinh hoạt gia đình. Và họ hầu như chẳng bao giờ căng thẳng.
Vậy bí mật của họ là gì? Và đâu là điều chúng ta có thể học hỏi? 
Sống ở một trong những nước có mật độ dân số cao nhất châu Âu, người Hà Lan khó mà phớt lờ những người hàng xóm của mình, chưa kể mối ác cảm từ lâu của người dân ở đây với chiếc rèm cửa. Dù có ít sự riêng tư như vậy, các bố mẹ ở đây hầu như không có tâm lý ganh đua. Tức là, họ không bị cuốn vào cơn lốc phải làm sao cho bữa tiệc sinh nhật lần sau phải hoành tráng hơn lần trước hay coi quần áo là thứ quyết định đẳng cấp của trẻ ở trường. Các bữa tiệc dành cho trẻ tại đây rất đơn giản và điều được coi trọng nhất là sự ấm cúng. Họ thường tổ chức tiệc tại nhà với số ít bạn bè thân thiết và dành khoảng 10 EU (hơn 300.000 đồng) cho một món quà là khá ổn. 
Một trong những điều lớn nhất tôi chú ý từ khi chuyển tới Hà Lan là cách ăn mặc của trẻ em ở đó không phản chiếu điều kiện gia đình trẻ hay bố mẹ trẻ. Người ta cũng không đánh giá bố mẹ dựa trên các thiếu sót hay thành tích con cái họ có. Tôi khá sốc khi một bà mẹ Hà Lan vô tình kể rằng con trai chị thông minh hơn bạn của bé. Không phải thực tế người mẹ ấy nhắc về thông tin này làm tôi ngạc nhiên mà là cách chị truyền tải vấn đề: đúng nội dung thực tế, không có sự tự đắc cá nhân và không có một chút ẩn ý nào về việc con trai chị tốt hơn bạn bé. 
Câu nói đúc kết đúng nhất quan điểm sống của người Hà Lan là "chỉ cần hành động bình thường thôi, đã đủ điên rồ rồi". Ở một nền văn hóa mà mọi người không khuyến khích sự nổi bật hay khác biệt, áp lực buộc đứa trẻ phải thật nổi trội cũng được giảm đi. Trẻ tiểu học Hà Lan thường không có bài tập về nhà và học sinh cứ mỗi tuần được nghỉ học một buổi chiều. Điều đó có nghĩa là trẻ có nhiều thời gian và không gian để vui chơi. Trẻ Hà Lan phần lớn được tự quản và tự do khám phá, trong khi bố mẹ không bị áp lực kỳ vọng con phải trở thành người giỏi nhất để có được thành công.
Ngoài ra, các bà mẹ Hà Lan cũng tìm được cách khác để không quá kiệt sức với việc đi làm và chăm con: Làm việc bán thời gian. Hơn 70% phụ nữ Hà Lan làm việc bán thời gian và họ cũng hài lòng với việc này. Công việc bán thời gian có thể là yếu tố giúp họ luôn giữ được sự điềm tĩnh và thư giãn khi làm mẹ. Điều đó giúp họ có thể kiếm tiền, theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn trong khi vẫn có thời gian gặp gỡ bạn bè. Làm việc bán thời gian giúp họ dễ dàng tận hưởng thời gian bên con cái hơn.
Phúc lợi xã hội của Hà Lan cũng là yếu tố giúp giảm bớt các áp lực lên bố mẹ và trẻ. Đến trường không mất tiền, bảo hiểm y tế bắt buộc chi trả hầu hết các chi phí y tế và bố mẹ Hà Lan thậm chí còn nhận được một khoản hỗ trợ theo quý từ chính phủ để giúp trang trải các khoản nuôi dạy con. 
Một lý do khác khiến các bố mẹ Hà Lan luôn điềm tĩnh và thoải mái khi nuôi dạy con có lẽ do họ đã thấm nhuần tư tưởng này từ trong dòng máu của mình. Người Hà Lan bản tính rất ôn hòa về cảm xúc. Bạn sẽ không thấy những biểu cảm kiểu bùng nổ ở đây. Họ cũng không có kiểu khen ngợi bốc lên trời. Họ luôn bình tĩnh đối phó với những cơn nóng giận, bốc đồng của trẻ.
Vương Linh (Theo Washingtonpost)

KHOẢNG CÁCH ĐỊNH MỆNH




KHOẢNG  CÁCH  ĐỊNH  MỆNH
(Thu, 25/02/2016 - Trầm Thiên Thu)



Ttrình thuật Lc 16:19-31. Đây là dụ ngôn “người nhà giàu và Ladarô nghèo khổ”. Dụ ngôn này xác định một điều vô cùng quan trọng: Không có kiếp luân hồi. Chắc chắn như vậy, và mỗi người chỉ có MỘT CUỘC ĐỜI để sống.

Một trò chơi thuở xưa của trẻ em Công giáo có câu: “Thiên đàng, Hỏa ngục hai bên, ai khôn thì dại, ai dại thì khôn…”. Vâng, đó là “khoảng cách định mệnh”, không thể thay đổi.

Trên đời có nhiều loại khoảng cách: Khoảng cách địa lý, khoảng cách không gian, khoảng cách thời gian, khoảng cách xã hội, khoảng cách tình cảm, khoảng cách giai cấp, khoảng cách trình độ, khoảng cách thực tế, khoảng cách trừu tượng, khoảng cách địa vị, khoảng cách tình cảm, khoảng cách tôn giáo, khoảng cách tâm linh,… Nói chung, có rất nhiều loại khoảng cách, với mức độ cũng rất khác nhau.

Có khoảng cách rất… “tự nhiên” là một đứa bé nằm trên đống tiền và một đứa bé nằm trên đất cát. Đứa-bé-nằm-trên-đống-tiền là đứa bé con nhà giàu, ngậm vú giả, quần áo tươm tất, nhưng mắt mở to, không ngủ được. Đứa-bé-nằm-trên-đất-cát đen đủi, bẩn thỉu, quần áo rách bươm, nhơ nhớp, nhưng nằm ngủ ngon giấc. Hai hình ảnh trái ngược khiến chúng ta phải suy tư nhiều. Đứa-bé-nằm-trên-đất-cát thanh thản vì biết quẳng gánh lo đi, còn đứa-bé-nằm-trên-đống-tiền không thể ngủ được vì chờ đợi hoặc đòi hỏi cái gì đó ở người khác. Một triết-lý-sống thú vị mà nhức buốt lắm!

Có lần Chúa Giêsu bảo: “Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34). Khổ đâu mà lắm thế nhỉ? Nghe đến “cái khổ” thì chắc là ai cũng buồn lắm, ngao ngán lắm! Chẳng phải Chúa “triệt buộc” hoặc “chơi ép” chúng ta đâu, mà chắc chắn “cái khổ” phải có giá trị lắm!

Trong Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu đưa ra hai mối phúc liên quan “cái khổ”. Mối thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3), và mối thứ hai: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Hoàn cảnh NGHÈO nàn thì phải KHÓ khăn, thế nên luôn cảm thấy KHỔ và SẦU. Toàn là những chữ “hắc ám” hết sức!

Không ai muốn nghèo, nhưng có người đã cố gắng hết sức mà vẫn nghèo, lận đận cho tới chết. Người nghèo bao giờ cũng nhiều hơn người giàu: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12:8). Vì thế, Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương người nghèo và bảo chúng ta phải yêu thương người nghèo. Thế nhưng trong thực tế, người nghèo vẫn bị đối xử phân biệt, bị coi thường, không chỉ đối với xã hội đời thường mà với tôn giáo cũng chẳng hơn gì!

Ngay tại Hong Kong hoa lệ và sang trọng vẫn có những người nghèo rất khổ. Họ phải “sống chui” trong các “chuồng” (chứ cũng chẳng được giống như căn phòng nhỏ). Mỗi “chuồng” có chiều dài khoảng 180-200 cm, chiều rộng từ 70-90 cm. Các “chuồng” chồng lên nhau và nằm sát nhau (hình bên). Tương tự, ở Việt Nam cũng có rất nhiều khu ổ chuột, thậm chí ngay tại Saigon mà vẫn có người sống trên chiếc ghe nhỏ, nhìn mà cũng cảm thấy muốn ngộp thở!

Có hai dạng thực-tế-thật, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thực tế thứ nhất: Xe hơi “dễ chơi” hơn xe máy, xe máy “đáng ngại” hơn xe đạp, xe đạp “dễ hạp” hơn đi bộ, đi bộ nhìn “ngộ” lắm. Thực tế thứ nhì: Biệt thự “bự” hơn nhà lầu, nhà lầu “ngầu” hơn nhà xây, nhà xây “hay” hơn nhà lá, nhà lá nhìn “lạ” lắm. Người ta vẫn hô hào “xóa đói, giảm nghèo”, nhưng chẳng thấy “xóa” hoặc “giảm” được gì. Ngay cả trong tôn giáo cũng vẫn có tình trạng “chạy đua”, xây nhà thờ hàng chục tỷ, như nhà thờ Bác Trạch (*) được coi là nhà thờ “đồ sộ” nhất Việt Nam hiện nay (!). Ở đây không có ý dám “phê phán” nhưng thiết tưởng cũng nên “cân nhắc” lắm!

Gọi là san bằng “khoảng cách” nhưng đôi khi chúng ta bị ngộ nhận hoặc ảo tưởng, và rồi có thể chúng ta lại “vô tình” làm cho khoảng cách càng thêm xa và rộng hơn. Thực tế vẫn thấy có những “con chiên ghẻ” bị “lạc bầy”. Những con lợn béo luôn bán được giá cao. Và “chiên béo” cũng “được giá” hơn hẳn loại “chiên ghẻ” hoặc “chiên gầy mòn ốm o”. Thánh Gioan nói: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thậtbằng việc làm” (1 Ga 3:18). Thánh Gicôbê cũng xác định: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:17 & 26). Giảng cho hay, viết cho tốt, nghe cho biết, đọc cho vui. Thế thôi! Người nghèo ở rất gần nhưng Thiên Chúa xa lắc xa lơ, “khoảng cách” vẫn còn đó!

Trình thuật Lc 16:19-31 cho thấy có một loại khoảng cách đặc biệt: KHOẢNG CÁCH ĐỜI ĐỜI. Khoảng cách này phát xuất từ một dụ ngôn do chính Chúa Giêsu kể, Tổ phụ Áp-ra-ham gọi là Vực Thẳm. Gọi là dụ ngôn nhưng vẫn rất thực tế ở đời thường, xưa cũng như nay. Chuyện kể và nghe “rất quen” rằng…

Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.

Chúng ta thấy trong dụ ngôn này có một “khoảng cách”. Đó là khoảng cách sang – hèn, khoảng cách giàu – nghèo. Vừa trừu tượng vừa cụ thể. Khoảng cách này chỉ có thể san bằng hoặc lấp đầy bằng “chất” yêu thương (đức ái, đức mến, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự chạnh lòng, thậm chí là… thương hại).

Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo La-da-rô không còn là khoảng-cách-tạm-thời hoặc bình thường như trước, mà nay là khoảng-cách-đời-đời, hóa thành “vực thẳm” rồi. Không thể thay đổi được gì nữa. Thật là đáng sợ!

Về đức ái, không phải cứ CHO là bác ái. Đừng lầm lẫn hoặc cố ý không hiểu. Người đời nói: “Của cho không bằng cách cho”. Đúng vậy, “cách cho” thực sự quan trọng hơn “của cho”. Có những “kiểu cho” khác nhau thì cũng có những cấp độ bác ái – tạm chia ba cấp: Cấp thấp, cấp vừa, và cấp cao.

       1. Yêu thương “cấp thấp” là BỐ THÍ. Đó là chuyện “Người Bạn Quấy Rầy” (Lc 11:5-8). Chủ nhà không hề cảm động trước hoàn cảnh của người hàng xóm kia, nhưng vì anh ta cứ quấy rầy mãi mà chủ nhà đành phải đưa thực phẩm cho anh ta để anh ta đi cho rồi. Hành động của chủ nhà hoàn toàn vì mình, mang tính ích kỷ. Rõ ràng chủ nhà vị kỷ chứ không vị tha.

       2. Yêu thương “cấp vừa” là CÔNG BÌNH (công bằng). Kinh thánh không có câu chuyện nào liên quan “cấp độ” này. Đây là dạng “chia sẻ”. Tôi có nhưng tôi chưa hoặc không dùng tới thì tôi chia sẻ cho bạn. Không vị kỷ cũng chẳng vị tha. Vô thưởng, vô phạt, giống như thuốc không bổ mà cũng không hại.

       3. Yêu thương “cấp cao” là BÁC ÁI. Đó là chuyện “Bà Góa Và Hai Đồng Tiền” (Lc 21:1-4; Mc 12:41-44). Những người bỏ tiền vô thùng đều là tiền dư (bạc nén, bạc lượng, bạc trăm, bạc triệu, bạc tỷ,…), nghĩa là không “chạm” đến cuộc sống của họ. Có bà góa già chỉ bỏ 2 đồng tiền thôi, thế mà Chúa Giêsu khen nức nở. Tại sao? Hai đồng tiền đó quá nhỏ bé, chưa bằng số lẻ của nhà giàu cho bọn trẻ ăn quà vặt, nhưng 2 đồng đó có “ảnh hưởng” miếng cơm hằng ngày của bà. Bà hy sinh để làm từ thiện, giúp người nghèo. Như vậy, 2 đồng tiền đó có “dính máu” của bà. Hoàn toàn vì thương cảm người khác. Vị tha chứ không vị kỷ. Do đó, 2 đồng tiền nhỏ lại hóa thành tài sản lớn. Còn khuya chúng ta mới làm được như bà góa này, nghĩa là chúng ta đừng vội nhận là mình làm việc bác ái!

Thú thật, cho đến nay tôi vẫn chưa làm được việc bác ái nào đúng nghĩa, vì tôi chưa dám “cắt máu thịt” mình hoặc “rút ruột” ra vì người khác. Tôi cũng chưa đủ mức công bình, vì tôi không có của dư để cho người khác. Tôi cũng chưa có dịp bố thí, vì chẳng ai quấy rầy tôi, họ cứ thấy tôi là họ “chạy mất dép” rồi. Tóm lại, cứ nói “toạc móng heo” là tôi KHÔNG HỀ BÁC ÁI. Vâng, đó là phần tồi tệ của tôi. Và tôi chỉ còn biết xin lỗi Chúa!

Khi làm từ thiện, giúp người nghèo, làm việc tông đồ,... người ta vẫn nói là “làm việc bác ái”. Nghe “kêu” dữ nghen! Thật ra, người ta chỉ gom quần áo cũ, đồ dư, đồ mình không ăn được,… rồi đem cho người khác chứ có mấy ai mua đồ mới mà cho hoặc mời ăn đồ ngon? Và vẫn “vô tư” nói là “làm việc bác ái”. Dĩ nhiên người nghèo họ không dám đòi hỏi, có đồ là tốt lắm rồi. Thế nhưng có lẽ người cho cũng nên “vắt tay lên trán” một chút đấy!

Chữ “nghèo” liên quan chữ “hèn” và chữ “khổ”, “hèn” mà bị “nhục”, “khổ” mà bị “đau”. Việt ngữ vô cùng độc đáo. Quả thật, người nghèo khổ lắm. Khổ đủ thứ. Khổ về thể lý mà “bị dí” luôn tinh thần. Thậm chí họ khổ cả về phương diện tôn giáo. Họ cũng thương ông bà, cha mẹ,… lắm chứ, nhưng họ không có tiền mà xin lễ. Nhiều người còn ra “giá lễ” phải là “thế này, thế nọ” thì làm sao họ xin nổi chứ? Họ cũng muốn mua ân nhân nhưng họ có đủ sức đâu mà mua? Chiên ghẻ và chiên bệnh thì chẳng ai muốn lại gần, “hôi hám” thí mồ!

Họ nghèo vật chất, nhưng có thể họ giàu tâm linh. Chắc họ cũng được an ủi khi nghe Chúa Giêsu nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Mà thật, vào nhà thờ thấy ai cũng như chiên, ra khỏi nhà thờ thấy ai cũng hóa thành cọp, y như có phép “tàng hình” vậy!

Hằng ngày, người ta có nhiều cuộc “chạy đua” lắm, thậm chí còn so đo ngay trong những việc đạo đức. Trên trời không có chỗ cao hoặc chỗ thấp, cũng không có thánh nhỏ hoặc thánh lớn. Người ta còn “khoái” coi cái chính là cái phụ, còn cái phụ là cái chính. Thật là ngược đời quá! Chẳng hạn, người ta thích “chuyền tay” nhau kinh này và sách nọ, sứ điệp nọ, sự lạ kia,… Cũng tốt thôi. Nhưng nếu chỉ “chăm chú” cái hình thức đó, tạo “bề nổi” mà bỏ “chiều sâu” thì có ích gì? Kinh thánh có đầy đủ, nhất là Phúc Âm, vậy sao không tìm hiểu cho sâu, cho kỹ?

Thánh Inhaxiô Loyola so sánh: Không có đức ái mà đi truyền giáo thì giống như mình hái quả trên cây rồi tự mình đốn ngã cây vậy”. Còn Thánh Phaolô căn dặn: Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:9-11). Thánh Phaolô nói chắc nịch: “Anh em phảilòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (Ep 4:32).

Mùa Chay là dịp “xét mình” một cách rất nghiêm túc, để có thể thực sự “xé lòng”, quyết tâm “xé tâm hồn” để xứng đáng “gặp” Đức Giêsu Kitô qua Bí tích Thánh Thể và qua tha nhân, đồng thời hãy cùng nhau tâm niệm hai điều:

       + Ad Majorem Dei Gloriam – Để vinh danh Chúa hơn.

       + Vivere Summe Deo in Christo Jesu – Sống tuyệt vời cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta cũng hãy cùng nhau cầu xin như Thánh Augustinô: “Domine, noverim Te, noverim me” (Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con). Và hãy mơ ước như Thánh Phanxicô Assisi: “Con chỉ mong yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con”. Nhờ đó, chúng ta có thể trưởng thành về đức ái để có thể san bằng mọi “khoảng cách” trong cả cuộc sống đời thường và tâm linh.

TRẦM THIÊN THU

(*) Nhà thờ Bác Trạch (xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) thuộc GP Thái Bình, được khánh thành ngày 13-10-2013. Tổng kinh phí xây dựng là 58,6 tỷ VNĐ. Tổng số vật liệu xây dựng gồm 46.000 viên gạch, 351 tấn sắt, 527 tấn vôi, 2.859 tấn xi măng, 15 m3 gỗ lim, 1000 m2  đá các loại, khoảng 1000 m2 sơn trong ngoài, 122 tấm kính tranh; gần 100 tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ các loại (http://giaophanthaibinh.org/a4397/Hinh-anh-ve-tan-Thanh-duong-Giao-xu-Bac-Trach.aspx