Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

TỘI, TÌNH, THƯƠNG, THA (Chúa Nhật XI TN, năm C)


TỘI,  TÌNH,  THƯƠNG,  THA
( Chúa  Nhật  XI  TN,  năm  C)



Trước mặt Thiên Chúa chí thánh, chẳng có ai nhân lành, “chỉ một mình Thiên Chúa nhân lành” (Mc 10:18). Thật vậy, bất cứ ai cũng miệt mài dò dẫm tìm về Nhà Cha qua con đường tội lỗi và thứ tha: Tội – Tình – Thương – Tha (4 chữ T). Tất cả là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Đúng vậy, tác giả Thánh Vịnh đã đặt vấn đề: “Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3).
Chúng ta biết rằng các thánh là những “anh hùng đức tin”, nhưng nhiều người trong số đó cũng đã từng lao đao suốt chặng đường lữ hành trần gian – chiến đấu không ngừng với ba thù. Vị thánh nào cũng phải chiến đấu không ngừng, nhất là cố gắng từ bỏ chính mình, và thậm chí có những lúc họ còn phải độc hành trong “bóng tối nghi ngờ và thất vọng”.

Cố gắng “hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48) là điều không hề dễ chút nào. Có thể vượt qua “ngưỡng” này thì mới khả dĩ nên thánh. Thiên Chúa đã gọi chúng ta là “những bậc thần thánh” (x. Ga 10:34), như một cách “triệt buộc”. Vì có TỘI nên cần TÌNH, thèm THƯƠNG và mong THA. Do đó, ai cũng phải nỗ lực nên thánh: chiến thắng TỘI để có TÌNH, được THƯƠNG và được THA. Ai biết cố gắng vượt qua chính mình thì Thiên Chúa sẽ bảo vệ: “Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần” (2 Tx 3:3).
Ai cũng biết rằng vua Đa-vít là một “tay chẳng vừa”, cung phi mỹ nữ đầy mà vẫn… “tham của người”. Ông là một trong những tội nhân “có tiếng” chứ chẳng xoàng gì. Ông Na-than “nói bóng gió” về tội lỗi của ông Đa-vít, nhưng ông Đa-vít đã tức giận. Ông Na-than nói với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài!”.
Ông Na-than nhắc lại cho ông Đa-vít biết lời Thiên Chúa đã tuyên phán: “Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người?” (2 Sm 12:7-8).
Điều dữ đó là gì? Ông Na-than nói tiếp: “Ngươi đã dùng gươm đâm U-ri-gia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia, người Khết, làm vợ ngươi” (2 Sm 12:9-10).
Thật may phúc là vua Đa-vít đã “sáng mắt” mà hối hận, và nói với ông Na-than: “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (2 Sm 12:13a). Ông Na-than nói với vua Đa-vít: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết” (2 Sm 12:13b). Đúng là “phúc lớn bằng cái đình” – nói theo cách ví von của người Bắc.
Được tha tội là có phúc, tội càng to mà được tha thì phúc càng lớn. Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người mà Chúa không hạch tội và lòng trí chẳng chút gian tà” (Tv 32:1-2).
Chẳng ai dám nhận mình ít tội hơn người khác, hoặc tội nhẹ hơn người khác. Nhưng dù tội nhiều hay ít cũng cần phải tựa nương vào Chúa, phải trú ẩn nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, và phải tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Tuyệt đối phải nhận biết mình là tội nhân: Tôi Thật Tồi Tệ (4 chữ T), chắc chắn Thiên Chúa sẽ không chê bỏ và sẽ cứu khỏi lối mê đường lầm. Chắc chắn không có nơi nào an toàn bằng Thiên Chúa, hãy chân thành tín thác và thân thưa với Ngài: “Chính Chúa là nơi con ẩn náu, giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo. Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên những khúc ca mừng con được giải thoát” (Tv 32:7).
Không phạm tội vì không có dịp thì chỉ là “chuyện nhỏ”, chưa hay lắm, có dịp mà không phạm tội mới là người công chính. Nếu vậy thì hãy vui mừng tạ ơn Chúa, như tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Chúa, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo” (Tv 32:11). Chắc chắn không ai có thể trì hoãn niềm vui sướng được, thế nên có khi người ta phải bật cười hoặc bật khóc.
Có tội là bất chính, sạch tội là công chính. Hãy nghe Thánh Phaolô giải thích: “Con người được nên công chính KHÔNG phải nhờ LÀM những gì Luật dạy, nhưng NHỜ TIN vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Kitô Giêsu, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy” (Gl 2:16). Làm công to, việc lớn cỡ nào cũng chẳng là gì nếu THIẾU ĐỨC TIN, nhưng CÓ ĐỨC TIN thì việc nhỏ cũng trở nên có giá trị. Đức Maria diễm phúc vì đã tuyệt đối tin vào Thiên Chúa (Lc 1:45).
Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể bằng kinh nghiệm sống đức tin của ông: “Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích” (Gl 2:19-21).
Quả thật, đức tin rất quan trọng trong kiếp sống phàm nhân. Không thấy mà tin mới đáng công, thấy mà tin thì không còn là đức tin nữa. Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Và Kinh Thánh cũng đã xác nhận: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Ngài làm chỗ nương thân” (Gr 17:7). Trong chu kỳ 4T (Tội – Tình – Thương – Tha) rất cần có “chất keo” ĐỨC TIN để nối kết chặt chẽ các “mắt xích”.
Trình thuật Lc 7:36-50 nói về một câu chuyện “quen thuộc”. Đó là chuyện người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và chị đã yêu mến nhiều. Chúng ta thường nghĩ phụ nữ này là Thánh Maria Mađalêna, nhưng không phải vậy, đừng nghĩ oan cho bà. (*)
Một hôm, có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa. Ngài đến nhà ông Si-môn theo lời mời của ông này – biệt danh là “Si-môn Cùi”. Khi mọi người đang ăn, có một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại đó, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Ngài mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Có lẽ thấy chướng mắt, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là một người tội lỗi!”. Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!”. Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. Có lẽ ông này cảm thấy “chột dạ” lắm, vì ông mới chỉ nghĩ trong đầu mà Chúa Giêsu cũng biết. Lạ thật đấy!
Ngài điềm nhiên nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”. Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm”. Cách nói của Chúa Giêsu rất nhẹ nhưng chắc hẳn ông Si-môn “nhức đầu” lắm. Và chúng ta cũng vậy thôi, vì chúng ta đâu hơn gì ông Si-môn: lườm nguýt, liếc xéo, nói hành, khinh người, phe cánh, ảo tưởng, tự mãn, mạo nhận,… Đủ kiểu và đủ mánh khóe tinh vi!
Rồi Ngài quay lại phía người phụ nữ và nói “một lèo” với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng KHÔNG đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã CHẲNG hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng KHÔNG đổ lên đầu tôi, còn chị ấy lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. Những chữ “không” thật là nhức nhối lắm!
Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. Ôi, hạnh phúc biết bao! Chị chưa xin mà được Chúa Giêsu tha rồi. Hoàn toàn được trắng án. Tuy nhiên, hành động và nước mắt của chị còn hơn là những lời van xin tha thứ. Thiên Chúa biết hết, biết nước mắt nào là nước mắt sám hối thật hay giả, đông thái nào phát xuất từ tình yêu hay chỉ là “vải thưa che mắt thánh”.
Nghe Chúa Giêsu nói vậy, những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”. Đúng là những kẻ giả hình, lúc nào cũng chỉ đề cao mình và nghi ngờ người khác. Nhưng Chúa Giêsu không thèm nói với họ, và Ngài nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.
Thiên Chúa có quyền tha tội, nhưng có được Ngài tha hay không còn tùy vào niềm tin của chúng ta. Có tin thì mới thật lòng ăn năn, có chân thành sám hối thì mới được tha thứ, được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con nhận diện chính con để biết con là một tội nhân xấu xa nhất, nhờ đó mà con biết khiêm nhường và thay đổi cách sống đúng với Tôn Ý Ngài. Xin cho con biết Chúa và biết con để con yêu mến Ngài hết sức lực và hết trí khôn, thể hiện lòng mến đó qua các động thái yêu người hằng ngày. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU


(*) Xin xem Mt 26:6-13, Mc 14:3-9, Ga 12:1-8 để xác định rằng phụ nữ tội lỗi này là ai. Cả ba Thánh sử Mátthêu, Máccô và Gioan đều nói đó là cô Maria ở Bêtania, chỉ có Thánh Luca không nói rõ địa danh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét