Biến Đổi
(Chúa Nhật II Chay,
năm C)
(15-
02-2016-TRẦM THIÊN THU)
Theo thời gian, hầu như mọi thứ đều biến
đổi.Người trẻ hóa già,
người đẹp hóa xấu, hoa tươi hóa héo, lá xanh hóa vàng,… Đá tưởng chừng vẫn trơ
trơ cùng tuế nguyệt, nhưng không thể, vì đá cũng bị xói mòn theo thời gian.
Ngay cả tình cảm của con người cũng có thể bị biến đổi:“Xa mặt, cách lòng”.
Biến đổi có thể xuôi hay ngược, tiêu cực hay tích cực. Khi nói
biến đổi, người ta muốn nói đến chiều hướng tích cực, tốt hơn. Cuộc sống có
nhiều thứ cần biến đổi, nên Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Anh em hãy nên
hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
Mùa Chay là cơ hội tốt để biến đổi, là hành trình hoàn thiện, là
“mùa lột xác”, từ tội nhân thành thánh nhân. Ai cũng là tội nhân, vì thế ai
cũng phải biến đổi theo mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Các ngươi PHẢI
nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv
11:44; Lv 19:2; Lv 20:7).
Lột xác là quá trình cần thiết để thay da đổi thịt, nhưng phải
chịu đau đớn. Về thể lý, người ta muốn duy trì vẻ đẹp nên làm mọi cách để trì
hoãn sự lão hóa, sẵn sàng chịu tốn nhiều tiền để “được” mổ xẻ, bơm, căng, hút, cắt,... nhưng cũng chỉ được một thời
gian, không thể vĩnh viễn. Thế mà người ta chấp nhận tất cả. Còn về tinh thần,
chẳng lẽ chúng ta lại không muốn tốt đẹp hơn?
Trình thuật St 15:5-12. 17-18 cho chúng ta biết về cuộc gặp gỡ
giữa Thiên Chúa với ông Áp-ram và lời hứa của Ngài dành cho ông.
Một hôm, Thiên Chúa đưa ông Áp-ram ra ngoài và phán: “Hãy
ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”. Người lại
phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”. Ông tin Đức Chúa, và vì thế,
Đức Chúa kể ông là người công chính. Đức tin vô cùng quan trọng, đức tin làm
cho phàm nhân xấu xa trở nên công chính. Liên quan đức tin, Chúa Giêsu đã thêm
một mối phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”
(Ga 20:19).
Thiên Chúa nói với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa
ngươi ra khỏi thành Ua của người Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu”.
Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở
hữu?”. Người phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi,
một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu
non”. Cuộc đối thoại rất đơn giản và tự nhiên, không có gì cầu kỳ. Điều đó
cho thấy Thiên Chúa rất thân thiện với con người, và con người cũng rất chân
thành. Thật vậy, “nhân chi sơ tính bổn
thiện” mà.
Sau đó, ông Áp-ram kiếm cho Người tất cả những con vật ấy, xẻ
đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ. Mãnh
cầm sà xuống trên các con vật bị giết, nhưng ông Áp-ram đuổi chúng đi. Lúc mặt
trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram; một nỗi kinh hoàng,
một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên ông.
Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi
ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm
đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Áp-ram như sau: “Ta ban cho dòng dõi
ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát”. Nhân loại
bất xứng mà vẫn được Thiên Chúa yêu thương quá đỗi, được ký kết với Thiên Chúa.
Lòng thương xót của Thiên Chúa vô cùng kỳ diệu, phàm nhân không thể nào hiểu
hết.
Và rồi Thiên Chúa đã thay tên đổi họ cho ông Áp-ram, nghĩa là
ông hoàn toàn trở nên một con người mới: “Người ta sẽ không còn gọi tên
ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân
tộc” (St 17:5). Một sự biến đổi lạ lùng. Thiên Chúa cũng muốn mỗi chúng ta
phải thực sự biến đổi, từ con người CŨ trở thành con người MỚI, đặc biệt là
trong Mùa Chay Thánh này.
Có Thiên Chúa thì chúng ta sẽ khả dĩ biến đổi. Nhưng muốn có
Ngài thì chúng ta phải đón nhận Ngài, tức là phải tin Ngài. Cứ tín thác vào
Ngài thì Ngài sẽ hành động, Ngài sẽ soi đường dẫn lối, vì Ngài là Ánh Sáng Vĩnh
Cửu, điều này được tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chúa là nguồn ánh sáng
và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa? (Tv 27:1).
Đức tin cần được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện. Do đó, chúng ta
phải cầu nguyện liên lỉ, cầu xin Thiên Chúa phù trợ: “Lạy Chúa, cúi xin
Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. Nghĩ về Ngài, lòng con tự
nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng
ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ
con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con” (Tv
27:7-9). Thật vậy, giả sử Ngài chỉ vắng bóng trong tích tắc, chúng ta chết
ngắc, chết cả hồn và xác, chết không kịp ngáp!
Cuộc sống nhiêu khê, không ít lần chúng ta đã từng thất vọng về
chính mình, thậm chí có lúc như muốn buông xuôi tất cả, nhưng đừng để mình chết
trước khi tắt thở. Lời hứa của Thiên Chúa là thật, chắc chắn sẽ được Ngài thực
hiện. Hãy tự động viên và lấy lại niềm tin: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ
được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào
Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Tv 27:13-14). Tự giúp mình rồi trời
sẽ giúp. Và hãy ghi nhớ điều quan trọng này: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi
nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27:10).
Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Thưa anh em, xin hãy cùng
nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để
lại cho anh em. Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải
khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: chung
cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh
quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự
thế gian” (Pl 3:17-19). Những điều này có lẽ chẳng xa lạ gì, thế nhưng
người ta nghe tai này chạy qua tai kia, rồi bay theo gió. Cứ thế, người ta vẫn
tranh giành nhau mọi thứ, tranh chấp nhau bằng mọi giá. Và như thế là chưa biến
đổi, chưa biến đổi là đối lập với Thập Giá, vì Thập Giá là bí quyết “lột xác”.
Thánh Phaolô phân tích: “Còn chúng ta, quê hương chúng
ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu
chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến
đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của
Người” (Pl 3:20-21). Một cuộc biến đổi thú vị mà lại không dễ dàng chút
nào, tức là khó lắm, nhưng KHÓ không có nghĩa là KHÔNG làm được. Khó mà làm
được mới có giá trị.
Ổ khóa nào cũng có chìa khóa, khó khăn nào cũng có cách giải
quyết, quá trình biến đổi cũng có bí quyết. Thánh Phaolô cho chúng ta biết bí
quyết đó: “Hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng” (Pl 4:1).
Điều kiện theo Chúa là “từ
bỏ chính mình và vác thập giá” (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23). Hạnh
phúc nào cũng có ít nhiều đau khổ, niềm vui nào cũng có nỗi buồn, thành công
nào cũng phải khổ luyện, nước mắt càng mặn thì nụ cười càng rạng rỡ. Tabor chói
lọi thì cũng có Can-vê âm u. Đó là lẽ thường ở đời, là sự cân bằng hợp lý.
Trình thuật Lc 9:28-36 (Mt 17:1-8; Mc 9:2-8) nói về cuộc hiển
dung của Đức Giêsu. Các nhân chứng là ba môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và
Giacôbê.
Một hôm, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, có đem theo ba ông. Đang
lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng
tinh chói loà. Bỗng dưng có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và
ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người
sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng
khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng
bên Người.
Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người
rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba
cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Ông không
biết mình đang nói gì. Ông rất hạnh phúc, say sưa giữa không gian kỳ diệu,
không cảm nhận hết. Bản tính ông chất phác, thật thà, nghĩ sao nói vậy, ông
quên mình và chỉ nghĩ đến người khác.
Đó là vinh quang Nước Trời, Đức Giêsu cho ba ông được nếm thử để
động viên các ông làm nhân chứng về Ngài, và có trách nhiệm hướng dẫn người
khác biến đổi trên hành trình tâm linh.
Tuy nhiên, khi ông Phêrô còn đang nói, bỗng có một đám mây bao
phủ các ông. Tiếc quá! Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Thật
chứ không mơ, nhéo mặt thấy đau mà. Phàm nhân thích cái lạ, nhưng rồi lại hoảng
sợ trước sự lạ.
Đúng là lạ thật, vì họ nghe có tiếng nói vang từ đám mây: “Đây
là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”.
Tiếng phán vừa dứt thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Các môn đệ nín thinh,
và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều
mình đã thấy. Nhưng từ đó, các ông đã được biến đổi.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biến đổi tích cực để nên giống
Chúa, trút bỏ con người cũ để thành con người mới, thành khí cụ của bình an và
công lý, thành khí cụ của lòng thương xót. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét