Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Bạn không cần phải thích một vị giáo hoàng




Bạn  không  cần  phải  thích  một  vị  giáo  hoàng
(Fri, 29/01/2016 - Vũ Văn An )



Bạn không cần phải thích một vị giáo hoàng. Bạn không cần phải thích cách ngài nói chuyện với các ký giả, cách ngài nói chuyện với người ta nơi công cộng, hay loại giầy ngài mang. Thậm chí, bạn cũng không cần phải thích cung cách ngài tiếp cận với một số chủ đề. Nhưng bạn cần tôn kính thẩm quyền giảng dậy của chức vụ ngài khi ngài thừa hành thẩm quyền này một cách chính thức.

Khi đưa ra nhận định trên, tôi chỉ lặp lại điều Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong Ad Tuendam Fidem, một văn kiện được soạn thảo với ý định minh nhiên là “bảo vệ đức tin (ad tuendam fidem) của Giáo Hội Công Giáo chống lại các sai lạc phát sinh từ một số thành viên tín hữu Kitô Giáo vốn coi “ việc phải thêm vào các bản văn hiện thời của Bộ Giáo Luật… các qui định mới nhằm minh nhiên đặt để nghĩa vụ phải tuân giữ các sự thật do Huấn Quyền của Giáo Hội đề ra một cách định tín là một điều tuyệt đối cần thiết”.

Do đó, trong Lời Tuyên Xưng Đức Tin của Giáo Hội, ta thấy câu quả quyết sau đây: “Hơn nữa, trí lòng tôi suy phục các giáo huấn hoặc do Giám Mục Rôma hoặc do Giám Mục Đoàn tuyên bố khi các ngài thi hành Huấn Quyền chân chính của các ngài, dù các ngài không có ý định tuyên bố các giáo huấn này bằng một hành vi định tín”. Thực vậy, theo Lumen Gentium, sự suy phục trí lòng có tính tôn giáo này “phải được biểu lộ cách nào đó để huấn quyền tối cao [của Đức Thánh Cha] được nhìn nhận một cách tôn kính, và các phán kết của ngài được thành thực tuân giữ, theo tâm trí và ý muốn rõ ràng của ngài… [một tâm trí và ý muốn] ta có thể biết được hoặc do đặc điểm của các văn kiện, do việc ngài hay lặp đi lặp lại cùng một tín lý, hoặc do cung cách ngài lên tiếng”.

Người Công Giáo nào thất vọng với một vị giáo hoàng, người đó chính là một người Công Giáo đáng thất vọng. Tình thế này là một tình thế khá thông thường trong lịch sử Giáo Hội. Nhưng người Công Giáo nào tưởng rằng mình tham dự trọn vẹn vào đặc sủng huấn quyền do Chúa Thánh Thần ban cho vị giáo hoàng hơn chính vị giáo hoàng, và quyết định rằng mình có thẩm quyền ấn định ra các tiêu chuẩn thiêng liêng để xét đoán giáo huấn chính thức của ngôi vị giáo hoàng, người đó đã phạm cùng một sai lầm như Martin Luther xưa. Đây là sai lầm mà nhiều nhà thần học cấp tiến ngày nay đang phạm phải. Họ tự biến họ thành thẩm quyền, thành đá thử, thành tiêu chuẩn; và họ nhấn mạnh: vị giáo hoàng, bất kể là người như thế nào, phải tự buộc mình thuận theo những gì họ nghĩ, nếu không sẽ bị khạc ra như người ta khạc một thứ trái cây hư thối. Con đường điên loạn và chia rẽ là thế.

Bạn lượm lặt mọi mẩu khôn ngoan có thể lượm lặt được từ các giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Có thể nói, bạn “dựa vào” nó. Bạn để nó lắng đọng, thách thức bạn. Nhất là khi nó nhắc lại một điều dạy dỗ nào đó của những vị giáo hoàng mà sự thánh thiện cũng như khôn ngoan không ai dám đặt nghi vấn.

Và nói một cách hoàn toàn thành thực, nếu bạn có bất cứ sự bất đồng nào với giáo huấn trên, bạn nên sẵn sàng đưa ra những luận điểm nghiêm túc để chống lại thay vì chỉ thỏa thích đưa ra các phát biểu không thích hay thất vọng như trẻ nít mà thôi. Tưởng không cần phải nói thêm rằng cố tình lựa lọc trích dẫn các “bản văn chứng cớ” nhưng trệch hẳn ra ngoài ngữ cảnh trong đó, các vị giáo hoàng xử lý với các vấn đề đã xẩy ra cách nay hàng nhiều thế kỷ nhằm thuyết phục người công giáo ngày nay rằng họ là thành phần của một giáo hội thối nát thì cũng chẳng thuyết phục được ai hơn những người Thệ Phản lựa lọc trích dẫn các “bản văn chứng cớ” trong Thánh Kinh nhưng trệch hẳn ra ngoài ngữ cảnh để thuyết phục người Công Giáo như một toàn thể rằng họ thuộc một giáo hội thối nát.

Thực thế, các tương tự giữa chủ nghĩa Thệ Phản và nhiều hình thức “duy truyền thống” phản giáo hoàng hiện nay đang rõ rệt hơn người ta tưởng. Điều quan trọng cần nhớ là Luther vốn không có ý định thành lập một giáo hội “Thệ Phản”; đúng hơn, ông nghĩ về mình như một người bảo thủ muốn cải tổ Giáo Hội đích thực, một Giáo Hội đã lạc đường bằng cách thêm thắt những điều sai lạc vào truyền thống chân chính.

Cũng thế, nhiều người tự xưng là “duy truyền thống” đang tự coi họ là người gìn giữ truyền thống Công Giáo chân chính đã bị đánh mất đâu đó trên đường, cho dù rất nhiều người “duy truyền thống” này chỉ nhìn trở lui một thời kỳ nào đó trong lịch sử Giáo Hội (thường là mới gần đây thôi) hay một văn kiện đặc biệt nào đó như tiêu chuẩn duy nhất xác định ra “truyền thống”, hệt như Luther đã chỉ nhìn trở lui một giáo hội “trong trắng” mà ông tưởng là đã hiện hữu trong các năm đầu tiên sau khi Chúa Giêsu qua đời, mà thực ra không phải như thế, cũng như chỉ nhìn lui các thư của Thánh Phaolô, theo cái hiểu của chính ông.

Nếu bạn là một “người bảo thủ” muốn đặt việc là một người bảo thủ theo kiểu Mỹ lên trên việc là một người Công Giáo, thì đây là quyền của bạn. Nhưng như thế, bạn không thể trách cứ một người cấp tiến muốn đặt việc là người cấp tiến theo kiểu Mỹ lên trên việc là người Công Giáo. Nếu bạn là người Công Giáo, thì bạn hãy là người Công Giáo đi. Và người Công Giáo có một truyền thống,  đó là truyền thống tông đồ, truyền thống huấn quyền. Giáo Hội không phải là một câu lạc bộ dành cho các hội viên mà thôi, một giáo phái, hay một đảng chính trị.

Vì những lý do trên và nhiều lý do khác, bạn không nên để mình khó chịu đối với phong thái bản thân của bất cứ vị giáo hoàng đặc thù nào, cho dù ngài làm những điều bạn và tôi cho là khờ dại, làm bạn quên khuấy cả giáo huấn chính thức của triều giáo hoàng này hay bất cứ triều giáo hoàng nào khác. Bạn không luôn có được vị giáo hoàng bạn thích. Đôi lúc, bạn được một ông ngư phủ khờ dại ba lần chối không biết Chúa Kitô khi Người cần ông hơn hết. Chúng ta không tin vào con người ông, bất kể ông khôn ngoan và thánh thiện bao nhiêu. Đức tin của chúng ta là lời Chúa Kitô hứa sẽ ở với Giáo Hội của Người cho tới tận cùng thời gian và sẽ gửi Thần Trí của Người đến để hướng dẫn Giáo Hội.

Nếu bạn cảm thấy trong Giáo Hội có những vấn đề, thì bạn nên ăn chay và cầu nguyện. Bạn sẽ gia tăng gấp đôi các cố gắng để sống thực ơn gọi nên thánh của mình. Nhưng nếu bạn nghĩ bạn sẽ giúp Giáo Hội bằng những đồ đoán khôn nguôi về nền chính trị của Vatican hay than thở không ngừng về các nhân vật này nọ của giáo triều, bạn đã để tinh thần chia rẽ xâm chiếm nơi đáng lý ra là của tinh thần hợp nhất và bác ái.

Ta hãy để Chúa Thánh Thần dẫn Con Thuyền Giáo Hội qua các sóng gió hiện nay. Ta có một việc làm được sắp xếp riêng để ta cầy sới vườn nho ngay trong vườn sau của mình.

Trên đây là bài viết của Randall Smith, đăng trên tạp chí The Catholic Thing. Tác giả này là Giáo Sư Thần Học tại Đại Học Thánh Tôma ở Houston, Texas. Rất có thể khi viết bài này, tác giả nghĩ tới Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng về Gia Đình mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ công bố vào tháng Ba này, một tông huấn rất có thể làm ngỡ ngàng nhiều người. Nhưng như một tông huấn, một hình thức chính thức của Huấn Quyền, nó cần được suy phục trong trí lòng.

 Vũ Văn An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét