Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Feb 14, 2016 - Chúa nhật I mùa Chay nam C




Feb 14, 2016 - Chúa nhật I mùa Chay nam C
 “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”




Các Bạn thân mến,

Năm nay, chắc các Bạn cũng thông cảm với mình? Bởi mình có đại tang nên không ăn Tết, cũng chẳng chúc mừng ai, chỉ có nhận thôi! Còn các Bạn thì sao? Xuân con khỉ chắc vui vẻ lắm? Đầu năm Bính Thân cũng tốt đẹp thuận lợi phải không? Hay chúng ta lại phải ngài ngại, đề phòng, tránh né những rắc rối nguy hiểm như thái độ chúng ta thường có đối với các chú Khỉ? Dù sao, chúng ta cũng cần hy vọng trong năm mới, mọi sự sẽ diễn ra suông sẻ êm vui và luôn cầu xin Chúa cho một năm mưa thuận gió hòa để con cái Ngài không quá vất vả lo âu với phong ba bão táp trong thiên nhiên cũng như trong cuộc sống, chật vật với cơm ăn, áo mặc hằng ngày nhé!

 Trở lại, Tin Mừng thứ nhất Mùa Chay năm nay, thánh Luca ghi lại câu chuyện Đức Giesu bị ma quỉ cám dỗ khi Ngài được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 ngày. Đây hẳn là một câu chuyện thánh, chắc chắn do chính Ngài kể lại, vì nó không thể phát xuất từ người nào khác ngoài Đức Giesu.

Thời gian này là một cột mốc lớn nhất trong cuộc đời Đức Giesu, trước khi Ngài bắt đầu sử dụng những phương cách riêng để cứu rỗi nhân loại.

Và cũng là điều khẳng định Ngài đã mặc lấy xác phàm trần như con người, nên Ngài cũng bị cám dỗ quấy nhiễu về nhiều mặt:

 1.    Cám dỗ thứ nhất: - về cái đói

- "Nếu ông là con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!"

-   Bởi sau 40 ngày chay tịnh trong sa mạc, Đức Giesu cảm thấy đói, ma quỉ biết như vậy liền cám dỗ để Ngài tỏ quyền năng hoá đất đá ra bánh mà ăn.

-   Đây là cám dỗ cơ bản thông thường nhất về nhu cầu vật chất. Ma quỉ muốn xúi Ngài dùng quyền năng để làm những việc lạ lùng mà không phải dùng công sức lao động vất vả.

-   Ý sa tan còn muốn Đức Giesu hãy đút lót dân chúng, làm phép lạ cho ra nhiều của cải vật chất phân phát cho mọi người, để họ thấy lợi mà đi theo Ngài.

-   Nhưng Đức Giesu đáp lại:"Người ta sống không chỉ nhờ cơm áo."

-   Nghĩa là người ta không bao giờ có thể tìm được sự sống trong của cải vật chất, cũng không chỉ ăn no là đủ.

-   Thật vậy, đạo của Đức Giesu không phải là an nhàn, rảnh rỗi, lười biếng để kêu cầu Thiên Chúa tạo ra những tình trạng mới lạ, mà phải kiến tạo con người mới, khi đó con người mới sẽ phát sinh những tình trạng mới.

-   Cám dỗ về cái đói là thử thách hằng ngày của con người, bởi ai cũng phải ăn uống để duy trì và phát triển sự sống.

-   Nếu chỉ tìm thỏa mãn những khao khát thể xác, những nỗi thèm thuồng vật chất thì chúng ta sẽ thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên này.

-  Tuy nhiên con người còn có những cơn đói khác gía trị hơn, những khát khao mỏi mòn quí gía hơn những cơn đói về cơm, áo, tiền, tài.

-  Những cám dỗ về đói khát của dân Israel trong sa mạc 40 năm và của Đức Giesu 40 ngày không chỉ là chuyện xưa cũ, mà ngày nay, chúng ta cũng vẫn thường gặp những cám dỗ như thế, đó là sự bận tâm quá đáng đến việc ăn uống, sinh sống, công danh, sự nghiệp…nhưng lại thiếu nỗ lực hành động, mà chỉ muốn chờ phép lạ từ Thiên Chúa.

 2.    Cám dỗ thứ hai: - về quyền hành:

  Ma quỉ đưa Đức Giesu lên cao để có thể nhìn thấy tất cả các nước thiên hạ.

-   Rồi nói:" Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này…nếu ông bái lạy tôi thì tất cả sẽ thuộc về ông."

  Đây là một chước cám dỗ về vinh hoa phú quí quyền hành, bằng con đường thỏa hiệp.

-   Chỉ cần hòa đồng, thích nghi một chút với điều ác thì sẽ được dân chúng chạy theo ngay.

-   Nhưng Đức Giesu trả lời:"ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của người, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

-   Thiên Chúa là Dấng mà mọi tạo vật phải thờ lạy chính đáng, duy nhất, không thể thỏa hiệp, không thể lẫn lộn, không thể mơ hồ.

-   Cần nhớ trong cuộc chiến tranh với tội ác, không thể lưỡng lự, không có thỏa hiệp.

-   Mọi sự cám dỗ thường dễ vướng phải là việc tìm cách chinh phục lòng người bằng cách thỏa hiệp với các tiêu chuẩn của đời này.

  Bởi con người có khuynh hướng nhìn mọi sự trong mầu sắc mơ hồ, không rõ rệt, ảo tưởng...

-   Nhưng Kito hữu thì phải nhìn mọi sự một cách rõ rệt, phân định rạch ròi, phải trái, tốt xấu rõ ràng.

-   Dân Israel trong sa mạc đã bị cám dỗ thờ ngẫu tượng bò vàng, Đức Giesu cũng nhiều lần bị cám dỗ về quyền hành thế gian, do dân chúng luôn muốn kéo Ngài vào vai trò một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua đầy quyền lực vinh quang, nhưng Ngài đã cương quyết khước từ.

-   Cám dỗ về quyền hành thế gian cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người, bởi ai cũng muốn thống trị, áp đặt quyền lực, ý kiến của mình trên người khác.

-   Thực chất đây là loại cám dỗ về sự nghi ngờ Thiên Chúa, vì Ngài không lộ diện nên chúng ta dễ chạy theo những thần giả hiệu cụ thể khác như của cải, sắc đẹp, quyền bính, tài năng…

 3.  Cám dỗ thứ ba: - đòi kiểm chứng

-   Qủi lại đặt Đức Giesu trên nóc đền thờ Gierusalem, rồi nói với Ngài:"Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây, gieo mình xuống đi…, vì Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn…"

-   Đức Giesu đáp lại:" Đã có lời rằng: người chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

-   Đây là loại cám dỗ có tính cách khích động dân chúng, và thử thách, đòi hỏi Thiên Chúa.

-   Nếu Đức Giesu làm theo, nhẩy từ độ cao trên 1500m với độ dốc thẳng đứng xuống thung lũng phía dưới mà an toàn, chắc chắn dân chúng sẽ sửng sốt thán phục, ca ngợi; nhưng ảnh hưởng đó có bền lâu không?

-   Con đường phục vụ là con đường âm thầm chịu khó, đau khổ, vất vả, chứ không dễ đi, không phô trương, không trình diễn.

-   Loại cám dỗ này đòi xem những dấu lạ, đòi thấy những việc phi thường, muốn đòi xem quyền năng Thiên Chúa.

-   Nhưng Đức Giesu đã từ chối nhẩy từ trên nóc đền thờ Giesusalem, cũng như Ngài đã không chiều theo cám dỗ khích động để xuống khỏi thập gía cho người ta thán phục nên Ngài đã cứu chuộc được chúng ta.

   4.    Những nhắc nhở: 

Chúng ta đã đi qua không biết bao nhiêu Mùa Chay, đã tham dự không biết bao nhiêu lần tĩnh tâm, cấm phòng. Nhưng Giáo Hội vẫn luôn muốn nhắc nhở chúng ta, là con cái của Giáo hội rằng:

     a)  Luôn có cám dỗ trong đời sống:

-    Thực tế cuộc sống ai cũng bị cám dỗ và cám dỗ liên tục về mọi phương diện là thân phận của con người, không ai có thể tránh né.

-    Đức Giesu là Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy xác phàm con người để trở nên giống chúng ta, cũng đói khát, cũng bị cám dỗ, không phải một lần, mà nhiều lần như mọi người.

-    Ngài cũng đã đương đầu với đủ loại cám dỗ, đã chiến thắng tất cả để dạy chúng ta biết thắng cám dỗ, biết vượt lên mọi sự và khuyến khích chúng ta tin cậy vào lòng thương xót của Ngài vì Ngài thông cảm sâu sa khi chúng ta bị cám dỗ.

-    Còn cho chúng ta biết rằng Ngài hiểu cám dỗ ngọt ngào hấp dẫn như thế nào, nhưng nó cũng làm đau khổ, buồn phiền không ít và thắng được cám dỗ gay go ra sao.

-    Thật vậy, là người thì có tự do, là quyền lựa chọn hoàn toàn theo ý mình.

-    Nhưng trớ trêu là sự lựa chọn nhiều khi lại không đơn giản, không dễ dàng, mà luôn có khó khăn, bởi cái đúng cái sai phức tạp lẫn lộn, thời điểm chọn lựa không thuận tiện, con người lại bị nhiều áp lực trong, ngoài…

-    Như phải chọn cái tốt nhất trong những cái tốt; chọn cái xấu nhất trong những cái xấu; chọn theo lý trí hay tình cảm; chọn theo con tim hay đạo lý, chọn lâu dài hay nhất thời…?

-    Và đã chọn lựa thì phải có loại bỏ, nghĩa là chọn cái này thì phải bỏ cái kia, chọn cái đó rồi thì không còn được lấy cái khác…

-    Như thế chọn lựa nào cũng trở thành thử thách, cũng mất mát, cũng đau khổ, cũng tiếc thương, cũng có thể lầm lẫn…

-    Chính những kẽ hở này, mà satan len lỏi vào, nó kiên nhẫn dùng mọi thủ đọan tinh vi, hấp dẫn để làm chúng ta bối rối, mù lòa, lo sợ mệt mỏi …để chúng ta chọn lựa sai lầm, có lợi cho chúng.

-   Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể chọn lựa đúng cũng như có thể thắng được cám dỗ nếu biết noi gương Đức Giesu, không theo ý riêng mình, mà luôn cậy dựa vào sự khôn ngoan của Lời Chúa, để quyết tâm theo Ngài.

-    Mặt khác, ai cũng gặp những lúc gian nan đau khổ, những lúc ấy chúng ta cũng dễ bị cám dỗ, ngã lòng, đòi hỏi điều này điều khác nơi Chúa, hoặc bỏ Chúa đi tìm thần tượng khác, nương tựa khác.

-    Thế là chúng ta bị sa ngã, không phải một lần, mà ngã đi ngã lại nhiều lần trong tội lỗi, trong sai lầm.

-    Vậy là sa vào mưu mô, bị trói buộc trong xiềng xích của ma qủi tội lỗi.

-    Không ý thức được hoặc lơ mơ không hiểu rằng phạm tội là nghịch lại chính mình, là phụ bạc tình yêu của Thiên Chúa, là thiếu niềm tin, thiếu phó thác nơi Thiên Chúa toàn năng.

     b)  Mua Chay:

-    Thời nay, Mùa Chay không còn được giữ nghiêm ngặt hoặc được giảm việc ăn chay kiêng thịt, hãm mình, hy sinh những gì không cần thiết về ý riêng, hưởng thụ, vui chơi, giải trí….

-    Thật ra căn bản là về ý thức, ý nghĩa sâu sa của Mùa Chay là mọi sự đều do Chúa ban, Chúa che chở những ai tin tưởng vào Ngài, điều quan trọng trong đời sống là Lời Chúa, không hẳn chỉ cơm bánh, chay tịnh…

-    Nếu ý thức được như vậy, chúng ta sẽ thực hiện được những yêu cầu cả về thể chất, tinh thần của Mùa Chay là kiêng thịt, ăn chay, hãm mình, hy sinh, xét mình, làm lành, bác ái, phục vụ, cầu nguyện và chiến đấu với các cám dỗ.

     c)  Vào sa mạc:

-    Là việc cần thiết phải làm trong Mùa Chay, Đức Giesu, Tiền hô Gioan Baotixita, các Thánh và cả thánh Lê Bảo Tịnh của Việt Nam chúng ta cũng đã làm như vậy.

-    Vì sa mạc là nơi hoang vắng, thinh lặng nên thuận lợi cho việc tịnh tâm, xem xét, suy nghĩ lại về tư tưởng, tình cảm và hành động của mình trong quá khứ. Cùng cầu nguyện, nghe tiếng Chúa, cảm nhận vũ trụ bao la tốt đẹp, quyền năng của Thiên Chúa, thấy được con người thật của mình, và anh em, để rút kinh nghiệm, đặc biệt biết kiên nhẫn đón nhận thử thách… để đền tội, sinh được nhiều hoa quả tốt đẹp.

-     Chính Đức Giesu đã vào sa mạc, Ngài cũng đã đưa nhiều người vào sa mạc, và hẳn Ngài cũng muốn đưa chúng ta vào đó để cầu nguyện chuyên cần sốt sắng, đó là ý nghĩa về thời gian của Mùa Chay.

-    Ngày nay chỉ còn số rất ít những bậc tu hành, những người muốn tinh tâm cách riêng, mới đi vào sa mạc, rừng núi…Còn trong chúng ta, cũng có nhóm người này, nhóm người kia thu xếp được công việc để tụ họp nhau lại suy ngẫm về những gì phải làm trong Mua Chay, còn đa số chỉ tĩnh tâm theo hướng dẫn chung của giáo xứ, của cộng đòan, hoặc riêng lẻ từng cá nhân, đây là những sa mạc ngay giữa lòng xã hội.

-    Hiển nhiên hình thức“vào sa mạc”hay“sống trong sa mạc”không phải là yếu tố quyết định mang đến thành công cho sự sám hối, cải tiến trong Mùa Chay, mà yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là sự chân thành sửa sai và can đảm vươn lên của cá nhân.

-   Nên tại thời điểm nào, dưới hình thức nào chúng ta cũng phải cương quyết,  nghiêm chỉnh chiến đấu với chính mình, với ngay cả những khuynh hướng xấu, với thói quen buông thả, coi thường sai phạm, chứ không chỉ với những cơn cám dỗ của ma quỉ.

-    Thực ra satan cám dỗ chúng ta rất thường xuyên. Nhưng thường thường do cuộc sống lo lắng, bận rộn, tối tăm mặt mũi ngày đêm nên không còn sáng suốt canh phòng, cảnh giác, vì thế chúng ta dễ bị sa ngã vào hết cám dỗ này đến cám dỗ khác.

-    Bởi thế thời gian dài, ngắn nơi sa mạc tại tâm lòng mình là rất cần thiết, như những đợt kiểm tra, tổng kết định kỳ của cuộc đời con người, hầu kịp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, tìm biện pháp hữu hiệu cho cuộc sống.
 Lạy Chúa, Chúa biết rõ rằng chẳng ai đủ mạnh để không bị sa ngã trước cám dỗ bao giờ. Xin cho chúng con luôn biết mình yếu đuối, đừng bao giờ tưởng rằng mình mạnh mẽ mà coi thường những mối nguy, những cơ hội tham lam công việc hấp dẫn, danh vọng lôi cuốn… mà cần luôn ý thức rằng chiến thắng được cám dỗ là một điều rất khó, nếu không được Chúa thương trợ giúp.
Cũng xin cho những ước muốn của chúng con trong Mùa Chay này là đừng để chúng con bị sa ngã, hoặc thất vọng sau mỗi lần vấp ngã, mà:"Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ". Amen.
 Than men,

duyenky


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét