Feb 21, 2016
- Chúa nhật thứ II Mùa
Chay năm C
Sức mạnh của sự cầu nguyện
Các Bạn thân mến,
Chúng ta biết rằng không chỉ các nhà bói toán, tướng số hay tâm lý, thầy thuốc mới có khả năng xem xét hình dáng, mầu sắc khuôn mặt, tay chân, kích thước thân thể, cũng như cử chỉ đi đứng, cách ăn nói của con người…mà như các cụ nói“xem mặt mà đặt hình dung”, tức là qua hình dáng, qua kinh nghiệm, chúng ta cũng có thể biết ít nhiều về nội tâm, tính cách con người căn cứ qua sắc thái trên nét mặt, thái độ, cử chỉ hành động của họ, nó diễn tả rất nhiều trạng thái của họ, cả về sức khỏe, tâm lý, tình cảm, tính cách của họ nữa…Nghiên cứu còn cho biết nhiều điều thú vị hơn, cả về đạo đức, thân phận, cuộc sống, giầu nghèo, may rủi, tuổi thọ, tương lai sự nghiệp của chúng ta. Thật vậy, nhìn nét mặt một người, cũng có thể đóan biết được tâm trạng bên trong của họ đang hạnh phúc, lo sợ, buồn rầu, giận ghét, thân thiện, ủy mị, hay lạnh lùng…Điều này thật tự nhiên, dễ hiểu, vì đó là một phần của thân phận làm người.
Tin Mừng chúa nhật
tuần này nói khi Đức Giesu biến hình trên núi cao thì mặt Ngài trở nên sáng
chói như mặt trời, tỏ lộ vinh quang, thánh thiện bên trong của Ngài, vinh quang
mà Ngài đã che giấu khi sống giữa loài người.
Nét mặt sáng ngời
của Chúa hôm ấy là một nét mặt đặc biệt, nhưng không phải là duy nhất, vì Ngài đã
làm người nên cũng có những nét mặt như chúng ta: mệt mỏi, buồn giận, trìu mến,
cảm thông…trừ nét mặt gỉa tạo, độc ác.
Dân Do Thái xưa kia
trong sa mạc cũng đã nhìn thấy vinh quang trên trán ông Mose, khi nhà lãnh
tụ trở lại với dân chúng sau cuộc gặp gỡ đối diện với Thiên Chúa, mặt ông sáng
chói đến nỗi mắt họ không thể nhìn thẳng vào mặt ông.
Tuy nhiên không phải chỉ
có Abraham, Mosen, Elia, Đức Giesu, và các tông đồ mới được biến hình, mà mọi tín
hữu chúng ta đều có thể được trao tặng và mời gọi nên hoàn thiện để được
biến hình như vậy. Nếu chúng ta noi gương Đức Giesu, cầu nguyện trước mỗi biến
cố của cuộc đời. Biến cố càng quan trọng, càng phải tha thiết, sốt sáng cầu
nguyện liên lỉ. Bởi
cầu nguyện vốn là việc rất cần thiết và cấp bách của người Kitô hữu, hầu luôn
được hân hạnh gặp gỡ Ngài.
Bước vào
mùa Chay Thánh năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người chay tịnh qua
ba cách thức chính yếu. Đó là cầu nguyện, ăn chay và bác ái: “Cầu
nguyện giữ vị thế đầu tiên, đó là việc tỏ ra cởi mở và tin
tưởng vào Chúa: nó là cuộc gặp gỡ riêng tư với Người, việc thu ngắn khoảng
cách gây ra bởi tội lỗi. Cầu nguyện tức là nói rằng: "Con là kẻ thiếu
thốn, con cần Chúa. Chúa là sự sống của con và là ơn cứu độ của
con." (Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng lễ Tro 10. 2. 2016)
1. Đức Giesu biến hình:
- Tin Mừng Thánh Luca ghi:"Đức Giesu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phero,
Gioan và Giacobe. Đang lúc cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục Ngài
trở nên trắng tinh chói lòa."
- " Còn
ông Phero và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy
vinh quang của Đức Giesu, và hai nhân vật đứng bên Người."
-
Qua sự việc này Đức Giesu củng cố niềm tin cho các môn đệ, để thấy nơi nhân
tính của Ngài một phần vinh quang mà Ngài sẽ hưởng sau phục sinh. Đồng thời các
ông có bằng chứng loan báo về việc Ngài đã sống lại thật.
- Cũng là dịp Ngài tỏ ra cho các môn đệ và mọi người biết Ngài là Thiên Chúa
làm người với đầy vinh quang, bởi trong suốt thời gian rao giảng, mọi người chỉ
nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến phép lạ, thấy Ngài như mọi người, mà không nhìn
được chân tướng thật của Ngài.
- Còn để các môn đệ không nghi ngờ về điểm thân xác vinh hiển, sáng chói như mặt
trời khi con người vượt qua khổ nạn theo Ngài.
- Đúng như lời Đức Giesu đã tuyên bố:" Các người công chính sẽ sáng chói như
mặt trời trong Nước Cha mình"(Mt 13,43)
- Phaolo cũng lột xác, biến hình sáng chói khi được gọi quên đi dĩ vãng, diệt
kiêu căng cuồng tín, hung hăng bắt đạo, để trở thành môn đệ đắc
lực dưới ánh sáng của Lời Chúa, vui nhận thử thách, trung thành rao
giảng đến giọt máu cuối cùng.
- Như thế cầu nguyện còn có khả năng biến hình,
thăng hoa, thánh hoá, bộc lộ thần tính mà Thiên Chúa đã ẩn giấu, khắc ghi trong
từng người, ngay từ khi Ngài tạo dựng. Nhờ lời cầu nguyện của Đức Giêsu, ba môn
đệ được hạnh phúc chiêm ngưỡng Nước Trời
- Và cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, sẽ gia
tăng niềm hy vọng được vào Nước Chúa, cùng thoát khỏi cái chết vĩnh viễn. Nhờ
sốt sắng cầu nguyện, các thánh thường được xuất thần, vinh dự “thấy Nước
Thiên Chúa,” ngay khi còn sống dưới dương thế.
-
Lịch sử Giáo Hội đã ghi nhận rất nhiều cuộc biến hình khác nhau như thế: từ
người tội lỗi, gái giang hồ, trai tứ chiến, người khô khan, kẻ chống đối,
tham lam, độc ác…như Madalen, Phanxico, Augustin…tất cả đã có những cuộc canh
tân, biến hình để trở thành thánh nhân, thành người rộng lượng, khoan dung…
- Ngày nay vẫn còn những cuộc canh tân, biến hình dạng tiếp diễn trong Giáo hội
để chứng minh rằng ơn Chúa đủ cho mọi người thắng ma quỉ, và thế gian.
-
Một điều quan trọng là khi biến hình, các vị ấy đều đang cầu nguyện, dù biến
hình trong vinh quang hay thảm não trên núi Cây Dầu như Đức Giesu.
- Bởi cầu nguyện giúp thống nhất con người chúng ta đúng theo kế hoạch Thiên Chúa,
đặc biệt trong lúc suy sụp.
- Cầu
nguyện còn là tỉnh thức lắng nghe, đón nhận và tìm hiểu Thánh Ý, thể hiện qua
các chứng nhân, dấu chỉ, ngôn sứ, cùng chấp nhận, vâng phục đau khổ, gian nan,
thách đố, mà cao điểm là dâng hiến cuộc đời, hiệp nhất vào cuộc tử nạn của Đức
Giêsu.
- Chúng ta cũng có thể đã được trải nghiệm về ánh sáng và niềm vui, là điều Chúa
ban để thêm nghị lực trong nhiệm vụ hằng ngày, giúp thấy được
nơi mà chúng ta được tiến đến trong đức tin.
- Nhưng tín ngưỡng và sự cầu nguyện không phải là chỗ ẩn trốn, tìm an ủi, nghỉ
ngơi, mà là những trợ lực giúp chúng ta hiệp thông với Chúa, đương đầu với vất
vả gian nan và thế lực thù nghịch.
- Dù như ba môn đệ, thích ở luôn trong vinh quang nhưng lại chìm sâu trong mê
ngủ, không thể thức tỉnh cầu nguyện.
- Sau này tại vườn Cây Dầu, cũng chính ba
môn đệ này vẫn còn mê ngủ, cho đến khi kẻ thù đến bắt Thầy của họ!
- Đó là thân phận yếu đuối, nên chúng
ta hãy nhớ rằng: sau cuộc biến hình, Đức Giesu đã trở lại với khuôn mặt
bình thường, Thầy trò lại tiếp tục cuộc sống hằng ngày như mọi người.
- Vậy sau những niềm vui Chúa ban trong khi
cầu nguyện, chay tịnh, bác ái, Ngài vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta để nâng
đỡ chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống.
- Cũng
nên nói thêm rằng chúng ta ai cũng biết có
rất nhiều loại vinh quang, và vinh quang được xem là
tình trạng có giá trị tinh thần cao, đáng được tôn kính và ái mộ.
- Tuy nhiên cần phân biệt
vinh quang thật và vinh quang giả hiệu. Vinh quang thật thì lâu bền vì được xây
dựng bằng những hành vi tốt đẹp, chính đáng và cao cả. Trái lại vinh quang giả
hiệu thì chóng qua và nhất thời, vì nó thường được xây dựng trên bạo lực hoặc
những mưu đồ bất chính…
- Như thế chúng ta có thể
khẳng định rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có vinh quang đích thật. Nhân loại
chúng ta có được vinh quang là nhờ thông dự phần nào đó vào vinh quang của
Thiên Chúa.
2. "Đây
là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!"
-
Đó là mệnh lệnh long trọng, công khai của Chúa Cha, xác nhận Đức Giesu là con
yêu dấu mà Ngài đã tuyển chọn.
-
Cho biết Lời Đức Giesu chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại
ơn cứu độ cho nhân loại.
-
Thiên Chúa đã cho các môn đệ và chúng ta thấy chân dung, căn tính đích thật
của Đức Giesu, là Con Một Thiên Chúa, sống hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, với
vương quyền trên mọi thụ tạo và là Lời của Thiên Chúa.
-
Đó là những gì Thiên Chúa muốn nói với loài người, tất cả mọi sự
Ngài đã đặt nơi Đức Giesu, hãy tập trung vào Ngài, không còn gì để mặc khải,
không còn gì để nói, để tìm một điều nào khác nữa.
-
Đó cũng là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa Cha, là Thầy dạy chân lý về ý thức, tư
cách, hành động đối với Thiên Chúa, bản thân, gia đình, xã hội để tôn kính
Thiên Chúa, nên thánh, làm chứng nhân và xây dựng thế giới hòa bình an lành.
- Tại trần gian, vì sứ mệnh cứu độ, Đức Giesu đã che giấu tất cả uy quyền và vinh
quang của Ngài, để sống phận hèn yếu như chúng ta.
- Tuy nhiên Ngài cũng ăn uống, làm việc,
nghỉ ngơi, đau buồn, lo lắng, bị chê bai chỉ trích như con người.
- Nhưng khác biệt là Đức Giesu luôn làm theo ý Thiên Chúa, Ngài luôn được
khen thưởng và được mọi người vâng theo, đi cùng một con đường vượt qua
như Ngài.
- Điều này ngược với ý muốn của Phero, cũng như mọi người, muốn được hưởng
vinh quang ngay trên núi, mà chẳng muốn mất mát gì!
- Nhưng chỉ có Lời của Đức Giesu, giáo huấn của Ngài mới có thể khỏa lấp mọi khát
vọng, mọi khoảng trống, và được bình an hạnh phúc thật trong tâm lòng mà thôi.
- Vậy chúng ta hãy vâng nghe theo Ngài để sống theo hướng dẫn của Ngài, đừng khát
vọng, đừng ảo tưởng, đừng mầy mò tìm kiếm những gì ngòai Ngài.
- Cùng can đảm thực hiện Lời Đức Giesu cách âm thầm, chịu đựng, khiêm tốn,
tin tưởng phó thác, đồng hòa mình theo những đòi hỏi của Tin Mừng, đấy là bí
quyết thực hiện nghe và vâng lời Ngài.
- Chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ lầm đường khi dấn thân theo Ngài, đó là con
đường biến hình, thay đổi duy nhất cho mọi tín hữu.
- Bởi chúng ta cũng có thể biến hình đổi dạng
khi chúng ta sẵn lòng cùng vác thập giá với Chúa trong cuộc sống thường nhật,
chúng ta dám hy sinh bản thân để hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân bằng một
tình yêu trao ban vô vị lợi, qua cách nhìn hoặc cách cư xử của chúng ta, từ ánh
mắt thương yêu trìu mến, từ tâm
lòng quảng đại chúng ta đối
xử với nhau trong tin yêu chia sẻ.
-
Nghĩa là chúng ta có thể biến
đổi con người cũ để mặc lấy con
người mới tốt lành thánh thiện, phải chết đi cho tội lỗi để sống cho Chúa,
để qua cuộc lột xác này chúng ta trở thành một tạo vật mới với ân sủng của
Chúa.
-
Như thế, chúng ta đã để dung nhan
Thiên Chúa tỏ hiện rạng ngời. Và hành trình trở về từ đáy lòng của chúng ta chắc chắn sẽ gặp được Thiên Chúa
nơi tha nhân, bằng thái độ kính trọng, cảm thông, sẻ chia và tha thứ.
Lạy Chúa, Chúa đã biến hình từ thân phận con người sang hình ảnh
Thiên Chúa vinh quang trên núi Tabor và cũng đã biến hình từ Thiên Chúa sang
thân phận khổ đau của con người trong vườn Cây Dầu.
Khi được vinh quang hay bị loại trừ, Ngài đều cầu nguyện mật thiết
với Chúa Cha. Xin cho chúng con cũng biết cầu nguyện trong lúc hạnh phúc cũng
như lúc suy sụp để luôn được kết hợp với Chúa, được Ngài an ui nâng đỡ.
Và xin cho chúng con luôn nhận ra được gía trị thật sự của cầu nguyện,
để siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận ân sủng, được biến đổi, được dự phần
vinh thắng như Ngài.Vì Đức Giesu Kito húa chúng con. Amen
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét