Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

SỰ SỐNG (Chúa Nhật X TN, năm C)






SỰ  SỐNG
(Chúa Nhật X TN, năm C)
Trầm Thiên Thu)


Thiên Chúa là Đấng hằng sống – hằng sinh, trường sinh hoặc vĩnh sinh (Đnl 5:26; Gs 3:10; Tl 8:19; R 3:13; 1 Sm 14:39 & 45; 1 Sm 17:26 & 36; 1 Sm 19:6; 1 Sm 20:3 & 21; 1 Sm 25:26 & 34; 1 Sm 26:10 & 16; 1 Sm 28:10; 1 Sm 29:6; 2 Sm 2:27; 2 Sm 4:9; 2 Sm 12:5; Tv 42:3; Tv 84:3; Mt 16:6; Mt 26:63; Ga 6:57; Cv 14:15; 2 Cr 3:3; 2 Cr 6:16; 1 Tx 1:9; 1 Tm 3:15; 1 Tm 4:10; Dt 7:24-25), vì chính Ngài là Sự Sống (Ga 14:6).

Cuộc sống tưởng dài mà ngắn ngủi. Cuộc sống bình thường mà kỳ lạ. Cuộc sống luôn đầy bí ẩn. Katrina Mayer nói: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng như bạn muốn, nhưng nó luôn diễn ra theo cách của nó”. Với các Kitô hữu, đó là Thánh Ý của Thiên Chúa.

Sự sống rất quý giá. Người ta có thể làm giả mọi thứ, nhưng không thể làm ra sự sống. Đơn giản như cái trứng, người ta làm trứng giả y như thật, nhưng nó không thể nở ra một sinh vật. Cái cây đến lúc chết, đố ai làm nó sống lại được. Con người cũng tương tự. Người ta tìm mọi cách để kéo dài tuổi thọ, nhưng cũng chỉ được một khoảng thời gian nào đó mà thôi, rồi cũng phải chết theo quy luật của Thiên Chúa: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27).

Chắc chắn phải có một Đấng có quyền trên sự sống, và chỉ có Đấng đó mới làm cho sống và làm cho chết, đó chính là Thiên Chúa: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên” (Tv 104:29-30). Là phàm nhân, không ai có quyền trên sinh mạng của người khác. Bất cứ ai ngăn cản sự sống đều là kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, là phạm trọng tội, dù đó là một thai nhi chưa chào đời.

Bị cảm cúm nhẹ mà còn chưa xử lý được thì tại sao lại dám làm hại sự sống của người khác – như áp dụng an tử hoặc phá thai? Đụng chạm đến sự sống là đụng chạm đến chính Thiên Chúa – vì Ngài là Sự Sống, là Nguồn Sống, là Đấng có quyền trên sự sống của muôn loài, muôn vật.

Trình thuật 1 V 17:17-24 cho biết việc ông Êlia cứu chữa một đứa con của một bà góa ở Xa-rép-ta, thuộc Xi-đôn. Chữa bệnh là một dạng bảo vệ sự sống, là cứu sống người khác.

Đứa con trai của bà góa bị bệnh nặng đến nỗi nó tắt thở. Với bản tính con người, bà trách ông Êlia: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?”. Ông Êlia bảo bà đưa đứa con cho ông. Ông bồng đứa trẻ và đem lên phòng, chỗ ông ở, và đặt nó nằm lên giường. Rồi ông cầu xin: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?”. Ba lần ông nằm lên trên đứa trẻ, và kêu cầu Chúa cho hồn vía đứa trẻ lại trở về với nó. Đức Chúa nghe tiếng ông Êlia kêu cầu, và nó sống lại. Ông Êlia bồng đứa trẻ trao cho mẹ nó. Bà nói với ông Êlia: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng”.

Tin chứ đừng tưởng. Ai tin thì sẽ được. Nhưng đức tin đó phải được chứng tỏ bằng việc cầu nguyện không ngừng: “Hai tay cầu Chúa giơ lên, hồn con khát Chúa như miền đất khô. Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa, vì con vẫn tin cậy nơi Ngài” (Tv 143:6 & 8). Chắc chắn Ngài không nỡ bỏ mặc những ai thành tín. Tuy nhiên, khi được cứu thoát rồi, đừng quên dâng lời cảm tạ: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2).

Tác giả Thánh Vịnh đã có kinh nghiệm “sinh – tử” và muốn chia sẻ với chúng ta qua lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:4-6).

Cầu xin, cầu xin nữa, cầu xin mãi. Nhất định không bán đồ nhi phế, quyết tâm không nản chí sờn lòng. Đó phải là “khẩu lệnh” của mỗi chúng ta. Không phải trong một thời gian theo phong trào, theo chiến dịch, mà phải là mọi ngày trong suốt cuộc đời. Hãy noi gương tác giả Thánh Vịnh: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Tv 30:11-13).

Trình thuật Gl 1:11-19 nói về ơn gọi của Thánh Phaolô. Ông bộc bạch và can đảm thú nhận sai trái của mình: “Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải. Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông”. Nhiệt tình cộng với phá hoại thì thật là nguy hiểm!

Thiên Chúa không thể làm ngơ trước tình cảnh đau khổ của những người tin Ngài, và Ngài đã ra tay. Phaolô đành thúc thủ sau cú ngã ngựa chí tử. Ông không thể cưỡng lại Thiên Chúa, và ông đã thấm nhuần đức tin sâu xa.

Ông cho biết chi tiết: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giêrusalem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày. Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa”. Những lời trần tình của Thánh Phaolô không dài, nhưng vẫn đầy đủ chi tiết cần thiết. Lời ngắn, tình dài là thế!

Tin Mừng hôm nay là trình thuật của Thánh Luca (Lc 7:11-17), tiếp tục nói về việc cứu nhân độ thế của Chúa Đức Giêsu: Làm cho con trai bà goá thành Nain sống lại.

Hôm đó, Chúa Giêsu đi đến thành Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi theo. Khi Ngài đến gần cửa thành, đang lúc người ta đưa đám tang người con trai duy nhất của một bà goá. Trông thấy bà khóc lóc thảm não, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”. Rồi Ngài đến sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại.

Chúa Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Ngài trao anh ta cho người mẹ. Đúng là chuyện lạ chưa hề thấy bao giờ!

Do đó, mọi người đều kinh sợ. Nhưng họ lại tôn vinh Thiên Chúa: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Thế là chuyện này được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận. Hữu xạ tự nhiên hương. Vả lại, dù chuyện tốt hay xấu, chẳng ai có thể bịt miệng dân chúng được!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết bảo vệ sự sống. Xin giúp con can đảm bảo vệ môi trường, vì bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống, bảo vệ đại công trình của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét