CÁI LƯỠI
Có
hai người hàng xóm, họ được Chúa ban cho miệng lưỡi bình thường như nhau.
Một
người chẳng mấy khi không to tiếng. Lúc thì la con mắng cái bằng giọng điệu
oang oang và hằn học, lúc thì “xô xát”
với chồng, lúc thì mở máy hát ỏm tỏi, bát kể trưa hay tối, khi mà mọi người cần
tĩnh lặng, thư giãn tâm hồn sau những giờ lao động, vất vả ngược xuôi thời buổi
kinh tế thị trường.
Một
người ít khi nghe tiếng nói. Sáng đi sớm, tối về trễ. Cuộc sống khá lam lũ,
nhưng đêm đêm lại quây quần gia đình vui vẻ, cùng nhau xem lại điều gì đúng hay
sai, để cùng rút kinh nghiệm. Nghèo vật chất mà giàu tình thương. Cuộc đời lặng
ấy vẫn toát ra hơi ấm thực sự.
Con
người hữu hạn và mặc nhiều yếu đuối. Vì bất túc nên ai cũng miệt mài đi tìm
hạnh phúc. Tốt cũng cái lưỡi, xấu cũng cái lưỡi. Vượt qua “cái tôi” tưởng chừng đơn giản mà lại quá nhiêu khê! Quả thật, “cái tôi là đáng ghét” (Pascal), và “chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng
chính mình” (Napoléon).
Ai
cũng biết “đời là khổ” mà vẫn cứ “vô tình” làm khổ nhau thêm mãi, khổ cả
tinh thần và khổ cả thể lý vì những bất công xã hội, lườm nguýt, mỉa mai, chỉ
trích, trù dập, lọc lừa,… Thắng không tự cao, thua không điên đảo, đó mới là
phong cách cao thượng của đấng trượng phu và quân tử.
Trong
một góc vắng của quán càphê, tôi ngồi mở từng trang lòng trong khi trầm mặc
nhìn những giọt cà phê thánh thót rơi từng giọt, từng giọt,… và chợt thấy mình
vẫn chưa sửa đổi được những gì tự nhận thấy không đúng.
Cả
hai người hàng xóm kia đều có điều để tôi học hỏi: nên làm và nên tránh. Tôi
yếu đuối quá nên cứ cố gắng đứng dậy, bước đi, rồi lại quỵ ngã. Lại gượng dậy,
và lại ngã… chẳng khác gì đứa trẻ tập tễnh đi. Tôi không may mắn như người khác
nên tôi hóa “khô” đi nhiều mặt, ít
nói quá hóa lạnh lùng như nhiều người vẫn nhận xét. Tôi hóa “lạc lõng” giữa mọi người. Tôi biết vậy!
Tôi có vô tình đánh mất tôi và vô tình xô người khác xa tôi? Tôi muốn gần mà
người ta không ưa tôi, có phải là người khác đẩy tôi ra xa?
Một
người dùng cái lưỡi để nói lời không hay, một người dùng cái lưỡi để chia vui
sẻ buồn. Còn tôi, tôi lại không dùng đến cái lưỡi sao?
Khích
bác, chê bai, nói hành, chửi thề,… Như thế thì quá dễ! Nhưng nói ngọt, nói nhẹ,
nói lời động viên, nói lời yêu thương,… thì không dễ chút nào! Quả thật, nói là
một nghệ thuật. Ca dao Việt Nam
có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Tuy
nhiên, hãy phân biệt điều này: “Ít nói không phải là nói ít, mà là đừng nói
những điều vô ích” (Thánh François de Sales, 1567-1622, Pháp). Thiên Chúa
là Đấng thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2
Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6;
Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6). Thật vậy, chúng
ta không thể giấu Ngài, mặc dù chúng ta có thể giấu người trần gian. Hãy nhận
thức điều đó để giữ gìn lời nói, và thân thưa với Chúa: “Miệng lưỡi con
chưa thốt nên lời, lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:4). Cẩn tắc vô
ưu, tiền nhân nói rất chí lý!
Lòng
đầy thì trào ra miệng. Đầy cái tốt thì nói lời tốt, đầy cái xấu thì nói lời
xấu. Đó là lẽ tất nhiên, không chi lạ!
Người
xấu thì “khoe tội ác, suốt ngày tính kế
hại người, chuyên lừa đảo, lưỡi như dao sắc bén, ưa điều dữ hơn điều lành,
chuộng điều gian dối hơn sự thật, thích nói toàn lời độc ác, miệng lưỡi điêu
ngoa” (Tv 52:3-6). Hậu quả thế nào? Dĩ nhiên sẽ là hệ lụy tất yếu: “Chúa
Trời sẽ tiêu diệt ngươi vĩnh viễn, lượm ngươi đi, đem vất khỏi lều, và bứng gốc
khỏi nơi dương thế” (Tv 52:7).
Còn
người tốt? Tất nhiên họ chỉ nói điều hay lẽ phải, có lợi cho tha nhân. Chúa
Giêsu đã nói rạch ròi với người Do Thái: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây
mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các
người thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người
tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho
tàng xấu của mình” (Mt 12:33-35).
Chúa
Giêsu xác định: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ PHẢI TRẢ LỜI về mọi ĐIỀU VÔ
ÍCH mình đã nói. Vì nhờ LỜI NÓI của anh mà anh sẽ được TRẮNG ÁN; và cũng tại
LỜI NÓI của anh mà anh sẽ BỊ KẾT ÁN” (Mt 12:36-36). Đáng sợ thật, đừng
tưởng lời nói theo gió bay hoặc nghe tai này qua tai kia! Từ ngàn xưa, Kinh
Thánh đã nói về hệ lụy của lời nói: “Người ăn nói tử tế sẽ được bao điều
tốt đẹp, mỗi người sẽ lãnh hậu quả việc mình làm” (Cn 12:14).
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét