KHOẢNG CÁCH
ĐỊNH MỆNH
(Thu,
25/02/2016 - Trầm
Thiên Thu)
Ttrình
thuật Lc 16:19-31. Đây là dụ ngôn “người
nhà giàu và Ladarô nghèo khổ”. Dụ ngôn này xác định một điều vô cùng quan
trọng: Không có kiếp luân hồi. Chắc chắn như vậy, và mỗi người chỉ có
MỘT CUỘC ĐỜI để sống.
Một trò
chơi thuở xưa của trẻ em Công giáo có câu: “Thiên đàng, Hỏa ngục hai bên, ai
khôn thì dại, ai dại thì khôn…”. Vâng, đó là “khoảng cách định mệnh”, không thể thay đổi.
Trên đời
có nhiều loại khoảng cách: Khoảng cách địa lý, khoảng cách không gian, khoảng
cách thời gian, khoảng cách xã hội, khoảng cách tình cảm, khoảng cách giai cấp,
khoảng cách trình độ, khoảng cách thực tế, khoảng cách trừu tượng, khoảng cách
địa vị, khoảng cách tình cảm, khoảng cách tôn giáo, khoảng cách tâm linh,… Nói
chung, có rất nhiều loại khoảng cách, với mức độ cũng rất khác nhau.
Có khoảng
cách rất… “tự nhiên” là một đứa bé
nằm trên đống tiền và một đứa bé nằm trên đất cát. Đứa-bé-nằm-trên-đống-tiền là
đứa bé con nhà giàu, ngậm vú giả, quần áo tươm tất, nhưng mắt mở to, không ngủ
được. Đứa-bé-nằm-trên-đất-cát đen đủi, bẩn thỉu, quần áo rách bươm, nhơ nhớp,
nhưng nằm ngủ ngon giấc. Hai hình ảnh trái ngược khiến chúng ta phải suy tư
nhiều. Đứa-bé-nằm-trên-đất-cát thanh thản vì biết quẳng gánh lo đi, còn
đứa-bé-nằm-trên-đống-tiền không thể ngủ được vì chờ đợi hoặc đòi hỏi cái gì đó
ở người khác. Một triết-lý-sống thú vị mà nhức buốt lắm!
Có lần
Chúa Giêsu bảo: “Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày
đó” (Mt 6:34). Khổ đâu mà lắm thế nhỉ? Nghe đến “cái khổ” thì chắc là ai cũng buồn lắm, ngao ngán lắm! Chẳng phải
Chúa “triệt buộc” hoặc “chơi ép” chúng ta đâu, mà chắc chắn “cái khổ” phải có giá trị lắm!
Trong Tám
Mối Phúc, Chúa Giêsu đưa ra hai mối phúc liên quan “cái khổ”. Mối thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3), và mối thứ hai: “Phúc thay ai sầu
khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Hoàn cảnh NGHÈO nàn thì
phải KHÓ khăn, thế nên luôn cảm thấy KHỔ và SẦU. Toàn là những chữ “hắc ám” hết sức!
Không ai
muốn nghèo, nhưng có người đã cố gắng hết sức mà vẫn nghèo, lận đận cho tới
chết. Người nghèo bao giờ cũng nhiều hơn người giàu: “Người nghèo thì bên
cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12:8). Vì thế, Chúa Giêsu luôn chạnh lòng
thương người nghèo và bảo chúng ta phải yêu thương người nghèo. Thế nhưng trong
thực tế, người nghèo vẫn bị đối xử phân biệt, bị coi thường, không chỉ đối với
xã hội đời thường mà với tôn giáo cũng chẳng hơn gì!
Ngay tại
Hong Kong hoa lệ và sang trọng vẫn có những người nghèo rất khổ. Họ phải “sống chui” trong các “chuồng” (chứ cũng chẳng được giống như
căn phòng nhỏ). Mỗi “chuồng” có chiều
dài khoảng 180-200 cm, chiều rộng từ 70-90 cm. Các “chuồng” chồng lên nhau và nằm sát nhau (hình bên). Tương tự, ở
Việt Nam cũng có rất nhiều khu ổ chuột, thậm chí ngay tại Saigon mà vẫn có
người sống trên chiếc ghe nhỏ, nhìn mà cũng cảm thấy muốn ngộp thở!
Có hai
dạng thực-tế-thật, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thực tế thứ nhất: Xe hơi
“dễ chơi” hơn xe máy, xe máy “đáng ngại” hơn xe đạp, xe đạp “dễ hạp” hơn đi bộ,
đi bộ nhìn “ngộ” lắm. Thực tế thứ nhì: Biệt thự “bự” hơn nhà lầu, nhà
lầu “ngầu” hơn nhà xây, nhà xây “hay” hơn nhà lá, nhà lá nhìn “lạ” lắm.
Người ta vẫn hô hào “xóa đói, giảm
nghèo”, nhưng chẳng thấy “xóa”
hoặc “giảm” được gì. Ngay cả trong
tôn giáo cũng vẫn có tình trạng “chạy
đua”, xây nhà thờ hàng chục tỷ, như nhà thờ Bác Trạch (*) được coi là nhà
thờ “đồ sộ” nhất Việt Nam hiện nay
(!). Ở đây không có ý dám “phê phán”
nhưng thiết tưởng cũng nên “cân nhắc”
lắm!
Gọi là san
bằng “khoảng cách” nhưng đôi khi
chúng ta bị ngộ nhận hoặc ảo tưởng, và rồi có thể chúng ta lại “vô tình” làm cho khoảng cách càng thêm
xa và rộng hơn. Thực tế vẫn thấy có những “con
chiên ghẻ” bị “lạc bầy”. Những
con lợn béo luôn bán được giá cao. Và “chiên
béo” cũng “được giá” hơn hẳn loại
“chiên ghẻ” hoặc “chiên gầy mòn ốm o”. Thánh Gioan nói: “Chúng ta đừng yêu thương
nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng
việc làm” (1 Ga 3:18). Thánh Gicôbê cũng xác định: “Đức tin không có
hành động là đức tin chết” (Gc 2:17 & 26). Giảng cho hay, viết
cho tốt, nghe cho biết, đọc cho vui. Thế thôi! Người nghèo ở rất gần nhưng Thiên
Chúa xa lắc xa lơ, “khoảng cách” vẫn
còn đó!
Trình
thuật Lc 16:19-31 cho thấy có một loại khoảng cách đặc biệt: KHOẢNG CÁCH ĐỜI
ĐỜI. Khoảng cách này phát xuất từ một dụ ngôn do chính Chúa Giêsu kể, Tổ phụ
Áp-ra-ham gọi là Vực Thẳm. Gọi là dụ ngôn nhưng vẫn rất thực tế ở đời thường,
xưa cũng như nay. Chuyện kể và nghe “rất
quen” rằng…
Có một ông
nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại
có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước
cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt
xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế
rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông
nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
Dưới âm
phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận
đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy
tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay
vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”.
Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần
phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ,
La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa
chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên
các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.
Ông nhà
giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha
con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ
lại cũng sa vào chốn cực hình này!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có
Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông nhà giàu nói: “Thưa
tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến
với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn
Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu
tin”.
Chúng ta
thấy trong dụ ngôn này có một “khoảng
cách”. Đó là khoảng cách sang – hèn, khoảng cách giàu – nghèo. Vừa trừu
tượng vừa cụ thể. Khoảng cách này chỉ có thể san bằng hoặc lấp đầy bằng “chất” yêu thương (đức ái, đức mến, lòng
trắc ẩn, lòng thương xót, sự chạnh lòng, thậm chí là… thương hại).
Khoảng
cách giữa người giàu và người nghèo La-da-rô không còn là khoảng-cách-tạm-thời
hoặc bình thường như trước, mà nay là khoảng-cách-đời-đời, hóa thành “vực thẳm” rồi. Không thể thay đổi được
gì nữa. Thật là đáng sợ!
Về đức ái,
không phải cứ CHO là bác ái. Đừng lầm lẫn hoặc cố ý không hiểu. Người đời nói: “Của
cho không bằng cách cho”. Đúng vậy, “cách
cho” thực sự quan trọng hơn “của
cho”. Có những “kiểu cho” khác
nhau thì cũng có những cấp độ bác ái – tạm chia ba cấp: Cấp thấp, cấp vừa, và
cấp cao.
1. Yêu thương “cấp thấp” là BỐ THÍ. Đó là chuyện “Người Bạn Quấy Rầy” (Lc 11:5-8). Chủ nhà không hề cảm động trước
hoàn cảnh của người hàng xóm kia, nhưng vì anh ta cứ quấy rầy mãi mà chủ nhà
đành phải đưa thực phẩm cho anh ta để anh ta đi cho rồi. Hành động của chủ nhà
hoàn toàn vì mình, mang tính ích kỷ. Rõ ràng chủ nhà vị kỷ chứ không vị tha.
2. Yêu thương “cấp vừa” là CÔNG
BÌNH (công bằng).
Kinh thánh không có câu chuyện nào liên quan “cấp độ” này. Đây là dạng “chia
sẻ”. Tôi có nhưng tôi chưa hoặc không dùng tới thì tôi chia sẻ cho bạn.
Không vị kỷ cũng chẳng vị tha. Vô thưởng, vô phạt, giống như thuốc không bổ mà
cũng không hại.
3. Yêu thương “cấp cao” là BÁC ÁI. Đó là chuyện “Bà Góa Và Hai Đồng Tiền” (Lc 21:1-4; Mc 12:41-44). Những người bỏ
tiền vô thùng đều là tiền dư (bạc nén, bạc lượng, bạc trăm, bạc triệu, bạc
tỷ,…), nghĩa là không “chạm” đến cuộc
sống của họ. Có bà góa già chỉ bỏ 2 đồng tiền thôi, thế mà Chúa Giêsu khen nức
nở. Tại sao? Hai đồng tiền đó quá nhỏ bé, chưa bằng số lẻ của nhà giàu cho bọn
trẻ ăn quà vặt, nhưng 2 đồng đó có “ảnh
hưởng” miếng cơm hằng ngày của bà. Bà hy sinh để làm từ thiện, giúp người
nghèo. Như vậy, 2 đồng tiền đó có “dính
máu” của bà. Hoàn toàn vì thương cảm người khác. Vị tha chứ không vị kỷ. Do
đó, 2 đồng tiền nhỏ lại hóa thành tài sản lớn. Còn khuya chúng ta mới làm được
như bà góa này, nghĩa là chúng ta đừng vội nhận là mình làm việc bác ái!
Thú thật,
cho đến nay tôi vẫn chưa làm được việc bác ái nào đúng nghĩa, vì tôi chưa dám “cắt máu thịt” mình hoặc “rút ruột” ra vì người khác. Tôi cũng
chưa đủ mức công bình, vì tôi không có của dư để cho người khác. Tôi cũng chưa
có dịp bố thí, vì chẳng ai quấy rầy tôi, họ cứ thấy tôi là họ “chạy mất dép” rồi. Tóm lại, cứ nói “toạc móng heo” là tôi KHÔNG HỀ BÁC ÁI.
Vâng, đó là phần tồi tệ của tôi. Và tôi chỉ còn biết xin lỗi Chúa!
Khi làm từ
thiện, giúp người nghèo, làm việc tông đồ,... người ta vẫn nói là “làm việc bác ái”. Nghe “kêu” dữ nghen! Thật ra, người ta chỉ
gom quần áo cũ, đồ dư, đồ mình không ăn được,… rồi đem cho người khác chứ có
mấy ai mua đồ mới mà cho hoặc mời ăn đồ ngon? Và vẫn “vô tư” nói là “làm việc bác
ái”. Dĩ nhiên người nghèo họ không dám đòi hỏi, có đồ là tốt lắm rồi. Thế
nhưng có lẽ người cho cũng nên “vắt tay
lên trán” một chút đấy!
Chữ “nghèo” liên quan chữ “hèn” và chữ “khổ”, “hèn” mà bị “nhục”,
“khổ” mà bị “đau”. Việt ngữ vô cùng độc đáo. Quả thật, người nghèo khổ lắm. Khổ
đủ thứ. Khổ về thể lý mà “bị dí” luôn
tinh thần. Thậm chí họ khổ cả về phương diện tôn giáo. Họ cũng thương ông bà,
cha mẹ,… lắm chứ, nhưng họ không có tiền mà xin lễ. Nhiều người còn ra “giá lễ” phải là “thế này, thế nọ” thì làm sao họ xin nổi chứ? Họ cũng muốn mua ân
nhân nhưng họ có đủ sức đâu mà mua? Chiên ghẻ và chiên bệnh thì chẳng ai muốn
lại gần, “hôi hám” thí mồ!
Họ nghèo
vật chất, nhưng có thể họ giàu tâm linh. Chắc họ cũng được an ủi khi nghe Chúa
Giêsu nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là
được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng
ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Mà thật, vào nhà thờ thấy
ai cũng như chiên, ra khỏi nhà thờ thấy ai cũng hóa thành cọp, y như có phép “tàng hình” vậy!
Hằng ngày,
người ta có nhiều cuộc “chạy đua”
lắm, thậm chí còn so đo ngay trong những việc đạo đức. Trên trời không có chỗ
cao hoặc chỗ thấp, cũng không có thánh nhỏ hoặc thánh lớn. Người ta còn “khoái” coi cái chính là cái phụ, còn
cái phụ là cái chính. Thật là ngược đời quá! Chẳng hạn, người ta thích “chuyền tay” nhau kinh này và sách nọ,
sứ điệp nọ, sự lạ kia,… Cũng tốt thôi. Nhưng nếu chỉ “chăm chú” cái hình thức đó, tạo “bề nổi” mà bỏ “chiều sâu”
thì có ích gì? Kinh thánh có đầy đủ, nhất là Phúc Âm, vậy sao không tìm hiểu
cho sâu, cho kỹ?
Thánh
Inhaxiô Loyola so sánh: “Không có đức ái mà đi truyền giáo
thì giống như mình hái quả trên cây rồi tự mình đốn ngã cây vậy”. Còn Thánh
Phaolô căn dặn: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy
gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi
người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng
mà phục vụ Chúa” (Rm 12:9-11). Thánh Phaolô nói chắc nịch: “Anh em phải
có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (Ep 4:32).
Mùa Chay
là dịp “xét mình” một cách rất nghiêm
túc, để có thể thực sự “xé lòng”,
quyết tâm “xé tâm hồn” để xứng đáng “gặp” Đức Giêsu Kitô qua Bí tích Thánh
Thể và qua tha nhân, đồng thời hãy cùng nhau tâm niệm hai điều:
+ Ad Majorem Dei Gloriam – Để vinh danh Chúa hơn.
+ Vivere Summe Deo in Christo Jesu – Sống tuyệt vời cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta
cũng hãy cùng nhau cầu xin như Thánh Augustinô: “Domine, noverim Te, noverim
me” (Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con). Và hãy mơ ước
như Thánh Phanxicô Assisi: “Con chỉ mong yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự
nguyện chết vì yêu con”. Nhờ đó, chúng ta có thể trưởng thành về đức ái để
có thể san bằng mọi “khoảng cách” trong
cả cuộc sống đời thường và tâm linh.
TRẦM
THIÊN THU
(*) Nhà
thờ Bác Trạch (xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) thuộc GP Thái
Bình, được khánh thành ngày 13-10-2013. Tổng kinh phí xây dựng là 58,6 tỷ VNĐ.
Tổng số vật liệu xây dựng gồm 46.000 viên gạch, 351 tấn sắt, 527 tấn vôi, 2.859
tấn xi măng, 15 m3 gỗ lim, 1000 m2 đá các
loại, khoảng 1000 m2 sơn trong ngoài, 122 tấm kính tranh; gần
100 tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ các loại
(http://giaophanthaibinh.org/a4397/Hinh-anh-ve-tan-Thanh-duong-Giao-xu-Bac-Trach.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét