Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

CÔ ĐƠN và NHIỆM VỤ





CÔ  ĐƠN  và  NHIỆM  VỤ
Trầm Thiên Thu)

[Đăng báo ĐMHCG, số 358, tháng 6-2016, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ – Bài chủ đề của số báo này]

Nói tới nỗi cô đơn, người ta thường nghĩ tới tuổi già – mặc dù có nhiều hoàn cảnh cô đơn khác nhau. Tại sao? Vì tuổi già là lúc con cái đã lớn, chúng có gia đình riêng, và tuổi già còn bị chê là lạc hậu, cổ hủ, thế là bị con chê, bị cháu cười. Người già cứ thui thủi một mình, buồn lắm!

Giáo hội muốn chúng ta nhớ đến người già và cầu nguyện cho họ. Ngoài người già, còn có những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người sống lẻ loi, ngay cả ở giữa các thành phố lớn. Cầu cho họ có những cơ hội gặp gỡ và được sống trong tình liên đới.

CÔ ĐƠN
 Cô đơn là thế nào? Cô đơn (hoặc cô độc) khác với một mình. Người ta có thể cô đơn ngay khi đang ở giữa đám đông, nhưng người một mình chưa hẳn là người cô đơn. Cô đơn rất đa dạng và có nhiều mức độ: Già cả, thất tình, thất bại, thất vọng,...

Cô đơn là khi người ta trào nước mắt mà không có chiếc khăn nào để lau, là khi người ta sống giữa cuộc đời bộn bề mà không tìm được bến lặng, là khi người ta có được niềm vui mà không có người cùng chia sẻ, là khi người ta buồn mà không có người lắng nghe, là khi người ta sống giữa gia đình mà không tìm được sự đồng cảm, là khi người ta luôn bị người khác dõi theo mà không bắt gặp được ánh mắt chân tình cảm thông, là khi người ta ở bên những người bạn mà ta không tìm được người thân tín chia sẻ, là khi người ta quay cuồng trong dòng đời mà không tìm được chút ấm áp của tình thương, là khi người ta ngột ngạt giữa nhịp sống hối hả mà không tìm được nhịp bước của cuộc đời mình, là khi người ta đứng giữa muôn người mà vẫn cảm thấy giá lạnh trong tâm hồn, là khi người ta vấp ngã trên đường đời mà không ai đỡ nâng, là khi người ta lo âu mà không có ai an ủi, là khi người ta muốn hòa đồng mà lại bị người khác xa lánh,...

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, xin đề cập riêng về nỗi cô đơn của người già.

Sách Khôn Ngoan giải thích: “Tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi” (Kn 4:8). Rõ ràng người già đáng kính không phải vì tuổi tác mà là cách sống. Vì thế, đừng tưởng tuổi già thì “ngon” hơn tuổi trẻ, rồi muốn làm gì thì làm!

Còn về cái gọi là “tuổi thọ”, tác giả sách Khôn Ngoan cho biết thế nào mới đúng là sống thọ: “Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ” (Kn 4:9). Điều đó muốn nói rằng không phải cứ tóc bạc là già, cứ tóc bạc là khôn ngoan. Tuổi già mà thanh sạch, đứng đắn, nghiêm túc, đó mới thực sự là người sống thọ. Cách nói “hưởng dương”“hưởng thọ” chỉ là khái niệm của nhân loại, theo kiểu “phân biệt giai cấp”, tự cho mình là “ngon lành” khi được ghi trên bảng cáo phó là “hưởng thọ”. Chết rồi thì còn “oai” gì? Hay là cái “oai” đó dành cho người còn sống? Tư tưởng của phàm nhân rắc rối mà vô ích quá!

Về nỗi cô đơn, tiểu thuyết gia Walter Scott (1771-1832, người Tô Cách Lan) nói: “Khi nghĩ về những người bạn đồng hành đã rời ta, chúng ta cảm thấy CÔ ĐƠN gấp đôi”. Còn Paul Tournier (1898-1986, bác sĩ và tác giả người Thụy Điển) lại có cách nhìn khác: “Không gì làm chúng ta CÔ ĐƠN hơn những bí mật của mình”.

Kinh Thánh cũng đề cập nỗi cô đơn nhiều lần. Tác giả sách Ai Ca thổ lộ: “Tôi khóc ròng khóc rã, cặp mắt tôi, suối lệ tuôn trào. Bởi Đấng ủi an tôi, Đấng ban lại cho tôi sức sống, Người đã lìa xa tôi. Con cái tôi phải MỒ CÔI CÔ ĐỘC bởi chưng thù địch quá hung tàn” (Ac 1:16). Nỗi cô đơn quá lớn, quá rộng, quá dày, tác giả phải thốt lên: “Người bỏ mặc tôi CÔ ĐƠN tiều tuỵ” (Ac 3:11).

Ngôn sứ Isaia cũng có lúc than thở: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ. Từ sáng tới khuya, Chúa làm con hao mòn sinh lực” (Is 38:12). Theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng có lúc cảm thấy quá đỗi cô đơn khi ở trong Vườn Dầu (Mt 26:39; Mt 26:42; Lc 22:42) và trên Thập Giá (Mt 27:46; Mc 15:34; Tv 22:2).

Cô đơn rất đáng sợ, nhưng cô đơn không đáng sợ nếu không cảm thấy đơn độc. Chúa Giêsu xác định: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người KHÔNG để tôi CÔ ĐỘC, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8:28-29). Chúa Giêsu cũng “ớn” nỗi cô đơn lắm, thế nhưng Ngài vẫn vững lòng mà “uống chén đắng” vì Ngài không cảm thấy đơn độc, vẫn luôn tin tưởng có Chúa Cha đồng hành với Ngài.

Ngài biết trước mọi sự nhưng ngài không dao động, luôn xác tín và động viên người khác: “Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy CÔ ĐỘC một mình. Nhưng Thầy không CÔ ĐỘC đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:32).

Con người chúng ta rất yếu đuối, vì thế mà phải tỉnh thức và tự nhủ bằng niềm xác tín vào Thiên Chúa: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc 11:14). Vâng, đó là điều chắc chắn! Hiểu biết và chấp nhận, chúng ta sẽ thanh thản, không cảm thấy cô đơn trong mọi hoàn cảnh.

Cuộc sống là chuỗi ngày đấu tranh, đấu tranh với đủ thứ, khó nhất là đấu tranh với chính mình. Mặc dù có cô đơn hay không, con người vẫn luôn có những nhiệm vụ minh nhiên và mặc nhiên, trực tiếp hay gián tiếp – đó là bổn phận và trách nhiệm.

NHIỆM VỤ
Không ai lại không có những công việc, đó là các nhiệm vụ – chung và riêng. Người lớn có nhiệm vụ lớn, người nhỏ có nhiệm vụ nhỏ. Theo nghĩa truyền giáo, đó là sứ vụ. Cựu Ước và Tân Ước đều có những sứ giả được sai đi để làm việc cho Thiên Chúa: Loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô chịu chết và phục sinh.

Khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy (Phép Rửa), mỗi Kitô hữu đều được Thiên Chúa trao ban ba thiên chức: Vương giả (Vương đế), Tư tế và Tiên tri (Ngôn sứ) – nói theo cách nói ngày nay, đó là “thiên chức ba trong một”.

Như vậy, ai cũng có nhiệm vụ truyền giáo, nhưng các chủng sinh và các tập sinh là những người được đào tạo đặc biệt để chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo chung của Giáo hội. Họ cần được đào tạo đúng đắn thì mới đạt hiệu quả. Họ phải gặp được những nhà đào tạo tốt để khả dĩ sống niềm vui Tin Mừng và khôn ngoan trong thời gian chuẩn bị sứ vụ truyền giáo, nhất là khi thực sự hoạt động truyền giáo.

Qua trình thuật 2 Cr 5:11-21, Thánh Phaolô cho biết cách thi hành sứ vụ:

Vì biết kính sợ Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục người ta; còn đối với Thiên Chúa, mọi sự nơi chúng tôi đều lộ trần trước mặt Người. Và tôi hy vọng rằng mọi sự nơi chúng tôi cũng lộ trần như vậy trước lương tâm của anh em. Chúng tôi không nói hay cho mình để tự giới thiệu một lần nữa với anh em, nhưng cho anh em một cơ hội tự hào về chúng tôi, để anh em có thể trả lời cho những ai chỉ biết kiêu hãnh về những vẻ bề ngoài, chứ không phải về những gì trong tâm hồn. Thật vậy, chúng tôi có điên thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn thì cũng là vì anh em. Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.

Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

Thánh Phaolô rất mạch lạc khi nói về cách thi hành sứ vụ, khá chi tiết. Một lần khác, Thánh Phaolô cho biết thêm về các dấu chỉ của người tông đồ đích thực: “Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ Tông Đồ: nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ” (2 Cr 12:12).

Có nhiều loại dấu chỉ. Dấu chỉ có thể là điềm báo tốt hoặc xấu (gở). Dấu chỉ bình thường thì thường được gọi là dấu hiệu. Về sức khỏe, dấu chỉ được gọi là triệu chứng – điềm báo xấu về một chứng bệnh nào đó.

Dấu chỉ có ở mọi lĩnh vực: tôn giáo, xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường, y tế, giao thông, thời tiết,… kể cả tâm linh. Thấy mây vần vũ, người ta đoán có thể mưa; thấy người khác khóc, người ta biết họ buồn; thấy người khác cười, người ta biết họ vui. Vô vàn dấu hiệu chúng ta thấy hàng ngày.

Cần biết dấu chỉ để chuẩn bị hoặc “chấn chỉnh” điều gì đó. Chúa Giêsu nói về dấu chỉ thời tiết bình thường để nói về dấu chỉ thời đại: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy tất cả những điều đó, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mt 24:32-33; Mc 13:28-29; Lc 21:30-31).

Thời Cựu Ước, dấu chỉ của giao ước là phép cắt bì (Cv 7:8), dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm là các vầng sáng trên vòm trời (St 1:14), dấu chỉ của một tâm hồn hạnh phúc là nét mặt vui tươi (Hc 13:26), dấu chỉ giữa Thiên Chúa với dân chúng là các ngày sa-bát (Ed 20:12).

Dấu chỉ có thể là các động thái. Chẳng hạn, quỳ là dấu chỉ của lòng sám hối, tôn thờ và cầu xin (Cv 7:50; Cv 9:40; Cv 20:30; Kn 41:43; Et 3:2; Lc 5:8; Lc 22:41), đứng là dấu chỉ kính trọng, đứng còn là tư thế của kẻ sống lại (Kh 7:9; Kh 15:2), là tư thế của những người vượt qua về miền đất hứa (Xh 12:11), là tư thế của những con người tự do (Ga 5:1; Ep 6:1-4), chắp tay hoặc khoanh tay chỉ sự nghiêm trang, kính trọng, đấm ngực chỉ sự khiêm nhường sám hối, dang tay chỉ sự cầu nguyện, làm dấu Thánh Giá là dấu chỉ nhận thức và tuyên xưng đức tin Kitô giáo, thinh lặng là dấu chỉ suy tư, suy niệm hoặc cầu nguyện,...

Khi làm việc, khi thực hiện nhiệm vụ hoặc sứ vụ, đôi khi người ta có thể cảm thấy cô đơn vì không được người khác chú ý. Nỗi cô đơn đó thường do mình ích kỷ hoặc đề cao cái tôi. Như vậy là tâm bất an. Vì thế người ta cần có sự bình an để cân bằng cuộc sống.

Thiên Chúa biết rõ điều đó, vì Ngài thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6). Thật vậy, sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ và chúc bình an tới ba lần: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19, 21 và 26). Và Ngài trao sứ vụ cho các ông: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Rồi Ngài thổi hơi để trao ban Thánh Thần cho họ.

Khi thực hiện sứ vụ, người ta khó tránh khỏi những lúc thất vọng, vì thất vọng mà cô đơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điều quan trọng là chúng ta có làm hết phận sự và trách nhiệm hay không, đừng quá chú trọng tới kết quả. Thánh Phaolô giải thích và kết luận: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1 Cr 3:6-7).

Thất bại có thể là điều tốt cho chúng ta, chứ không phải là thành công, bởi vì khi thành công, có thể chúng ta sẽ kiêu ngạo và ảo tưởng, bỏ quên cả Thiên Chúa. Đừng suy bụng ta ra bụng… Chúa! Chính Thiên Chúa đã xác định rạch ròi: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:9).

Dù thất bại hay thành công, nhất là những lúc thất bại và cô đơn, hãy mau đến với Chúa Giêsu, vì Ngài đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Và Ngài còn hứa thêm điều này: “Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài. Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6:37-38).

Cuối cùng, để sống thanh thản, tránh cô đơn và ích kỷ, hãy tâm niệm điều này: “Lành – dữ, sống – chết, giàu – nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc 11:14).

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét