Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng
và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (14)
và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (14)
(Sun, 12/06/2016 -Vũ Văn
An)
V.
Các Suy Nghĩ Của Hệ Thống (tiếp theo)
2.
Lòng thương xót như tấm gương phản chiếu Thiên Chúa Ba Ngôi
Thoạt nhìn, cố gắng hiểu
lòng thương xót của Thiên Chúa như tấm gương phản chiếu yếu tính ba ngôi của
Thiên Chúa xem ra là một cố gắng khá khó khăn đối với một số người. Vì việc
tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhiều người, không phải
bây giờ mà thôi, xem ra là một mầu nhiệm hoàn toàn, điều mà họ chịu không thấu
và do đó, giúp họ rất ít trong việc hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa nhiều
hơn. Ngay trong thần học, học lý Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thường bị làm ngơ. Tuy
nhiên, trong ít thập niên mới đây, một biến đổi đã diễn ra trong thần học Công
Giáo và cả trong thần học Thệ Phản nữa, với sự thúc đẩy từ phía thần học Chính
Thống Giáo. Sự thay đổi này đưa tới việc tái khám phá ra sự bí nhiệm của Thiên
Chúa Ba Ngôi và việc nhìn nhận nó như là chìa khóa để hiểu đức tin Kitô Giáo
(37).
Lẽ dĩ nhiên, học lý Thiên
Chúa Ba Ngôi không phải là một trường hợp toán học “siêu nhiên”, một thứ công thức ma thuật, có thể nói như thế. Nó
không nhằm đưa ra một câu tuyên bố mâu thuẫn kiểu một bằng ba hoặc cùng một thực
tại như nhau, nhìn dưới cùng một viễn ảnh, đồng thời lại là một và ba. Đúng
hơn, học lý Thiên Chúa Ba Ngôi là kết quả từ một giải thích thận trọng câu
trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, trong đó, Tân Ước tóm lược trọn sứ điệp của
nó một lần nữa “Thiên Chúa là tình yêu”
(1Ga 4:8, 16). Dĩ nhiên, việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi không
thể được diễn dịch từ câu này, nhưng nó cũng không thể bị phủ nhận như một sự
thật của lý trí, như mưu toan của Hegel. Đối với những người muốn hiểu nó trong
đức tin, trong tinh thần của câu châm ngôn fides quaerens intellectum (đức tin
tìm kiếm hiểu biết), thì việc tuyên xưng Ba Ngôi có thể được hiểu như một sự thật
tự nó không mâu thuẫn, nhưng có nghĩa trong đức tin và, trong chiều hướng này,
có thể hiểu được đối với người tin (38).
Nếu Thiên Chúa là tình
yêu, thì yếu tính nội thẳm của Người có thể hiểu được, một cách ước chừng, dựa
trên loại suy tình yêu con người. Nhưng đây là một trường hợp loại suy
(analogy) trong đó, sự không giống nhau luôn lớn hơn bất cứ sự giống nhau nào.
Vì yếu tính của tình yêu con người bao hàm không những việc cho người khác một
điều gì đó, nhưng còn thông truyền chính con người mình trong tặng phẩm ấy nữa
và tự biến mình thành tặng phẩm. Khi hiến mình đi trong tình yêu, ta đồng thời
từ bỏ mình; ta cho ta đi. Tuy thế, khi tự cho đi trong và qua tặng phẩm này, ta
vẫn còn là ta; thực ra, chính trong tình yêu, ta tìm được sự thành toàn của
mình (39). Vì tình yêu bao hàm việc trở nên một với người khác đến nỗi kết quả
là: cả người được yêu lẫn người yêu đều được hút trọn vào người kia. Đúng hơn,
bí mật của tình yêu là: nhờ trở nên một, trước nhất chúng ta tìm được chính
mình và đạt được sự thành toàn cá biệt của chính chúng ta. Tình yêu đích thực
không có tính ép buộc; nó tôn trọng việc là người khác của người kia; nó bảo
toàn phẩm giá của người kia. Nhờ trở nên một với người kia, tình yêu tạo và
dành không gian cho người yêu, trong đó, nàng hay chàng có thể trở nên chính họ.
Nghịch lý của tình yêu là: nó là một sự hợp nhất nhưng bao gồm tính là người
khác, tính dị biệt.
Hiển nhiên, tình yêu con
người như thế chỉ là một hình ảnh hết sức yếu ớt của tình yêu Thiên Chúa. Nó là
một loại suy, trong đó, sự không giống nhau lớn hơn rất nhiều bất cứ sự giống
nhau nào (40). Tuy nhiên, nhờ loại suy này, điều đã rõ ràng là việc tuyên xưng
Ba Ngôi không phải là một quả quyết vô nghĩa hay phi lý, tự mâu thuẫn với chính
mình. Nó không mâu thuẫn với cái hiểu độc thần về Thiên Chúa, vốn là cái hiểu nền
tảng đối với toàn bộ Cựu và Tân Ước. Học lý Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là đa
thần thuyết trá hình. Nó chủ trương vững vàng rằng một Thiên Chúa duy nhất
không phải là vị Thiên Chúa cô độc, không sinh khí, nhưng đúng hơn, tự trong
Người, Thiên Chúa là sự sống và tình yêu.
Học lý Thiên Chúa Ba Ngôi
không phải là một điều cần phải thêm vào (addendum) và chắc chắn không phải là
phản đề của độc thần thuyết; nó là độc thần thuyết trong hình thức cụ thể (41).
Trong học lý Thiên Chúa Ba Ngôi, câu định nghĩa triết học trừu tượng về Thiên
Chúa, theo đó, Người là chính Hữu Thể, đã được cụ thể hóa và định tính. Nó nói
thế này: vì là chính Hữu Thể, Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu tự thông
truyền và ban bố mình như tặng phẩm cho người khác. Như ta đã trình bầy, ta tìm
được những cách tiếp cận đối với việc cụ thể hóa chính xác hơn này nơi Thánh
Augustinô và Thánh Bonaventura. Thiên Chúa trong tư cách Đấng Tốt Lành được xác
định bởi sự kiện này: Người thông truyền và tự ban bố mình như tặng phẩm (bonum
est diffusivum sui). Là tình yêu tự mình phát ra, Thiên Chúa duy nhất cùng một
lúc là Ba Ngôi. Từ thuở đời đời, Người đã có một người yêu và một người cùng
yêu (co-beloved); như thế, Người là Thiên Chúa như Cha, Con và Thánh Thần.
Trong tinh thần Tân Ước, hữu thể Thiên Chúa phải được định nghĩa một cách chính
xác hơn là Hữu Thể Ba Ngôi trong tình yêu (42).
Chỉ khi nào Thiên Chúa,
trong chính Người, là tình yêu tự thông truyền ra, Người mới có thể tự thông
truyền ra bên ngoài như là Đấng tự hữu. Nếu Thiên Chúa không tự thông truyền từ
nội tại, thì việc Người tự thông truyền ra bên ngoài chỉ là việc tự trở nên và
tự phát triển mà thôi. Trong trường hợp này, Thiên Chúa sẽ chỉ là người đầu
tiên trở nên người hiện là qua việc tự tỏ mình ra mà thôi. Thần học lúc đó chỉ
là thần hệ (theogony, gia phả về thần), điều mà ta vốn quen thuộc với các thần
thoại. Nếu quả như thế, thì việc mạc khải lòng thương xót của Người không còn
là một biến cố tự do và đầy ơn phúc nữa, mà đúng hơn chỉ là môt diễn trình tất
yếu của việc Thiên Chúa tự trở nên mà thôi. Chỉ khi nào Thiên Chúa là tình yêu
ngay ở trong Người, thì việc Người tự mạc khải ra mới là một tặng phẩm tuyệt đối
tự do và nhưng không của tình yêu nơi Người.
Bởi thế, tính nhất tam
(triunity) của Thiên Chúa là tiền giả định bên trong của lòng thương xót nơi
Thiên Chúa, cũng như, ngược lại, lòng thương xót của Người mạc khải và phản chiếu
yếu tính của Người. Tình yêu vĩnh cửu, tự thông truyền của Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần được phản chiếu và mạc khải nơi lòng thương xót của Thiên
Chúa (43).
Ta có thể đi thêm bước nữa
để đi sâu bao nhiêu có thể vào mầu nhiệm lòng Chúa thương xót. Tứ trước đến
nay, ta vốn nói rằng lòng thương xót không phải là sự hiện thực hóa
(actualization) của Thiên Chúa, mà đúng hơn là tấm gương phản chiếu yếu tính ba
ngôi nội tại của Thiên Chúa. Nay ta phải nói thêm: trong lòng thương xót, yếu
tính ba ngôi của Thiên Chúa thực sự không được hiện thực hóa, nhưng nó quả trở
thành thực tại cho chúng ta và ở trong chúng ta một cách cụ thể. Làm thế nào ta
có thể hiểu được điều này?
Vì mọi sự liên quan tới
Thiên Chúa đều có tính vô cùng, Chúa Cha chỉ có thể thông truyền Thiên Chúa
tính (godhood) cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần bằng cách rút lui khỏi chính
tính vô cùng của Người để nhường chỗ cho vị khác ngay trong chính Người. Việc
kenosis (tự làm rỗng mình) của Thiên Chúa này là tiền giả thiết cho sự kiện
này: Thiên Chúa, Đấng vô cùng, có thể nhường chỗ cho sáng thế (44). Sự nhập thể
của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô và, một cách trọn vẹn hơn, nơi thập giá Chúa
Kitô là tuyệt đỉnh không thể nào vượt qua của việc Thiên Chúa tự mạc khải Người
trong việc tự rút lui có tính Ba Ngôi của Người. Trên thập giá, Thiên Chúa đi
vào sự chết, phản đề cực kỳ nhất đối với Thiên Chúa, Đấng vốn là sự sống, để
chinh phục sự chết bằng sự chết của Đấng vốn bất tử trong yếu tính (45). Sự tự
làm rỗng mình của Người chính là sự mạc khải tính toàn năng của Người trong
tình yêu. Thập giá, do đó, là id quo majus cogitari nequit nghĩa là điều không
thể tưởng nghĩ có gì lớn hơn được (46). Khi Cựu Ước nói rằng trong lòng thương
xót của Người, Thiên Chúa thu hồi sự giận dữ thánh thiện của Người để ban cho
ta cả các điều kiện sống lẫn không gian sống, thì đây như thể là hành động mở đầu
và là dấu hiệu tiền ứng điều sẽ xẩy ra trên thập giá trong một thực tại không
thể nào vượt qua.
Thực tại bên trong của
Thiên Chúa như là tình yêu tự làm rỗng mình và tự thông truyền ra, một tình yêu
đã được mạc khải một cách dứt khóat và không thể vượt qua trên thập giá, không ở
lại trong chính nó, nhưng được ban cho ta một cách cụ thể trong Chúa Thánh Thần.
Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa để ta không những nhìn vào trái tim
Người; Người còn tạo không gian cho ta bên cạnh trái tim Người và trong trái
tim Người nhờ Chúa Thánh Thần. Công Đồng Vatican II nói rằng: Nơi Chúa Giêsu
Kitô, theo một nghĩa nào đó, Thiên Chúa đã kết hợp với mọi hữu thể nhân bản
(47). Khi mạc khải Tính Hoàn Toàn Khác (Otherness) trong thiên tính của Người
qua ngả tình yêu, một tình yêu tự làm rỗng mình và tự cho đi như một hồng phúc,
Thiên Chúa, đã cùng một lúc, tự đem lại cho chính Người sự gần gũi lớn lao nhất
có thể có. Nhờ cách này, chân lý đã trích dẫn của Công Đồng Lateranô thứ tư có
thể được bổ sung và thăng tiến. Không những mỗi sự tương tự với Thiên Chúa đều
tương ứng với một sự bất tương tự lớn hơn, mà mỗi sự bất tương tự cũng đều
tương ứng với một sự tương tự và gần gũi lớn hơn với Thiên Chúa, đúng hơn, một
sự thân mật với Thiên Chúa và một hiện hữu ngay trong Thiên Chúa (48).
Tất cả các điều trên
không hề là suy đoán trừu tượng, xa rời đời sống. Theo Tin Mừng Gioan, khi bị
nâng lên thập giá và qua đời, Chúa Giêsu đã trút (exhale, trút hơi thở) thần
khí Người (Ga 19:30). Trong Tin Mừng Gioan, “nâng
lên” có hai nghĩa: thân xác được nâng lên thập giá và được nâng lên bên hữu
Thiên Chúa. Các giáo phụ giải thích việc trút thần khí của Chúa Giêsu có ý nói
tới Chúa Thánh Thần (49). Nếu Chúa Thánh Thần bị trút ra (tiếng Anh: emitted)
cùng một lúc với việc nâng lên, thì điều này có nghĩa thập giá, phục sinh,
thăng thiên và hiện xuống (Pentecost) tất cả đã trùng khớp với nhau. Trong diễn
văn từ biệt của Tin Mừng Gioan, chính Chúa Giêsu nói rằng “ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương họ, và
Chúng Ta sẽ đến với họ và cư ngụ với họ” (Ga 14:23). Thánh Gioan nói đến việc
hiện-hữu-hỗ-tương-trong-người-khác ở nhiều đoạn: Người ở trong ta và ta ở trong
Người (50). Như thế, ta có sự hiệp thông thân mật với Chúa Cha và với Chúa Con,
và sự hiệp thông này là một niềm vui lớn cho chúng ta và là sự nên trọn của
nhân tính ta (1Ga 1:3f.). Một huyền nhiệm học Kitô khác tìm thấy nơi Thánh
Phaolô. Ngài không những nói tới việc ta ở trong Chúa Kitô và Chúa Kitô ở trong
ta, mà còn nói tới việc Chúa Thánh Thần ở trong ta nữa (Rm 8:9; 1Cr 6:19; Ep
2:22).
Các quả quyết trong Tân Ước
trên đã để lại nhiều dấu vết dài và rộng trong lịch sử sùng kính của Kitô Giáo
dưới hình thức huyền nhiệm học Kitô (51). Trên căn bản này, thần học đã khai
triển các giảng giải của nó về việc Chúa Thánh Thần ngự cư trong linh hồn người
đã được công chính hóa và chịu phép rửa (52). Do đó, trong lòng Thiên Chúa, Người
đã dành một chỗ cho chúng ta vì Chúa Thánh Thần vốn ngụ cư trong lòng ta. Trong
Thiên Chúa, ta có một chỗ, nơi ta tìm được sự nghỉ ngơi ngay bây giờ và là nơi
ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi sau cùng trong thời sắp tới.
Trong bài trình bầy của
ngài về Thánh Vịnh 24 (25) và Thánh Vịnh 50 (51) nổi tiếng, Thánh Tôma Aquinô
đã định nghĩa một cách đẹp đẽ trạng thái cánh chung trung gian của ta hiện nay.
Ngài chứng minh rằng sự nghèo nàn và thiếu thốn của ta, một sự nghèo nàn và thiếu
thốn được lòng thương xót của Thiên Chúa chiếu cố, không phải chỉ là sự nghèo
nàn và thiếu thốn vật lý mà thôi. Sự nghèo nàn thực sự của ta hệ ở việc ta sống
xa Thiên Chúa do tội lỗi của mình. Thực vậy, từ thuở đời đời, Thiên Chúa vốn đã
muốn ban cho ta sự gần gũi và tình hiệp thông của Người rồi; Người muốn chúng
ta gần gũi với Người. Sứ điệp thương xót của Thiên Chúa có nghĩa: Người quan
tâm tới sự nghèo nàn nguyên khởi và nền tảng của ta, Người gần gũi với chúng ta
trong nghịch cảnh này và, do đó, Người là Thiên Chúa của nhân loại và là bạn hữu
của chúng ta. Do đó, lòng thương xót chính là hạnh phước và sự thành toàn của
con người nhân bản. Nó ban cho những con người tử sinh chúng ta cảm nghiệm và
thưởng ngoạn sự phước hạnh nội tâm; nó nâng chúng ta lên, mở rộng cõi lòng ta,
ban cho ta niềm vui và hy vọng. Nó tái lập trật tự nguyên thủy và ban phát sự
thanh thản, bình an và hạnh phúc bằng cách giúp ta, ngay lúc này, được nếm trước
phước hạnh đời đời (53).
Thánh Bonaventura tiếp nhận
ý tưởng trên trong cuốn sách của ngài tựa là Hành Trình Tiến Tới Thiên Chúa của
Tâm Trí bằng cách nhấn mạnh đến lòng khát khao bình an của Thánh Augustinô và
bài giảng về bình an của Thánh Phanxicô. Quả thực, ngài viết cuốn sách này dưới
tác động của cuộc viếng thăm Núi Averna (nay là La Verna) nơi Thánh Phanxicô được
in Năm Dấu (54), một nơi có ý nghĩa lớn về linh đạo, nhất là đối với một đệ tử
của Thánh Phanxicô. Thánh Bonaventura kết thúc cuốn sách của ngài bằng một suy
niệm về cảm nghiệm huyền nhiệm của Thánh Phanxicô trên Núi Averna, trong đó, với
Chúa Kitô chịu đóng đinh, ngài hoàn toàn nên một với Thiên Chúa và được rực lửa
Chúa Thánh Thần (55).
Thần học Ba Ngôi sau đó
minh nhiên trở thành huyền nhiệm học Ba Ngôi. Nó dựa vững chắc vào các quả quyết
của Sách Thánh về việc Chúa Thánh Thần ngụ cư trong linh hồn người đã được công
chính hóa và khai triển chúng thành giáo huấn về việc sinh hạ thần thánh của
Chúa Kitô trong tâm hồn tín hữu, như một việc sao lại và tiếp tục việc sinh hạ
thần thánh từ thuở đời đời của Ngôi Lời từ Chúa Cha và sự sinh hạ trần thế của
Chúa Giêsu từ Đức Maria (56). Meister Eckhart, John Tauler, và Henry thành Suso
tiếp nhận các ý tưởng này. Huyền nhiệm học Ba Ngôi được xây dựng, một cách khác,
trên các thị kiến mạnh mẽ của Thánh Nữ Hildegard thành Bingen, trong nền huyền
nhiệm học nữ phái thời trung cổ (Thánh Angela thành Foligno, Thánh Gertrude
thành Helfta, Thánh Mechthild thành Magdeburg và Thánh Mechthild thành
Hackeborn), và trong số các nhân vật thuộc nhóm huyền nhiệm Bạn Bè Thiên Chúa
(Gottesfreunde) cuối thời Trung Cổ.
Qua thế kỷ 19, nền huyền
nhiệm Ba Ngôi này đặc biệt nổi bật nơi Chân Phúc Elizabeth Chúa Ba Ngôi, thuộc
dòng Cát Minh. Bà để lại cho ta một trong những lời cầu nguyện đẹp đẽ nhất của
Kitô Giáo, được bà soạn tác vào tối ngày 21 tháng 11, năm 1904. Lời cầu nguyện
đó như sau:
“Lạy
Thiên Chúa của con, lạy Chúa Ba Ngôi, Đấng con thờ lạy, xin giúp con hoàn toàn
quên con đi và ngụ cư trong Chúa, bất động và bình an, như thể linh hồn con
vĩnh viễn ở đó. Không gì có thể khuấy động sự bình an của con; không gì có thể
khiến con ra xa Chúa, ôi lạy Đấng Bất Biến của con; đúng hơn, mọi giây phút phải
dẫn con vào sâu hơn mầu nhiệm của Chúa. Xin Chúa ban bình an cho linh hồn con,
biến nó thành thiên đàng của Chúa, thành nơi cư ngụ yêu quí của Chúa, và là nơi
an nghỉ của Chúa”.
Hans Urs von Balthasar xuất
bản một tuyển tập các trước tác của Chân Phúc với tựa đề đầy ấn tượng là Der
Himmel im Glauben [Thiên Đàng Trong Đức Tin] (57).
Nền huyền nhiệm Ba Ngôi ấy
không có gì liên quan tới việc hội nhập vào Thiên Chúa một cách say mê. Ngược lại,
ánh sáng của Thiên Chúa sáng đến độ làm mù mắt con người và khiến họ chìm vào
bóng tối. Do đó, các nhà huyền nhiệm Kitô Giáo, những người từng được sự gần
gũi của Thiên Chúa đánh động và cảm nghiệm được sự hạnh phúc và bình an cách đặc
biệt từ sự gần gũi này, cũng luôn nghiệm thấy khoảng cách giữa họ và Thiên Chúa
cũng như sự siêu việt của Người. Cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa
không hề là một sự ủi an rẻ tiền và chắc chắn không hàm nghĩa việc say mê trước
nhan Thiên Chúa. Trái lại, rất nhiều lần và đôi khi trong một thời gian khá
lâu, các nhà huyền nhiệm đã rơi vào đêm tối phải cảm nghiệm cảnh Chúa Giêsu bị
Thiên Chúa bỏ rơi trên thập giá. Trong lúc hiệp thông thân mật nhất với Thiên
Chúa, họ cũng cảm nhận được sự thánh thiện và siêu việt của Người và, dù nghiệm
thấy sự diệu vợi của Thiên Chúa, họ vẫn nắm chắc sự gần gũi và tình đồng hành của
Người (58).
Đường huyền nhiệm là đường
của người hành hương, một sự chịu đựng dưới chân thập giá trong niềm hy vọng được
sống lại và được hiệp thông với Thiên Chúa mãi mãi. Như thế, cả đời huyền nhiệm
cũng vẫn là đời của người hành hương. Có lúc, nó sống trong bóng tối Gôngôta,
nhưng trong đức tin, trong xác tín rằng mình sẽ có một nơi chốn với Thiên Chúa
trong lòng thương xót của Người, nó nhìn thấy ánh sáng của hừng đông Phục Sinh ở
chân trời. Huyền nhiệm học nhận ra điều này: lòng thương xót là nguồn và là mục
tiêu của đường lối Thiên Chúa.
Kỳ sau: 3. Lòng thương
xót của Thiên Chúa: Nguồn và là mục tiêu của hành động Thiên Chúa
_______________________________________________________________________________________________________
(37) Trong bối cảnh này,
ta không thể đề cập tới mọi vấn đề có tính thánh kinh, lịch sử và hệ thống liên
hệ tới việc thiết lập ra học lý Chúa Ba Ngôi. Về vấn đề này, xem Kasper, Der
Gott Jesu Christi, ấn bản mới (2008), 31-38 và các tác phẩm trích dẫn ở đó.
Cũng nên xem Kasper, The God of Jesus Christ, 277-316.
(38) Về vấn đề này, xin
xem Kasper, Katholische Kirche, 78-80, 91-93.
(39) Các phân tích về hiện
tượng này chủ yếu tìm thấy trong công trình của Jean Luc Marion. Xem Chương II,
1.
(40) Như thế, phương châm
nổi tiếng của Công Đồng Lateran thứ tư (1215): “vì giữa đấng tạo dựng và tạo vật, ta không thể nhận ra bất cứ sự tương
tự nào lớn đến nỗi không thể nhìn ra một sự bất tương tự lớn hơn giữa họ với
nhau” Xem Các Sắc Lệnh của Các Công Đồng Chung, 2 cuốn, do Norman P. Tanner
hiệu đính (Washington: Georgetown University Press, 1990), 1:232.
(41) Dựa vào Johannes
Evangelist Kuhn liên quan tới điểm này, xem Kasper, The God of Jesus Christ,
294.
(42) Xem Thánh
Bonaventura, Cuộc Hành Trình Tới Thiên Chúa của Tâm Trí, VI, 1. Những tuyên bố
tương tự cũng tìm thấy trong Breviloquium, I c.2-3 và I Sent d.2 q.2 và q.4
(43) Về mối tuơng quan giữa
hai đặc tính nhiệm cục (economic) và nội tại (immanent) của Chúa Ba Ngôi, xem
Kasper, The God of Jesus Christ, 273-77.
(44) Ý niệm tự bỏ mình của
Thiên Chúa được trình bầy trong nền thần học hư vị hóa (kenosis) của Thệ Phản
trong thế kỷ 19 một cách đến nỗi Thiên Chúa từ bỏ hữu thể Thiên Chúa của Người.
Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong thông điệp Sempertinus Rex (1951) của ngài, rất
đúng khi lên án giáo huấn này. Về vấn đề này, xem Kasper, Das Absolute in der
Geschichte, 521-30. Ở đây không phải là vấn đề Thiên Chúa từ bỏ hữu thể Thiên
Chúa của Người trong hành vi hư vị hóa, nhưng đúng hơn, Người mạc khải hữu thể
Thiên Chúa của Người trong chính hành vi này. Chính theo nghĩa này, hư vị hóa
đã được trình bầy trong nền thần học Chính Thống của Sergei Bulgarov và trong nền
thần học Thệ Phản hiện thời của Jurgen Moltmann.
(45) Do đó, mà có Kinh Tiền
Tụng I cho Lễ Phục Sinh.
(46) Dựa vào Schelling:
Kasper, Katholische Kirche, 120tt.
(47) Gaudium et Spes, số
22.
(48) Jungel, God as the
Mystery of the World, 261-98; nhất là 283tt. Jungel đã thực hiện một việc tốt
là thăm dò và đưa ra công thức này. Tuy nhiên, ông đã đưa ra hai công thức đối
chọi nhau nhưng, trên thực tế, cả hai đều đúng: một công thức xem xét bên trong
chiều kích tự nhiên, và công thức kia xem xét bên trong chiều kích ơn thánh.
(49) Về các giải thích
như thế (dù đã bị bác bỏ ở đấy), xem Rudolf Schnackenburg, Das
Johannesevangelium (Freiburg i. Br.: Herder, 1975), 333.
(50) Về các công thức nội
tại tính của Thánh Gioan, xem các bài bàn thêm của Rudolf Schnackenburg, Die
Johannesbriefe (Freiburg i. Br.: Herder, 1953), 91-102.
(51) Xem J. Eckert và J.
Weismayer, “Christusmystik”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 2:1179-82.
(52) Kasper, Katholische
Kirche, 122-29, 161-65, 201-11, 241-42.
(53) Thánh Tôma Aquinô,
In Psalmos 24, n.7; 50, n.1, 4-6, 9. Xem Summa theologiae, pt.III q.1, a.2.
Thánh Tôma trực tiếp tham chiếu Thánh Augustinô (Sermon 138).
(54) Thánh Bonaventura,
Cuộc Hành Trình tới Thiên Chúa của Tâm Trí, lời nói đầu, 2; VII,3.
(55) Thánh Bonaventura,
Cuộc Hành Trình tới Thiên Chúa của Tâm Trí, VII, 2-4.
(56) Công trình của Hugo
Rahner có tính nền tảng về vấn đề này. Xem cuốn Symbole der Kirche: Die
Ekklesiologie der Vater (Salzburg: Muller, 1964), 11-87.
(57) Elisabeth de la
Trinité, Der Himmel im Glauben: Eine Auswahl aus ihren Schriften, bản dịch của
Hans von Balthasar (Einsiedeln: Johannes Verlag, 2000); Hans von Balthasar,
Schwestern im Geist: Therese von Lisieux und Elisabeth von Dijon (Einsiedeln:
Johannes Verlag, 1990)
(58) Thần nghiệm học Ba
Ngôi đại diện cho cây cầu quan trọng giữa nền linh đạo Giáo Hội học của Tây
phương và của Đông Phương dưới hình thức linh đạo tĩnh tọa (hesychasm). Đặc biệt
quan trọng là nền linh đạo Chính Thống Nga (Solovyov, Berdayev, Lossky,
Bulgakov). Xem Mikhail G. Meerson-Arsenov, The Trinity of Love in Modern
Russian Theology (Quincy, IL: Franciscan, 1998). Cũng phải nhắc đến truyền thống
mộ đạo phái (pietists: Johannes Arndt, Michael Hahn v.v…).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét