Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Công Lao và Trách Nhiệm



Công  Lao  và  Trách  Nhiệm
(Mồng 3 Tết – Thánh Hóa Công Việc)



Mồng Ba Tết, ngày thánh hóa công ăn việc làm. Năm nay lại là Thứ Tư Lễ Tro, ngày khởi đầu Mùa Chay. Cầu xin cho công việc phần xác được tốt đẹp thì chúng ta cũng cần cầu xin cho công việc tâm linh được tốt lành hợp Tháy Ý Chúa.
Công lao và trách nhiệm không thể tách rời. Phần thưởng và bổn phận luôn có mối liên quan lẫn nhau. Có công mới được thưởng, được thưởng vì có trách nhiệm, biết làm tròn bổn phận.
Mồng Ba Tết là ngày cầu mùa, vì Việt Nam là nước nông nghiệp, cần thời tiết tốt, cần mưa thuận gió hòa. Ngày nay, Việt Nam đã công ngiệp hóa, nhân dân làm nhiều ngành nghề, thế nên không chỉ “cầu mùa” mà còn xin ơn “thánh hóa cả công ăn lẫn việc làm”. Tại sao xin cho công việc xuôi xắn? Để mà an tâm tôn thờ Thiên Chúa.

Ngày xưa, đa số dân Việt làm nghề nông, ngày ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đầu tắt mặt tối suốt tháng quanh năm, chưa qua nỗi gian nan này đã gặp nỗi cực nhọc khác, thế mà vẫn nghèo khổ. Tuy vậy, dân Việt vẫn giữ lòng tin và dâng trào “máu” văn chương, thế nên văn học bình dân rất phổ biến câu vè chứa đầy chất tâm linh:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Chỉ có Ông Trời mới cứu giúp được chúng ta, chứ chẳng phàm nhân nào làm được gì. Không có mưa từ trời thì lấy gì mà “vắt đất ra nước”? Có thể “thay trời làm mưa” được mấy phút trong một vùng nhỏ bé? Ảo tưởng quá, đúng ra là kiêu ngạo quá!
Ngày qua tháng lại, người ta thường ví von: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Theo cách phân chia gia cấp thời xưa là: sĩ, nông, công, thương, binh. Kẻ sĩ coi mình là giới trí thức nên phải “ưu tiên” đứng đầu. Nhưng Việt Nam là nước nông nghiệp, thế nên nhà nông lại quyết coi mình trọng hơn nên mình phải là nhất. “Nhất sĩ” nhưng khi bụng đói thì còn “sĩ khí” được hay là phải “chạy rông” mà cầu mong nhà nông cho mượn gạo? Thế là lại “nhất nông, nhì sĩ”. Phải chăng kinh tế vẫn quyết định cuộc sống? Không ăn làm sao sống mà học hành để trở thành “kẻ sĩ” chứ? Có thể lắm, vì người ta nói: “Có thực mới vực được đạo”. Đạo còn phải nhờ kinh tế, huống chi đời! Cuộc sống như một vòng lẩn quẩn, khó xác định rạch ròi cái nào nhất hay nhì. Mỗi người và mỗi thứ đều có một vị trí riêng biệt, không thể tự mãn mà cho mình hơn người khác!
Thánh Phaolô nói rạch ròi: “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Thứ tự hoặc cấp bậc do con người đặt ra, chứ đối với Chúa thì ai cũng như ai: “Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” 1 Cr 3:7-8). Rõ ràng, không ai có thể ảo tưởng hoặc “chảnh”, nhưng ai cũng phải có TRÁCH NHIỆM (riêng và chung).
Tất cả thuộc về Chúa, là của Chúa, như Giáo hội đã xác định: “Chính NHỜ Người, VỚI Người và TRONG Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Cầu xin Chúa ban cho mùa màng bội thu và công việc xuôi xắn để an tâm làm bổn phận kính thờ Thiên Chúa trong từng hơi thở của cuộc sống trần gian này.
Thiên nhiên giúp con người tạo phương tiện sinh sống, đó cũng là trách nhiệm với chính bản thân. Sách Sáng Thế nói về thời tiết và mùa màng: “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất” (St 2:5-6).
Thiên Chúa chuẩn bị mọi thứ cho con người, Ngài tạo ra phương tiện sinh sống trước rồi mới tạo dựng con người: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7). Nhưng con người phải biết vâng lời, vì vâng lời là thể hiện lòng biết ơn: “Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2:8-9). Thiên Chúa biết mọi thứ, ngay cả khi con người có ý định, vì thế Ngài không cần thử thách (chứ không phải như chúng ta thường nói vậy), nhưng Ngài muốn con người biết rằng thụ tạo phải tuân phục Tạo Hóa (Tạo Vật), vì “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9).
Thế nhưng thụ tạo lại “chảnh”, kiêu căng ngạo mạn, quá ngang ngược, coi thường trách nhiệm của mình. Đúng là vừa dại dột vừa ngu xuẩn vì “cóc mà muốn bằng bò”, như triết gia Pascal nói: “Con người không là thiên thần, cũng không là thú vật, nhưng ai muốn làm thiên thần thì sẽ trở thành thú vật”.
Thiên Chúa đã “đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15). Cơ ngơi bao la, cho làm chủ các thụ tạo khác, được sướng mà không biết hưởng. Nói về những người không muốn chịu trách nhiệm, ưa nhà hạ, chuyên gia lười biếng, Thánh Phaolô nói: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10).
Hãy tự kiểm điểm bản thân để có thể biết mình sai mà biết noi gương tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng” (Tv 104:1a & 14ab). Rõ ràng Chúa làm mọi thứ để chúng ta tận hưởng.
Có cực khổ mới quý sự thanh thản, có bị tù rồi mới hiểu rõ giá trị của tự do, có bị áp bức rồi mới chân nhận giá trị của công lý, có vất vả làm lụng thì mới cảm thấy ngon miệng khi ăn uống: “Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104:14b-15). Mưu sinh nuôi thân là trách nhiệm, nhờ lương thực phần xác mà sống khỏe để thực hiện trách nhiệm về tâm linh.
Muông thú cũ là thụ tạo của Chúa, chúng cũng phải mưu sinh để sinh tồn và cầu xin Chúa: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn. Ánh dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ” (Tv 104:20-22). Tất nhiên con người cũng phải vậy, nghĩa là tích cực làm trọn trách nhiệm sống của mình: “Đến lượt con người ra đi làm lụng, những mải mê tới lúc chiều tà” (Tv 104:23).
Thánh Phaolô tâm sự: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham” (Cv 20:32-33). Ham cái gì của người khác là tham lam, tức là liên quan giới răn thứ bảy: “Chớ lấy của người”.
Thánh Phaolô nói thêm về bổn phận và trách nhiệm giúp đỡ nhau: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:34-35).
Chúa Giêsu đã dặn dò: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15: 4a & 5). Có Chúa thì chúng ta có thể làm được cả những việc khó mà chúng ta ngỡ như không thể. Trách nhiệm với Thiên Chúa, trách nhiêm với tha nhân, trách nhiệm với bản thân, nào cũng khó, nhưng tất cả sẽ hóa đơn giản và dễ dàng nếu chúng ta làm chỉ vì sáng danh Chúa và cứu các linh hồn chứ không vì bất kỳ thứ gì khác.
Trình thuật Phúc Âm hôm nay nói rõ đến trách nhiệm qua dụ ngôn “những yến bạc” (Mt 25:14-30).
Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”. Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến”.
Có hai loại người: Người cần cù (có trách nhiệm) và kẻ lười biếng (vô trách nhiệm). Loại người thứ nhất cứ chăm chỉ làm việc, sinh lời nhiều hay ít cũng được, Chúa không đặt thành vấn đề, vì khả năng mỗi người khác nhau theo số “nén” Chúa trao. Đó cũng là “định mệnh” của mỗi người. Họ là những tôi trung đáng khen vì đã dùng hết khả năng. Còn loại người thứ nhì thì sống ung dung tự tại, quen thói lười biếng, thích “ngồi mát ăn bát vàng”, nhưng lại ưa “chỉ tay năm ngón”, khoái ra lệnh, muốn ra vẻ “ta đây”, bép xép, lẻo mép mà làm chẳng được tích sự gì. Loại người này làm băng hoại xã hội và Giáo hội, rất nguy hiểm. Hãy tránh cho xa!
Nghe có vẻ rất “nghịch lý”“chói tai” khi Chúa Giêsu bảo: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25:29). Thế nhưng suy cho cùng, cái nghịch lý đó lại là thuận lý, nói cho gọn là nghịch-lý-thuận.
Thật tốt phúc nếu chúng ta là người sống có trách nhiệm, biết chăm chỉ và cần mẫn như loài ong, tất nhiên xứng đáng được hưởng công lao; nhưng nếu chúng ta lười biếng thì thật là vô phúc, vì chúng ta sẽ trở thành “tên đầy tớ vô dụng”, và chính Chúa sẽ thẳng thắn trừng trị ngay: “Hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25:30).
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin hết lòng cảm tạ Ngài đã ban mùa Xuân tuyệt vời cho chúng con tận hưởng. Một năm mới lại khởi đầu, xin Ngài thương ban cho mọi người có công ăn việc làm ổn định để an tâm thờ phượng Ngài, và xin thánh hóa công việc của chúng con để vinh danh Ngài. Xin giúp chúng con nhận biết Thánh Ý Ngài trong từng công việc, để chúng con có thể sinh lời theo số nén Ngài đã trao phó. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel và Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét