Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Nỗi Tết Niềm Xuân




Nỗi  Tết  Niềm  Xuân
(Mon, 25/01/2016 -Trầm Thiên Thu)



Nỗi niềm là danh từ thường ám chỉ “điều không vui”. Người người nô nức khi Xuân về, Tết đến, ai cũng vui mừng, “dù ai buôn bán nơi đâu, nhớ đến ngày tết rủ nhau mà về”, vậy mà sao lại gợi chuyện buồn? Cứ vui, nhưng đừng quên rằng nỗi buồn cũng là một phần tất yếu của cuộc sống trên trần gian này: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).

Không ai thấy Xuân, chẳng ai thấy Tết, nhưng lại khả dĩ cảm nhận. Vô hình mà hữu hình. Trừu tượng mà cụ thể. Xuân là thơ, là nhạc; thơ và nhạc ẩn vào Xuân. Thật kỳ diệu. Xuân thêm sức sống cho cuộc đời, thơ và nhạc làm cho người ta thêm yêu cuộc sống. Một năm có bốn mùa. Bốn mùa nối kết thành một năm. Năm như một bản giao hưởng được liên kết bằng bốn phần khác nhau – Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa đều quan trọng đối với năm. Mỗi đoạn nhạc đều quan trọng trong một bản giao hưởng. Tất cả phải hài hòa với nhau.

Cuộc đời chúng ta cũng là một bản giao hưởng với nhiều “đoạn” mang các “màu sắc” khác nhau: Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Chúng ta gọi đó là “thất tình” của con người, phức tạp nhưng cần thiết và thú vị.

William E. (“Bill”) Vaughn (1915-1977, tác giả Hoa Kỳ) tinh tế nhận xét: “Người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa, người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua” (An optimist stays up until midnight to see the new year in, a pessimist stays up to make sure the old year leaves). Hai người cùng thức, cùng tỉnh táo giữa khoảng nửa đêm. Thời gian như nhau nhưng mục đích khác nhau, người thì vui đón giao thừa, người thì ngậm ngùi biết năm cũ đã qua. Đầy tính triết lý sống!

Có nhiều dạng khổ, nhưng đơn giản và cụ thể nhất là nghèo vật chất. Người khổ chưa chắc nghèo, nhưng người nghèo chắc chắn khổ. Việt ngữ thật độc đáo khi ghép đôi hai trạng thái này: Nghèo Khổ. Người ta nói: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, Giàu nghèo ba mươi tết mới hay”. Người ta cũng nói: “Có, không – mùa Đông mới biết; Giàu, nghèo – ba mươi Tết mới hay”. Nói chung, ngày ba mươi sẽ biết ai nghèo thật.

Tại sao? Người ta nói “chợ ba mươi tết là chợ nhà nghèo”. Ngày này, người bán muốn bán hết hàng để về nhà, họ có thể bán rẻ, nếu không thì chỉ có nước đổ đi. Và người nghèo chỉ chờ ngày này để mua, ít nhiều gì cũng gọi là có Tết, chứ lòng buồn lắm thôi. Thương lắm! Thảo nào Chúa Giêsu đi đâu cũng thấy “chạnh lòng thương” người ta. Chắc hẳn người nghèo nhiều lắm, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Người nghèo lúc nào cũng có” (Mt 26:11).

Chẳng ai muốn nghèo, chẳng ai thích nghèo, nhưng lực bất tòng tâm, cố gắng mãi mà chẳng thấy đâu. Vì muốn tránh xa cái nghèo nên người ta mơ ước: “Chiều Ba Mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp Thằng Bần ra cửa; Sáng Mồng Một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng Ông Phú vào nhà”. Mong lắm, muốn lắm, khát khao lắm, nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước. Trâu trắng đi đến đâu mất mùa đến đó. Cây khô tưới nước cũng khô, người nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo. Thê thảm thật, te tua thật, tơi tả thật, tê tái thật!

Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Tết đến, nhà giàu vui mừng. Xuân về, nhà nghèo lo sợ. Có người đến gần giờ giao thừa mà vẫn chưa được nghỉ ngơi. Có người tha phương cầu thực cả năm ròng rã, thế mà không đủ tiền về quê ăn Tết với ông bà, cha mẹ, người thân,... Không chỉ buồn mà còn đau lòng lắm, tủi phận lắm. Có lẽ ngày Tết của họ đẫm đầy nước mắt mặn chát bờ môi!

Thế nhưng vẫn có những cô chiêu, cậu ấm vung tay quá trán, tiền xài hơn công tử Bạc Liêu, mỗi đêm đi ăn chơi tốn cả ngàn Mỹ kim (USD). Họ không cần biết gì khác, ai khổ mặc ai. Tiền đó không phải của họ, mà của cha mẹ họ. Chắc chắn đó là những đồng tiền “bẩn”. Tiền “mồ hôi, nước mắt” không ai dám phung phí, mà cũng chẳng nhiều mà ung dung tự tại. Việt Nam còn nghèo mà còn chơi nổi như vậy, nói chi ngoại quốc. Chẳng hạn, các chàng trai Hàn quốc chi tới 885 triệu USD để tu sửa sắc đẹp mỗi năm. Nam giới còn vậy, huống chi nữ giới!

Người nghèo ở miền quê mà nghèo đã đành, ngay cả ở thành phố hoa lệ cũng đầy những người nghèo, thậm chí có những người còn nghèo hơn người ở miền quê. Tục ngữ nói thay họ: “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”. Đúng vậy. Lo lắm. Không chỉ lo mà còn sợ. Vì nghèo mà lo sợ. Lo không có tiền sắm đồ tết cho con cái. Mình thì cũng đành cam chịu số kiếp lận đận, hẩm hiu, trách mình chứ biết kêu ai! Còn người giàu chẳng lo chi mấy thứ “linh tinh” như vậy, con cái thích gì được nấy. Chúng xin tiền trăm, cho ngay bạc triệu. Ôi dào, “chuyện nhỏ” mà! Chỉ thương con nhà nghèo, xin cha mẹ vài ngàn cũng không có!

Cũng một đời, thế mà có người sướng từ trong trứng nước, kẻ thì khổ từ đời nọ đến đời kia. Nợ bao vây, khổ bao la. Có lẽ câu “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” chỉ là để an ủi người nghèo thôi! Tết càng gần, lo càng cao. Xuân về với bao người mà Tết chẳng đến với họ. Én bay, bướm lượn, mai nở vàng ươm, mà sao lòng họ chưa giao thừa? Ca dao đã thay lời muốn nói cho người nghèo:
Bây giờ tư Tết đến nơi
Tiền thì không có sao nguôi tấm lòng
Nghĩ mình vất vả long đong
Xa nghe lại thấy Quảng Đông kéo còi
Về nhà công nợ nó đòi
Mà lòng bối rối đứng ngồi không yên

Thật trớ trêu thay! Thương lắm! Tội nghiệp quá! Tiền không có mà tiếng còi của gánh hát Quảng Đông lại cứ inh ỏi quyến rũ, thúc giục. Nghe mà lại não lòng chứ nào có vui gì đâu. Về nhà thì nợ đòi. Mà nợ đòi thì “căng” lắm.

Như một “thông lệ”, các chủ nợ thường giằng co hối thúc con nợ vào những ngày cuối năm, cố đòi cho được số tiền đã cho vay, dù cho đối với họ, tiền không thiếu, có đòi được tiền thì cũng để đấy thôi. Người ta cho rằng nếu không đòi được tiền trước giao thừa, ngày hôm sau món nợ hóa ra nợ cũ, ngày mồng Một và những ngày tiếp theo, người ta không dám đòi nợ, vì chủ nợ kiêng cữ, sợ bị “giông”. Người nghèo khổ trăm đường, khổ vì thiếu thốn vừa khổ tâm. Kẻ mắc nợ khổ thật. Nghèo cứ chồng lên nghèo, khổ lại chất lên khổ!
Ngày Xuân gói kín nỗi niềm
Nụ cô đơn nở êm đềm như Mai
Cuộc đời hóa kiếp đọa đày
Xuân thắm nơi này, Tết ở nơi đâu?

Hỏi chi mà hóc búa vậy, làm sao người nghèo trả lời? Có lẽ câu trả lời của họ là những giọt nước mắt mặn lắm! Người ơi, xin hãy cố gắng tịnh tâm dù lòng rất động, Thiên Chúa sẽ bù đắp. Cái khổ hôm nay sẽ là tấm visa cho người vào Nước Trời, chắc chắn cái khổ có giá trị lắm: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:3 và 5).

Cố gắng thanh thản vui Xuân, mừng Tết. Rồi đâu lại vào đấy. Gọi là “ăn tết” nhưng ăn cũng chừng đó thôi, như mọi ngày, ăn thêm nhiều có được đâu, vì ăn nhiều lại đầy bụng, sinh bệnh. Người ta “ăn tết” bằng những miếng thịt béo, những miếng bánh ngon, những hạt dưa, hạt sen,… và những sơn hào hải vị mắc tiền. Cảm tạ Chúa đã cho họ được tận hưởng những ngày Xuân đậm đà. Còn người nghèo, tốt nhất là “ăn tết” bằng những hạt kinh, Lời Chúa và Thánh Thể.

Ca dao nói: “Nghèo nhân, nghèo nghĩa thì lo; nghèo tiền, nghèo bạc, chẳng lo là nghèo”. Nghèo vật chất nhưng giàu tâm linh, thế không hơn sao? Thôi, người đừng buồn nữa nhé! Chúa Giêsu vẫn đang cười với người và cùng ăn tết với người đấy: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Xuân về, Tết đến, đặc biệt là Mùa Chay, chúng ta cùng tâm niệm:
Tăng đức, tăng ân, tăng thánh thiện
Đượm tình, đượm nghĩa, đượm hy sinh

Lạy Chúa Xuân vĩnh tồn, xin ban phúc lành cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ – vật chất hoặc tinh thần, xin cho họ cũng được hưởng trọn mùa Xuân trong tình yêu bao la của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét