Kiếp Bụi Tro
(Wed,
10/02/2016 - Trầm
Thiên Thu –thanhlinh.net)
Không chỉ
trong Mùa Chay, mà cả đời người Công giáo luôn phải ghi nhớ thực-tế-thật này: “Ngươi
là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3:19).
Tuy không
là Kitô hữu, nhưng NS Trịnh Công Sơn cũng chân nhận kiếp người chẳng là gì
trong ca khúc “Cát Bụi”, với lời lẽ
thế này: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn
dậy… Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát
bụi… Bao nhiêu năm làm kiếp con người chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá
úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày... Mặt trời nào soi sáng
tim tôi, để tình yêu xoay mòn thành đá cuội... Ôi cát bụi phận này, vết
mực nào xóa bỏ không hay”.
Ca từ da
diết trong giai điệu trầm lắng. Triết lý kiếp người là sự yếu đuối, mỏng dòn,
bất túc, bất trác,… vì kiếp người chỉ là cát bụi, là bụi tro, là bụi cát, là
bụi đất – không được là hạt cát hoặc hạt đất, mà chỉ là hạt bụi quá bé nhỏ!
Cũng với
nỗi niềm về thân phận con người, NS Lê Dinh đã trải tâm sự qua ca khúc “Trở về Cát Bụi” (*), ca từ rõ ràng hơn
và gần gũi với tư tưởng Công giáo: “Sống trên đời này, người giàu sang cũng
như người nghèo khó”. Tất cả những gì chúng ta sở hữu và tận
hưởng đều không do tài năng của mình, vì thế mà phải chân nhận tích cực: “Trời
đã ban cho, ta cám ơn trời, dù sống thương đau”. Tất cả đều là Hồng Ân
Thiên Chúa, Ngài CHO hay LẤY LẠI là quyền của Ngài, chúng ta không thể đòi hỏi,
vả lại rồi ai cũng “trắng tay” như
nhau: “Mai kia chết rồi, trở về cát bụi, giàu khó như nhau, nào ai biết
trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao”. Số phận mai sau là do mình
quyết định qua cách sống trên trần gian này: Được hưởng phúc trường sinh, hoặc
chịu án phạt đời đời.
NS Lê Dinh
có cách lý giải bình dân mà vẫn thâm thúy: “Này nhà lớn lầu vàng son, này
lợi danh, chức quyền cao sang, có nghĩa gì đâu, sao chắc bền lâu, như
nước trôi qua cầu”. Tất cả sẽ qua như “nước trôi qua cầu” mà không thể lấy
lại. Thế mà người ta vẫn vênh vang tự đắc khi sống ung dung hơn người khác,
nhưng Chúa Giêsu nói rõ: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là
của họ” (Mt 5:3). Vậy người giàu đừng vội “hãnh diện”, còn người nghèo đừng quá “tủi thân”. Thiên Chúa nói là
làm. Chắc chắn như vậy. Nhưng ngày nay chưa ai biết, quan trọng là kiếp sau!
Về vật
chất đã vậy, về tinh thần cũng thế. Tất cả đều giả dối: “Này lời hứa, này
thủy chung, này tình yêu, chót lưỡi đầu môi cũng thế mà thôi, sẽ mất
ngày mai như áng mây cuối trời”. Cái CÓ mà như KHÔNG, cái KHÔNG mà như CÓ.
Ngay cả lời hứa tưởng chừng “chắc chắn” mà cũng chỉ như “mây cuối trời”, mà mây thì luôn di động, thay đổi thất thường.
Người ta gọi là “hứa cuội”. Vui cười
chỉ trong thoáng chốc, nỗi buồn lo cứ đằng đẵng theo tháng ngày. Tiệc cưới một
ngày mà vui được bao nhiêu phút? Tết cả ba ngày mà vui được bao lâu? Thực tế
phũ phàng đó có giúp chúng ta cảm nghiệm được gì về tâm linh chăng? Ý Chúa muốn
gì qua các biến cố cuộc đời – dù lớn hay nhỏ?
NS Lê Dinh
nói về cuộc đời và nhắc nhở mọi người, nhất là với người giàu: “Sống trên
đời này tựa phù du có đây lại rồi mất, cuộc sống mong manh, xin nhắc ai
đừng đổi trắng thay đen. Nào người sang giàu, đừng vì tham tiền, bỏ nghĩa
anh em. Người ơi, xin nhớ cát bụi là ta, mai này chóng phai”. Thánh Gióp đã
từng nhận thức rất rõ: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó
cũng trần truồng” (G 1:20). Thế nên, dù mất tất cả và bản thân cũng bệnh
tật đau đớn, ngài vẫn không than trách và vẫn tạ ơn Chúa. Một tấm
gương sáng ngời để chúng ta cố gắng noi theo!
Lời nhắc
nhở đó được lặp đi lặp lại ở phần kết (coda), cũng là lời xoáy sâu vào tâm khảm
của mỗi chúng ta: “Người nhớ cho ta là cát bụi, trở về cát bụi, xin người
nhớ cho!”. Nốt kết không ở chủ âm mà ở át âm, cứ lơ lửng, cứ ngân vang, như
lời nhắc nhở không ngừng và mỗi người phải suy nghĩ đêm ngày, nhất là trong Mùa
Chay này…
Kinh thánh
đã so sánh rất cụ thể: “Con tim của anh là tro bụi, hy vọng của anh hèn
hơn đất, cuộc đời của anh tệ hơn bùn” (Kn 15:10). Quả thật, thân
phận con người chẳng là gì cả. Vì thế, hãy bắt chước Thánh Phaolô: “Nếu phải
tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11:30).
Đã bao lần
chúng ta chứng kiến những người thân nhất của mình “ra đi”, dù y học có tân tiến đến đâu và các thầy thuốc có cố gắng
hết sức thì cũng vẫn đành “bó tay”
trước lưỡi hái của Tử Thần. Họ nhắm mắt và xuôi tay, một đi không hẹn trở lại,
và đã bao lần chúng ta tiễn đưa người khác ra nghĩa trang. Đất lấp đầy huyệt là
xong một kiếp người! Chúng ta suy nghĩ điều gì?
Lá cứ
rụng, dù xanh hay vàng. Nhưng với người Công giáo, chết không là hết, mà chỉ là
biến đổi (1 Cr 15:51), vì “chính lúc chết
đi là khi vui sống muôn đời”
(Thánh Phanxicô Assisi). Chúng ta tin sẽ được sống lại trong ngày sau hết, đó
là niềm tin chắc chắn, không mơ hồ hoặc ảo tưởng, thế nên chúng ta vẫn dâng lời
cảm tạ: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118; Tv 136).
Lạy
Chúa, xin thương xót những tội nhân chúng con, xin giúp chúng con can đảm chết
với Con Chúa để có thể được đồng phục sinh vinh quang. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người cứu độ chúng con, hiệp nhất với
Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
(*) Trầm
tư với “Trở Về Cát Bụi” :
https://www.youtube.com/watch?v=04JjB9ZmyfE
https://www.youtube.com/watch?v=IGb8VIjMVTw
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét