Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Feb 28, 2016 - Chúa nhật thứ III Mùa Chay năm C



Feb 28, 2016 - Chúa nhật thứ III Mùa Chay năm C
Tất cả mọi người đều là tội nhân
 






 Các Bạn thân mến,

Nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi của mình và ai cũng biết như vậy. Nhưng mọi người đang sống trong lòng Giáo hội nên biết khiêm nhường thú nhận tội lỗi để được hưởng nhờ lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa trong mùa Chay này, và đặc biệt trong năm Thánh lòng thương xót Chúa.
Cũng như trước những tai ương hoạn nạn xảy ra, nhiều người Việt Nam thường có thói quen bịt tai ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí đôi lúc còn lên tiếng kết án những nạn nhân, chính là những kẻ tội lỗi. Họ lợi dụng luật nhân quả để cắt nghĩa theo ý họ hầu kết án người khác. Mà quên rằng mỗi người phải tự biết nhận ra thánh ý Chúa qua những biến cố xảy đến trong cuộc sống, để rồi vâng theo với tất cả lòng yêu mến chân thành.

Rồi trước những sai lỗi của bản thân, mỗi người chúng ta cũng cần biết can đảm nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi.
 Còn trước những sai lỗi của người khác, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta biết khoan dung và tha thứ.

Đó là nội dung Tin Mừng Thánh Luca chúa nhật thứ III Mùa Chay với những nội dung lớn:

1.     Cơ hội để ăn năn: 
-    Tín hữu chúng ta biết rõ rằng sám hối ăn năn là:
             .  Xét mình để nhận ra những điều sai phạm với Thiên Chúa, với con người.

              .  Rồi hối tiếc, thật lòng ăn năn xin tha lỗi.

              .  Chân thành nhận ơn tha tội.
              .  Và quyết tâm sửa sai, chừa cải, đền bù... 
-    Phải luôn sám hối để đời sống càng ngày càng trở nên trong sạch tốt lành, sinh hoa kết quả. Uốn nắn suy nghĩ và hành động cho đúng với thánh ý Thiên Chúa, xứng đáng lãnh nhận ích lợi thiêng liêng.  
-    Nhưng nhiều khi chúng ta cố tình hay mu mơ không nhận ra lỗi lầm mình làm, tội lỗi mình phạm. Nên thường hay đổ lỗi, chạy tội cách này cách khác. 
-    Dân Do Thái ngày xưa cũng như nhiều dân tộc chậm tiến khác, trong đó có Việt Nam chúng ta, còn hay rơi vào ngụy biện thường tình nhưng độc ác, cay nghiệt… là nghiêm khắc liên kết tội lỗi với đau khổ, cho rằng bất hạnh nào cũng co nguyên nhân, mà nguyên nhân phổ biến nhất là chứng tỏ người ấy hay cha mẹ họ đã phạm tội. 
-    Vì họ quan niệm "ác gỉa ác báo", và “luật nhân quả”…
-    Nhưng Đức Giesu nêu rõ ràng người nào tạm thời chưa bị đau đớn, bất hạnh là dấu hiệu ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa.

-    Tất cả những kẻ không ăn năn chắc chắn sẽ phải chịu đau đớn và xứng đáng bị sự đau đớn ấy.

-    Và nếu sự phán xét chưa đến với ai thì là sự trì hoãn, là cơ hội ân điển cho người đó ăn năn, chứ không phải bản thân họ xứng đáng được như thế.

-    Đức Giesu nhấn mạnh chân lý ấy bằng cách nói về tai nạn thảm khốc do tháp Siloe đổ xuống đè chết mười tám người, cũng như những người Galile bị tổng trấn Philato giết khi họ đang dâng lễ vật, không phải vì họ đã phạm trọng tội, mà như lời cảnh cáo kẻ khác, nếu không ăn năn thì cũng phải chịu số phận như thế.

-    Còn những người vẫn bình an vô sự, thì đừng tưởng rằng mình vô tội, mà tự hào cho rằng mình thánh thiện.

-    Ngài muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân, đều bị Thiên Chúa phán xét, đều đáng chịu án phạt, nên cần phải ăn năn sám hối, để tránh hình phạt của Thiên Chúa.

-    Như những thánh nhân là những người chịu đau khổ nhiều hơn hết, không phải các vị ấy đã ăn ở độc ác, mà đấy là cơ hội để các vị sám hối ăn năn đền tội, lập công. Và để các việc của Thiên Chúa tỏ hiện nơi họ.-    Vấn đề thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể nói rằng đau khổ cá nhân và tội lỗi phải theo nhau. Nhưng có thể nói rằng tội lỗi và đau khổ có liên quan với nhau khi chúng ta chọn con đường xấu để đi thì cuối cùng sẽ bị khổ thôi.

-    Bởi cá nhân không phải là một đơn vị lẻ loi, mà cuộc sống được liên kết vào trong một khối của cuộc đời. Nên thường cá nhân bị chìm dần trong hoàn cảnh mà mình không tạo ra, nên đau khổ của cá nhân không hẳn là lỗi của cá nhân.

-    Ngài lại nhấn mạnh lời kêu gọi ăn năn bằng hình ảnh cây vả không sinh trái, tượng trưng cho linh hồn không ăn năn.

-    Ngay cả những người nghe lời Ngài mà không ăn năn thì họ cũng sẽ bị tiêu diệt.

-    Và nếu cứ tiếp tục tìm kiếm một vương quốc trần gian và chối bỏ Nước Thiên Chúa thì sẽ chỉ đi đến chỗ tiêu diệt mà thôi.
-    Lời kêu gọi ăn năn sám hối không chỉ nhằm vào người có tội, mà nhằm đến hết mọi người, không trừ một ai.

-    Nên những người tốt vẫn phải ăn năn vì họ vẫn phải sám hối bởi những việc tốt lẽ ra họ có thể làm mà lại không làm.

-    Như cây vả, ông chủ muốn chặt bỏ đi không phải vì nó đã sinh trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như nó phải sinh ra.

-    Nên sám hối không chỉ kêu gọi chúng ta không làm những điều xấu nữa, mà còn kêu gọi chúng ta hãy sinh hoa trái bằng những việc làm tốt lành phù hợp. 
-    Tính cấp bách phải sám hối ăn năn được Đức Giesu nói rõ trong dụ ngôn cây vả này.
-   Vậy đừng chần chừ, chúng ta hãy mau mắn nghe lời Ngài. Phải sinh hoa kết trái là lòng trung thành với lề luật, sống công chính, phụng thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.
2.  Cuộc sống phải có ích lợi:
      a) Được ưu tiên: 
-   Dụ ngôn cây vả cho thấy cây được trồng nơi đất tốt hơn các cây khác, được chăm sóc, tưới bón đều đặn, nghĩa là nó được nhiều đặc ân, nhưng lại không sinh được trái nào để xứng đáng với những đặc ân ấy.
-   Đức Giesu đã nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người sẽ bi đóan xét tùy theo những cơ hội may mắn họ đã có: người nhận mười nén vàng chủ trao, sẽ phải sinh lời thêm mười nén nữa; người nhận hai nén cũng phải sinh lời thêm hai nén...

-   Điều này thì có lẽ thế hệ chúng ta bị đóan xét nhiều nhất bởi chúng ta được hưởng nhiều đặc ân nhất, được thừa kế nhiều di sản quí giá nhất, cả về đạo đức, tinh thần và vật chất. Nên chúng ta mang nặng trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa hơn tất cả các thế hệ trước.

         b) Thảm họa:

-   Dụ ngôn cây vả còn dạy rằng một đời sống vô ích chắc chắn sẽ đưa tới thảm họa.

-   Thế giới luôn phải đi trên con đường tiến hóa, tất cả các cuộc tiến hóa đều nhằm sản sinh những gì có ích lợi, vì thế điều gì có ích sẽ được tiếp tục tiến hóa, còn điều gì vô ích sẽ bị tiêu diệt.

-    Vì thế chúng ta cần hỏi mình:" Chúng ta sống trên đời này để làm gì?"

        c) Tồn tại:

-   Cũng vì vậy mà những gì chỉ biết tiêu thụ thôi thì không thể tồn tại.

-   Như cây vả, hằng ngày nó rút sức lực của đất, tiêu thụ mầu mỡ mà chẳng sản sinh gì. Đó chính là tội của nó.

-   Con người cũng thế, có hai loại: người cầu nhiều hơn cung và ngược lại, người cung nhiều hơn cầu.

-    Dù thế nào, nhiều hay ít, chúng ta cũng là những người mắc nợ cuộc sống.

-    Ngay từ lúc chào đời, chúng ta đã là mối nguy hiểm cho bà mẹ; rồi được mọi người yêu thương chăm sóc nuôi dưỡng, dạy bảo biết bao điều kỳ diệu do công lao các thế hệ trước khắp thế giới đã hăng hái, gắng sức cặm cụi làm việc rồi truyền lại như một di sản cho chúng ta hưởng.

-    Chúng ta được tiếp nhận, thừa hưởng, nên có trách nhiệm tôn trọng, giữ gìn, tăng trưởng thêm, phải làm cho mọi sự trở nên tốt hơn lúc chúng ta mới tiếp cận để trung thành truyền lại cho con cháu mình.

-    Nghĩa là chúng ta cần cố gắng mang vào đời sống ít ra cũng phải bằng phần chúng ta lấy đi.

-    Có như thế chúng ta mới trở thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta cùng chung sức đóng góp.

      d) Cơ may thứ hai:

-    Dụ ngôn này còn dạy chúng ta về phúc ân của cơ may thứ hai: theo kinh nghiệm trồng trọt thì một cây vả thường ba năm mới trưởng thành, nếu lúc đó nó không sinh trái, thì sẽ không bao giờ nó sinh được trái mữa.  

-    Nhưng cây vả này được ban cho một cơ hội nữa, một thời gian nữa, là cơ hội thứ hai, cơ hội cuối cùng để nó cố gắng sinh trái.

-    Đức Giesu cũng ban cho chúng ta hết cơ may này đến cơ hội khác. Ngài vô cùng nhân từ với những ai sa ngã mà biết chỗi dạy.

-   Vì nhân từ, vì kiên nhẫn, Ngài đã ban cho chúng ta nhiều cơ hội, thì chúng ta cũng phải ban cho anh em nhiều cơ hội như vậy để họ có thể sửa đổi.
-    Tuy nhiên nều mọi người từ chối hết cơ hội này đến cơ hội khác, tiếng kêu gọi của Thiên Chúa cứ trở đi trở lại cách vô ích, thì một ngày nào đấy, cơ may thứ hai cũng sẽ không còn.

-   Vậy chúng ta hãy tận dụng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để sớm lo sám hối ăn năn trở về với Ngài.

Lạy Chúa, chúng con có lỗi rất nhiều với chính mình, trong tương quan với tha nhân: hồ đồ suy đóan về người khác, vội vàng kết tội anh em...trong khi chính chúng con chưa sám hối, còn làm nô lệ tiền bạc, của cải, tiện nghi, danh vọng; còn cho rằng đau khổ thử thách là một sự trừng phạt. Ngược với giáo lý của Ngài đòi buộc cả những điều tích cực, phải làm điều tốt lành, phải giúp đỡ tha nhân, phải yêu thương người nghèo khổ. 

Xin cho chúng con luôn ý thức rằng cuộc sống trần gian của chúng con chỉ là một thời gian được gia hạn thêm, nên phải tận dụng thời gian này để làm việc tốt, để sám hối, ăn năn, mới hy vọng được cứu chuộc. Vì Đức Giesu Kito, Chúa chúng con. Amen,

 Than men,

duyenky
 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét