Chuyện Dưa Hấu
(Thứ
ba - 02/02/2016 –Thanhlinh.net)
Dưa Hấu là loại trái cây quen thuộc với người Việt Nam, nhất là vào những ngày Tết Nguyên Đán. Dưa hấu là loại trái cây “chúa tể” của mùa Hè, thế nhưng người ta vẫn khoái dưa hấu vào mùa Xuân. Dưa hấu chứa nhiều nước (90%), ăn mát, khoái khẩu, nhất là sau khi “làm tí”. Người ta khoái dưa hấu còn vì cái mã: Đẹp – xanh vỏ, đỏ lòng.
Một nhà y học nổi tiếng đời Thanh từng viết trong sách “Tùy Tức Cư ẩm Thực Phổ” (thực đơn ăn uống theo tĩnh dưỡng nghỉ ngơi): “Dưa hấu ngọt lạnh, giã rượu, chữa viêm hầu họng, lở miệng, trị độc nhiệt,...”. Có thể thấy tác dụng chữa bệnh nhất định của dưa hấu đối với các chứng phế nhiệt, vị nhiệt, cảm nóng, sốt cao, tâm phiền miệng khát, sưng hầu họng, viêm niêm mạc miệng, đi tiểu nước đỏ, viêm thận phù thũng, say rượu,...
Qua nghiên cứu, y học hiện đại đã chứng minh rằng chất đường, muối, a-xít hữu cơ trong dưa hấu có tác dụng chữa trị viêm thận và làm hạ huyết áp; vì lượng đường thích hợp làm lợi tiểu, lượng muối kali làm tiêu viêm ở thận, chất men trong dưa hấu có khả năng chuyển hóa protein không hòa tan thành protein hòa tan, tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm thận; loại đường tổng hợp trong dưa hấu còn có tác dụng hạ huyết áp.
Vỏ dưa hấu vị ngọt tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ hỏa, trừ phiền, chữa thấp, lợi tiểu. Vào mùa Thu, khí hậu hanh khô, dễ viêm họng và lở miệng lưỡi, ăn dưa hấu cũng có công hiệu nhất định. Nếu pha chế dưa hấu thành dạng kem dùng ngoài da có thể chữa viêm sưng họng, lở mép rất tốt.
Ngoài ra, hạt dưa hấu có công hiệu làm mát phổi, tan đờm, nhuận tràng, lợi tiêu hóa. Rễ và lá dưa hấu vào mùa Hè có thể chữa chứng tiêu chảy, kiết lỵ.
Tuy dưa hấu là thứ giải khát tốt, nhưng nên lưu ý: Không nên ăn quá nhiều trong một lần, nhất là đối với những người tì vị hư hàn.
Những bài thuốc chữa bệnh bằng dưa hấu:
– Viêm thận: Vỏ dưa hấu, rễ cỏ tranh mỗi thứ 60g, sắc uống.
– Phù thũng: Vỏ dưa hấu, vỏ bí đao, đậu đỏ, phục linh, mỗi loại 30g, sắc uống.
– Cao huyết áp: Vỏ dưa hấu 30g, vỏ bí đao 30 gam, ngưu tất 15g, sắc uống.
– Cảm nóng: Nước ép dưa hấu một cốc to, uống vài lần.
– Đau họng: Xịt kem dưa hấu vào chỗ họng đau.
– Giải rượu: Nước ép dưa hấu một ly to, uống vài lần.
– Tiểu đường: Vỏ dưa hấu 60g, cẩu kỷ tử 15g, thiên hoa phiến 12g, ô mai 10g, sắc uống.
– Kiết lỵ ra máu: Nước ép dưa hấu 1 ly, hòa đường, ngày uống 3 lần.
– Lở loét miệng: Dùng kem dưa hấu bôi.
– Chữa phỏng: Vỏ dưa hấu sấy khô, tán thành bột, trộn dầu mè (vừng) để bôi.
Theo sử sách, dưa hấu vốn có quê hương ở châu Phi. Giống dưa này được đưa sang Trung Quốc từ phía Tây Vực nên người Trung Quốc gọi là “dưa Tây”.
Theo truyền thuyết Việt Nam, chuyện kể rằng…
Vào đời Hùng Vương, ở một vùng quê cách xa kinh đô Phong Châu, có một cậu bé mồ côi, thường theo người lớn đi săn bắn và đánh cá...Năm tám tuổi, cậu bé được lên kinh đô và gặp vua Hùng. Thấy cậu bé thông minh, nhà vua nhận làm con nuôi và đặt tên là Mai An Tiêm.
Lớn lên, An Tiêm rất khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc. Vua Hùng cưới vợ cho An Tiêm và cho cả hai vợ chồng đi phá rừng, làm rẫy trồng trọt. Chỉ ít lâu sau, An Tiêm đã dựng được nhà cửa và gặt được nhiều thóc lúa chứa đầy kho.
Thấy thế, bọn người ghen tị tâu nịnh với vua Hùng: “An Tiêm coi thường ơn vua. Hắn cho rằng của cải làm ra đều là nhờ ơn Trời và tài sức của hai vợ chồng hắn với các con”. Vua Hùng nghe tâu thì giận lắm, không cần tìm hiểu thực hư ra sao!
Nhà vua truyền lệnh đày gia đình An Tiêm ra một đảo hoang vắng ở biển Đông. Ngoài lương khô đủ ăn trong vài tháng, không được mang theo gì hết xem còn nhờ Trời vào đâu. Thế là cả gia đình An Tiêm lênh đênh ở giữa biển khơi.
Cuối cùng, thuyền tới một đảo hoang, đầy cát trắng. Ngoài ít lương khô, không có một con dao hoặc một hạt giống gì nữa. Vợ An Tiêm khóc. Chàng an ủi vợ: “Chúng ta là những người có khối óc và đôi tay thì dù gian nan, vất vả mấy cũng vượt qua được”.
Hôm sau, An Tiêm kiếm được cành cây nhọn, liền đào đất xuống thật sâu và thấy nước ngọt để uống. Rồi chàng cùng các con bẻ cành cây, khuân đá xếp lại, làm nơi trú mưa nắng. Vợ chàng xuống ven biển mò được cua, ốc để ăn thêm.
Nhờ kiếm được những viên đá lửa lớn, An Tiêm đánh hai viên đá vào nhau là có lửa để nấu cua, luộc ốc. Một hôm, An Tiêm thấy có con chim trắng ở đâu bay tới, làm rơi hạt đen đen xuống bãi cát trắng. An Tiêm liền đem hạt này trồng thử.
Mấy tháng sau, những hạt ấy mọc thành những cây nhỏ bò lan trên mặt cát. Cây có nhiều trái màu xanh thẫm to bằng đầu người lớn. An Tiêm hái một trái đem về cho cả nhà ăn thấy ruột đỏ mà ngọt, lại có lắm nước. Thế là An Tiêm liền trồng thêm nhiều nữa.
Đến khi dưa có nhiều trái rồi, An Tiêm dùng que nhọn vạch chữ vào, thả xuống biển cho trôi đi khắp nơi. Thuyền buôn qua lại, vớt được trái này, ăn thấy ngon, liền tìm tới đảo, đổi hàng hoá, vải, gạo lấy những trái đó đem đi các nơi bán. Đó là trái dưa hấu, tức là “quả dưa đỏ”.
Tiếng đồn về quả dưa đỏ đến tai vua Hùng. Vua biết tài của An Tiêm nên cho cả gia đình An Tiêm trở lại đất liền. Lần này vua lại phong thưởng cho An Tiêm và khuyên chàng dạy cho mọi người cách trồng dưa. Kể từ đó, nước Văn Lang có thêm loại dưa hấu đỏ vừa để ăn, vừa để bán.
Vua Hùng cho rằng An Tiêm phạm tội “khi quân” nên mới đuổi vợ chồng An Tiêm ra khỏi hoàng cung và đày ải ra hoang đảo.
Hình ảnh này gợi nhớ tới ông bà nguyên tổ, vì nghe theo lời đường mật của con rắn nên đã phạm tội bất tuân là ăn trái cấm. Và rồi ông bà đã bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Vườn Đại Đàng.
Lúc đó, Thiên Chúa nguyền rủa con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3:14-15).
Rồi Thiên Chúa nói với bà Eva: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3:16).
Và Thiên Chúa nói với ông Adam: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi đừng ăn nó, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3:17).
Từ đó, loài người phải chịu kiếp đọa đày, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mà mưu sinh. Đồng thời loài người cũng bị án tử, nghĩa là ai cũng phải có ngày “trở về cát bụi”. Tuy nhiên, ai biết ăn năn và nên hoàn thiện cho đúng Ý Chúa (x. Mt 5:48) thì sẽ được phục chức là làm con của Chúa và được hưởng phúc trường sinh nơi Thiên quốc (x. Mt 25:31-46).
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét